Dòng chảy thông tin

Khát vọng hòa bình, thống nhất non sông

Phan Huy Thùy 29/04/2024 19:18

Thế hệ chúng tôi được sinh ra khi nước nhà đã hoàn toàn thống nhất. Dù không trực tiếp chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh nhưng nỗi đau thương, mất mát vẫn còn ám ảnh trong kí ức của người thân, hiện hữu trên cơ thể các cựu binh hoặc qua dấu tích hoang tàn của những vùng chiến địa.

Từ lời kể của các cựu chiến binh, nhờ các bài học trong sử sách, văn chương, xem lại những thước phim tư liệu…, tôi càng cảm phục, tự hào, biết ơn các thế hệ cha ông đã kiên cường, anh dũng, sẵn sàng hy sinh cho nền độc lập, hòa bình của Tổ quốc. Một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc chính là đại thắng mùa Xuân năm 1975. Thắng lợi vĩ đại này đã hiện thực hóa khát vọng hòa bình và thống nhất non sông mà Nhân dân Việt Nam đã mòn mỏi đợi chờ.

06052019thuyv4.jpg
Ngày 7/5/1954, toàn bộ Tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ bị tiêu diệt. Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt đầy hy sinh, gian khổ kéo dài suốt 9 năm. Ảnh tư liệu

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã giáng một đòn chí tử vào kẻ thù là thực dân Pháp, buộc Pháp phải kí Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954) về vấn đề chấm dứt chiến tranh xâm lược Đông Dương, chấm dứt ách thống trị thực dân của Pháp trong gần một thế kỷ trên đất nước ta. Những tưởng Việt Nam sẽ tiến tới thống nhất bằng tổng tuyển cử trong cả nước, nhưng Pháp vừa rút khỏi thì đế quốc Mỹ nhảy vào, tiến hành chiến tranh xâm lược, âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, một căn cứ quân sự phục vụ cho chiến lược toàn cầu của Mỹ. Để thực hiện mưu đồ ấy, Mỹ đã hậu thuẫn cho chính quyền và quân đội Sài Gòn làm tay sai cho chúng. Thế là, Nhân dân ta lại tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ để cứu nước.

Lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến, Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền, với hai chế độ chính trị - xã hội đối lập nhau. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam còn nằm dưới sự đô hộ của chủ nghĩa đế quốc và tay sai. Kẻ thù của Nhân dân ta lúc này là đế quốc Mỹ, một siêu cường trong thế giới tư bản, có tiềm lực kinh tế, quân sự hùng mạnh nhất.

Được Mỹ ủng hộ, Ngô Đình Diệm trở thành tổng thống đầu tiên của Việt Nam cộng hòa, từ ngày 26/10/1955. Chế độ Mỹ - Diệm ra sức đàn áp, khủng bố, lùng sục bắt bớ những người có tư tưởng cách mạng. Từ những năm 1957 - 1959, Mỹ - Diệm mở rộng chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”; tăng cường khủng bố, đàn áp, thực hiện “đạo luật 10/59” (5/1959) lê máy chém khắp miền Nam giết hại người vô tội…

Lúc này, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 (1959) xác định con đường cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân bằng lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang nhân dân. Có nghị quyết của Đảng soi sáng, phong trào nổi dậy của Nhân dân từ chỗ lẻ tẻ đã dần lan rộng khắp miền Nam trở thành cao trào cách mạng với cuộc “Đồng khởi”, tiêu biểu nhất là ở Bến Tre. Phong trào Đồng khởi như nước vỡ bờ, lan rộng khắp nơi, giành nhiều thắng lợi lớn, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam, chuyển cách mạng từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Tháng 9/1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp tại Hà Nội đã xác định nhiệm vụ cách mạng của từng miền: miền Bắc tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, miền Nam đẩy mạnh cách mạng dân chủ Nhân dân, thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà. Trong khí thế đó, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời (20/12/1960) càng củng cố thêm niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng.

doiquantocdai-1704h3.jpg
Hình ảnh về Đồng khởi Bến Tre năm 1960. Ảnh tư liệu

Trước sức mạnh của phong trào Đồng khởi đang lan rộng, Mỹ đã áp dụng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” - một kiểu chiến lược chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mỹ, được tiến hành bằng quân đội tay sai dưới sự chỉ huy của cố vấn Mỹ, dựa vào vũ khí, trang bị kĩ thuật, phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ. Trước tình hình này, Nhân dân ta vẫn anh dũng chiến đấu, chống lại những cuộc càn quét của địch, biểu tình, phá “ấp chiến lược”, dần dần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.

