Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên (kèm đáp án)
Tổng hợp đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2024 - 2025 của Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên hay nhất với gợi ý trả lời chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để làm bài thi vào lớp 10 năm 2024 tốt hơn.
Đề thi thử vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 của Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên
A. PHẦN TRẮC NGHIỆM VÀ TIẾNG VIỆT (3,0 điểm)
Câu 1. Trắc nghiệm (1,0 điểm)
Chọn một trong bốn phương án A, B, C, D để trả lời các câu hỏi sau:
a) Chọn một từ mà nghĩa của nó KHÔNG cùng nhóm với các từ còn lại.
A. Nhân ái
B. Nhân văn
C. Nhân quả
D. Nhân đạo
b) Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: “Làm người có dại mới nên khôn/Chớ dại ngày si, chở quả khôn” (Nguyễn Bỉnh Khiêm, Dại khôn):
A. Đối lập
B. Liệt kê
C. Chơi chữ
D. So sánh
c) Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long được sáng tác năm nào?
A. 1968
B. 1969
C. 1970
D. 1971
d) Bài thơ nào sau đây kết thúc bằng câu hỏi tu từ?
A. Bếp lửa
B. Đoàn thuyền đánh cá
C. Bài thơ về tiểu đội xe không kính
D. Ánh trăng
Câu 2. Tiếng Việt (2,0 điểm). Chỉ ra và phân tích hiệu quả nghệ thuật của các biện pháp tu từ trong khổ thơ sau:
Trái đất rộng giàu sang bao thứ tiếng
Cao quý thâm trầm rực rỡ vui tươi
Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người
Như tiếng sáo như dây đàn máu nhỏ.
(Trích Tiếng Việt, Lưu Quang Vũ trong
Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, NXB Hội nhà văn, 2010)
B. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Nhà giáo dục học nổi tiếng người Nga Vasili Sukhomlinski từng nói: “Con người sinh ra không phải tan biến đi như những hạt cát vô danh mà hãy ghi dấu trong cuộc đời này và trong trái tim của người khác”.
Việc thể hiện bản thân là một nhu cầu của lứa tuổi học sinh. Vấn đề đặt ra cho mỗi chúng ta: Thể hiện bản thân như thế nào là đúng đắn? Hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 12 - 15 câu) trình bày suy nghĩ của em về cách thể hiện bản thân đúng đắn trong môi trường học đường. Trong đoạn văn em hãy sử dụng một phép liên kết câu văn và chú thích rõ phép liên kết.
Câu 2. (5,0 điểm)
Cho đoạn văn sau:
Ông lão và vờ đứng lảng ra chỗ khác, rồi đi thẳng. Tiếng cười nói xôn xao của đám người mới tản cư lên ấy vẫn dõi theo. Ông nghe rõ cái giọng chua lanh lảnh của người đàn bà cho con bú:
- Cha mẹ tiên sư nhà chúng nó! Đói khổ ăn cắp ăn trộm bắt được người ta còn thương. Cái giống Việt gian bán nước thì cứ cho mỗi đứa một nhát!
Ông Hai cúi gằm mặt xuống mà đi. Ông thoáng nghĩ đến mụ chủ nhà.
Về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường, mấy đứa trẻ thấy bố hôm nay có vẻ khác, len lén đưa nhau ra đầu nhà chơi sậm chơi sụi với nhau.
Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ tràn ra... Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu... ông lão nắm chặt hai tay lại và rít lên:
- Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này!
Ông lão bỗng ngừng lại, ngờ ngợ như lời mình nói không được đúng lắm. Chả nhẽ cái bọn ở làng lại đốn đến thế được. Ông kiểm điểm từng người trong óc. Không mà, họ toàn là những người có tinh thần cả mà. Họ đã ở lại làng. Quyết tâm một sống một chết với giặc, có đời nào lại can tâm làm điều nhục nhã ấy!...
Nhưng sao lại nảy ra cái tin như vậy được? Mà thằng chánh Bệu thì đích thị là người làng không sai rồi. Không có lửa thì sao có khói? Ai người ta hơi đâu bịa tạc ra những chuyện ấy làm gì. Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian! Rồi đây biết làm ăn, buôn bán ra sao? Ai người ta chứa. Ai người ta buôn bán mấy. Suốt cả cái nước Việt Nam này người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước.. Lại còn bao nhiêu người làng, tan tác mỗi người một phương nữa không biết họ đã rõ cái cơ sự này chưa? ...
Chiều hôm ấy bà Hai về cũng có vẻ khác. Bà bước uể oải, cái mặt cúi xuống bần thần. Đôi quang thúng thõng thẹo trên hai mấu đòn gánh. Bà đi thẳng vào trong nhà lúi húi xếp hàng vào một xó, rồi lẳng lặng ra bậc cửa ngồi ôm má nghĩ ngợi. Trẻ con cũng không đứa nào dám vòi quà. Trong nhà có cái im lặng thật là khó chịu, không ai dám cất tiếng lên nói, cả đến nhìn nhau họ cũng không dám nhìn nhau nữa...
