Căn cứ ghi hạn sử dụng của mỹ phẩm
Chính sách - Ngày đăng : 08:58, 23/04/2024
Sau đó, công ty ông Trực thực hiện chiết rót, đóng chai, dán nhãn và đóng gói thành phẩm tại nhà máy của công ty. Công ty đăng ký công bố mỹ phẩm đầy đủ và chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm ra thị trường.
Ông Trực hỏi, sản phẩm của công ty ông được đóng chai, dán nhãn và đóng gói thương phẩm lần đầu (không phải san chia, sang chiết hay đóng gói lại từ sản phẩm thương phẩm) thì có thuộc trường hợp san chia, sang chiết, đóng gói lại quy định tại Khoản 3 Điều 14 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP không? Ông có bị buộc phải ghi ngày san chia, sang chiết, đóng gói trên nhãn sản phẩm không?
Trường hợp bán thành phẩm nhập về số lượng lớn, thời gian đóng chai và đóng gói xuất xưởng cách ngày sản xuất bán thành phẩm một khoảng thời gian nhất định (3-6 tháng) thì ngày sản xuất in trên bao bì có thể ghi ngày hoàn thành đóng gói không?
Đối với ghi hạn sử dụng trong trường hợp nêu trên, nếu sản phẩm đã có hồ sơ nghiên cứu độ ổn định tại các đơn vị kiểm nghiệm có năng lực và báo cáo kết luận thời hạn sử dụng của sản phẩm dài hơn thời hạn in trên bao bì của bán thành phẩm (sản phẩm đạt ổn định chất lượng trong 40 tháng kể từ ngày sản xuất, trong khi hạn sử dụng của bán thành phẩm do nhà sản xuất đưa ra là 36 tháng kể từ ngày sản xuất) thì công ty ông Trực có được phép ghi hạn sử dụng sản phẩm dài hơn 36 tháng (nhưng không quá 40 tháng) căn cứ trên kết quả nghiên cứu độ ổn định hay không?
Trong quá trình tham khảo quy định về ghi nhãn mỹ phẩm, ông Trực thấy có sự không đồng bộ về quy định, cụ thể như sau:
Điểm d, mục số 14, nhóm Mỹ Phẩm, Phụ lục I kèm theo Nghị định số 111/2021/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP) bắt buộc ghi ngày sản xuất hoặc hạn sử dụng/hạn dùng.
Trong khi đó, Thông tư số 05/2019/TT-BKHCN quy định hàng hóa san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại bắt buộc phải ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP. Cụ thể, phải thể hiện đầy đủ 3 nội dung: Ngày sản xuất; ngày san chia, sang chiết, nạp, đóng gói không được viết tắt; hạn sử dụng.
Thông tư số 05/2019/TT-BKHCN dẫn chiếu ghi theo Phụ lục I Nghị định số 43/2017/NĐ-CP nhưng lại buộc ghi đủ 3 nội dung bao gồm cả ngày sản xuất và hạn sử dụng (chứ không phải hoặc).
Ông Trực hỏi, nếu là sang chiết, đóng gói lại thì ông có thể áp dụng theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP (ghi ngày sản xuất hoặc hạn sử dụng, và ngày đóng gói) hay phải theo Thông tư 05/2019/TT-BKHCN?
Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 93/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm: Bán thành phẩm mỹ phẩm là sản phẩm chưa chế biến xong hoàn toàn, cần phải qua một hoặc một số công đoạn sản xuất hoặc đóng gói mới thành thành phẩm mỹ phẩm.
Theo quy định tại Khoản 15 Điều 2 Thông tư số 06/2011/TT-BYT: Ngày sản xuất mỹ phẩm là mốc thời gian hoàn thành sản xuất, chế biến, đóng gói hoặc các hình thức khác để hoàn thiện công đoạn cuối cùng của lô sản phẩm.
Theo đó, cơ sở sản xuất thực hiện việc ghi ngày sản xuất hoặc ngày đóng gói sản phẩm mỹ phẩm trên nhãn sản phẩm theo quy định.
Theo quy định tại Khoản 16 Điều 2 Thông tư số 06/2011/TT-BYT: Hạn dùng của mỹ phẩm (hạn sử dụng) là mốc thời gian được ấn định cho một lô mỹ phẩm mà sau thời hạn này mỹ phẩm không được phép lưu thông, sử dụng.
Việc đưa ra hạn sử dụng cho sản phẩm phải được dựa trên kết quả nghiên cứu theo dõi độ ổn định của sản phẩm sau khi kết thúc công đoạn cuối cùng của sản xuất (đóng gói sản phẩm).