Giải trí

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 Trường PT Hermann Việt Trì - Phú Thọ (Kèm đáp án)

Hùng Cường25/04/2024 17:15

Tổng hợp đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2024 - 2025 của Trường PT Hermann Việt Trì - Phú Thọ hay nhất với gợi ý trả lời chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để làm bài thi vào lớp 10 năm 2024 tốt hơn.

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 của Trường PT Hermann Việt Trì - Phú Thọ

I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

“Thành công và thất bại chỉ đơn thuần là những điểm mốc nối tiếp nhau trong cuộc sống để tôi luyện nên sự trưởng thành của con người. Thất bại giúp con người đúc kết được kinh nghiệm để vươn tới chiến thắng và khiến những thành công đạt được thêm phần ý nghĩa. Không có ai luôn thành công hay thất bại, tuyệt đối thông minh hay dại khờ, tất cả đều phụ thuộc vào nhận thức, tư duy tích cực hay tiêu cực của mỗi người. Như chính trị gia người Anh, Sir Winston Churchill, từng nói: “Người bi quan nhìn thấy khó khăn trong mỗi cơ hội, còn người lạc quan nhìn thấy cơ hội trong mỗi khó khăn”. Sẽ có những người bị ám ảnh bởi thất bại, bị chúng bủa vây, che lấp những cơ hội dẫn tới thành công. Tuy nhiên, đừng sa vào vũng lầy bi quan đó, thất bại là một lẽ tự nhiên và là một phần tất yếu của cuộc sống. Về thất bại, đó là một điều bạn không thể tránh khỏi, nếu không muốn nói thực sự là trải nghiệm mà bạn nên có trong đời. Vì vậy, hãy thất bại một cách tích cực.

(Trích từ cuốn Học vấp ngã để từng bước thành công - John C.Maxwell)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là gì?

Câu 2. Tìm thành phần khởi ngữ trong câu in đậm.

Câu 3: Chỉ ra và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ điệp ngữ trong hai câu văn sau: Sẽ có những người bị ám ảnh bởi thất bại, bị chúng bủa vây, che lấp những cơ hội dẫn tới thành công. Tuy nhiên, đừng sa vào vũng lầy bi quan đó, thất bại là một lẽ tự nhiên và là một phần tất yếu của cuộc sống.

Câu 4: Tác giả khuyên chúng ta cần có thái độ ra sao trước thất bại? Em có đồng tình với quan điểm: “Thất bại giúp con người đúc kết được kinh nghiệm để vươn tới chiến thắng và khiến những thành công đạt được thêm phần ý nghĩa” không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm) Từ nội dung đoạn trích phần Đọc – hiểu, hãy viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về thái độ cần có khi gặp phải thất bại.

Câu 2 (4,0 điểm)

Em hãy phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai trong các đoạn trích sau:

“Ông lại nghĩ về cái làng của ông, lại nghĩ đến những ngày cùng làm việc với anh em. Ô, sao mà độ ấy vui thế. Ông thấy mình như trẻ ra. Cũng hát hỏng, bông phèng(1), cũng đào, cũng cuốc mê man suốt ngày. Trong lòng ông lão lại thấy náo nức hẳn lên. Ông lại muốn về làng, lại muốn được cùng anh em đào đường đắp ụ, xẻ hào, khuân đá... Không biết cái chòi gác ở đầu làng đã dựng xong chưa? Những đường hầm bí mật chắc còn là khướt(2) lắm, Chao ôi! Ông lão nhớ làng, nhớ cải làng quá."

[...]

“Ông Hai quay phắt lại, lắp bắp hỏi:

- Nó... Nó vào làng Chợ Dầu hở bác? Thế ta giết được bao nhiêu thằng? Người đàn bà ẵm con cong môi lên đỏng đảnh:

- Có giết được thằng nào đâu. Cả làng chúng nó Việt gian(3) theo Tây còn giết gì nữa!

Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được. Một lúc lâu ông mới dặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ, ông cất tiếng hỏi, giọng lạc hẳn đi:

- Liệu có thật không hở bác? Hay chỉ lại…[….]

Ông lão vờ vờ đứng lảng ra chỗ khác, rồi đi thẳng[…]

Ông Hai cúi gằm mặt xuống mà đi. Ông thoáng nghĩ đến mụ chủ nhà.

Về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường, mấy đứa trẻ thấy bố hôm nay có vẻ khác, len lét đưa nhau ra đầu nhà chơi sậm chơi sụi với nhau.

Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ giàn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư?Chúng nó cũng bị người ta rẻ rung hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu…ông lão nắm chặt hai tay lại mà rít lên:

- Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này.

(Trích Làng, Kim Lân, Ngữ văn 9, tập một,NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, tr.162-166)

Chú thích:

(1) Bông phèng: nói để đùa vui.

(2) Khướt: mệt, vất vả, lâu lắm.

(3) Việt gian: những kẻ là người Việt Nam nhưng theo giặc.

Hà Nội: 15 học sinh xuất sắc đỗ cùng lúc 5 nguyện vọng vào lớp 10

Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 Trường PT Hermann Việt Trì - Phú Thọ

I. Đọc hiểu

1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Phương thức nghị luận/ nghị luận

2.

- Về thất bại: Khởi ngữ

- Tác dụng: nêu lên đề tài được nói đến trong câu

3.

- Biện pháp tu từ:

+ Nhân hoá " thất bại bủa vây, che lấp "

+ Ẩn dụ “ vũng lầy bi quan: chỉ sự chìm sâu, không thoát ra được những bi quan của người thât bại.

- Tác dụng:

+ Nhân hoá, ẩn dụ làm cho câu văn thêm sinh động, tăng sức gợi hình, gợi cảm, gây ấn tượng mạnh và thuyết phục đối với người đọc...

+ Nhấn mạnh vào những khó khăn, thách thức, những lần vấp ngã vẫn cứ đeo quanh họ, như một bức tường che lấp ánh sáng. Lên càng cần mọi người hãy giữ niềm tin, bản lĩnh nghị lực để vượt lên nó, hướng về tương lai sáng rạng.

+ Nhắc nhở mọi người cần biết đối mặt và vượt qua khó khăn, thất bại

4. Gợi ý:

- Tác giả khuyên chúng ta cần có thái độ tích cực trước thất bại

- Đồng ý với ý kiến

Lí giải: Khi đi qua thất bại, ta rút ra bài học, kinh nghiệm, ta biết đâu là điều mình thiếu sót để trau đồi bản thân. Thất bại xảy đến còn là cơ hội kiểm chứng năng lực và ý chí tự thân. Thành công đạt được ý nghĩa hơn bởi đó là thành công bằng gian khổ, bằng sự nỗ lực không ngừng. Còn nếu thành công dễ dàng đạt được thì mãi mãi ta sẽ không biết cách trân trọng, không biết rằng mình có thể vượt khó như thế nào và năng lực thật sự của mình ra sao. Do đó, con người thật sự cần đến những thất bại trên hành trình cuộc đời như một cách để tự rèn luyện, trau dồi và nỗ lực vươn lên.

II. LÀM VĂN

Câu 1

a. Đảm bảo thể thức của một đoạn văn

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

*Mở đoạn: Giới thiệu ý kiến

*Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề nghị luận : Những việc cần làm khi gặp thất bại

*Thân đoạn:

- Giải thích: thất bại chính là việc chúng ta không đáp ứng được những mục tiêu mình mong muốn, những dự định đã đặt ra hay làm một việc gì đó mà không mang lại kết quả theo dự kiến

- Nêu rõ những việc cần làm khi gặp thất bại:

+ Cần nhận thức được thất bại là một tất yếu của cuộc sống. Chẳng có ai sống một đời người mà không phải trải qua một lần thất bại. Thất bại sẽ cho bạn nhiều hơn là thành công, đó là những bài học quý giá, những kinh nghiệm thực tế, những chỉ dẫn giúp bạn đi đúng hướng hơn. hái độ tích cực, luôn tiến về phía trước này sẽ khiến bạn nhanh chóng phục hồi sau thất bại.Vì thế đừng nghĩ rằng thất bại là kết thúc. Rất có thể thất bại chính là sự bắt đầu.