(Kim Lân, trích truyện ngắn “Làng”, sách giáo khoa Ngữ văn 9, Tập một, trang 166)
Từ nội dung đoạn trích trên, em hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 2 trang giấy thi) phân tích tâm trạng của nhân vật ông Hai từ lúc nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc.
Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 của Trường THPT Chuyên Khoa tự nhiên
A. PHẦN TRẮC NGHIỆM VÀ TIẾNG VIỆT (3,0 điểm)
Câu 1. Trắc nghiệm (1 điểm, mỗi câu A,B,C,D được 0,25 điểm)
a | b | c | d |
C | A | C | A |
Câu 2. Tiếng Việt (2 điểm):
Khổ thơ sử dụng các biện pháp tu từ sau: Liệt kê, nhân hóa và so sánh. Liệt kê những tính từ: cao quý, thâm trầm, rực rỡ, vui tươi diễn tả vẻ đẹp phong phú với đủ sắc thái, cung bậc của các ngôn ngữ khác nhau trên thế giới (0,5 điểm).
Nhân hóa: tiếng Việt “Rung rinh nhịp đập trái tim người”, khẳng định sức sống mãnh liệt, trường tồn của tiếng Việt (0,5 điểm).
So sánh: tiếng Việt như “tiếng sáo”, như “dây đàn máu nhỏ”, những hình ảnh so sánh gợi cảm khắc họa được nét đặc sắc, thiết tha, chứa chan tâm hồn dân tộc Việt trong tiếng nói cha ông (0,5 điểm).
Qua những biện phép tu từ trên, tác giả đã thể hiện sự tôn vinh tiếng nói dân tộc. Qua tiếng Việt, ta thấy rõ cả tiếng nói đời sống, tâm hồn. Tiếng Việt là tâm tuệ con người, là hồn thiêng đất nước, là nỗi lòng và niềm tự hào của mỗi người con đất Việt (0,5 điểm).
B. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm):
Viết đoạn văn:
a) Về hình thức (0,5 điểm)
- Trình bày bằng một đoạn văn khoảng 12 - 15 câu theo một hình thức nhất định bàn về cách thể hiện bản thân đúng đắn trong môi trường học đường. Trong đoạn văn có sử dụng một phép liên kết câu văn và chú thích.
- Diễn đạt mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
b) Về nội dung (1,5 điểm):
Thí sinh có thể trình bày quan điểm riêng của mình miễn sao đoạn văn được triển khai một cách tự nhiên, hợp lí và thuyết phục, có sự kết hợp hài hòa giữa lí lẽ và dẫn chứng. Về cơ bản, đoạn văn cần đảm bảo được các ý chính sau đây:
- Nêu vấn đề nghị luận (0,25 điểm): Từ câu nói của V.Xukhomlinski dẫn dắt và nêu được vấn đề cần nghị luận.
- Giải thích (0,25 điểm): Thể hiện mình là làm cho người khác thấy được những đặc điểm của bản thân qua những hành vi, cử chỉ, lời nói, việc làm...
- Bàn luận vấn đề (trong quá trình bàn luận học sinh cần biết lấy những dẫn chứng từ thực tế đời sống để làm sáng tỏ vấn đề) (0,75 điểm):
+ Thể hiện mình là một nhu cầu của lứa tuổi học sinh. Học sinh thể hiện mình để gây sự chú ý, để khẳng định bản thân hoặc để được tôn trọng, yêu thương...
+ Ở môi trường học đường, học sinh có nhiều cách thể hiện bản thân:
Có cách thể hiện tích cực, đúng đắn như: chăm chỉ học tập, có ý thức kỷ luật, tích cực tham gia các hoạt động phong trào; yêu thương và quan tâm gia đình, bạn bè; kính trọng thầy cô giáo,...; Biết ước mơ về những hoài bão tốt đẹp.
Có cách thể hiện tiêu cực, sai trái như: đánh nhau, nói năng thiếu văn hóa, ăn mặc không phù hợp, làm ngược lại những điều tốt đẹp mà bố mẹ, thầy cô khuyên bảo,...
- Đánh giá và rút ra bài học cho bản thân (0,25 điểm): Khẳng định những cách thể hiện bản thân tích cực. Lên án, phê phán những cách thể hiện bản thân sai trái, tiêu cực. Đề ra cách thể hiện tích cực của bản thân.
Câu 2 (5,0 điểm):
1) Về kĩ năng:
Biết cách phân tích nhân vật trong đoạn trích văn xuôi. Bài viết phải đảm bảo hoàn chỉnh về kết cấu, diễn đạt chặt chẽ, mạch lạc; lời văn có sức thuyết phục; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp,...
