Văn học - Nghệ thuật

Chuyện về những người lính Mỹ tranh đấu cho hòa bình ở Việt Nam

Tường Mạnh 27/04/2024 07:38

Cuốn sách “Tranh đấu cho hòa bình”, dịch từ ấn phẩm “Waging Peace in Vietnam” vừa được Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP. Hồ Chí Minh giới thiệu đến độc giả. Cuốn sách tập hợp nhiều tranh ảnh, tư liệu quý của những cựu binh Mỹ bước ra từ cuộc chiến tại Việt Nam.

Theo TS.Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP. Hồ Chí Minh, ấn phẩm “Tranh đấu cho hòa bình” nhằm giới thiệu đến công chúng và độc giả chi tiết về lịch sử cuộc đấu tranh vì hòa bình ít được biết đến của những người lính Mỹ và vai trò của nó đối với sự chấm dứt cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Qua nghiên cứu, sưu tầm tư liệu cho thấy, tinh thần chính nghĩa, phản đối chiến tranh của binh lính Mỹ thể hiện rõ qua các hoạt động từ chối tham chiến, với biểu hiện đầu tiên là đào ngũ.

Theo thống kê năm 1971, tỷ lệ đào ngũ và vắng mặt không phép đã lên đến 17% - mức cao nhất trong lịch sử quân đội Mỹ. Hàng vạn lính Mỹ và những người được gọi nhập ngũ đã đào ngũ sang Canada, Thuỵ Điển và nhiều quốc gia khác. Trường hợp như ông Mike Wong, sau khi nghe sự thật về việc lính Mỹ giết phụ nữ và trẻ em trong vụ thảm sát Mỹ Lai, ông đã chọn đào ngũ sang Canada. Ông nói rằng đi Canada là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời ông, vì phải từ bỏ gia đình, đất nước, bạn bè, sống cuộc sống của một người lưu vong, một tên tội phạm bị FBI truy nã. Thế nhưng, ông thà như thế còn hơn là đến Việt Nam tham chiến.

110d0(1).jpg
Ấn phẩm "Tranh đấu cho hòa bình" do Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP. Hồ Chí Minh phối hợp phát hành

Những người lính Mỹ còn tại ngũ thì chọn hình thức đấu tranh là kháng lệnh điều động sang Việt Nam. Ba lính Mỹ đầu tiên kháng lệnh điều động sang Việt Nam tham chiến là nhóm Fort Hood Three gồm: JJ Johnson, Dennis Mora, David Samas. Nhóm này đã tổ chức họp báo vào ngày 30/6/1966 và tuyên bố “Chúng tôi sẽ không tham gia vào cuộc chiến phi nghĩa, vô nhân đạo và phi pháp này. Chúng tôi không muốn liên quan gì đến một cuộc chiến tranh diệt chủng. Nhóm Fort Hood Three đã bị bắt bỏ tù 2 năm vì kháng lệnh.

Đối với lực lượng không quân và hải quân Hoa Kỳ, phải kể đến phong trào kháng lệnh mang tên “SOS” (Hãy cứu thủy thủ của chúng ta) vào năm 1971, khi hàng trăm binh sĩ đã tiến hành bỏ phiếu về việc từ chối sang Việt Nam để tham chiến.

Những binh sĩ đang trực tiếp tham chiến tại Việt Nam thì chọn hình thức đấu tranh là từ chối ra trận. Tháng 1/1965, Trung úy Richard Steinke trở thành quân nhân Mỹ đầu tiên từ chối ra trận sau khi đến Việt Nam. Trong khi đó, trang bìa tờ Daily News vào ngày 26/8/1969 đăng tải sự kiện về 60 lính Mỹ còn sống sót của một đại đội đã thẳng thừng từ chối tham gia một nhiệm vụ nguy hiểm - đánh dấu trường hợp bất tuân lệnh hàng loạt đầu tiên của lính Mỹ tại Việt Nam.

