Kinh tế

Hỗ trợ doanh nghiệp khơi dòng việc làm

Phan Thanh Nga 01/05/2024 05:51

Đắk Nông chú trọng hỗ trợ máy móc, thiết bị cho doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động.

Tiếp sức cho doanh nghiệp

Cuối năm 2017, Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ An Phát, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) thành lập. Chị Trần Thị Dịu, Giám đốc Công ty An Phát chia sẻ: “Đắk Nông có lợi thế về nông nghiệp nên chúng tôi đầu tư máy móc vào chế biến nông sản. Sản phẩm chúng tôi khởi nghiệp là mắc ca”.

img_0058(1).jpg
Năm 2023, Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ An Phát, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) được Trung tâm Khuyến công của tỉnh hỗ trợ 290 triệu đồng đầu tư mua sắm máy móc phục vụ sản xuất

Trong quá trình sản xuất, chị Dịu muốn mở rộng quy mô và đa dạng sản phẩm nhưng gặp khó khăn trong tiếp cận công nghệ do nguồn vốn ít. Năm 2023, công ty được Trung tâm Khuyến công Đắk Nông hỗ trợ 290 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, công ty đã mạnh dạn đầu tư thêm 1 tỷ đồng mua dàn máy phục vụ chế biến các loại bánh làm từ nông sản. “Trung tâm Khuyến công của tỉnh hỗ trợ công ty một phần kinh phí mua máy cán cắt tự động và máy chạy thanh phục vụ cho sản xuất các loại bánh. Được đầu tư máy móc, công ty nâng công suất cao gấp 10 lần so với trước đây làm thủ công. Các máy móc giúp chúng tôi sản xuất các loại bánh là thanh gạo lứt chà bông, thanh gạo lứt rong biển, thanh sầu riêng sấy thăng hoa đồng đều, đẹp mắt và chất lượng tốt hơn nhiều so với làm thủ công như trước đây. Công suất sản xuất tăng cao nên chúng tôi mạnh dạn những đơn hàng lớn và từ đó sản xuất phát triển mạnh mẽ hơn”, chị Dịu chia sẻ.

Năm 2023, Công ty An Phát đã sản xuất trên 50 tấn bánh, 30 tấn mắc ca, cao nhất từ trước đến nay. Từ việc được hỗ trợ kinh phí mua máy chế biến bánh, Công ty An Phát đã đầu tư máy sấy thăng hoa chế biến sâu, nâng chất lượng sản phẩm lên hàng cao cấp. “Chúng tôi đã nghiên cứu và chế biến ra sản phẩm sầu riêng ngũ cốc sấy thăng hoa và được thị trường đánh giá cao”, chị Dịu vui vẻ cho biết. Sản phẩm sầu riêng ngũ cốc sấy thăng hoa của chị Dịu nghiên cứu, sản xuất đã đạt giải nhất Cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2023 do Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trao tặng.

img_0072(1).jpg
Được hỗ trợ kinh phí đầu tư dây chuyền sản xuất nên Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ An Phát, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) đã nâng cao công suất, chất lượng chế biến các loại bánh

Nhiều công ty khác cũng được tỉnh Đắk Nông hỗ trợ kinh phí từ đó đổi mới trang thiết bị, máy móc, công nghệ để chế biến sâu nông sản. Trong đó, từ năm 2017 đến nay, Công ty TNHH TM XNK Macca sachi Thịnh Phát, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) được Trung tâm Khuyến công Đắk Nông hỗ trợ máy sấy thăng hoa và máy sấy lạnh; Sở Khoa học – Công nghệ hỗ trợ máy tách nhân; Sở Nông nghiệp – PTNT hỗ trợ máy chế biến trà với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng.

img_0202(1).jpg
Từ nguồn kinh phí được Trung tâm Khuyến công Đắk Nông hỗ trợ, Công ty TNHH TM XNK Macca sachi Thịnh Phát, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) đã đầu tư thêm nguồn vốn lớn mua máy sấy thăng hoa sấy nông sản

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hương, Giám đốc Công ty Thịnh Phát chia sẻ: “Một mình công ty bước đi sẽ rất khó khăn nhưng được các sở, ban, ngành quan tâm, đồng hành giúp chúng tôi thuận lợi hơn nhiều trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Sự hỗ trợ của tỉnh là động lực cho chúng tôi mạnh dạn đầu tư chế biến sâu nhiều nông sản của Đắk Nông. Cùng với nguồn vốn của tỉnh hỗ trợ, chúng tôi đã đầu tư 8 tỷ đồng để trang bị máy móc chế biến sâu các nông sản của Đắk Nông”.

img_0217(1).jpg
Công ty TNHH TM XNK Macca sachi Thịnh Phát, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) sử dụng máy sấy thăng hoa giúp nâng cao chất lượng trái cây sau chế biến

Trong đó năm 2023, sau khi được Trung tâm Khuyến công Đắk Nông hỗ trợ kinh phí, Công ty Thịnh Phát đã đầu tư dàn máy sấy thăng hoa. “Máy sấy thăng hoa là công nghệ cao cấp trên thị trường. Chúng tôi đã sấy thăng hoa nhiều nông sản như quả bơ, sầu riêng, mít, măng cụt, mắc ca, hồ tiêu… Ưu điểm nổi trội của máy sấy thăng hoa giúp bảo quản nông sản được lâu, giữ được nguyên màu, nguyên chất dinh dưỡng của sản phẩm khoảng 90% so với khi sử dụng tươi”, chị Hương nhấn mạnh.

27.500 lao động có việc làm

Trong số hơn 2.700 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả ở Đắk Nông có nhiều đơn vị ở lĩnh vực chế biến nông sản. Các doanh nghiệp đang tạo việc làm cho khoảng 27.500 lao động với thu nhập ổn định từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Một số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả cao thu nhập của lao động đạt trên 10 triệu đồng/người/tháng.

img_0094-2-.jpg
Các công ty được hỗ trợ máy móc đã mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương
nam-mau.jpg

Một trong những giải pháp của Đắk Nông đó là khuyến khích các hộ gia đình, tập thể, cá nhân thành lập công ty, doanh nghiệp, nhất là đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản. Thời gian qua, các công ty, doanh nghiệp của tỉnh đã góp phần quan trọng trong xây dựng thương hiệu nông sản của Đắk Nông, nâng cao thu ngân sách của tỉnh.

img_0226(1).jpg
Nông sản của Đắk Nông đang khẳng định thương hiệu nhờ các công ty đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại vào chế biến sâu

Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đắk Nông cho biết: "Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, các sở liên quan chú trọng hỗ trợ nhiều công ty, doanh nghiệp nâng cao quy mô nhà máy, công suất của trang thiết bị, máy móc để chế biến nông sản chất lượng cao, xây dựng thương hiệu trên thị trường. Từ đó, các công ty sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới, nhiều lao động của tỉnh có thêm việc làm, thu nhập ổn định".

Phan Thanh Nga