"Cầu nối" giúp người nghèo Đắk Nông tiếp cận vốn chính sách
Các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) được xem là “cầu nối” giữa Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Đắk Nông với người dân để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
Sát với đối tượng vay
Tổ TK&VV thôn Đắk Hà, xã Đắk Sắk, Đắk Mil (Đắk Nông) là một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả trong nhiều năm qua. Toàn tổ có gần 60 thành viên, với dư nợ hơn 2 tỷ đồng.
Nguồn vốn vay từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đắk Mil được bà con sử dụng hiệu quả. Nhiều năm liền, trong tổ không có nợ quá hạn, lãi tồn đọng.
Theo ông Lê Hữu Chương, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Đắk Hà, xã Đắk Sắk, hằng năm, tổ chọn những mô hình làm ăn đạt hiệu quả cao để định hướng cho các hội viên khác làm theo.
Ban quản lý tổ đã trực tiếp đi kiểm tra đối với các hộ vay, để kịp thời báo cáo những trường hợp sử dụng vốn sai mục đích. Nhờ đó, nguồn vốn ủy thác tại thôn luôn được sử dụng đúng mục đích, góp phần tạo động lực cho nhiều thành viên thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
“Trong tổ không có trường hợp nợ quá hạn. Ngược lại, các thành viên vay vốn đều sử dụng nguồn vay rất hiệu quả. Thu nhập trong sản xuất nông nghiệp cũng từng bước nâng lên”, ông Chương cho biết.
Cũng là một trong những “cầu nối” hoạt động khá hiệu quả, những năm qua, Tổ TK&VV thôn 15, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) luôn là “điểm tựa” của nhiều thành viên.
Ông Nguyễn Thiện Trung, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn 15 cho hay, toàn tổ có 55 thành viên. Dư nợ tại tổ hơn 2 tỷ đồng. Trong các buổi sinh hoạt định kỳ, Ban Quản lý tổ thông báo đến thành viên số tiền có thể cho vay từng đợt.
Việc nhắc nhở, đôn đốc các hộ vay trả lãi, gốc đúng hạn cũng được tổ đốc thúc thường xuyên. Trước mỗi đợt giải ngân, tổ luôn tổ chức họp, bình xét dân chủ, công khai, đúng đối tượng. Tổ hướng dẫn các hộ vay làm thủ tục đúng quy định.
“Nhờ làm tốt khâu rà soát, hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả, nhiều tổ viên trong tổ thoát nghèo. Một số hộ vươn lên khá giả, từng bước xây dựng kinh tế bền vững”, ông Trung khẳng định.
Thường xuyên củng cố, kiện toàn
Theo Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông, quá trình củng cố, kiện toàn hệ thống tổ TK&VV luôn được đơn vị tăng cường. Trong đó, chi nhánh chú trọng đánh giá các tổ theo tháng, quý.
Việc đánh giá này được thực hiện trên phần mềm máy tính tự động theo một thang điểm có sẵn, trên cơ sở hoạt động thu nợ, thu lãi, cho vay, thu tiết kiệm… Với cách làm này, đơn vị đã đánh giá chất lượng, xếp loại tổ chính xác, công bằng và thực chất hơn.
"Sau mỗi lần xếp loại, số tổ hoạt động trung bình, yếu, tổ chưa đủ số thành viên theo quy định, đơn vị triển khai tập huấn, kiện toàn kịp thời. Ngân hàng còn tiến hành cấp sổ họp giao ban cho các tổ TK&VV. Nhiều nội dung được in sẵn như: kết quả hoạt động của tổ, tồn tại, khó khăn, chính sách, nghiệp vụ mới… được phổ biến tới các tổ trưởng”, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Đắk Nông Nguyễn Tiến Hà thông tin.
Cũng theo ông Hà, nhờ cách làm này, các tổ trưởng không còn lúng túng trong việc ghi chép cuộc họp như trước. Thay vào đó, các ban quản lý tổ phục vụ tốt hơn công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách mới, cũng như triển khai nhiệm vụ thu nợ, thu lãi tháng tiếp theo.
Ngoài thu tiền lãi, gốc, hệ thống các tổ TK&VV sẽ là người thường xuyên sát sao trong việc hướng dẫn, kiểm tra bà con sử dụng vốn vay.
Đối với những trường hợp vay vốn sử dụng không đúng mục đích, những khó khăn phát sinh, các tổ báo cáo kịp thời cho ngân hàng. Từ đây, NHCSXH có cơ sở nắm bắt những phát sinh dưới cơ sở để tìm ra hướng giải quyết kịp thời.
Tính đếm hết tháng 3/2024, Đắk Nông có 1.600 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở 789 thôn, bon, buôn, tổ dân phố. Số lượng tổ xếp loại tốt chiếm 96,13%; loại khá chiếm 3,38%; trung bình chỉ chiếm 0,5%; không có tổ xếp loại yếu kém.
Số liệu do Chi nhánh NHCSXH Đắk Nông cung cấp