Lần đầu về thăm đất Tổ
Năm 2018, lần đầu tiên chúng tôi được về thăm đất Tổ linh thiêng đúng dịp Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Thời gian có thể trôi nhanh nhưng những ký ức, niềm hân hoan xen lẫn tự hào khi được về thăm mảnh đất linh thiêng thì sẽ không thể xóa nhòa trong tâm khảm mỗi chúng tôi.
Năm ấy, Đoàn công tác Báo Đắk Nông chúng tôi gồm có 8 người. Suốt chặng đường dài từ Đắk Nông di chuyển ra tỉnh Phú Thọ, chúng tôi hàn huyên, hỏi chuyện và hình dung nhiều về mảnh đất Vua Hùng, về Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương với niềm hân hoan, tự hào xen lẫn háo hức. Trong suy nghĩ của tôi lúc bấy giờ, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương có lẽ cũng giống như những lễ trọng khác của đất nước, của dân tộc. Thế nhưng, khi trực tiếp đặt chân đến Đền Hùng đúng vào dịp Quốc giỗ, tôi mới thấy, suy nghĩ của mình khác xa lắm. Bởi Lễ Giỗ Tổ được tổ chức hoành tráng, quy mô lớn, quy tụ đông đảo người dân từ bốn phương hội tụ về dâng hương với tấm lòng thành kính.
Theo chỉ dẫn của các anh, chị ở Báo Phú Thọ, chúng tôi men theo sườn núi Nghĩa Lĩnh lên đền Hạ, đền Trung, đền Thượng… thắp nén hương thơm viếng lăng Vua Hùng thứ 6. Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh là một quần thể gồm đền, chùa, nơi thờ phụng các Vua Hùng, nằm trong địa phận Kinh đô Phong Châu, nước Văn Lang cổ xưa. Núi Nghĩa Lĩnh còn có tên gọi: Núi Cả, Nghĩa Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn… thuộc xã Hy Cương, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ.
Quần thể Đền Hùng còn có nhiều di tích vô cùng quý giá, cho đến nay vẫn còn dấu tích từ 3.000 năm trước, hoặc giai thoại về những di tích này. Đó là cột đá đặt trên bệ, trước đền Thượng, là cột miếu cổ từ thời Hùng Vương được gọi là Cột đá thề của Thục Phán. Hay Hạt thóc thần, xuất xứ từ việc cây lúa là nguồn sống của Nhân dân, được Vua Hùng thứ 2 (Lạc Long Quân) thủy tổ của nghề trồng lúa nước, tôn thờ thần lúa. Rồi “Quán bàn việc nước” ở đền Trung… là những gì mà con cháu Vua Hùng ngày nay đang chắt chiu tìm hiểu, tôn tạo, gìn giữ để đất Tổ - Đền Hùng mãi mãi linh thiêng.
Dọc hai bên con đường dẫn vào Đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Đền Mẫu Âu Cơ, đền Hạ, đền Trung, đền Thượng và đền Giếng… đi tới đâu, chúng tôi cũng thấy bia đá khắc những dòng chữ để nhắc nhở con cháu luôn nhớ về cội nguồn dân tộc, như: “Uống nước nhớ nguồn”, “Con người có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn”, “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”…
Hàng ngàn bậc thang cao chót vót, dòng người tấp nập đi trên cùng một lối, thế nhưng những mâm lễ vật có bánh chưng, bánh giầy tượng trưng cho trời và đất vẫn được người dân các phương đội lên đầu một cách trang trọng, thành kính để dâng lên các vị Vua Hùng. Đến với Lễ hội Đền Hùng, khoảng cách về tuổi tác hay giới tính không còn, thay vào đó là sự sẻ chia, tôn trọng lẫn nhau.
Tôi còn nhớ lời kể của anh đồng nghiệp Báo Phú Thọ, thời tiết trong những ngày đầu chớm mùa hạ, mở đầu của Lễ hội Đền Hùng hàng năm dường như chiều lòng người. Trời không quá nóng, gió hiu hiu mát nhẹ, làm dịu đi nhiệt nóng của dòng người nô nức về với quê cha đất Tổ. Đó chính là sự linh thiêng của mảnh đất anh hùng, địa linh nhân kiệt.
Đặc biệt, khi đến thăm đền Giếng, nơi đây ghi dấu mốc ngày 19/9/1954 trên đường về lại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với các chiến sĩ chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô. Bác đã căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. Lời căn dặn của Bác được khắc trên bia đá, đập vào mắt những du khách thập phương làm chúng tôi suy nghĩ rất nhiều. Ngẫm về lời căn dặn của Bác, tôi lại tự hỏi, mình đã làm được gì để xứng đáng với công ơn của các thế hệ khai sông mở núi, để tiếp nối truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước.
Sau khi đến thăm các đền, Đoàn chúng tôi lại đến thăm và trồng cây lưu niệm tại vườn cây báo Đảng thuộc vườn cây lưu niệm quốc gia Đền Hùng.
Vườn cây này được hình thành từ năm 2016 qua ý tưởng của Ban Biên tập Báo Phú Thọ. Kể từ đó đến nay, mỗi cơ quan báo Đảng khi về tham dự Lễ Giổ Tổ Hùng Vương hay đến dâng hương tại Đền Hùng đều trồng cây tại nơi đầu nguồn. Mỗi loại cây được lựa chọn đều mang ý nghĩa, màu sắc riêng không chỉ góp phần tôn tạo cảnh quan môi trường Khu Di tích Đền Hùng mà còn giáo dục đội ngũ những người làm báo về truyền thống cội nguồn dân tộc.
Năm đó, Báo Đắk Nông đã chọn trồng cây sao đen. Đây là loại cây được lòng mọi người bởi bóng mát mang lại cảm giác thư thái, dễ chịu, đặc biệt vào những ngày hè oi bức. Dáng cây thẳng đứng, sinh trưởng, phát triển nhanh và khá phổ biến ở khu vực Tây Nguyên, trong đó có Đắk Nông. Sao đen còn được xem như là những người “lính gác” với “trái tim” kiên cường, bảo vệ núi rừng trên khắp Tổ quốc. Từ đó, Báo Đắk Nông gửi gắm ước mong, niềm tin về một ngày những cây non ấy trưởng thành vững chãi, kiên cường trước sóng gió như sự nỗ lực vươn lên từng ngày của đất và người Đắk Nông.
Về với quê cha, đất Tổ, tôi cũng như các thành viên trong đoàn đều thấy lòng nhẹ nhàng như đang về với gia đình, nơi có cha, có mẹ, về với cội nguồn dân tộc linh thiêng.
Thấm thoắt đã 8 năm trôi qua, những cảm xúc về thăm quê cha, đất Tổ, được hòa mình vào dòng người thành kính dâng hương tại Lễ Giổ Tổ Vua Hùng trong tôi vẫn còn vẹn nguyên, ngỡ như mới ngày hôm qua.