Dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện ở 3 huyện của Đắk Nông
Dịch tả heo châu Phi (DTHCP) dễ xâm nhập, gây hại nhanh chóng cho vật nuôi, cần được người chăn nuôi, ngành chức năng chủ động phòng, chống.
Mới đây, DTHCP đã xuất hiện tại xã Nam Dong, huyện Cư Jút gây ra việc heo ốm, chết, phải tiêu hủy với khối lượng khá lớn. Phần lớn trường hợp heo xuất hiện bệnh xuất phát từ sự chủ quan, lơ là với dịch bệnh nguy hiểm này của người dân.
Theo bà Nguyễn Thị Dung, thôn 16, xã Nam Dong, tháng 3 vừa qua, gia đình bà đã mua heo giống về nuôi. Mới nuôi được gần 1 tuần thì một số con bắt đầu có những biểu hiện bất thường, như bỏ ăn, bỏ uống, sốt.
Gia đình nghi ngờ bị DTHCP nên lấy mẫu xét nghiệm tại Chi cục Thú y vùng V. Ngày 27/3/2024, Chi cục Thú y vùng V có kết quả xét nghiệm dương tính với DTHCP.
Về nguồn gốc con giống, bà Dung chủ yếu tin tưởng người bán chứ không kiểm tra xem có giấy tờ chứng minh chất lượng. Bà nghi ngờ con giống đã có mầm bệnh từ lúc mua về nuôi. Bà đã mất hàng chục triệu đồng tiền mua con giống, thức ăn chỉ sau 1 tuần.
Ngay sau khi có tin báo, ngành chức năng huyện Cư Jút đã phối hợp với UBND xã Nam Dong tiến hành tiêu hủy toàn bộ 21 con heo mắc DTHCP, trọng lượng 554 kg của gia đình bà Dung.
Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Cư Jút, tâm lý chủ quan, lơ là với dịch bệnh trên vật nuôi vẫn còn xảy ra ở một số nơi, nhất là đối với các hộ dân nuôi quy mô nhỏ, lẻ. Nhiều trường hợp ở địa phương xuất hiện bệnh bắt nguồn từ việc mua bán con giống không rõ nguồn gốc.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp - PTNT cho thấy, cuối tháng 3, đầu tháng 4/2024, có 2 ổ DTHCP xuất hiện tại xã Nam Dong, huyện Cư Jút và xã Đắk Som, huyện Đắk Glong. Số lượng heo mắc bệnh phải tiêu hủy 27 con, trọng lượng 688kg.
Còn từ đầu năm đến nay, Đắk Nông đã có 223 con heo mắc DTHCP, buộc phải tiêu hủy. Trong số này có 196 con do người dân vận chuyển từ nơi khác về xã Đắk R'tíh, huyện Tuy Đức để cung ứng con giống cho người dân.
May mắn là ngành chức năng đã lấy mẫu, phát hiện kịp thời, nên 196 con heo giống chưa xâm nhập vào môi trường chăn nuôi trên địa bàn.
Ngành Nông nghiệp Đắk Nông khuyến cáo, người dân nêu cao tính chủ động trong thực hiện các biện pháp phòng, chống DTHCP.
Người chăn nuôi cần đáp ứng tốt các yêu cầu chính về chăn nuôi heo an toàn sinh học. Đó là việc áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc của vật nuôi với các mầm bệnh.
Cụ thể như về chuồng trại, có vị trí xây dựng phù hợp với quy hoạch của địa phương, hoặc được các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Heo giống mua về nuôi có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh, có đầy đủ giấy kiểm dịch và phải có bản công bố tiêu chuẩn chất lượng kèm theo.
Trước khi nhập đàn, heo phải được nuôi cách ly. Cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học phải bố trí chất sát trùng tại các hố sát trùng ở cổng ra, vào trại chăn nuôi, khu chăn nuôi.
Tất cả các phương tiện vận chuyển khi vào trại chăn nuôi, khu chăn nuôi phải đi qua hố khử trùng và phải được phun thuốc sát trùng…
Qua đánh giá của Sở Nông nghiệp - PTNT, năm 2023, DTHCP vẫn còn xảy ra rải rác tại các địa phương. 465 con heo, khối lượng 9.435kg của 21 hộ tại 16 thôn, 11 xã của 6/8 huyện, thành phố có heo bị tiêu hủy, ước thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - PTNT Đắk Nông, từ đầu năm 2024 đến nay, Đắk Nông có 223 con heo mắc DTHCP, với tổng trọng lượng 3.040kg. Dịch bệnh xảy ra tại các xã Nam Dong, huyện Cư Jút; Đắk Som, huyện Đắk Glong; Đắk R’tíh, huyện Tuy Đức.