---- Đời sống

Ẩm thực đất Tổ và những biến tấu ở Đắk Nông

Hoàng Dương 18/04/2024 09:00

Một trong những nét văn hóa mà những người con Phú Thọ sống xa quê luôn mang theo đó là ẩm thực. Những món ăn, đồ uống đậm đà hương vị quê hương là sợi dây gắn kết những người con đất Tổ với cội nguồn.

Hương vị quê hương

Từ độ mùng 8, mùng 9 tháng 3 âm lịch, trong gian bếp các gia đình người gốc Phú Thọ hiện sinh sống, lập nghiệp tại thôn 6, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức lại rộn ràng tiếng cười nói và tất bật chuẩn bị mâm cỗ. Anh Chử Văn Chương, một người con huyện Lâm Thao (Phú Thọ) hiện đang sinh sống tại thôn 6 cho biết, Hội đồng hương Phú Thọ tại xã Đắk Búk So có khoảng gần 100 hộ, được chia làm 4 nhóm. Hàng năm, các nhóm sẽ thay phiên để chuẩn bị các món ăn phục vụ cho lễ cúng giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức tại đền thờ Vua Hùng. Từ đêm và rạng sáng ngày mùng 9/3 (âm lịch), bà con sẽ dậy sớm để chuẩn bị các món ăn chuẩn bị cho nghi lễ cúng ngày hôm sau.

dscf7667(1).jpg
Năm 2017, người dân Phú Thọ ở xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức đã đóng góp tiền của để xây dựng Đền thờ Vua Hùng

Từ nhiều năm nay, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành bản sắc văn hóa tốt đẹp của người Phú Thọ trên mảnh đất Tuy Đức. Năm 2017, người dân Phú Thọ ở xã Đắk Búk So đã đóng góp tiền của để xây dựng đền thờ Vua Hùng nằm trên ngọn đồi cao, bên cạnh tỉnh lộ 6. Đúng 9 giờ sáng 10/3 âm lịch, bà con Phú Thọ thôn 6 tổ chức lễ dâng hương tại đền thờ Vua Hùng. Tại đây, bà con sẽ dâng lên các món ăn mang đậm truyền thống, hương vị đất Tổ.

Ông Chử Văn Chúc, Ban liên lạc Hội đồng hương Phú Thọ tại xã Đắk Búk So cho biết, vì tổ chức ở xa quê, điều kiện không cho phép nên về các món ăn dâng lên các Vua Hùng cũng giản lược đi, ít đa dạng hơn so với ở Đền Hùng Phú Thọ. Nhưng về cơ bản vẫn đầy đủ các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh giầy, xôi, thịt heo luộc. Trong đó các nguyên liệu làm bánh như gạo, đậu xanh đều là do bà con sản xuất và đóng góp.

z5333849461817_ba30197863a540c4dc095e4bc0f660dd(1).jpg
Các món ăn được bà con Phú Thọ tại Đắk Nông dâng lên các Vua Hùng về cơ bản vẫn đầy đủ các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh giầy, xôi, thịt heo luộc

Điểm khác biệt của bánh chưng, bánh giầy là được làm từ loại gạo ngon được trồng ngay tại Đắk Nông. Có lẽ vì vậy, dù vẫn là đôi tay chế biến khéo léo của người Phú Thọ nhưng bánh chưng, bánh giầy tại Đắk Nông so với ở quê hương Phú Thọ vẫn có gì đó khác hẳn. Chiếc bánh chưng vuông vức dậy mùi thơm dẻo của gạo nếp, ngọt bùi của đậu xanh, béo ngậy của thịt mỡ và mùi thơm đặc trưng của tiêu, hành, quyện cùng mùi lá dung (hay lá dong, theo cách gọi của người Phú Thọ). Bánh giầy được giã đều tay, trắng ngà, mềm, dẻo, thơm gạo nếp, không bị quá khô hay quá ướt.

Theo quan niệm của dân gian, 2 loại bánh này tượng trưng cho sự hòa quyện giữa trời và đất, sự phồn thịnh của đất nước. Bánh giầy hình tròn, thuộc hệ dương, tượng trưng cho bầu trời nên có màu trắng và không nhân. Còn bánh chưng có hình vuông, thuộc hệ âm, tượng trưng cho đất, hoa cỏ, cây cối nên có màu xanh, bên trong có nhân thịt và đậu xanh. Sự đối lập giữa âm - dương, đất - trời, vuông - tròn đã nói lên biết bao điều tốt đẹp của dân tộc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ công ơn các vị Vua Hùng của các thế hệ cháu con Việt Nam.

Cứ đến những ngày này, bà con Phú Thọ ở Đắk Nông chúng tôi ai cũng vui mừng. Bởi dù ở xa nhưng lúc nào cũng cảm thấy như vẫn ở quê nhà. Đối với tôi, hương vị của quê hương, của mảnh đất Phú Thọ không chỉ hiện hữu trên các món ăn được bày đẹp mắt mà còn được thể hiện trong những lúc những người con xa quê cùng tụ lại để tất bật chuẩn bị nấu nướng".

