Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 Trường THCS Hùng Lô - Phú Thọ (kèm đáp án)
Tổng hợp đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2024 - 2025 của Trường THCS Hùng Lô hay nhất với gợi ý trả lời chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để làm bài thi vào lớp 10 năm 2024 tốt hơn.
Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 của Trường THCS Hùng Lô
I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc đoạn trích dưới đây:
“Nếu như không có cách nào để thay đổi thế giới bên ngoài, hãy thay đổi chính mình, bởi vì đó là điều có thể thay đổi được. Khi bạn tập trung sự chú ý để hoàn thiện bản thân, cuộc sống của bạn cũng sẽ trở nên tốt đẹp. Chấp nhận những điều bạn không thể thay đổi, thay đổi những điều bạn có thể thay đổi được, và nhìn nhận được sự khác biệt giữa hai điều này, đó là bài học mà chúng ta cần phải theo đuổi suốt cuộc đời.
Ngoài việc thay đổi hành vi của chính mình, bạn có thể thay đổi được thái độ nhìn nhận của bản thân. Khó khăn trắc trở có nhiều tới đâu cũng phải chịu thua trước thái độ và phản ứng của bạn trước chúng. Thái độ tiêu cực khi nhìn nhận một sự việc thường sẽ làm tổn thương lòng tự tin, mài mòn ý chí phấn đấu của con người. Cũng giống như khi nhìn một nửa ly nước, có người nói “chỉ còn nửa ly nước", cũng có người nói “vẫn còn nửa ly nước". Thái độ khác nhau sẽ tạo ra những cuộc đời khác nhau, bạn có thể thay đổi thế giới của chính mình thông qua việc thay đổi cách nhìn và thái độ của bản thân.
(Trích “Sống chậm lại rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi”, Alpha book biên soạn, NXB Lao động xã hội, 2014).
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.
Câu 2. Theo đoạn trích, hậu quả của việc nhìn nhận sự việc với thái độ tiêu cực là gì?
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của một phép liên kết được sử dung trong đoạn trích sau: “Nếu như không có cách nào để thay đổi thế giới bên ngoài, hãy thay đổi chính mình, bởi vì đó là điều có thể thay đổi được. Khi bạn tập trung sự chú ý để hoàn thiện bản thân, cuộc sống của bạn cũng sẽ trở nên tốt đẹp. Chấp nhận những điều bạn không thể thay đổi, thay đổi những điều bạn có thể thay đổi được, và nhìn nhận được sự khác biệt giữa hai điều này, đó là bài học mà chúng ta cần phải theo đuổi suốt cuộc đời”?
Câu 4. Thông điệp mà em tâm đắc nhất qua văn bản là gì? Vì sao lại chọn thông điệp đó?
II. LÀM VĂN (6,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 - 12 câu) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc Thay đổi chính mình.
Câu 2 (4,0 điểm)
Cảm nhận của em về vẻ đẹp con người lao động thầm lặng luôn cống hiến hết sức mình để xây dựng đất nước qua nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long ( Ngữ văn 9, tập 1).
Đáp án đề thi thử vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 của Trường THCS Hùng Lô
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Phương thức biểu đạt: nghị luận
Câu 2. Theo đoạn trích, hậu quả của việc nhìn nhận sự việc với thái độ tiêu cực là sẽ làm tổn thương lòng tự tin, mài mòn ý chí phấn đấu của con người.
Câu 3.
- Phép lặp .
- Từ ngữ thể hiện phép lặp: “thay đổi, bạn” .
- Tác dụng: nhấn mạnh những điều cần thay đổi để hoàn thiện bản thân mình, để cuộc sống trở nên tốt đẹp.
Câu 4.
Học sinh có thể trình bày 1 thông điệp tâm đắc nhất và có lí giải vì sao. Sau đây là vài gợi ý:
– Mỗi người cần phải có cách sống tích cực, suy nghĩ tích cực để thay đổi cuộc đời của mình.
– Thay đổi để thành công.
