Hướng dẫn làm lý lịch tư pháp online nhanh gọn, mới nhất 2024
Một số công việc yêu cầu công dân cung cấp phiếu lý lịch tư pháp. Hiện nay, công dân có thể làm lý lịch tư pháp online (trực tuyến). Sau đây là hướng dẫn làm lý lịch tư pháp online.
- Các giấy tờ chuẩn bị làm lý lịch tư pháp online
- 1. Hướng dẫn làm lý lịch tư pháp online qua cổng dịch vụ công
- Hướng dẫn làm lý lịch tư pháp online tại Hà Nội
- Hướng dẫn làm lý lịch tư pháp online tại TP.Hồ Chí Minh
- 2. Hướng dẫn làm phiếu lý lịch tư pháp trên VNeiD
- 3. Lý lịch tư pháp là gì?
- 4. Quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp
- 5. Nội dung phiếu lý lịch tư pháp
- 5.1. Nội dung phiếu lý lịch tư pháp số 1
- 5.2. Nội dung Phiếu lý lịch tư pháp số 2
Các giấy tờ chuẩn bị làm lý lịch tư pháp online
Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo mẫu quy định (Mẫu số 03/2013/TT-LLTP; Mẫu số 04/2013/TT-LLTP).
Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo mẫu quy định (Mẫu số 03/2013/TT-LLTP; Mẫu số 04/2013/TT-LLTP).
Bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc hộ chiếu
Văn bản ủy quyền trong trường hợp ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
1. Hướng dẫn làm lý lịch tư pháp online qua cổng dịch vụ công
Bước 1: Truy cập vào địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-chi-tiet-thu-tuc-hanh-chinh.html?ma_thu_tuc=2.000488
Bước 2: Chọn Tỉnh, thành phố. Sau đó chọn "Đồng ý"
Bước 3: Chọn "Nộp trực tuyến"
Bước 4: Chọn loại tài khoản đăng nhập
Bước 5: Tiến hành đăng nhập
Bước 6: Hệ thống sẽ tự động chuyển về Cổng thông tin địa phương mà công dân đã chọn tại bước 2. Quý khách hàng cần làm theo hướng dẫn trên Cổng thông tin của mỗi địa phương.
Hướng dẫn làm lý lịch tư pháp online tại Hà Nội
Bước 7: Sau đó, công dân truy cập đường dẫn: https://dichvucong.hanoi.gov.vn/congdan/Default.aspx?tabid=238&ctl=ChiTiet; đăng nhập tài khoản Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc tài khoản định danh điện tử cấp bởi Bộ Công an (VNEID).
Bước 8: Công dân thực hiện kê khai đầy đủ các thông tin trong Tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp/Lưu tờ khai. Sau khi Lưu tờ khai Hệ thống tự động đính file PDF Tờ khai của công dân.
Bước 9: Trường hợp công dân muốn nhận kết quả tại nhà thì chọn “Đăng ký trả kết quả tại nhà (có thu phí)”; thực hiện đổi mã bảo mật sau đó ấn nút “Gửi hồ sơ”; công dân nhập số tài khoản cá nhân của ngân hàng và ấn nút “Thanh toán”. Trường hợp hồ sơ bị từ chối Sở Tư pháp sẽ hoàn lại tiền phí cấp phiếu Lý lịch tư pháp)/Thanh toán ngay.
Bước 10: Sau khi thanh toán xong, nộp hồ sơ thành công, Hệ thống sẽ thông báo và có mã hồ sơ, công dân có thể kiểm tra lại trạng thái của hồ sơ tại ô “Hồ sơ của tôi”.
Hướng dẫn làm lý lịch tư pháp online tại TP.Hồ Chí Minh
Bước 7: Điền đầy đủ thông tin và tải lên hồ sơ theo hướng dẫn
+ Điền đầy đủ thông tin vào các mục có dấu *
+ Tải lên hồ sơ theo yêu cầu
Bước 8: Theo dõi kết quả
Bước 9: Nhận kết quả
2. Hướng dẫn làm phiếu lý lịch tư pháp trên VNeiD
Bước 1: Truy cập ứng dụng VNeID, vào mục Thủ tục hành chính, chọn tiện ích Cấp phiếu Lý lịch tư pháp.