+ Đừng buông xuôi mà tập trung vào tìm nguyên nhân và giải pháp. Người ta vẫn nói: “Thất bại là mẹ của thành công”, nếu bạn thất bại ở đâu bạn đứng lên ở đấy. Hãy bắt tay vào việc thay đổi, sửa chữa những sai lầm và đề ra những giải pháp để đem lại kết quả khả quan. Thông qua suy nghĩ thực tế và óc sáng tạo, bạn nên chứng minh cho mọi người thấy khả năng và câu trả lời cho vấn đề khó khăn của mình.

+ Hãy lắng nghe những lời khuyên của mọi người. Bạn biết đấy, khi thất bại, bạn sẽ nghe được hai luồng ý kiến và bạn cần phải lựa chọn cách lắng nghe một cách đúng đắn. Một chiều là những lời khuyên, kinh nghiệm, những lời động viên, chia sẻ; hai là khinh thường, chê bai… Hãy coi những điều này là động lực, là sức mạnh để bạn đứng lên sau thất bại.

+ Biết dừng lại và ra đi đúng lúc. Thất bại trong việc này không có nghĩa là bạn luôn gặp trắc trở trong công việc khác. Nếu bạn thấy không có khả năng và tinh thần để làm việc, đã đến lúc để thay đổi thì bạn đừng cố làm lại những việc mình đã thất bại nhiều lần. Hãy bắt đầu tại một môi trường mới, công việc mới hay ngành nghề mới. Biết đâu điều này lại là một yếu tố quan trọng giúp bạn phát triển và thành công.

+ Dù thất bại, bạn đừng đánh mất giá trị của bản thân. Có người vì thất bại mà đánh mất chính mình, làm những điều tội lỗi. Bạn cần nhớ rằng, giá trị của bạn không phải được đo bằng những thành công của bạn mà được đo bằng cách bạn sống giữa cuộc đời. Nên dù “ đói” cũng đừng “ăn vụng, “ túng” cũng chớ “ làm càn”. Khi bạn còn giá trị thì bạn còn có thể làm lại được mọi thứ.

- Dẫn chứng: - 1959, môtô Honda của Nhật thâm nhập thị trường Mĩ và thất bại nặng nề. Honda đã rút ra một bài học đắt giá: không thể đưa một sản phẩm vào thị trường mà không nghiên cứu đặc điểm thị trường nơi đó. Từ thất bại này, qua nghiên cứu, Honda đã đưa sản phẩm xe máy phân khối lớn sang thị trường Mĩ ( nơi này đường sá thẳng tắp, có nhiều làn đường…) và cuối cùng Honda đã thành công trong việc mở rộng thị trường ở Mĩ.

*Kết đoạn:

- Là HS: hãy cố gắng để ít gặp thất bại nhất. Nếu gặp thất bại đừng gục ngã, hãy đứng lên làm lại, hãy suy nghĩ tích cực để giữ được giá trị của bản thân mình.

d. Sáng tạo: Cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng về vấn đề nghị luận.

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.