VD: Thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực luôn rất quan trọng và thiết thực. Vì thay đổi bản thân là để hoàn thiện và phát triển bản thân, làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, sống tích cực, lạc quan hơn…
II. LÀM VĂN
Câu 1
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Ý nghĩa của Việc thay đổi chính mình
c. Triển khai các ý về nội dung: Có thể trình bày theo định hướng sau:
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Ý nghĩa của Việc thay đổi chính mình
- Giải thích: Thay đổi chính mình là thay đổi những thói quen, những tính cách đã tồn tại lâu dài trong bản thân mỗi người, làm cho mình khác đi, mới mẻ, tiến bộ từ nhận thức, tri thức, tình cảm đến hành động, quan điểm…
- Ý nghĩa của việc thay đổi chính mình:
+ Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, xã hội luôn vận động, thay đổi không ngừng. Có những điều ta không thể thay đổi. Để thích ứng, ta phải thay đổi chính bản thân mình.
+ Khi thay đổi chính mình, bản thân ta trở nên mới mẻ, năng động, sáng tạo, có khả năng thích ứng cao với hoàn cảnh...; góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.
+ Thay đổi chính mình, ta cũng sẽ có thái độ sống tích cực, lạc quan, yêu đời...; vượt qua được cảm giác bi quan, chán nản, bế tắc, oán trách.
+ Trong một số hoàn cảnh, nếu không thích ứng và chịu sự thay đổi, ta sẽ là con người sống không có lí tưởng, ước mơ, hoài bão; trở nên lạc hậu, bi quan, chán nản, luôn gặp thất bại trên đường đời
( HS lấy dẫn chứng)
- Bàn luận mở rộng: Thay đổi bản thân không có nghĩa là xóa bỏ chính mình, cũng không phải là sao chép lối sống của một nhân vật xuất chúng nào đó, mà là hành trình để chính bạn trở nên hoàn thiện, ưu tú hơn.
Phê phán lối sống thay đổi không mang tính tích cực, chủ nghĩa cá nhân…
- Bài học nhận thức và hành động: Thay đổi chính mình còn thể hiện ở bản thân luôn biết khám phá và phát huy giá trị của bản thân, tự trau dồi kiến thức, học vấn; Hiểu được sự thay đổi chính mình là cần thiết, từ đó tích cực học tập và rèn luyện nhân cách, đạo đức, lối sống chuẩn mực.
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, lập luận rõ ràng, sáng nghĩa
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo nguyên tắc chuẩn chính tả, dùng từ viết câu…
Câu 2
a. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận
Có đầy đủ mở bài, thân bài, kết bài
- Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận
- Thân bài: Triển khai được các luận điểm làm rõ được vấn đề nghị luận của
- Kết bài: Khái quát được nội dung nghị luận
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Vẻ đẹp con người lao động thầm lặng luôn cống hiến hết sức mình để xây dựng đất nước qua nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm;
1. Giới thiệu chung
- Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Thành Long và tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa:
- Giới thiệu khái quát về nhân vật: Truyện khắc họa thành công nhân vật anh thanh niên đại diện tiêu biểu cho vẻ đẹp của những con người làm việc thầm lặng và lo nghĩ cho đất nước trong thập kỉ 70 ở thế kỉ XX.
2. Cảm nhận về nhân vật anh thanh niên
a. Hoàn cảnh sống và công việc khó khăn gian khổ:
- Hoàn cảnh sống và làm việc đặc biệt gian khổ của anh thanh niên được tác giả khắc họa khá rõ ràng: Anh thanh niên 27 tuổi, sống một mình trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600 m, quanh năm, suốt tháng chỉ có cây cỏ và mây mù che phủ. Đó là một thế giới cách biệt với cuộc sống của mọi người “bốn bề chỉ cây cỏ và mây mù lạnh lẽo”. Nơi anh ở rất vắng vẻ, thiếu người qua lại, vắng bạn tâm tình trò chuyện. Bởi thế mà bác lái xe đã gọi anh là “người cô độc nhất thế gian”.
