Đời sống

Người Phú Thọ ở Đắk Nông luôn tự hào về quê hương đất Tổ

Hoàng Hoài - Thanh Hằng 17/04/2024 14:30

Tháng ba âm lịch, những người con Phú Thọ đang sinh sống ở Đắk Nông lại tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tưởng nhớ đến Vua Hùng, nhớ về quê cha đất Tổ, cội nguồn dân tộc.

Luôn canh cánh nỗi nhớ quê hương

Sinh ra ở huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, năm 1971, ông Nguyễn Văn Chiến hiện ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa đi bộ đội rồi lập nghiệp ở vùng đất mới Đắk Nông. Dù ở quê hương thứ hai đã hàng chục năm, nhưng ông Chiến luôn canh cánh trong lòng nỗi nhớ quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi mảnh đất linh thiêng của các Vua Hùng.

hinh-chu-chien.jpg
Ông Nguyễn Văn Chiến chia sẻ với phóng viên Báo Đắk Nông về những trăn trở của mình

Ông Chiến chia sẻ: “Thuở nhỏ, chúng tôi thường được mẹ dẫn lên Đền Hùng dâng hương vào dịp Giỗ Tổ, được nghe những câu ca dao, tục ngữ về “uống nước nhớ nguồn”, lịch sử dựng nước, giữ nước của các Vua Hùng. Từ đó, chúng tôi rất tự hào về lịch sử dân tộc, về vùng đất địa linh anh kiệt, nơi sản sinh ra những vị vua rạng danh lịch sử nước nhà”.

Tiếp nối tinh thần yêu nước của các Vua Hùng, khi đất nước lâm nguy, ông Chiến và bạn bè đồng trang lứa sẵn sàng gác bút lên đường tham gia kháng chiến chống Mỹ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong suốt quãng thời gian tham gia chiến đấu, chính niềm tự hào về quê cha đất Tổ, ước mơ nước nhà chiến thắng để về thăm quê, báo công với các Vua Hùng đã hun đúc cho ông Chiến tinh thần quả cảm, anh dũng, sẵn sàng đứng giữa ranh giới sinh tử để bảo vệ đất nước.

Cũng như ông Chiến, ông Chử Văn Chúc vào thôn 6, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức lập nghiệp đã hơn 20 năm. Ông Chúc sinh ra và lớn lên ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Với mong muốn cuộc sống tốt đẹp hơn, năm 2003, ông cùng hàng chục hộ dân rời quê hương Phú Thọ vào Đắk Lắk (nay là Đắk Nông) lập nghiệp. Dù xa quê, nhưng ông cảm thấy quê hương luôn bên mình, bởi lúc nào ông cũng nhớ, cũng nghĩ về quê.

img_3114.jpg
Ông Chử Văn Chúc (bên trái) cùng những người đồng hương Phú Thọ luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống và phát triển kinh tế

Ông Chúc cho biết: “Tôi luôn xác định, ở đâu cũng là quê hương như nhà thơ Chế Lan Viên từng nói: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Do đó, dù ở một ngày đất lạ cũng hóa quê hương, huống gì tôi đã gắn bó với mảnh đất Phú Thọ hàng chục năm trời. Do đó, tôi biến nỗi nhớ thương thành động lực để cố gắng vươn lên trong cuộc sống, để khi có dịp trở về, tôi lại lên Đền Hùng báo công”.

Cũng theo ông Chúc, những người Phú Thọ xa xứ, hàng năm không thể về với đất Tổ, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn luôn đau đáu nỗi nhớ về tổ tiên, cội nguồn. Với tâm niệm “Con người có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn” nên người dân Phú Thọ ở Tuy Đức đã lập nên đền thờ Vua Hùng ngay tại địa phương để thờ cúng tổ tiên, gia tộc, gây dựng mối đoàn kết trong xóm giềng.

Ông Chử Anh Chương cũng ở thôn 6 cho biết: “Mỗi dịp tháng ba về, tôi nôn nao, khó tả. Những kỷ niệm khi còn ở quê nhà lại lần lượt hiện ra trong đầu. Từ đó, tôi lại động viên vợ con phải tích cực trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế để có điều kiện về thăm quê cha đất Tổ”.

Nhớ ngày Giỗ Tổ tháng ba lại về

Để vơi đi nỗi nhớ quê hương, hàng năm, vào dịp Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, những người con Phú Thọ đang sinh sống ở Đắk Nông lại tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về tổ tiên, cội nguồn. Ông Chiến là một trong những người thường xuyên về dâng hương các vị Vua Hùng vào dịp Lễ Giỗ Tổ.

Quê ông Chiến ở huyện Hạ Hòa, nơi có Đền Mẫu Âu Cơ, nên mỗi khi về quê việc đầu tiên là ông lên đền thắp hương bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của người con xa quê khi về với đất mẹ. Sau đó, ông chuẩn bị lễ vật dâng lên Vua Hùng.

Ông Chiến cho biết: “Vua Hùng là của tất cả con dân Việt Nam và hễ là người dân Việt thì đều nhớ đến ngày giỗ của Vua Hùng. Là người con được sinh ra ở quê cha đất Tổ, hàng năm, tôi đều hành hương về quê vào dịp Giỗ Tổ để hòa mình vào dòng người lên dâng hương, lễ vật cảm tạ công đức của Vua Hùng. Dù nhiều lần về, nhưng mỗi lần, tôi lại có một cảm xúc khác nhau và lúc nào cũng thấy lòng bồi hồi, xúc động vô cùng”.

pnat-o-chien.jpg

Theo ông Chiến, về quê đúng dịp Lễ Giỗ Tổ, hòa vào dòng người từ khắp mọi miền đổ về Đền Hùng, ông cảm giác được gặp mẹ, gặp cha, gặp những người anh em thân thiết trong một đại gia đình. Trong một lần về Phú Thọ, ông Chiến đã lên Đền Thượng thỉnh chân nhang và lấy đất ở Núi Lĩnh để về thờ tại Đắk Nông. Năm nào không về được, ông làm lễ cúng Vua Hùng tại nhà riêng. Mâm lễ vật được chuẩn bị đầy đủ các món ăn truyền thống của Việt Nam và không thể thiếu bánh chưng, bánh giầy… Sau khi bày biện lễ vật, con cháu trong gia đình lần lượt thắp nhang bày tỏ lòng biết ơn đến Vua Hùng.

