Kinh tế

Nghĩa tình ở Công ty Cà phê Bazan Đắk Nông

Phan Thanh Nga 01/05/2024 05:26

Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông đã cùng người lao động vượt qua nhiều khó khăn, cùng nhau phát triển, đem lại những giá trị tốt đẹp.

Đối đãi tử tế với người lao động

Năm 2020, sau khi tốt nghiệp THPT, chị Bùi Thị Thanh Thảo, ở phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa thay vì tiếp tục học lên đại học, chị đã tìm việc làm để phát triển bản thân. Chị may mắn được Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông tuyển dụng.

Chị Thảo cho biết, mới rời ghế nhà trường, chị chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Thế nhưng, khi ấy chị rất khát khao tìm được việc làm, tạo ra thử thách cho bản thân, kiếm kế sinh nhai.

img_0016(1).jpg
Chị Bùi Thị Thanh Thảo chia sẻ niềm vui trong công việc với ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty Cà phê Bazan Đắk Nông

Chị có sở thích pha chế. Điều may mắn là trong quá trình làm việc, chị được công ty tạo điều kiện tham gia các lớp học về pha chế.

"Tôi được công ty đào tạo về kỹ thuật pha chế thức uống, làm bánh. Tôi còn được học các lớp về kỹ năng ứng xử với khách hàng", chị Thảo chia sẻ.

Anh Nguyễn Xuân Tùng, quản lý cửa hàng Cà phê Enjoy, đường 23/3, TP. Gia Nghĩa cho biết, năm 2015, anh từ quê hương Thanh Hóa đến Gia Nghĩa và gắn bó với công ty từ đó đến nay.

Anh được công ty đầu tư kinh phí học tập kinh nghiệm từ các chuyên gia hàng đầu trong ngành cà phê, ca cao. Từ đó, anh đam mê kỹ thuật rang, xay, pha chế từ cà phê đến chế biến ca cao...

img_0026(1).jpg
Sau khi được đào tạo nghề, anh Nguyễn Xuân Tùng đã có tay nghề chuyên nghiệp về rang xay cà phê và trở thành Quản lý cửa hàng Cà phê Enjoy của Công ty Cà phê Bazan Đắk Nông

Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty Cà phê Bazan Đắk Nông cho biết, toàn bộ lao động khi mới được tuyển dụng vào công ty đều rất trẻ tuổi, thường khoảng từ 20-30 tuổi.

Họ rất nhiệt huyết với công việc, nhưng lại chưa có tay nghề về lĩnh vực chế biến nông sản. Do đó, tất cả lao động đều được công ty đào tạo nghề, trang bị kiến thức, kỹ năng từ phổ thông đến chuyên sâu.

Cách làm này giúp người lao động thích ứng nhanh với công việc, trở nên chuyên nghiệp. Người lao động sau khi được đào tạo đều tự tin, nâng cao hiệu quả làm việc. Thậm chí, nếu không còn làm việc tại công ty, người lao động vẫn có nghề làm việc ở nơi khác để kiếm sống.

img_0035(1).jpg
Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty Cà phê Bazan Đắk Nông từng được Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam vinh danh là 1 trong 10 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc Việt Nam năm 2021

“Chúng tôi thường xuyên mời các chuyên gia hàng đầu về cà phê, ca cao tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm để người lao động được học tập, từ đó áp dụng vào công việc sản xuất, kinh doanh đạt kết quả cao nhất”, ông Hoàng chia sẻ.

Công ty Cà phê Bazan Đắk Nông được thành lập từ năm 2015. Công ty hiện có 15 lao động làm việc thường xuyên và được đóng đầy đủ BHXH, BHYT. Ngoài ra, công ty có 40 lao động thời vụ. Đa số lao động có thu nhập ổn định từ 6 -12 triệu đồng/người/tháng. Những cán bộ quản lý, có năng lực cao thì thu nhập cao hơn.

Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty Cà phê Bazan Đắk Nông

Người lao động nặng nghĩa ân tình

Giai đoạn 2021-2022 là thời kỳ dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Đây cũng là những năm khó khăn của cả nước.

Ông Lê Văn Hoàng nhớ lại: “Chiều 22/7/2021, Đắk Nông ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên ở Gia Nghĩa. Toàn thành phố triển khai các giải pháp phòng, chống dịch quyết liệt, với phương pháp “Ai ở đâu ở yên đó” và công ty cũng bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn nhất”.

Theo ông Hoàng, lúc bấy giờ, tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty bị tê liệt. Khi đó, công ty đã xây dựng hơn 40 đại lý, đối tác sản xuất, kinh doanh cà phê trong cả nước và rất lo lắng về tương lai.

Trong bối cảnh đó, công ty đã phải tìm mọi cách để thích ứng, tồn tại và phát triển. Điều may mắn là trong tỉnh cảnh ngặt nghèo, công ty được người lao động đồng hành, chia sẻ, nên đã vượt qua khó khăn một cách ngoạn mục.

enoy.jpg
Đồ họa: Nguyễn Hiền

Theo ông Hoàng, với tay nghề được đào tạo, nhiều lao động có thể rời công ty ra làm ở nơi khác hoặc lập nghiệp riêng. Nhưng hầu hết người lao động đã lựa chọn ở lại với công ty. Đối lại, công ty quan tâm về nhiều mặt, đồng hành với người lao động trong mọi khó khăn.

img_0010(1).jpg
Công nhân Công ty Cà phê Bazan Đắk Nông xếp sản phẩm cung ứng cho đối tác

Anh Nguyễn Xuân Tùng, Quản lý cửa hàng Cà phê Enjoy của Công ty Cà phê Bazan Đắk Nông cho biết, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thu nhập của người lao động giảm sút, cuộc sống xáo trộn. Anh hiểu rằng đó là những khó khăn chung của xã hội và vẫn gắn bó, nhiệt tình với công ty.

Điều mà anh nghĩ đến nhiều nhất khi ấy để tiếp tục cống hiến chính là những ân tình với công ty. Đó là, công ty đã cho anh có nghề nghiệp, việc làm, thu nhập ổn định.

“Dù là lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hay sau này, chúng tôi luôn đồng hành với công ty để cho ra đời những sản phẩm tốt nhất”, anh Tùng chia sẻ.

img_0020(1).jpg
Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo xác định gắn bó lâu dài với công ty và tiếp tục trau dồi tay nghề để phát triển bản thân

Chị Bùi Thị Thanh Thảo, nhân viên pha chế của Công ty Cà phê Bazan Đắk Nông cho biết: “Sau thời gian thử việc, tôi thấy mình phù hợp với môi trường làm việc của công ty và quyết định gắn bó lâu dài để phát triển bản thân. Ở công ty, chúng tôi sống rất chan hòa. Ai có ý tưởng mới đều sẵn sàng chia sẻ với công ty và được tham gia thí điểm, triển khai thực hiện. Sản phẩm có chất lượng tốt được công ty tuyên dương và đưa vào sản xuất, phục vụ thị trường”.

hoang-mau.jpg
Ảnh: Nguyễn Hiền

Hiện nay, Công ty Cà phê Bazan Đắk Nông đang liên kết với nông dân, HTX trồng trên 100ha ca cao, khoảng 200ha cà phê sạch. Công ty đã phát triển trên 100 đại lý, đối tác trong nước về cung ứng nguyên liệu, sản phẩm cà phê, ca cao, sô cô la… Sản phẩm cà phê honey và bột ca cao của Công ty Cà phê Bazan Đắk Nông đạt hạng 4 sao OCOP.

Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty Cà phê Bazan Đắk Nông

Phan Thanh Nga