- Công việc khí tượng kiêm vật lý địa cầu dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu. Nhiệm vụ cụ thể là “đo gió, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất...”, “lấy những con số, mỗi ngày báo về “nhà” bằng máy bộ đàm bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối, lại một giờ sáng ». Đây là công việc vô cùng vất vả, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại, sự tỉ mỉ chính xác và có tinh thần trách nhiệm cao.
b. Vẻ đẹp phẩm chất, tâm hồn cao quý của anh thanh niên
*Luận điểm 1: Anh thanh niên rất yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm cao với công việc.
+ Anh thanh niên rất yêu nghề: Sống một mình trên đỉnh núi cao với rừng xanh, mây trắng và bão tuyết nhưng anh vẫn yêu nghề, yêu công việc, có nhận thức sâu sắc về ý nghĩa công việc :“Khi ta làm việc ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với bao anh em đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy chứ cất nó đi cháu buồn đến chết mất ” đã giúp ta nhận thấy điều đó. Qua lời anh kể và lời bộc bạch này, ta hiểu rằng anh đã thực sự tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong công việc thầm lặng giữa Sa Pa và sương mù bao phủ.
- Anh rất vui mừng vì nhờ anh phát hiện ra đám mây khô đã góp phần cho không quân ta bắn hạ được bao nhiêu phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng “…từ hôm ấy cháu thấy mình thật hạnh phúc”.Với anh, hạnh phúc là được đóng góp một phần công sức nhỏ bé thầm lặng của mình cho cuộc sống xây dựng và bảo vệ đất nước, đem lại hòa bình cho dân tộc.
+ Anh luôn có tinh thần trách nhiệm với công việc: Là người thành thạo, am hiểu công việc, nhìn gió hay nhìn trời, nhìn sao anh cũng có thể “nói được mây, tính được gió”. Anh ý thức một cách rất rõ ràng: “Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc?”. Nhận thức đó cho thấy anh trẻ nhưng không hời hợt. Anh sống một mình nhưng không cô đơn vì lúc nào trong tư tưởng của anh mục đích sống, lẽ sống vẫn luôn luôn tồn tại và nhắc nhở.
- Làm một công việc đơn độc, phải dậy vào lúc nửa đêm, phải ra ngoài trời lúc mưa tuyết, lạnh lẽo nhưng anh vẫn luôn có ý thức trách nhiệm cao: “Gian khổ nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng. Rét, bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới. Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió giống những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung … Những lúc im lặng lạnh cóng mà lại hừng hực như cháy. Xong việc, trở vào, không thể nào ngủ được. »
*Luận điểm 2: Anh thanh niên có tâm hồn lạc quan, yêu đời, biết sắp xếp công việc, cuộc sống khoa học, gọn gàng, ngăn nắp.
- Trong buổi đầu gặp gỡ khi thấy anh thanh niên chạy vội lên trước về nhà, ông họa sĩ đã tưởng tượng ra cái cảnh “khách tới nhà bất ngờ chắc cu cậu chưa kịp quét tước, dọn dẹp, chưa kịp gấp chăn” Nhưng rồi trước mặt ông và cô kĩ sư lại hiện ra một “Căn nhà ba gian” “sạch sẽ”, đồ đạc được kê xếp gọn gàng, ngăn nắp.
- Một vườn hoa với đầy đủ sắc màu, đủ chủng loại: hoa dơn, hoa cẩm chướng, vàng, tím…
- Ngoài giờ làm việc anh còn nuôi thêm gà để lấy trứng bổ sung thêm thực phẩm hàng ngày vừa gợi không khí gia đình ấm áp.
- Ngoài ra anh còn đọc sách, coi sách là bạn: một chiếc bàn học được kê xếp cẩn thận với một cái giá sách đủ để biết anh chủ động tổ chức, cải thiện cuộc sống “một mình” như thế nào.
=>Tất cả những điều đó cho ta thấy anh tự tìm niềm vui, niềm hạnh phúc trong cuộc sống ở một nơi cô đơn, lạnh lẽo gần bốn năm qua.
*Luận điểm 3: Anh thanh niên là người rất cởi mở, chân thành, hiếu khách và rất khiêm tốn.
