Chính trị

Cuốn lưu bút – bạn tâm giao của người lính Cụ Hồ năm xưa

Hoàng Hoài - Hồ Mai 25/04/2024 05:27

49 năm đã trôi qua, ông Nguyễn Thành Chung, tổ dân phố 8, phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ vật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong đó, cuốn lưu bút được viết năm 1972 – nơi lưu giữ tâm tình của đồng đội được ông xem như người bạn tinh thần luôn theo dõi mình mỗi ngày.

Bạn tri kỷ trên đường chiến đấu

Chiếc tủ nhỏ nhưng chứa đựng trong đó cả kho ký ức, tâm tư, tình cảm của ông Chung dành cho đồng chí, đồng đội, người thân của mình từ những năm kháng chiến chống Mỹ. Trong kho tư liệu ấy, cuốn lưu bút nhỏ chưa đầy bàn tay, đã hoen ố ngả màu theo năm tháng được ông Chung coi là kỷ vật không gì sánh được.

Ông Chung cho biết: “Năm 1972, chiến tranh ác liệt, chúng tôi người cùng quê, người khác quê, nhưng đều có chung quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Khi chia tay nhau đi nhận nhiệm vụ mới, chúng tôi truyền tay cuốn lưu bút viết cho nhau vài dòng tâm sự để mang theo trên đường chiến đấu. Cũng từ đó đến nay, cuốn lưu bút trở thành người bạn tri kỷ, tâm giao, tín vật để nhắc chúng tôi hãy nhớ về nhau, coi lưu bút cũng là người bạn luôn bên mình”.

z5374533756603_fde7150bb129c14e0e9aa9df8d1abe25-1-.jpg
Cuốn lưu bút nhỏ nhưng chứa đựng tâm tình lớn được ông Nguyễn Thành Chung, phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa lưu giữ hàng chục năm qua

Mở đầu cuốn lưu bút là lời tâm sự của ông Chung về chí làm trai, cuộc đời cách mạng, lẽ sống của Bộ đội Cụ Hồ lúc bấy giờ.

“Sống” là từ đầu tiên được viết trong cuốn lưu bút của ông Chung. Ông Chung viết: “Sống ở thời đại nào, ở chế độ nào, ở xã hội nào cũng vậy, phải sống sao cho đúng đắn, đừng luồn cúi. Hãy đi bằng đôi chân rắn chắc của mình, biết sợ hãi những cái gì phải dù nó chỉ là một vật nhỏ nhất, một khía cạnh nhỏ nhất. Hãy thẳng thắn phê bình và kiên quyết đập tan những cái sai dù có là một vật to nhất, hay một khía cạnh rộng lớn nhất. Thành tựu vẻ vang vẫn là thành quả của chính bàn tay mình làm nên”.

Theo ông Chung, thời còn trẻ, ông và các bạn cùng trang lứa tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Vào chiến trường, các ông luôn dạt dào khí thế của tuổi đôi mươi, quyết tâm đánh thắng quân giặc, hy sinh có sá gì nếu đất nước chưa được thống nhất.

Với tâm niệm, đời người ai cũng chỉ sống có một lần, nên ông Chung cũng như đồng đội luôn nhắc mình phải sống sao cho xứng đáng với truyền thống của dân tộc, đi theo lý tưởng của Đảng, Bác Hồ đã chọn, gan không núng, chí không sờn, không sợ hãi cúi đầu trước gian khổ.

“Bản thân ta hãy tự ta tôi luyện là chính, phải rèn giũa cho nó làm thế nào để trở nên một người có ích cho xã hội công minh, cho đất nước và cho đúng nguyện vọng nhu cầu của đại đa số quần chúng, xứng đáng là một người đứng trong đất nước độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ”, cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung tâm niệm.

Nhắc nhở cố gắng, vươn lên

Giở từng trang lưu bút, chúng tôi ấn tượng với dòng tâm sự của một người đồng đội khi sắp chia tay đơn vị và trào dâng nỗi nhớ nhà quay quắt. Dòng lưu bút có đoạn viết: “Chiều chiều khao khát nhớ mong/Muốn về quê mẹ mà không được về/Bây giờ chắc chốn hương quê/Mẹ đang mong đợi con về mẹ ơi… Trải bao sóng gió gian nan/Bao giờ thống nhất giặc tan con về!”.

z5374533761810_a9616ae657d1bac2fa8c771886b58b93.jpg
Sống sao cho xứng đáng với niềm tin của Đảng, cách mạng, Bác Hồ và lời hứa với mẹ cha, quê nhà là điều ông Nguyễn Thành Chung, phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa luôn trăn trở, suy nghĩ

Cái buồn của thời chiến thì nhiều, nhưng đối với người lính nó chỉ được thoáng qua trong giây lát rồi sẽ phải phai đi. Bởi chiến tranh ác liệt, đất nước lầm than, Nhân dân còn đau khổ, chia cắt, các ông cần phải gác đi nỗi buồn, biến nỗi buồn, nỗi nhớ thành ý chí, động lực để phục vụ cách mạng. Dù có nhớ, có thương, có mong, có đợi thì cũng chiến thắng mới trở về.