Những người lính Mỹ còn mạo hiểm, bất chấp rủi ro để lật tẩy sự dối trá và tội ác của Mỹ trong cuộc chiến tranh, nhờ đó đã giúp cho nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới biết được thực chất về cuộc chiến tranh phi nghĩa mà Mỹ đang tiến hành tại Việt Nam. Trong đó, phải kể đến hành động của Trung úy Donald W. Duncan - một lính “Mũ nồi xanh” được trao rất nhiều huân chương nhưng đã trở thành một trong những binh sĩ Mỹ đầu tiên công khai vạch trần tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Ông chỉ ra rằng: “Tất cả mọi thứ đều là dối trá. Chúng ta có bảo vệ tự do ở miền Nam Việt Nam đâu. Có tự do đâu mà bảo vệ. Lên tiếng phản đối chính quyền có nghĩa là sẽ bị tù hoặc chết… Chúng ta không mang dân chủ tới Việt Nam mà là mang tư tưởng chống phá cách mạng”.

Phi công trực thăng Hugh Thompson đã hạ cánh nhiều lần giúp đỡ hơn 10 thường dân Việt Nam thoát khỏi vụ thảm sát Mỹ Lai năm 1968. Còn ông Robert P. Chenoweth – người đã bị bắt và giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò vào năm 1968 thì nói: “Phần lớn các tù nhân chiến tranh ăn mừng ngày họ được phóng thích. Nhưng tôi lại ăn mừng ngày bị bắt… Đó là ngày tôi bắt đầu hiểu về một chủng tộc khác. Tôi biết rằng chẳng có hiểm nguy nào từ phía những người đang bắt giữ bọn tôi. Điều tôi lo lắng nhất là bọn tôi sẽ được đón tiếp như thế nào tại quê nhà khi được phóng thích”.

Nổi bật nhất trong hoạt động phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam chính là việc tố cáo về tội ác của lính Mỹ trong thảm sát Mỹ Lai của cựu binh Ron Ridehour. Chính ông đã tập hợp và cung cấp các thông tin về vụ thảm sát Mỹ Lai cho nhà báo Seymour Hersh. Sau đó, nhà báo này đã tiếp tục dùng những hình ảnh của phóng viên Ronald Haeberle đã chụp được các bức ảnh về vụ thảm sát để minh họa cho bài tường thuật của mình. Nhờ vậy, vụ thảm sát Mỹ Lai đã được dư luận biết đến.

TS. Trần Xuân Thảo cho biết, gần đây, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức trưng bày chuyên đề "Làn sóng phản đối chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam". Đây là kết quả hợp tác giữa Bảo tàng và Tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình của Mỹ (VFP), giúp công chúng Việt Nam và quốc tế hiểu thêm về sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ Mỹ, các binh lính, CCB Mỹ đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam, cùng những nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển mối quan hệ hòa bình, hữu nghị.

Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả trưng bày chuyên đề trên, được sự cấp phép bản quyền và nhượng quyền của Nhà xuất bản New Village (Mỹ), Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh phối hợp với Nhà xuất bản Trẻ in ấn và phát hành ấn phẩm "Tranh đấu cho hòa bình" tại Việt Nam. Các hoạt động cho thấy, những người lính Mỹ phản chiến thật sự là những người dũng cảm, trước sức ép của quyền lực và từ vòng xoáy của chiến tranh phi nghĩa đã biết và dám chọn lẽ phải, lắng nghe lương tâm, tiếng gọi của hòa bình, công lý cho mọi dân tộc. Bên cạnh những hình ảnh bom đạn bắn phá, giết chóc thì quan trọng hơn là nỗi đau được phơi bày từ bên trong, đó là niềm tin của những người lính Mỹ dần vỡ vụn, thực sự là cú sốc lớn gấp vạn lần nỗi đau thể xác.

cuon-sach.png

Tường Mạnh