Chính trị

Chiến thắng Đức Lập, giải phóng Gia Nghĩa - Mấu chốt quan trọng của chiến dịch Tây Nguyên

An Huyền 29/04/2024 06:00

Chiến thắng Đức Lập và giải phóng Gia Nghĩa đã cắt đứt tuyến đường chi viện của địch từ Đông Nam bộ lên Tây Nguyên theo quốc lộ 14 và từ Lâm Đồng sang theo quốc lộ 28, làm cho địch rơi vào thế bị động, mất phương hướng chiến đấu.

Vai trò quan trọng của chiến thắng Đức Lập trong Chiến dịch Tây Nguyên

Chiến thắng Đức Lập (9/3/1975) đã phá vỡ tuyến phòng thủ phía tây thị xã Buôn Ma Thuột của địch, từ đó tạo đà cho Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, dẫn tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Quân lỵ Đức Lập (tỉnh Quảng Đức cũ - Đắk Mil ngày nay) có vị trí chiến lược quan trọng cả về quân sự, kinh tế, chính trị, được xem như “cánh cửa thép” khống chế Nam Tây Nguyên, Đông Nam bộ và vùng biên giới Campuchia.

3.jpg
Quân Giải phóng đánh chiếm sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy trong trận Buôn Ma Thuột, tháng 3-1975. Ảnh tư liệu

Để án ngự vị trí quan trọng này, tại Đức Lập, địch đã xây 5 cứ điểm mạnh như: Cứ điểm Núi Lửa án ngữ quốc lộ 14 (khu vực xã Thuận An), với các lô cốt, hầm ngầm và hệ thống chướng ngại vật dày đặc; Sở Chỉ huy hành quân Sư đoàn 23 đóng tại trung tâm; trận địa pháo 105 ly đóng ở "đồi Trung Đoàn" (thuộc khu vực xã Đắk Lao)...

Tại đây, địch xây dựng các công sự kiên cố, vững chắc, chướng ngại vật dày đặc, có sân bay trực thăng dã chiến và trường huấn luyện biệt kích đóng tại khu vực xã Đắk Sắk. Lực lượng địch tại đây có 2 tiểu đoàn bộ binh, một chi đoàn xe tăng, 5 đại đội bảo an cùng với các đơn vị trinh sát, công binh trực thuộc Sư đoàn 23 được trang bị quân trang, vũ khí hiện đại.

Đến tháng 3/1975, trong Chiến dịch Tây Nguyên, Đức Lập được chọn là điểm mở đầu, then chốt để tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột. Chia sẻ trong bài "Chiến thắng Đức Lập - mấu chốt quan trọng trong Chiến dịch Tây Nguyên" đăng trên Báo Đắk Nông ngày 30/04/2022, Trung tướng Khuất Duy Tiến, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, nguyên Trưởng Phòng Tác chiến Mặt trận Tây Nguyên thông tin, ban đầu quân ta có kế hoạch đánh chiếm TP. Gia Nghĩa (Quảng Đức cũ). Tuy nhiên, sau chiến thắng Phước Long (1/1974), Bộ Tổng Tư lệnh giao cho Mặt trận Tây Nguyên nhiệm vụ mới, chưa đánh TP. Gia Nghĩa trước mà chuyển sang đánh căn cứ quận lỵ Đức Lập và căn cứ Núi Lửa.

baodaknong.org.vn-database-image-2023-01-20-_36-2.jpg
Tinh thần chiến thắng Đức Lập được Đảng bộ, chính quyền Nhân dân huyện Đắk Mil phát huy xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, khang trang

Xác định đánh căn cứ Đức Lập là một nhiệm vụ rất quan trọng, liên quan mật thiết với mục tiêu chính của chiến dịch là thị xã Buôn Ma Thuột, đích thân Thượng tướng Vũ Lăng - Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã dẫn đầu đoàn cán bộ của Mặt trận và của Sư đoàn 10 đi trinh sát Đức Lập.

Vào lúc 5h'55' ngày 9/3/1975, Sư đoàn 10 và Sư đoàn 316 bộ đội chủ lực của ta phối hợp với bộ đội địa phương và lực lượng du kích của huyện Đức Lập đã đồng loạt nổ súng đánh vào quận lỵ Đức Lập. Chưa đầy 3 tiếng sau, Trung đoàn 28 chiếm cứ điểm Núi Lửa; Trung đoàn 66 chiếm Sở Chỉ huy hành quân của Sư đoàn 23 địch. Riêng tại khu vực trung tâm, dựa vào hệ thống lô cốt, hầm ngầm kiên cố, địch chống trả rất quyết liệt. Sư đoàn 10 phải tổ chức nhiều đợt tiến công, đưa pháo hạng nặng vào gần, hạ nòng bắn thẳng. Tới 8'30' ngày 10/3/1975 ta mới làm chủ được quận lỵ.