Sau khi nhập mật khẩu ứng dụng, trong giao diện Cấp phiếu Lý lịch tư pháp, chọn Tạo mới yêu cầu. (Lưu ý, công dân sẽ không thể tạo mới yêu cầu trong trường hợp: Công dân đã đăng ký trước đó và trạng thái hồ sơ đang được xử lý/Công dân đã đăng ký trước đó nhưng chưa thực hiện thanh toán chi phí hồ sơ).
Bước 2: Chọn đối tượng được cấp phiếu Lý lịch tư pháp.
Bước 3: Nhập thông tin thủ tục hành chính và thông tin trả kết quả.
Tại mục Cơ quan thực hiện, công dân chọn Sở Tư pháp Hà Nội hoặc Thừa Thiên Huế, tùy theo nơi cư trú. Nếu là công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam; cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, chọn mẫu phiếu Lý lịch tư pháp số 1.
Nếu là cơ quan tố tụng yêu cầu cấp phiếu Lý lịch tư pháp để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử hoặc cá nhân có nhu cầu biết nội dung về lý lịch tư pháp bản thân, thì chọn mẫu số 2.
Công dân chọn mục đích cấp phiếu Lý lịch tư pháp như bổ sung hồ sơ công chức viên chức, hồ sơ du học, hồ sơ xin việc, bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cấp visa đi nước ngoài, cư trú nước ngoài, kết hôn với người nước ngoài...
Ngoài bản điện tử được cấp trên VNeID, công dân có thể chọn cấp thêm bản giấy và nhận tại bộ phận một cửa địa phương hoặc qua bưu điện chuyển về nhà.
Người dân cũng cần điền đủ thông tin nơi sinh, email, số điện thoại, địa chỉ nhận bản giấy.
Bước 4: Xác nhận thông tin.
Kiểm tra thông tin, tích chọn "Tôi xin cam đoan những lời khai trên là đúng sự thật và chịu trách nhiệm về lời khai của mình" và nhấn "Gửi hồ sơ".
Bước 5: Xác nhận thanh toán hồ sơ.
Nhấn "Thanh toán" để chuyển sang màn nhập thông tin tài khoản ngân hàng.
Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp là 200.000 đồng. Người dân đề nghị cấp thêm 2 bản giấy lý lịch tư pháp sẽ không mất thêm phí, từ phiếu thứ ba tính thêm 5.000 đồng/phiếu.
Bước 6: Xác nhận thông tin chia sẻ.
Tích chọn ô "Thủ đã đọc mục đích chia sẻ, xử lý dữ liệu, quyền, nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu và đồng ý chia sẻ, xử lý dữ liệu cá nhân", sau đó chọn "Xác nhận".
Bước 7: Thanh toán chi phí hồ sơ.
Nhập các thông tin và chọn "Tiếp tục". Chọn "Hủy" nếu không muốn tiếp tục thanh toán.
Hồ sơ hợp lệ qua VNeID sẽ được giải quyết trong 10 ngày làm việc.
3. Lý lịch tư pháp là gì?
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp 2009, lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.
4. Quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp
- Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình.
- Cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.
- Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
5. Nội dung phiếu lý lịch tư pháp
5.1. Nội dung phiếu lý lịch tư pháp số 1
- Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
- Tình trạng án tích:
+ Đối với người không bị kết án thì ghi “không có án tích”. Trường hợp người bị kết án chưa đủ điều kiện được xóa án tích thì ghi “có án tích”, tội danh, hình phạt chính, hình phạt bổ sung;
+ Đối với người được xoá án tích và thông tin về việc xoá án tích đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”;
+ Đối với người được đại xá và thông tin về việc đại xá đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”.
- Thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã:
+ Đối với người không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi “không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã”;
+ Đối với người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức không có yêu cầu thì nội dung về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã không ghi vào Phiếu lý lịch tư pháp.
5.2. Nội dung Phiếu lý lịch tư pháp số 2
- Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, họ, tên cha, mẹ, vợ, chồng của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
- Tình trạng án tích:
+ Đối với người không bị kết án thì ghi là “không có án tích”;
+ Đối với người đã bị kết án thì ghi đầy đủ án tích đã được xoá, thời điểm được xoá án tích, án tích chưa được xóa, ngày, tháng, năm tuyên án, số bản án, Toà án đã tuyên bản án, tội danh, điều khoản luật được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, án phí, tình trạng thi hành án.
Trường hợp người bị kết án bằng các bản án khác nhau thì thông tin về án tích của người đó được ghi theo thứ tự thời gian.
- Thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã:
+ Đối với người không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi “không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã”;
+ Đối với người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.