Chia sẻ kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 23:08, 26/04/2024
Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà Lê Văn Hương giới thiệu về vườn quốc gia tại tọa đàm. |
Ngày 26/4, Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) tổ chức tọa đàm về “Kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà giai đoạn 2004-2024”.
Tham dự, có đại diện một số tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện sở, ngành tỉnh Lâm Đồng, các vườn quốc gia.
Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà Lê Văn Hương cho biết, trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, với sự hỗ trợ từ các cơ quan, ban ngành, sự hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và các nhà khoa học, đối tác trong nước và quốc tế, vườn đã thực hiện 12 nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Trong đó có chương trình nghiên cứu khoa học về đa dạng sinh học, hệ sinh thái.
Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà Lê Văn Hương giới thiệu về vườn quốc gia tại tọa đàm. |
Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà đã hợp tác, cung cấp hiện trường cho khoảng 500 đoàn các nhà khoa học đến nghiên cứu. Các kết quả nghiên cứu khoa học đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của vườn quốc gia.
Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã công bố những kết quả và định hướng chương trình nghiên cứu khoa học tại Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà, những dẫn liệu về sinh thái và đa dạng sinh học, kết quả nghiên cứu được công bố quốc tế về một số loài tại vườn quốc gia này…
Chuyên gia nước ngoài trình bày tham luận tại tọa đàm. |
Những kết quả nghiên cứu đã minh chứng Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà là một trong những trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam, với 2.077 loài thực vật có mạch, hơn 131 loài thú, 363 loài chim đã được ghi nhận.
Đây là sự kiện nhằm đánh giá chương trình nghiên cứu khoa học của Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà sau 20 năm, từ khi được Thủ tướng Chính phủ chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Bidoup-Núi Bà thành Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà. Trong đó, bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học là 1 trong 9 chương trình trọng tâm của vườn quốc gia.
Các loài động vật được ghi nhận tại Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà. |
Nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại vườn, hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học thuộc dự án VFBC, do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, đã hỗ trợ đào tạo tập huấn tăng cường năng lực cho các cán bộ ban quản lý vườn quốc gia trong quản lý giám sát rừng, đa dạng sinh học, thiết lập và nâng cấp công cụ smart, vận hành mô hình quản lý hợp tác, lắp đặt 112 bẫy ảnh hệ thống và vận hành hai tổ tuần tra tháo gỡ bẫy dựa vào cộng đồng.
Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học thuộc dự án VFBC do USAID tài trợ đã hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho các cán bộ ban quản lý Vườn quốc gia trong quản lý giám sát rừng và đa dạng sinh học, thiết lập và nâng cấp công cụ smart. |
Với sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài, các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài nước, Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tiếp tục thực hiện các hoạt động nghiên cứu, nhằm hoàn thiện cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học, phục vụ đa mục đích, từ đó hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học của vườn quốc gia và tỉnh Lâm Đồng.
Trong khuôn khổ tọa đàm, ngày 27/4, các chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu sẽ có chuyến tham quan tuyến đa dạng sinh học Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà.
Đỉnh Bidoup bồng bềnh trong sương. |
Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà nằm ở phần cao nhất về phía nam của dãy Trường Sơn, nơi hội tụ nhiều yếu tố về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng… để trở thành trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam.
Với diện tích gần 70 nghìn ha, ở vị trí trung tâm của vùng rừng tự nhiên nguyên sinh rộng lớn của cao nguyên Langbiang, vườn quốc gia này được đánh giá là một trong những khu vực có tầm quan trọng hàng đầu trong bảo tồn các mẫu chuẩn hệ sinh thái quốc gia và các loài động, thực vật nguy cấp quý hiếm, nhất là các loài thú lớn của dãy Trường Sơn.