Đấu thầu vàng miếng 23/4: Danh sách 11 tổ chức tín dung, doanh nghiệp tham gia phiên đầu tiên.
Trong phiên đấu thầu vàng miếng ngày 23/4, có 11/15 đơn vị đủ điều kiện, tham gia phiên đấu thầu vàng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức. Trong đó, bao gồm 7 ngân hàng và 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý.
Danh sách 11 tổ chức tín dung, doanh nghiệp tham gia phiên đầu tiên.
7 ngân hàng bao gồm VPBank, HDBank, Techcombank, Eximbank, MSB, ACB và Sacombank
4 doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, đá quý bao gồm SJC, DOJI, PNJ và Phú Quý.
Tổng khối lượng vàng miếng đưa ra đấu thầu ngày 23/4 là 16.800 lượng. Khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng/lô. Loại vàng miếng bán là vàng miếng SJC được Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất.
Hình thức đấu thầu là đấu thầu theo giá. Đơn vị tham gia đấu thầu sẽ phải đặt cọc 10%. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc: 80,70 triệu đồng/lượng
Khối lượng tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là khối lượng đặt thầu dự kiến của mỗi thành viên. Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu: 14 lô (tương đương 1.400 lượng). Khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu: 20 lô (tương đương 2.000 lượng).
Bước giá dự thầu: 10.000 đồng/lượng. Bước khối lượng dự thầu: 1 lô (100 lượng).
Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký một mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do Ngân hàng Nhà nước công bố.
Kết quả phiên đấu thầu vàng miếng ngày 23/4
Trưa ngày 23/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố kết quả đấu thầu bán vàng miếng. Theo đó, có 2 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng 34 lô (tương đương 3.400 lượng vàng).
2 thành viên trúng thầu là Công ty SJC và ngân hàng ACB. Có 3.400 lượng vàng (tương đương 34 lô) được bán ra trên tổng khối lượng chào thầu là 16.800 lượng vàng.
Giá trúng thầu cao nhất: 81,33 triệu đồng/lượng
Giá trúng thầu thấp nhất: 81,32 triệu đồng/lượng.
Như vậy, giá trúng thầu cao hơn giá khởi điểm NHNN đưa ra là 620.000 đến 630.000 đồng/lượng.
Các đơn vị trúng thầu sẽ phải thanh toán tiền cho NHNN trước 16h hôm nay (23/4).
Thông tin từ đại diện Vụ Quản lý ngoại hối cho biết, phiên đấu thầu đã diễn ra thông suốt, đảm bảo đúng quy định.
Ông Huỳnh Trung Khánh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA), nhận định việc đấu thầu vàng lần này được xem là giải pháp ngắn hạn giúp rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa vàng miếng trong nước và thế giới vì đây là yêu cầu của Thủ tướng là phải làm “ngay và luôn”.
Đây là biện pháp nhanh nhất để tăng nguồn cung vàng miếng. Cụ thể đấu thầu bao nhiêu phiên để tiệm cận giá quốc tế thì cần phải theo dõi. Nhưng tôi nghĩ rằng chỉ sau 7-10 phiên đấu thầu, giá vàng miếng trong nước sẽ giảm dần.
Ông Huỳnh Trung Khánh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA)
Đồng quan điểm, TS Ngô Trí Long – nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, việc NHNN tăng cung vàng miếng ra thị trường sẽ giúp giá vàng giảm nhiệt.