Sau thất bại trên, Mỹ vận dụng chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đó là trực tiếp đưa quân viễn chinh, quân đồng minh vào nước ta cùng phối hợp với quân đội Sài Gòn tham chiến. Nhờ ưu thế quân sự với quân số đông, vũ khí hiện đại, hỏa lực mạnh, Mỹ đã mở nhiều cuộc hành quân “tìm diệt” và “bình định” vào hai mùa khô từ 1965 – 1967, đồng thời gây ra chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Nhân dân ta giành nhiều thắng lợi lớn, khiến kẻ thù choáng váng. Phong trào biểu tình, phản đối chiến tranh, đòi Mỹ rút quân về nước lan rộng ở Việt Nam và khắp nước Mỹ. Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ coi như thất bại hoàn toàn.

Mỹ tiếp tục thực hiện chiến lược mới “Việt Nam hóa chiến tranh”, “Đông Dương hóa chiến tranh”. Nhằm phá hoại và cắt đứt chi viện từ miền Bắc, cứu vãn tình hình, tạo lợi thế chiến trường để có lợi trên bàn đàm phán ở Paris nên Mỹ ồ ạt ném bom bắn phá miền Bắc. Trận chiến 12 ngày đêm từ tối ngày 18 đến hết ngày 29/12/1972, được ví như trận Điện Biên Phủ trên không, khiến Mỹ chịu nhiều tổn thất, làm thất bại những toan tính của Mỹ, buộc kẻ thù phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và rút quân về nước. Đây là thắng lợi vô cùng to lớn sau gần 20 năm chiến đấu anh dũng, kiên cường, bền bỉ của Nhân dân ta.

Toán lính Mỹ cuối cùng rút khỏi nước ta (ngày 29/3/1973), song đế quốc Mỹ lại lập ra bộ chỉ huy quân sự trá hình, tiếp tục viện trợ cho chính quyền và quân đội Sài Gòn với âm mưu chia cắt Việt Nam lâu dài. Cuối 1974 đầu 1975, cục diện chiến tranh có sự chuyển biến mau lẹ theo hướng có lợi cho cách mạng. Nhận thấy tình hình đó, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đề ra kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 và 1976 nhưng cũng nhấn mạnh: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.

screenshot-2026-.png
Bộ đội tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk Ảnh tư liệu

Khát vọng hòa bình, thống nhất non sông cứ âm ỉ mãi trong lòng những người con đất Việt. Đến nay, khát vọng đó càng thêm sục sôi, cháy bỏng. Thực hiện quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả dân tộc cùng ra trận trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975 lịch sử. Hậu phương miền Bắc đã dốc toàn lực để chi viện cho miền Nam tạo nên sức mạnh áp đảo về thế và lực so với quân địch, phục vụ tốt yêu cầu Tổng tiến công khi có lệnh.

Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 gồm ba chiến dịch lớn liên tiếp: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy diễn ra trong 55 ngày đêm, với tốc độ thần kỳ, đã liên tiếp giành thắng lợi vang dội, lần lượt các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung được giải phóng. Thừa thắng xông lên, đúng 17h ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu nổ súng, các cánh quân của ta dần áp sát vào Tổng hành dinh của chính quyền Sài Gòn. Đúng 11h30’ ngày 30/4/1975, lá cờ chiến thắng của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn bị bắt và tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

99.jpg
Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập hồi 11h30' ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là chiến thắng vĩ đại trong lịch sử dân tộc, góp phần quyết định vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thắng lợi đó đã chấm dứt 21 năm chống Mỹ và 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc ở nước ta, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân trong cả nước, mở ra kỷ nguyên đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi vĩ đại này là kết quả của sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng với đường lối chính trị, quân sự độc lập, tự chủ, sự vận dụng tài tình nghệ thuật quân sự của quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Nhân dân ở hai miền đoàn kết nhất trí, giàu lòng yêu nước, lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, xây dựng và bảo vệ miền Bắc, thống nhất nước nhà. Như vậy, đại thắng mùa Xuân năm 1975 góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ đã hiện thực hóa khát vọng hòa bình, thống nhất non sông của cả dân tộc, thỏa niềm mong ước thiêng liêng của Bác “Tiến lên chiến sĩ đồng bào/Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn!”.

Thế hệ trẻ ngày nay nhìn lại cuộc kháng chiến chống Mỹ, đỉnh cao là đại thắng mùa Xuân năm 1975 càng thêm tự hào, trân trọng thành quả cách mạng, biết ơn các thế hệ đã hi sinh vì Tổ quốc… Từ đó, thế hệ trẻ không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Phan Huy Thùy