Cùng ngày hôm đó, Sư đoàn 10 tiếp tục tấn công căn cứ Đắk Sắk, chiếm Đắk Song. Về cơ bản, trong ngày 10/3, toàn bộ tuyến phòng thủ của địch tại Đức Lập sụp đổ, Buôn Ma Thuột bị chia cắt, cô lập.

321.jpg
Đắk Mil ngày nay (quân ly Đức Lập cũ) là đô thị trung tâm khu vực phía Bắc của tỉnh Đắk Nông (Ảnh Ngô Minh Phương)

Chiến thắng Đức Lập đã góp phần đẩy mạnh khí thế tiến công và nổi dậy của toàn chiến trường, mở ra một bước ngoặt quan trọng trong chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cũng theo Trung tướng Khuất Duy Tiến, trận tiêu diệt cụm cứ điểm địch ở căn cứ Đức Lập là trận thắng lớn đầu tiên của quân đội ta trong Chiến dịch Tây Nguyên. Chiến thắng Đức Lập là thắng lợi mang tính “nút thắt”, mở thông đường hành lang chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi để Sư đoàn 316 đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột 10/3/1975, tạo đà cho Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi. Chiến thắng Đức Lập đã góp phần đẩy mạnh khí thế tiến công và nổi dậy của toàn chiến trường, mở ra một bước ngoặt quan trọng trong chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Giải phóng Gia Nghĩa cắt đứt tuyến đường chi viện của địch

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh Quảng Đức (Đắk Nông ngày nay) là địa bàn trọng yếu của hành lang chiến lược Bắc-Nam, tuyến chi viện chiến lược từ Nam Tây Nguyên vào Đông Nam bộ.

234-a331990ab7f5156455448b2f8a649148(1).png
Căn cứ kháng chiến B4-Liên tỉnh IV (thôn Tân Tiến, xã Nâm Nung, Krông Nô) là căn cứ địa cách mạng của lực lượng kháng chiến (tỉnh Quảng Đức cũ-nay là tỉnh Đắk Nông) và lực lượng kháng chiến liên tỉnh IV trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1959 - 1975)

Theo sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Nông (1930-2005), từ ngày 30/9 đến 8/10/1974, Bộ Chính trị họp bàn về chủ trương giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 đến 1976 và chọn Tây Nguyên làm hướng tấn công chủ yếu trong năm 1975. Theo phương hướng đó, Bộ Chính trị quyết định giải phóng miền Nam trong hai năm 1975, 1976. Thị xã Buôn Ma Thuột được chọn là trận mở màn cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Vùng thị xã Gia Nghĩa và huyện Khiêm Đức là mục tiêu phối hợp cho mặt trận chính ở Buôn Ma Thuột.

Dưới sự chỉ đạo của các Tỉnh ủy Đắk Lắk, Lâm Đồng, Phước Long các huyện Kiến Đức, Đức Lập, Khiêm Đức, Đức Xuyên và thị xã Gia Nghĩa hừng hực khí thế bước vào cuộc tổng tấn công. Lúc này có nhiều nhân tố khách quan thuận lợi tác động tới chiến trường Nam Tây Nguyên. Từ cuối tháng 12-1974 đến đầu năm 1975, hệ thống phòng thủ của địch từ Bù Đốp, Đồng Xoài, Phước Long đã bị ta quét sạch. Ngày 6-1-1975, tỉnh Phước Long hoàn toàn giải phóng.

Đoàn Khối phối hợp tổ chức “Hành trình đến với địa chỉ đỏ” tại Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt bon Cây Xoài, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa
Đoàn Khối Các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông phối hợp tổ chức “Hành trình đến với địa chỉ đỏ” tại Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt bon Cây Xoài, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa

Sau khi Quân giải phóng đánh chiếm Đức Lập, Kiến Đức (ngày 9/3), Buôn Ma Thuột (ngày 10/3), quân địch thất thủ ở các nơi tháo chạy về Gia Nghĩa, tạo nên sự rối loạn nơi đây. Hệ thống phòng ngự của địch ở phía bắc và tây thị xã Gia Nghĩa hầu như tê liệt. Trước tình hình đó, Huyện ủy họp đề ra nhiệm vụ giải phóng huyện và thị xã, trước mắt tổ chức chặn đánh địch rút quân từ Buôn Ma Thuột qua Gia Nghĩa về Lâm Đồng theo đường số 8.