Câu 2

Nghị luận về tâm trạng của ông Hai qua hai đoạn trích

a. Đảm bảo cấu trúc của một bài nghị luận văn học.

b.Xác định đúng vấn đề nghị luận.

c. Triển khai hợp lí nội dung đoạn văn: vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

Có thể viết bài theo định hướng sau:

A.Mở bài: Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

- Giới thiệu vấn đề nghị luận: Đoạn trích miêu tả tâm lí của nhân vật ông Hai trước và sau khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc

- Trích dẫn đoạn trích

B.Thân bài

1. Khái quát

- Truyện ngắn “làng” của nhà văn Kim Lân được viết năm 1948,thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

- Truyện kể về diễn biến tâm trạng nhân vật ông hai xoay quanh việc ông nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc để từ đó làm nổi bật tình yêu quê hương đất nước của người nông dân Việt Nam trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Truyện hấp dẫn bạn đọc ở nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật trong những tình huống đặc biệt cùng với cách viết đơn giản ngôn ngữ mộc mạc dân dã .

- Tóm tắt truyện:

Ông Hai là một nông dân thật thà, chất phác, quê ở làng Chợ Dầu. Do điều kiện kháng chiến, gia đình ông phải đi tản cư. Ở đây lúc nào ông cũng nhớ về làng và luôn dõi theo tin tức cách mạng. Nhưng một hôm ông nghe tin làng Chợ Dầu theo Tây, ông bàng hoàng, tủi nhục, đau đớn, không muốn gặp ai bỏ cả thói quen ra phòng thông tin. Ông thấy thù làng, bị bà chủ nhà đuổi, gia đình ông không biết đi về đâu nhưng kiên quyết không về làng. Sau đó, ông nhận được tin cải chính, ông vui mừng khoe với mọi người làng Chợ Dầu không theo giặc, nhà ông bị đốt và lại say sưa kể về làng.

2. Phân tích tâm lí nhân vật ông Hai trong đoạn trích.

a)Niềm vui, nỗi nhớ của ông Hai khi nghĩ đến làng Chợ Dầu

- Ông Hai vốn là một người rất yêu làng

- Đi đâu ông cũng khoe về làng của mình

- Ở nơi tản cư ông luôn muốn về làng: “Ông lại nghĩ về cái làng của ông, lại nghĩ đến những ngày cùng làm việc với anh em. […] Ông lại muốn về làng, lại muốn được cùng anh em đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá.”

+ Những ký ức về làng xưa, xóm cũ trở thành niềm an ủi, động viên ông Hai mỗi khi chán nản.

+ Chỉ cần được ở lại làng, cùng chiến đấu với anh em thì như có một luồng sinh lực mới chảy dồi dào trong ông, và dù có gian khổ, khó nhọc, nguy hiểm đến bao nhiêu ông cũng chịu được.

+ Hình ảnh đó hoàn toàn trái ngược với ông Hai lúc nào cũng buồn chán, bức bối, không biết làm gì trong căn bếp tản cư.

-Vì không thể về làng nên trong ông lại trào dâng một nỗi nhớ khôn nguôi: “Ông Hai nhớ cái làng, nhớ cái làng quá.”

=>Tâm sự của ông Hai là tâm sự của một người gắn bó với làng tha thiết, yêu làng bằng một niềm tự hào chân chính.

b. Tâm trạng của ông Hai lúc mới nghe tin làng theo giặc

- Lúc mới nghe tin làng mình theo giặc, ông Hai bàng hoàng đến sửng sốt "Cổ ông lão nghẹn ng hắn lại, da mặt tê rần rần, ông lão lặng đi đến không thở được. Một lúc lâu, ông mới rặn è è như nuốt một cái gì vướng trong cô, ông cất tiếng hỏi, giọng lạc hẳn đi".

+ Trạng thái bàng hoàng, hụt hẫng này là phản ứng tâm lý hết sức tự nhiên của một người quá yêu làng và quá tin vào cái làng chợ Dầu của ông. Nếu không yêu thì cái tin làng Chợ Dầu theo giặc không thể gây chấn động mạnh tựa như một cú sốc tinh thần như thế với ông Hai.

- Song, ông Hai vẫn còn nghi ngờ chưa thể tin ngay lời đồn đại, ông lắp bắp hỏi lại: "Liệu có thật không hở bác, hay là chi lại ...".

