Kinh tế

Đắk Nia "cầm tay, chỉ việc" trồng, chăm sóc cà phê cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thanh Nga 25/04/2024 05:56

Các cấp hội nông dân đã đưa kiến thức trồng, chăm sóc cây cà phê đến với đồng bào dân tộc thiểu số ở bon N’Jriêng, xã Đắk Nia TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông).

Anh K’Khiêm, bon N’Jriêng, xã Đắk Nia, có 1ha cà phê trồng 20 năm trước bằng giống cũ, cộng với chưa biết kỹ thuật chăm sóc, nên mỗi năm chỉ thu về vài tạ cà phê nhân.

Anh K’Khiêm được Hội Nông dân xã Đắk Nia tư vấn kỹ lưỡng từ khâu chọn giống, làm đất, đào hố để tái canh diện tích cà phê già cỗi; kỹ thuật bón phân, cắt tỉa cành, tạo tán, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh hại...

2(1).jpg
Hội Nông dân TP. Gia Nghĩa hướng dẫn cho nông dân ở bon N’Jriêng về kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê

“Mùa mưa tới, gia đình sẽ cải tạo 5 sào cà phê bằng cách trồng mới toàn bộ giống TR4. Tôi chọn giống TR4 vì thấy các ưu điểm như năng suất cao, chịu hạn tốt. Đợt tập huấn giúp tôi có kỹ thuật bài bản chăm sóc vườn cà phê ngay từ đầu, để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”, anh K’Khiêm chia sẻ.

Hiện nay, cây cà phê đang ở giai đoạn trái non, đây là giai đoạn quan trọng quyết định năng suất, chất lượng của cả mùa vụ. Anh K’Vinh có 2ha cà phê, trong đó 1ha mới trồng 2 năm còn 1ha cho thu hoạch nhưng vụ mùa vừa qua chỉ đạt 2 tấn nhân. Anh K’Vinh chia sẻ, do mùa trước chưa biết cách chăm sóc bài bản từ khi trái non nên năng suất thấp.

1(1).jpg
Đồng bào dân tộc thiểu số bon N’Jriêng được hướng dẫn kỹ thuật bằng cách "cầm tay, chỉ việc" ngay tại vườn rẫy giúp dễ nắm bắt, áp dụng vào thực tiễn

“Chúng tôi đã được cán bộ hướng dẫn cụ thể theo hướng “cầm tay, chỉ việc” tại vườn rẫy nên dễ dàng áp dụng. Chúng tôi được hướng dẫn cách tưới nước tiết kiệm và tủ lá xung quanh gốc để che bóng mát cho cây nhằm giảm tác động của hạn hán. Chúng tôi còn được hướng dẫn kỹ thuật bón phân làm nhiều đợt và lượng phân, dinh dưỡng phù hợp từng giai đoạn trái non, trái vừa… để cây hấp thụ tốt, tránh lãng phí từ đó giảm chi phí đầu tư”, anh K’Vinh cho hay.

Bà con ở bon N’Jriêng được thực hành trên vườn cà phê về kỹ thuật ghép cải tạo, cách cắt tỉa cành, tạo tán, phát hiện và cách phòng bệnh, trị bệnh…

“Trước đây, mỗi lần vườn cà phê bị bệnh, chúng tôi thường phun cả vườn. Nhưng nay được tập huấn, giúp tôi biết nên phun thuốc khoanh vùng, thậm chí chỉ dùng thuốc cho những cây bị bệnh. Điều này giúp giảm chi phí và bảo vệ sức khỏe của con người”, chị H’Bình chia sẻ.

3(1).jpg
Xã Đắk Nia khuyến khích nông dân chú trọng chọn các giống cà phê năng suất cao, chất lượng tốt ít bị bệnh, chống chịu hạn tốt để tái canh

Ông Lê Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Nia đánh giá: Nhiều hộ đồng bào M’nông, Mạ trồng cà phê nhưng năng suất thấp, thường chỉ đạt khoảng 2 tấn/ha.

Xã Đắk Nia đã xác định cà phê là cây trồng giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định kinh tế. Chúng tôi tập huấn cho bà con nông dân góp phần tăng năng suất, hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống.

Xã Đắk Nia hiện có trên 3.500 ha cà phê, trong đó nhiều diện tích trồng lâu năm, già cỗi, không được chăm sóc đúng kỹ thuật nên năng suất thấp. Hàng năm, xã có kế hoạch tái canh khoảng 30 ha cà phê.

“Chúng tôi khuyến khích nông dân tái canh bằng cách thay đổi giống cũ sang giống mới năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn. Nông dân tái canh bằng cách trồng mới hoàn toàn hoặc ghép chồi. Chúng tôi khuyến khích nông dân trồng giống TR4, xanh lùn. Bởi vì 2 giống này phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng của vùng đất Gia Nghĩa, chịu hạn tốt hơn so với các giống khác. Năng suất TR4, xanh lùn chăm sóc tốt đạt khoảng 4-5 tấn/ha. Nông dân mua cây giống, chồi ghép ở các địa chỉ uy tín”, ông Tuấn cho biết.

Thanh Nga