Thống nhất trở về với mẹ còn chính là lời quyết tâm, lời hứa của mỗi chàng trai, cô gái khi lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đối với người thân, gia đình của mình lúc bấy giờ. “Lúc chúng tôi đi còn trẻ, nhưng chiến tranh là thế, một đi có thể không bao giờ trở lại. Câu chúng tôi từ biệt mẹ già cũng chỉ là “chiến thắng con sẽ trở về”. Đó là lời hứa cũng là niềm mong mỏi của chúng tôi”, ông Chung tâm sự.

Bánh xe lịch sử ấy sẽ quay và quay theo chiều quán tính của nó. Hãy đừng để cho nó nghiền nát những mộng đẹp của tuổi trẻ… Xa nhau tôi nhớ quá, giờ phút này chẳng khác đàn đứt dây, trong cuộc vui sướng chúc nhau ngày chiến thắng trở về quê hương.

Hòa trong nỗi buồn nhớ mẹ, nhớ quê còn là nỗi buồn khi phải chia xa đồng đội, đồng hương. Lưu bút có đoạn viết: “Chúng ta đã sống với nhau gần một năm rồi, hôm nay lại phải xa nhau. Chúng ta xa nhau nhưng tình cảm không xa, nó gắn liền như răng với môi. “Xa nhau gấp mấy ngàn trùng/Dù xa mãi nhưng đừng quên nhau”… Rét gì bằng gió heo may/Buồn gì bằng lúc chia tay bây giờ. Nhưng cái buồn đó nó sẽ bay đi trong gió, nó sẽ biến thành một sức mạnh cho chúng ta hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Hay “Biết rằng xa nhau sẽ nhớ và thương nhau nhiều, nhưng liệu có ai hiểu được ngôn ngữ của lòng người không Chung nhỉ?... Xa nhau, xa nhau, Tuấn rất nhớ, chỉ tiếc rằng chúng ta không được sống và tham khảo với nhau nhiều về cuộc sống của hai chúng ta nhiều hơn nữa. Song chúng ta sẽ như con thoi quay và quay mãi, đừng để cho ngừng một chút… Bánh xe lịch sử ấy sẽ quay và quay theo chiều quán tính của nó. Hãy đừng để cho nó nghiền nát những mộng đẹp của tuổi trẻ… Biết rằng ngày mai chúng ta sẽ xa nhau, là có sự phân ly, buồn nhớ nhiều hơn bao giờ hết, nhưng ta sẽ nguyện là con bướm không bao giờ lìa hoa đẹp. Hoa ấy sẽ thắm mãi trong vườn hoa cuộc sống Chung ạ... Xa nhau tôi nhớ quá, giờ phút này chẳng khác đàn đứt dây, trong cuộc vui sướng chúc nhau ngày chiến thắng trở về quê hương”.

z5374533761849_15e00f06db79aad82c6358536dd42f22-1-.jpg
Ông Nguyễn Thành Chung, phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa giữ vẹn nguyên những kỷ vật trong thời chiến với sự trân trọng, thành kính

Ông Chung nhớ lại, khi đọc dòng tâm sự của người đồng đội tên Tuấn, ông có dự báo đây là sự biệt ly, chia xa mãi. Ai cũng biết, đi chiến đấu, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, nhưng là người lính thì chết cũng đi. Bởi ai cũng chỉ sống một lần nên phải sống làm sao để có ích, để góp sức chiến đấu chiến thắng quân thù giành độc lập cho đất nước, Bắc - Nam sum họp một nhà. Trong chiến đấu, đồng chí, đồng đội cũng trở thành người thân ruột thịt, động viên nhau vững tin vào cách mạng. “Chung, Trường mến! 8 giờ sáng 4/6, tụi mình phải hành quân và bổ sung xuống công trường. Tuấn không biết nói gì hơn và cũng không hy vọng gặp lại Chung, Trường, Chiến và các bạn nữa. Chung, Trường ơi! thật là gần nhau cảm thấy bình thường/Xa nhau cảm thấy tình thương dạt dào… Và chúng ta cảm thấy thực sự là tình bạn, tình đồng chí ở chiến trường B2 này”.

Nhìn cuốn lưu bút này, tôi luôn nhắc mình, còn được sống, được trở về thì phải nỗ lực cố gắng vươn lên trong cuộc sống để những hy sinh, mất mát của đồng đội, để tuổi thanh xuân của mình không hoài phí.

Ông Nguyễn Thành Chung, phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa, Đắk Nông

Bao nhiêu năm đã trôi qua, lớp bụi thời gian làm cuốn lưu bút ngả màu, những nét chữ ít nhiều mờ, nhòa, nhưng tình cảm của đồng chí, đồng đội thì không bao giờ phai nhạt. Mỗi ngày, ông Chung đều mở cuốn lưu bút ra đọc từng câu, từng chữ rồi lặng lẽ rơi nước mắt vì nhớ thương đồng đội đã hy sinh và những người đang còn sống nhưng chưa có dịp gặp lại.

“Nhìn cuốn lưu bút này, tôi luôn nhắc mình, còn được sống, được trở về thì phải nỗ lực cố gắng vươn lên trong cuộc sống để những hy sinh, mất mát của đồng đội, để tuổi thanh xuân của mình không hoài phí. Đặc biệt, là người lính Bộ đội Cụ Hồ, tôi luôn vững bền niềm tin với Đảng, với Bác Hồ, không bao giờ nhạt phai lý tưởng cách mạng, tiếp tục gương mẫu trên mọi mặt trận”, ông Chung cho biết.

Hoàng Hoài - Hồ Mai