Ông Chử Văn Chúc, Ban liên lạc Hội đồng hương Phú Thọ
tại xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức

“Cứ đến những ngày này, bà con Phú Thọ ở Đắk Nông chúng tôi ai cũng vui mừng. Bởi dù ở xa nhưng lúc nào cũng cảm thấy như vẫn ở quê nhà. Đối với tôi, hương vị của quê hương, của mảnh đất Phú Thọ không chỉ hiện hữu trên các món ăn được bày đẹp mắt mà còn được thể hiện trong những lúc những người con xa quê cùng tụ lại để tất bật chuẩn bị nấu nướng”, anh Chử Văn Chương cho hay.

Biến tấu hương vị quê hương

Nằm trên con đường Hai Bà Trưng, TP. Gia Nghĩa, nhà hàng heo mẹt Hùng Vương của anh Chử Văn Ngọc, một người con đất Tổ, chuyên phục vụ món ăn Phú Thọ. Hương vị ẩm thực quê hương được chủ quán chăm chút từ cách bài trí cho đến món ăn. Anh Chử Văn Ngọc cho biết các món ăn tại nhà hàng được lấy cảm hứng từ quê hương của anh. Nhớ về những ngày còn ở quê nhà, anh Ngọc cho biết, tới ngày Giỗ Tổ sẽ có các món ăn cơ bản như thịt heo luộc, thịt heo nướng, canh chuối nấu xương heo và xôi đậu. Chỉ với nguyên liệu chính là thịt heo, dưới bàn tay của các đầu bếp nghiệp dư là các bác, các chú quê Phú Thọ đã biến tấu thành nhiều món ngon, thú vị.

dscf7792(1).jpg
Ẩm thực quê hương Phú Thọ được anh Ngọc chăm chút từ cách bài trí cho đến hương vị món ăn

Anh Ngọc cho biết, cùng là món thịt heo luộc tưởng chừng vô cùng đơn giản và giống như ở nhiều địa phương khác, nhưng ở quê Phú Thọ của anh sẽ được chấm với muối vừng (hạt lạc rang giã nhỏ trộn với muối). Hay như món thịt heo quay, thay vì được nướng nguyên con như nhiều nơi, truyền thống ở quê anh sẽ chỉ nướng phần thịt ba chỉ. Thịt sau khi được tẩm ướp cùng với các gia vị, thảo quả sẽ được nhồi vào ống tre và đem đi nướng. Cho đến nay, những nét đặc biệt của ẩm thực từ quê hương Phú Thọ vẫn được anh Ngọc giữ nguyên và sử dụng tại nhà hàng của mình.

Anh Chử Văn Ngọc cùng gia đình vào Đắk Nông sinh sống và làm việc từ những năm 2000. Năm 2014, anh Ngọc mở nhà hàng heo mẹt đầu tiên tại TP. Gia Nghĩa. Giải thích về tên nhà hàng, anh Ngọc cho biết, dù sống xa quê hương, nhưng lòng anh vẫn luôn nhớ về cội nguồn. Khi quyết định mở quán ăn, anh muốn giới thiệu tới thực khách khắp nơi hương vị hấp dẫn trong ẩm thực của vùng đất Tổ.

dscf7797(1).jpg
Khi quyết định mở quán ăn, anh Ngọc mong muốn giới thiệu tới thực khách khắp nơi hương vị hấp dẫn trong ẩm thực của vùng đất Tổ

Những ngày đầu mới mở, anh Ngọc nấu các món ăn hoàn toàn theo cách chế biến và hương vị ở quê nhà Phú Thọ. Nhưng từ những phản hồi, góp ý của khách hàng, anh đã tạo một vài sự thay đổi, biến tấu trong cách chế biến, nêm nếm gia vị để phù hợp với khẩu vị vùng đất Nam Tây Nguyên. “Mình là người Phú Thọ nên khẩu vị của mình sẽ hợp với cách nấu của người quê. Nhưng ở Đắk Nông, mình cần có sự thay đổi một chút để hợp với khẩu vị với người dân tại đây. Tuy nhiên mình vẫn cố gắng giữ gìn phương pháp chế biến hay các vị đặc trưng nhất của món ăn”, anh Ngọc chia sẻ.

Anh Trần Văn Tấn, phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa cho biết, dùng bữa tại nhà hàng của anh Ngọc, anh đã có thêm trải nghiệm thú vị về ẩm thực của Phú Thọ. Các món ăn được bày trí khéo léo, đẹp mắt, hương vị vừa miệng với anh và các thành viên trong gia đình. “Rất nhiều người tới thưởng thức thấy ngon thì muốn theo học. Tôi rất vui vì ẩm thực quê hương được mọi người đón nhận và cũng rất sẵn lòng để hướng dẫn cách làm các món ăn mang hương vị Phú Thọ tới mọi người”, anh Ngọc cho hay.

Hoàng Dương