425 dự án ở Đắk Nông sẽ đội vốn vì vướng bô xít
Nhiều dự án hạ tầng ở Đắk Nông sẽ đội vốn vì nằm trong vùng quy hoạch bô xít, trong đó có những dự án sẽ tăng hàng chục tỷ đồng nếu đi vào triển khai.
Dự án Cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 2 do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư. Dự án nối liền 2 huyện Đắk Mil và Đắk Song, được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp III miền núi, vận tốc thiết kế 60 km/giờ.
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, tỉnh lộ 2 là dự án nằm trong khu vực thăm dò, khai thác bô xít. Nếu triển khai dự án, UBND tỉnh phải thực hiện các giải pháp thu hồi, bảo vệ khoáng sản theo quy định tại Điểm đ, Khoản 7, Điều 2, Quyết định số 866 ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản.
Tỉnh lộ 2 cách Nhà máy Alumin Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp khoảng 60km. Tổng nhu cầu san lấp đất nội bộ trong công trình này khoảng 74.000m3. Với định mức vận chuyển 545.000 đồng/m3, tổng chi phí là hơn 40,3 tỷ đồng.
Trong trường hợp lý tưởng, toàn bộ đất san gạt, điều phối trong dự án đều có hàm lượng bô xít có độ thu hồi 33%, khối lượng quặng tinh trong 74.000m3 là 24.420m3.
Giá trị quặng tính theo giá tính thuế tài nguyên bô xít 390.000 đồng/m3 sẽ là hơn 9,5 tỷ đồng. Chênh lệch giữa chi phí vận chuyển và giá trị quặng trong 74.000m3 là hơn 30,8 tỷ đồng.
Thêm vào đó, chủ đầu tư sẽ phải bỏ ra khoảng 3,6 tỷ đồng để mua 74.000m3 đất san lấp (chưa tính chi phí vận chuyển) để bù đắp vào lượng quặng bô xít thu hồi.
Tính toán sơ bộ, công trình này sẽ “đội vốn” hơn 34,4 tỷ đồng. Đó là chưa kể việc thu hồi, vận chuyển sẽ kéo dài thời gian, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án.
Qua rà soát, UBND tỉnh Đắk Nông xác định có 425 dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh nằm trong vùng quy hoạch thăm dò, khai thác bô xít đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc thu hồi, bảo vệ khoáng sản.
Trong đó, 37 dự án cần thiết như: cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 2; cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 5; đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê (giai đoạn 2)… cần có chính sách tháo gỡ kịp thời.
Nếu các dự án này tạm dừng, tỉnh Đắk Nông sẽ bị ảnh hưởng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Các tuyến đường không được nâng cấp sẽ khiến cho giao thông xuống cấp trầm trọng, gây ra nguy cơ mất an toàn giao thông, hạn chế lưu thông hàng hóa trong khu vực.
Đắk Nông có hơn 2.400km2 phát hiện có quặng bô xít, với trữ lượng ước tính khoảng 1,3 tỷ tấn quặng tinh. Quặng bô xít đang phân bố trên diện tích hơn 35% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến cho rằng, việc khai thác bô xít cần phải có lộ trình, thời gian hàng chục, thậm chí hàng trăm năm.
Hiện nay, tại Đắk Nông chỉ có Nhà máy Alumin Nhân Cơ của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang khai thác bô xít, sản xuất alumin.
Qua tính toán, nếu khai thác bô xít từ cự ly trên 15km về nhà máy cơ bản không có lợi nhuận. Khai thác bô xít càng xa, hiệu quả kinh tế càng thấp, thậm chí lỗ.
Theo lãnh đạo TKV, thẩm quyền thu hồi bô xít trong công trình xây dựng là chủ đầu tư. TKV chỉ thu hồi khoáng sản khi chủ đầu tư hoàn thành đầy đủ các thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng để bàn giao đất sạch cho TKV. Việc thu hồi quặng phải bảo đảm hiệu quả kinh tế cho sản xuất alumin.
Hiện UBND tỉnh Đắk Nông và TKV đã có đề nghị Bộ TN-MT cho phép được thu hồi khoáng sản khi triển khai, thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong vùng quy hoạch, thăm dò khai thác bô xít.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn phối hợp với tỉnh Đắk Nông thẩm định, báo cáo từng khu vực cụ thể để có hướng gỡ vướng cho địa phương.