+ Ông hỏi lại để khẳng định cũng là để cố bấu víu vào một tia hi vọng rằng đó chỉ là sự nhầm lẫn là một lời đồn đại vô căn cứ.

+ Nhưng khi cái tin được khẳng định từ những người tản cư thì ông Hai không thể không tin.

+ Từ lúc ấy, tâm trạng ông bị ám ảnh, day dứt bởi mặc cảm là người làng Việt gian.

-Nghe tiếng chửi bọn Việt gian bán nước "ông cúi gằm mặt xuống mà đi"

+ Ông cảm thấy xấu hổ, nhục nhã, đau đớn. Nỗi nhục khiến ông không thể ngẩng đầu lên được.

+ Ông Hai đã đồng nhất danh dự của ông với danh dự của làng ông. Với ông, danh dự của làng cũng là danh dự của chính ông .

=> Đây là nét tâm lý cộng đồng của người nông dân Việt Nam trong thời đại mới.

c.Tâm trạng của ông Hai khi về đến nhà

- Về đến nhà, ông Hai càng tủi thân, thương con thương mình và thương cả nhữn người nông dân làng chợ Dầu vì mang tiếng là làng Việt gian"Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lại cứ giàn ra, chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư. Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đấy ư”.

- Nghĩ đến sự khinh bỉ của mọi người, ông Hai càng căm giận những kẻ Việt gian bán nước. Ông nắm chặt hai tay lại mà rít lên: "Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này".

+ Nhà văn Kim Lân đã sử dụng ngôn ngữ độc thoại để bộc lộ nỗi lòng nhân vật. Sự căm giận, nỗi tủi hổ, nhục nhã trong lòng người nông dân này không kìm nén nổi đã bật ra thành tiếng chửi. Trong nội tâm nhân vật ông Hai đã diễn ra một sự giằng xé giữa tin và không tin.

=> Tác giả đã để cho nhân vật trải qua từng cung bậc tâm lí, đẩy lên cao trào rồi bật ngược như vỡ òa ở phần sau. Ngẫm kĩ, ta thấy đối với người nông dân chất phác, tay lấm chân bùn thì cái tin làng theo giặc quả thật là cú sốc to lớn, là điều đau đớn và nặng nề mà họ phải chịu đựng.

3, Đánh giá về nội dung và nghệ thuật

- Với lối kể chuyện giản dị, tự nhiên, ngôn ngữ mang tính khẩu ngữ, ngòi bút phân tích tâm lí sắc sảo, Kim Lân đã thành công khi xây dựng nhân vật ông Hai- một người nông dân trong buổi đầu chống Pháp yêu làng, yêu nước tha thiết.

- Ông chính là hình ảnh đại diện của những người nông dân yêu nước trong hai cuộc kháng chiến trường kì – những con người đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự thắng lợi của hai cuộc kháng chiến.

- Qua đoạn trích, người đọc thấy được tấm lòng yêu mến, trân trọng của tác giả Kim Lân dành cho những người nông dân đôn hậu, chân chất mộc mạc như ông Hai

* Mở rộng nâng cao vấn đề, liên hệ thực tiễn, rút ra bài học:

- Nhà văn I-li-a đã từng nói : “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc.” Ngày nay, cuộc sống của người nông dân đã có nhiều thay đổi, chiến tranh đã không còn nhưng họ vẫn giữ một vai trò, nhiệm vụ quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Hơn ai hết họ vẫn xứng đáng để được trân trọng và ngợi ca.

C.Kết bài:

- Nhận xét chung về đoạn trích

- Đoạn trích khơi gợi tình cảm gì

- Em rút ra được bài học gì từ đoạn trích

d. Sáng tạo: Cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng về vấn đề nghị luận.

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.

Trên đây là đáp án đề thi thử vào 10 môn Văn của Trường PT Hermann Việt Trì - Phú Thọ, mong rằng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em ôn tập.

Hùng Cường