Ngày 22/3, địch ở Gia Nghĩa rút chạy theo đường Kim Đa xuống Di Linh bị lực lượng địa phương bám đánh, bắn cháy 2 xe. Địch hoảng hốt bỏ cả xe pháo chạy trốn vào rừng về phía sông Đồng Nai. 5 giờ sáng 23/3/1975, lực lượng vũ trang của ta vào tiếp quản thị xã Gia Nghĩa. Trưa 23/3, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng tung bay trước dinh Tỉnh trưởng Quảng Đức, Ty cảnh sát và các công sở khác. Thị xã Gia Nghĩa và huyện Khiêm Đức hoàn toàn giải phóng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Quảng Đức kết thúc thắng lợi.

Chiều 26/3, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại thị xã Gia Nghĩa để chào mừng chiến thắng và chào mừng sự ra mắt của Ủy ban Quân quản thị xã. Tại Lễ mít tinh, đồng chí Trần Thành đọc bản “Chương trình hoạt động” của Ủy ban Quân quản thị xã, nêu rõ các nhiệm vụ là: Tổ chức và lãnh đạo Nhân dân nhanh chóng ổn định tình hình mọi mặt; khẩn trương xây dựng hệ thống chính quyền mới; trấn áp và truy quét bọn phản động còn đang ẩn náu trong thị xã; tăng cường đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân từng bước ổn định và xây dựng thị xã vững mạnh.

Tuổi trẻ Đoàn Khối tham gia dọn dẹp vệ sinh, làm cỏ trong khuôn viên khu di tích góp phần tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp
Tuổi trẻ Đoàn Khối Các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông tham gia dọn dẹp vệ sinh, làm cỏ trong khuôn viên Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt bon Cây Xoài, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa

Là tỉnh miền núi, trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (từ 7/1954 – 30/4/1975), Quảng Đức luôn có sự thay đổi về đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện. Trong điều kiện phải đương đầu với một kẻ thù có tiềm lực hùng mạnh về kinh tế và vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, có bộ máy nguỵ quyền, ngụy quân tay sai đắc lực cùng đội quân phản động Fulro do Mỹ nuôi dưỡng, điều khiển. Đảng bộ tỉnh Quảng Đức (nay là Đắk Nông) luôn tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và dân tộc, lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh từng bước vượt qua khó khăn thử thách, khôi phục và gây dựng cơ sở cách mạng đưa phong trào lên thế tiến công địch bằng cả chính trị, quân sự và binh vận, diệt địch, phá ấp chiến lược giành quyền làm chủ. Qua đó, góp phần đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ- Ngụy, cùng quân và dân cả nước lập nên chiến công hiển hách mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Theo cuốn sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Nông (1930-2005), đánh giá, hơn 20 năm chiến đấu oanh liệt chống thù trong, giặc ngoài, điểm nổi bật của các cấp bộ Đảng tỉnh Quảng Đức (nay là Đắk Nông) là biết kết hợp chặt chẽ giữa hai nhiệm vụ trọng tâm là phát triển thực lực cách mạng, chiến đấu chống địch, giành giữ dân. Đồng thời Đảng bộ đã lãnh đạo xoi mở, xây dựng và bảo vệ vững chắc đường hành lang chiến lược Bắc-Nam, nối liền Nam Tây Nguyên với Đông Nam bộ; xóa vùng trắng của địch, xây dựng cơ sở hình thành vùng căn cứ địa kháng chiến chống Mỹ, việc mà thời kỳ chống Pháp trước đây chưa thực hiện được.

1234321.jpg
Sau 49 năm giải phóng, thành phố trẻ Gia Nghĩa đang vươn mình bứt phá trên cơ sở kế thừa truyền thống lịch sử hào hùng và những thành tựu quan trọng từ khi được chọn làm trung tâm chính trị của tỉnh Đắk Nông khi tái lập

Trong quá trình lãnh đạo thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm ấy, Đảng bộ - cán bộ, đảng viên của Đảng kiên cường trụ bám chiến trường, chịu đựng hy sinh gian khổ, gắn bó chặt chẽ, tích cực tuyên truyền vận động Nhân dân, gương mẫu đi đầu trong phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng, anh dũng chiến đấu giáp mặt với kẻ thù. Qua đó, được Nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc ít người cảm phục tin yêu, che chở đùm bọc trong những năm tháng gian khổ ác liệt nhất.

