Kinh tế

Quy hoạch để vùng biên giới Tuy Đức bứt phá

Hưng Nguyên 24/04/2024 05:30

Huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đang cùng với các sở, ngành hoàn thiện quy hoạch huyện, hướng tới phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội.

Vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế

Tuy Đức là huyện biên giới nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Đắk Nông, cách TP. Gia Nghĩa hơn 60km. Diện tích tự nhiên của huyện hơn 111.894ha. Huyện có 6 đơn vị hành chính cấp xã gồm Đắk Ngo, Quảng Tân, Đắk Búk So, Đắk R'tíh, Quảng Tâm, Quảng Trực.

Trong đó, có 2 xã biên giới là Đắk Búk So và Quảng Trực. Dân số huyện khoảng 68.095 người, trong đó người dân tộc thiểu số khoảng 28.120 người, chiếm 41,29% dân số toàn huyện.

tuyduc4(1).jpg
Tuy Đức hướng tới phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế xã hội vùng biên ngày càng khởi sắc.

Huyện có 5/6 xã đặc biệt khó khăn, 73 thôn, bon, bản. Huyện có đường biên giới khoảng 42km, giáp huyện Ô Rang, tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia.

Tuy Đức có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như: Khu di tích lịch sử Anh hùng dân tộc M’nông Nơ Trang Lơng; Di tích đồn Bu Mêra; Bia tưởng niệm Henry Maitre; làng Bu Nơr A, B (quê hương của nghĩa quân, cũng là nơi Henry Maitre bị nghĩa quân tiêu diệt vào năm 1914)...

Cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện gồm 16 dân tộc, trong đó, người Kinh chiếm đa số, còn lại là người dân tộc thiểu số như: người M'nông, Tày, Ê đê, Nùng, Dao, Thái...

Tuy Đức có tiềm năng rất lớn cho phát triển du lịch, với những cánh rừng già hoang sơ, hùng vĩ, thác nước nên thơ, khí hậu ôn hòa. Ngoài các tiềm năng du lịch tự nhiên, huyện còn có tiềm năng rất lớn trong du lịch văn hóa, lịch sử với nhiều dân tộc sinh sống lâu đời trên địa bàn.

Mặt khác, trên địa bàn huyện có cửa khẩu Bu P'răng rất thuận lợi cho việc giao lưu quốc tế. Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn huyện đang từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp đáp ứng tốt nhu cầu lưu trú của khách du lịch.

Các điểm du lịch tiềm năng mà Tuy Đức có thể đầu tư khai thác trong giai đoạn tới như: Thác Đắk G’lun; Khu di tích lịch sử thủ lĩnh dân tộc N'Trang Lơng…

Huyện Tuy Đức có gần 50.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp giữ vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Sản xuất nông nghiệp mang lại nguồn thu nhập chính cho phần lớn người dân huyện Tuy Đức.

Lãnh đạo UBND huyện Tuy Đức cho biết, những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của huyện ngày một nhanh. Hạ tầng giao thông không ngừng được huyện đầu tư, nâng cấp và mở rộng.

Việc lập quy hoạch là hết sức cần thiết nhằm phát huy các tiềm năng, thế mạnh của huyện. Quy hoạch giúp huyện kết nối chặt chẽ với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Kết nối hạ tầng kinh tế - xã hội

Theo phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2023, huyện Tuy Đức và huyện Đắk Song được quy hoạch thành một vùng.

Hiện nay, huyện Tuy Đức đang triển khai thực hiện quy hoạch chung xây dựng khu trung tâm thị trấn huyện lỵ huyện Tuy Đức rộng hơn 961ha.

UBND huyện đang triển khai các bước lập đồ án điều chỉnh mở rộng quy hoạch chung thị trấn huyện Tuy Đức đến năm 2035, dự kiến hoàn thành quý IV/2024 để trình UBND tỉnh phê duyệt.

tuyduc1(1).jpg
Đô thị Đắk Búk So, trung tâm phát triển của huyện Tuy Đức

Theo quy hoạch, đô thị Đắk Búk So sẽ là điểm nhấn chính của huyện. Đô thị này được quy hoạch với tổng diện tích 95,34ha. Trong đó có 15,06ha dành cho cây xanh; 80,26ha cảnh quan, mặt nước.

Hiện nay, các khu vực công cộng thuộc trung tâm xã Đắk Búk So đang có hơn 1.500 cây xanh bóng mát được chăm sóc, chủ yếu là các loại cây gồm sao đen, dầu rái và thông 3 lá. Ngoài ra còn có các loại cây tạo hình và thảm cỏ.

Trên địa bàn huyện Tuy Đức có 6 xã đã được phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng NTM. Đến nay, 5 xã gồm Quảng Tân, Quảng Tâm, Quảng Trực, Đắk Ngo và Đắk R’tíh đã được UBND huyện phê duyệt dự toán quy hoạch và đang triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

Ông Đinh Ngọc Nhân, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, huyện Tuy Đức xây dựng quy hoạch trên cơ sở phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội.

Bám quy hoạch để phát triển sẽ giúp huyện Tuy Đức kết nối hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật phù hợp với khả năng đô thị hóa và đầu tư xây dựng hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn.

Quy hoạch giúp huyện cụ thể hóa và gắn việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với việc phát triển không gian hệ thống đô thị và các điểm dân cư.

“Quy hoạch sẽ là bộ khung để phát triển mọi mặt của huyện Tuy Đức theo lộ trình đã được xây dựng. Huyện Tuy Đức tiếp tục bám sát các mục tiêu Nghị quyết đề ra, tập trung phát triển kinh tế theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương như nông nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng, chế biến nông sản...”, ông Nhân cho biết.

ban-sao-cua-phat-ngon-sep-yen-1-.jpg

Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, huyện Tuy Đức gặp một số khó khăn cần được các sở, ngành tháo gỡ. Trong đó, có nhiều farmstay, homestay đã được đầu tư xây dựng, nhưng chưa phù hợp với quy hoạch đất đai của huyện.

Các trường hợp này UBND huyện đã tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, nhưng chưa thể quyết định cho tồn tại hay không.

Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả bền vững.

Do đó, huyện đề nghị Sở Xây dựng quan tâm, hướng dẫn cụ thể về cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư, xây dựng trên địa bàn huyện. Từ đó, giúp phát triển kinh tế - xã hội huyện phát triển, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội…

Ngày 23/3/2024, Đắk Nông công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch là cơ sở chính trị và pháp lý vô cùng quan trọng để tỉnh bước vào thời kỳ phát triển mới đột phá, nhanh và bền vững, với mục tiêu xuyên suốt đến năm 2050 là trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên, trở thành “Tỉnh mạnh - Dân giàu - Thiên nhiên tươi đẹp - Xã hội nghĩa tình". Đây cũng là cơ sở quan trọng để huyện Tuy Đức xây dựng quy hoạch của huyện từ tổng thể đến chi tiết, giúp phát huy hiệu quả các nguồn lực sẵn có tại địa phương.

Hưng Nguyên