2) Về kiến thức:
Học sinh có thể trình bày bài theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đảm bảo được các yêu cầu cơ bản sau đây:
a. Mở bài: 0,5 điểm:
Kim Lân (1920 - 2007) là một nhà văn chuyên viết truyện ngắn. Vốn gắn bó và am hiểu sâu sắc cuộc sống ở nông thôn, Kim Lân hầu như chỉ viết về sinh hoạt làng quê và cảnh ngộ của người nông dân. Truyện ngắn “Làng” được viết trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1948. Truyện đã khắc họa chân thực và cảm động hình tượng nhân vật ông Hai, một người nông dân có tình yêu làng xóm, quê hương, đất nước sâu nặng. Đoạn văn trích thể hiện rõ tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu của ông theo giặc, phản bội kháng chiến.
b. Thân bài: 4,0 điểm
- Ý 1 (1,0 điểm): Khái quát chung về nhân vật ông Hai và tình huống của đoạn trích: Ông Hai vốn là một người yêu làng Chợ Dầu tha thiết và mãnh liệt. Dù phải rời làng đi tản cư, nhưng ông vẫn nhớ về làng hay khoe về làng, thường xuyên theo dõi những thông tin thời sự và chiến thắng của quân ta, luôn tự hào, hãnh diện về tinh thần kháng chiến của làng ông. Tác giả đặt nhân vật ông Hai vào một tình huống gay cấn để làm bộc lộ sâu sắc tình yêu làng, yêu nước của ông. Tình huống ấy là cái tin làng ông theo giặc, lập tề mà chính ông nghe được từ miệng những người tản cư dưới xuôi lên.
- Ý 2 (1,0 điểm): Khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc ông Hai bàng hoàng, đau đớn, xót xa. Nghe tiếng chửi bọn Việt gian, ông “cúi gằm mặt xuống mà đi”. Về đến nhà, ông “nằm vật ragiường”, nhìn lũ con mà “tủi thân, nước mắt ông lão cứ giàn ra”. Ông thương lũ con ông cũng mang tiếng là trẻ con làng Việt gian: “Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư?”
- Ý 3 (1,0 điểm): Trong lòng ông rối bời, hoang mang, ông tự vấn chính mình, kiểm điểm những người ở lại làng và tin rằng họ vẫn trung thành với kháng chiến, cách mạng... cảm thấy cực nhục khi phải mang tiếng “Việt gian bán nước”, không khí nặng nề bao trùm cả gia đình ông. Những ngày sau, ông không dám bước chân ra ngoài, lúc nào cũng nơm nớp “người ta đang bàn tản đến cái chuyện ấy” và lo sợ cả nhà bị đuổi đi. Nhà văn đã khắc họa tâm trạng ấy của ông bằng một loạt những độc thoại nội tâm giằng xé trong lòng ông Hai với các câu hỏi tu từ, câu cảm thán,...
- Ý 4 (1,0 điểm): Đoạn văn đã diễn tả rất sinh động, cụ thể nỗi ám ảnh nặng nề biến thành sự sợ hãi thường xuyên trong ông Hai với nỗi đau xót, tủi hổ của ông trước cái tin làng minh theo giặc. Nhà văn đặt nhân vật vào tình huống thử thách bên trọng để bộc lộ chiều sâu tâm trạng. Miêu tả rất cụ thể, gợi cảm các diễn biến nội tâm qua ý nghĩ, hành vi, ngôn ngữ, đặc biệt, diễn tả rất đúng và gây ấn tượng mạnh mẽ về sự ám ảnh, day dứt trong tâm trạng nhân vật. Điều đó chứng tỏ Kim Lân am hiểu sâu sắc người nông dân và thế giới tinh thần của họ. Ngôn ngữ trong truyện rất đặc sắc, đặc biệt là ngôn ngữ của nhân vật ông Hai: ngôn ngữ mang đậm tính khẩu ngữ và lời ăn tiếng nói của người nông dân. Lời trần thuật và lời nhân vật có sự thống nhất về sắc thái, giọng điệu, do truyện được trần thuật chủ yếu theo điểm nhìn của nhân vật ông Hai. Ngôn ngữ của ông Hai vừa có nét chung của người nông dân, lại mang đậm cá tính của nhân vật nên rất sinh động.
c. Kết bài (0,5 điểm):
Tình yêu làng quê và lòng yêu nước, tinh thần kháng chiến của người nông dân phải rời làng đi tản cư đã được thể hiện chân thực, sâu sắc, cảm động ở nhân vật ông Hai. Tác giả đã thành công trong việc xây dựng tình huống truyện, trong nghệ thuật miêu tả tâm lí và ngôn ngữ nhân vật. Ông Hai là một hình tượng tiêu biểu về người nông dân với lòng yêu làng, yêu nước chân thực và xúc động thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp.
Trên đây là đáp án đề thi thử vào 10 môn Văn của Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên, mong rằng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em ôn tập.