Một trong những thành tích nổi bật của Đảng bộ tỉnh Quảng Đức trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là công tác binh vận trong ngụy quân được tiến hành rất hiệu quả. Theo đó, quán triệt công tác dân vận và chính sách dân tộc của Đảng, trong điều kiện chiến tranh và kinh tế còn rất nhiều khó khăn, Đảng bộ luôn chú trọng lãnh đạo tăng gia sản xuất lương thực thực phẩm, chăm lo việc học hành, chữa bệnh cho Nhân dân, tích cực giải quyết nạn đói, đau, lạt, rách, bảo đảm đời sống tối thiểu cho đồng bào các dân tộc vùng căn cứ, vùng giải phóng. Đảng bộ chăm lo đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên dân tộc ít người, tranh thủ vận động, lôi kéo tầng lớp trên, ngụy quân, ngụy quyền, bộ máy tề ngụy ở xã ủng hộ hoặc đi theo cách mạng. Khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, đoàn kết quân dân được củng cố và tăng cường, trình độ nhận thức và giác ngộ cách mạng của Nhân dân các dân tộc được nâng lên, đưa phong trào đấu tranh của quần chúng trở nên sôi động với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, góp phần cùng cả nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”.

Đảng bộ và quân dân các dân tộc trong tỉnh tự hào về những cống hiến sức người, sức của vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với 672 người con là liệt sĩ, 750 thương bệnh binh, hàng ngàn gia đình có công với nước, 1101 trường hợp bị nhiễm chất độc hoá học; vận động 714 thanh niên tham gia thoát ly làm cách mạng, cài cắm 9 người vào hàng ngũ địch. Mặc dù còn đói cơm, lạt muối, nhưng đồng bào đã nuôi dưỡng 300 thương binh tại căn cứ Nâm Nung và đóng góp cho cách mạng 650.112 tấn lúa, gạo; 156260 tấn mì; 310.072 tấn ngô, khoai; 106.863 tấn rau đậu các loại; 20.624 con gà, vịt; 116 con trâu, bò; 479 con heo...

Lịch sử đảng bộ tỉnh Đắk Nông (1930-2005)

Giải phóng Gia Nghĩa, đã cắt đứt tuyến đường chi viện của địch từ Đông Nam bộ lên Tây Nguyên theo quốc lộ 14 và từ Lâm Đồng sang theo quốc lộ 28, làm cho địch rơi vào thế bị động, mất phương hướng chiến đấu. Phát biểu tại Lễ kỷ nệm 20 năm tái lập tỉnh Đắk Nông, ngày 23/3/2023, chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông có truyền thống yêu nước cách mạng, yêu lao động, tràn đầy sức sáng tạo và khát vọng vươn lên, có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay".

"

chien-dich-tay-nguyen_quy-4-.jpg
Ảnh Thông Tấn xã Việt Nam

Có thể khẳng định, thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên đã tạo ra sự thay đổi căn bản về so sánh lực lượng và thế chiến lược có lợi cho ta, còn địch bị động, bị suy sụp và tan rã về chiến lược, dẫn đến co cụm và bị động đối phó trên các chiến trường. Hệ thống phòng thủ của địch bị phá vỡ. Chiến trường miền Nam bị chia cắt thành hai cụm (Huế-Đà Nẵng và Sài Gòn), chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa nhanh chóng suy sụp và tan rã về chiến lược, dẫn đến co cụm và rơi vào tình trạng hoàn toàn bị động.

Trước thắng lợi đó, ngày 27/3/1975, Tổng Bí thư Lê Duẩn chỉ đạo: “Chiến thắng oanh liệt ở Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên đã tạo ra thời cơ giải phóng Đà Nẵng… Trong lúc này, thời gian là lực lượng. Phải hành động hết sức táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không kịp trở tay”. Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp và nhận định: “Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ để mở Tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu”.

Thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên nói chung, Đức Lập, Gia Nghĩa nói riêng đã mở đầu Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 thắng lợi vang dội, có ý nghĩa to lớn cả về chính trị và quân sự, đã mở ra thời cơ tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam để quân và dân ta tiếp tục thực hiện các đòn tiến công quân sự lớn, phát triển cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đi đến thắng lợi hoàn toàn.

An Huyền