Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Đề xuất sửa đổi, bổ sung 9 quy định mới

Chính sách - Ngày đăng : 12:51, 23/04/2024

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, trên cơ sở những vấn đề vướng mắc, phát sinh trên thực tiễn đã được tổng kết, đánh giá, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đề xuất sửa đổi, bổ sung 09 quy định mới.
Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Đề xuất sửa đổi, bổ sung 9 quy định mới- Ảnh 1.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Tại phiên họp thứ 32 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày Tờ trình Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.

Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được xây dựng trên cơ sở quan điểm thể chế hóa định hướng của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện chính sách, pháp luật quy hoạch; kết hợp hài hoà giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững tại các Nghị quyết của Đảng.

Bên cạnh đó, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển, hội nhập; bảo đảm minh bạch, khả thi, thuận lợi trong tổ chức thực hiện; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, đề cao trách nhiệm, kiểm soát, giám sát việc thực hiện, nâng cao hiệu quả công tác quản lý…

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Đề xuất sửa đổi, bổ sung 9 quy định mới- Ảnh 2.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày Tờ trình dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được thiết kế với 05 Chương, 08 Mục, 61 Điều, với 03 chính sách gồm:

(i) Hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn;

(ii) Hoàn thiện các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn;

(ii) Hoàn thiện các quy định về lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nguồn kinh phí và các quy định có liên quan khác nhằm nâng cao chất lượng, tính khả thi của quy hoạch đô thị và nông thôn, quyền được tiếp cận, cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị và nông thôn.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, trên cơ sở những vấn đề vướng mắc, phát sinh trên thực tiễn đã được tổng kết, đánh giá, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đề xuất sửa đổi, bổ sung 09 quy định mới có liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức, cá nhân, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo thống nhất hóa các quy định về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trong cùng một Luật để đảm bảo dễ áp dụng và gắn kết được quy hoạch không gian phát triển giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn:

Tách bạch và làm rõ mối quan hệ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành

1) Quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn về loại, cấp độ quy hoạch (Điều 5 dự thảo Luật); tách bạch và làm rõ mối quan hệ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, bảo đảm thống nhất, đồng bộ về quy hoạch. Trong đó:

Các loại quy hoạch đô thị và nông thôn gồm: Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn là quy hoạch ngành quốc gia theo Luật Quy hoạch năm 2017; các quy hoạch đô thị đối với thành phố, thị xã, thị trấn (theo phạm vi hành chính) và đô thị mới (theo phạm vi định hướng tại quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh); các quy hoạch nông thôn đối với huyện và xã (theo phạm vi hành chính); các quy hoạch khu chức năng' được định hướng, xác định trong quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị và quy hoạch chung huyện; quy hoạch không gian ngầm, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.

Các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn gồm: quy hoạch chung - quy hoạch phân khu - quy hoạch chi tiết. Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, các quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị mới dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; các loại, các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn còn lại là quy hoạch có tính kỹ thuật chuyên ngành.

Tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch

(2) Tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn: Dự thảo Luật đề xuất tăng cường phân cấp cho UBND cấp tỉnh trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung đô thị mới; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, khu chức năng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ...

Cụ thể: (i) Đề xuất phân cấp cho UBND cấp tỉnh tổ chức lập tất cả các quy hoạch chung đô thị (hiện nay quy định Bộ Xây dựng tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại III);

(ii) Theo quy định hiện hành, đối với quy hoạch chung đô thị loại II, III, IV và đô thị mới..., trước khi phê duyệt, UBND cấp tỉnh phải lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng; nay đề xuất điều chỉnh UBND cấp tỉnh chỉ thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng trước khi thẩm định các quy hoạch chung đô thị loại III trở lên và quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số tương đương đô thị loại III trở lên;

(iii) Đề xuất bổ sung chức năng thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, quy hoạch đô thị và nông thôn đối với một số cơ quan nhà nước như Đại học Quốc gia, Ban Quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Cơ quan chuyên môn về quy hoạch đô thị và nông thôn trực thuộc UBND cấp tỉnh;

(iv) Quy định phân cấp về thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thuộc Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh;

(v) Quy định cơ quan tổ chức lập quy hoạch được giao nhiệm vụ lập quy hoạch đô thị và nông thôn cho các cơ quan chức năng trực thuộc.

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Đề xuất sửa đổi, bổ sung 9 quy định mới- Ảnh 3.

Đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch

(3) Đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh: Dự thảo Luật đề xuất rút gọn trình tự lập quy hoạch: (i) Không yêu cầu lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ quy hoạch chung của thành phố, thị xã, huyện và khu chức năng (trừ đô thị mới, thị trấn và xã); (ii) Không yêu cầu lập riêng cấp độ quy hoạch phân khu đối với các đô thị vừa và nhỏ mà tích hợp nội dung quy hoạch phân khu vào quy hoạch chung các đô thị loại III, IV, V để giảm trình tự việc lập cấp độ quy hoạch phân khu đối với các loại đô thị này, góp phần giảm thời gian, chi phí cho công tác quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng.

(4) Bổ sung, quy định rõ về nội dung quy hoạch không gian ngầm đối với các đô thị trực thuộc tỉnh và quy định quy hoạch không gian ngầm được lập riêng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị mới dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng không gian, gắn kết đồng bộ không gian xây dựng trên và dưới mặt đất, mặt nước.

(5) Bổ sung, quy định chặt chẽ hơn về điều kiện, yêu cầu đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch: Dự thảo đề xuất quy định phải rà soát quy hoạch trước khi thực hiện việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch, đồng thời đáp ứng các căn cứ, điều kiện điều chỉnh như không làm thay đổi phạm vi, ranh giới, quy mô, tính chất, chức năng của khu vực điều chỉnh; có đánh giá về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, tác động tiêu cực của việc điều chỉnh và đề xuất giải pháp, biện pháp thực hiện đảm bảo tuân thủ, phù hợp với quy hoạch cấp trên, quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan…

Bổ sung quy định rõ hơn về nguồn kinh phí cho công tác quy hoạch

(6) Bổ sung quy định rõ hơn về nguồn kinh phí cho công tác quy hoạch, đảm bảo nguồn lực thực hiện quy hoạch: (i) Kinh phí chi đầu tư công được sử dụng cho Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017; (ii) Kinh phí chi thường xuyên được sử dụng cho quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch khu chức năng và quy hoạch chi tiết các khu vực để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư...; (iii) Kinh phí do các tổ chức, cá nhân tài trợ, hỗ trợ được nhập vào nguồn ngân sách nhà nước và sử dụng theo quy định pháp luật; (iv) Kinh phí của cơ quan, tổ chức đã được lựa chọn làm chủ đầu tư được sử dụng để lập quy hoạch đối với khu vực được giao đầu tư.

(7) Bổ sung quy định làm rõ điều kiện năng lực và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; sự tham gia của các cơ tổ chức, cộng đồng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...

(8) Bổ sung quy định về Hợp tác quốc tế và quy định trách nhiệm của Chính phủ theo hướng xác định rõ việc đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích đối với hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.

(9) Bổ sung các quy định cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chức thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn.

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Đề xuất sửa đổi, bổ sung 9 quy định mới- Ảnh 4.