- Sống một mình trên đỉnh cao nên anh được bác lái xe gọi là “người cô độc nhất thế gian” và mắc bệnh “thèm người”. Vậy nên anh luôn khao khát được trò chuyện với mọi người bằng cách lấy khúc gỗ chắn ngang đường để chặn xe lại: “ đang đi thế này chợt thấy một khúc thân cây chặn ngang đường phải hãm lại một anh thanh niên từ từ chạy đến giúp đỡ” - Thì ra anh thèm người quá nên anh thanh niên kiếm cớ để dừng xe lại nhìn và nói chuyện một lát, cái hành động ấy của anh đáng yêu và thật đáng thông cảm biết bao!
- Anh còn biết quan tâm chu đáo đến những người tình cờ gặp gỡ và sẵn sàng chia sẻ yêu thương, biết vợ bác lái xe bị ốm anh còn gửi biếu củ tam thất.
- Khi gặp được người thì anh mừng đến mức tất cả cuống cuồng như không kiềm được cảm xúc: “anh chạy vụt đi, cũng tất tả như khi đến”, “người con trai nói to những điều đáng lẽ người ta chỉ nghĩ”.
- Anh là một người thân thiện, chân thành và cởi mở ngay cả với những người mới gặp lần đầu như ông họa sĩ và cô kĩ sư: Niềm nở, hồ hởi không giấu lòng, pha trà, tặng hoa và quà. Và không giấu được lòng mình anh nói to những điều đáng nhẽ người ta chỉ nghĩ: “Bác và cô là đoàn khách thứ hai thăm nhà tôi từ Tết. Và cô là cô gái thứ nhất từ Hà Nội lên tới nhà tôi từ bốn năm nay”.
- Anh trân trọng từng giây, từng phút gặp gỡ: đếm từng phút vì sợ hết mất ba mươi phút gặp gỡ vô cùng quý báu.
- Là người rất khiêm tốn, khi ông họa sĩ định vẽ chân dung anh thì anh từ chối, giới thiệu người khác xứng đáng hơn “Bác đừng mất công vẽ cháu! Cháu giới thiệu với bác ông kĩ sư ở vườn rau dưới Sa Pa! …Hay là đồng chí nghiên cứu khoa học ở cơ quan cháu ở dưới đấy….”. Qua lời tâm sự ấy ta thấy anh là người rất khiêm tốn, bởi anh cảm thấy đóng góp của mình còn nhỏ bé, chưa xứng đáng. Anh nhận thấy xung quanh còn bao nhiêu người đáng vẽ hơn mình, đóng góp nhiều hơn mình. Anh thốt lên “Ông kỹ sư làm cháu thấy cuộc đời đẹp quá!”.
3. Đánh giá, mở rộng:
- Tình huống truyện hợp lí, cách kể chuyện tự nhiên, nhân vật chính được tái hiện qua nhiều điểm nhìn của các nhân khác: ông họa sĩ, cô kĩ sư.., cách đặt tên cho nhân vật bằng các danh từ chung, lời văn thấm đẫm chất thơ.
- Nguyễn Thành Long đã gieo vào lòng người đọc xúc cảm về hình ảnh của những con người lao động thầm lặng mà cao đẹp tiêu biểu là nhân vật anh thanh niên làm công tác khí tượng một mình trên đỉnh núi cao, đang ngày đêm lặng lẽ âm thầm cống hiến hết sức mình cho đất nước:
“Nếu là con chim chiếc lá
Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.
(Tố Hữu).
* Liên hệ, mở rộng: Lẽ sống này, lý tưởng này ta còn bắt gặp trong một số tác phẩm cùng thời như Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận hay Mùa lạc của Nguyễn Khải,… Những tác phẩm ấy ra đời ca ngợi những con người đang lạc quan, làm việc hăng say, cống hiến hết mình cho đất nước.
d. Sáng tạo: có quan điểm riêng, suy nghĩ phù hợp.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.
Trên đây là đáp án đề thi thử vào 10 môn Văn của Trường THCS Hùng Lô - Phú Thọ, mong rằng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em ôn tập.