“Cứ đến 10/3 âm lịch, các con, cháu của tôi không ai bảo ai dù ở đâu, làm gì đều về tề tựu đông đủ để cùng nhau làm mâm lễ dâng lên Vua Hùng. Đến nay, Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành dịp để các thành viên trong gia đình sum họp, bạn bè, đồng hương đến chung vui. Tôi cũng kể lại những sự tích về Vua Hùng, lịch sử dân tộc để con cháu biết. Đặc biệt, khi dâng hương lên Vua Hùng, các con, cháu đều phải tự hứa tiếp tục phát huy truyền thống của dân tộc, dòng họ, gia đình góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển”, ông Chiến cho biết thêm.

Là người khởi xướng thành lập Hội đồng hương Phú Thọ ở Đắk Nông, nên vào dịp 10/3, ông Chiến thường tự tay chuẩn bị bài văn cúng, báo công lên Vua Hùng. Tùy mỗi địa phương, Hội đồng hương Phú Thọ có những cách chuẩn bị mâm lễ khác nhau, nhưng bắt buộc phải có bánh chưng, bánh giầy tượng trưng cho đất và trời.

Cách đây vài năm, ông Chiến còn đứng ra thành lập đoàn 30 người đại diện cho đông đảo người dân Phú Thọ đang sinh sống ở Đắk Nông về dâng hương tưởng nhớ Vua Hùng vào dịp 10/3. Chuyến đi về nguồn ấy, các thành viên trong đoàn ai cũng phấn khởi, vui mừng và mong muốn có thêm nhiều chuyến đi hơn nữa để ai cũng được về với quê hương.

Dù làm gì, ở đâu cũng không quên ngày Giỗ Tổ

Cứ đến ngày Giỗ Tổ 10/3 âm lịch, bà con đồng hương Phú Thọ ở xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức lại tề tựu đông đủ để cùng tổ chức cúng, dâng hương, hoa, bánh chưng, bánh giầy tưởng nhớ các Vua Hùng.

Hội đồng hương Phú Thọ tại xã Đắk Búk So hiện có hơn 100 hộ gia đình tham gia sinh hoạt. Bà con nơi đây đều từ xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao vào đây lập nghiệp từ năm 1999. An cư lạc nghiệp ở vùng đất mới, những người con Phú Thọ xa quê vẫn giữ cho mình truyền thống tốt đẹp, tưởng nhớ đến Vua Hùng, báo công lên tổ tiên. Hàng năm, vào những ngày lễ, tết, nhất là vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, Hội đồng hương Phú Thọ đều gặp mặt nhau và tổ chức cúng giỗ thành kính để tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân.

img_3254.jpg
Đất và nước được lấy từ Phú Thọ, hiện được thờ tại Đền thờ Hùng Vương ở xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức

Đúng ngày giỗ Tổ 10/3, ngay từ sáng sớm, bà con quê hương Phú Thọ ở huyện Tuy Đức đều mang hương hoa, lễ vật đến Đền thờ Hùng Vương để tổ chức lễ giỗ. Lễ vật kính dâng tổ tiên, ngoài bánh chưng, bánh giầy, bánh tét còn có thêm đặc sản của quê hương Tuy Đức.

Để ngày giỗ Tổ chu toàn nhất, người dân tập trung gói bánh chưng, bánh giầy để cúng tổ tiên. Trước đó vào các ngày mùng 8 và mùng 9/3 âm lịch, tại khuôn viên đền thờ cũng diễn ra nhiều hoạt động thể dục thể thao và các trò chơi dân gian như: bóng chuyền, bóng đá, đá gà, cờ tướng cùng các tiết mục văn hóa văn nghệ như hát xoan, diễn tấu cồng chiêng mang nét văn hóa dân gian đặc sắc của dân tộc.

Tại Lễ Giỗ Tổ, các nghi thức được tổ chức rất trang nghiêm, thành kính. Trước anh linh tổ tiên, những người con Phú Thọ, chính quyền địa phương và Nhân dân quanh vùng đã làm lễ báo công, ôn lại lịch sử hào hùng của các vị Vua Hùng thời kỳ dựng nước, lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước…

img_3177.jpg
Trước ngày giỗ, bà con quê Phú Thọ đã tất bật chuẩn bị lá dong, gạo nếp để gói bánh chưng

Ông Chúc tâm sự: “Bà con quê Phú Thọ đều xác định, dù ở nơi nào thì tất cả người dân trên mọi miền đất nước đều là con cháu Vua Hùng, luôn hướng về quê cha, đất Tổ, cội nguồn của dân tộc. Vì vậy, dịp 10/3 âm lịch hàng năm, tất cả bà con Phú Thọ nói riêng, người dân trong vùng nói chung đều có thể đến Đền thờ Hùng Vương để thắp nén tâm nhang, tưởng nhớ về nguồn cội, tổ tiên mình”.

Ông Lê Hữu Nghệ, Hội trưởng Hội đồng hương Phú Thọ ở xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp cho biết: “Hàng năm, cứ đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, bà con Phú Thọ hiện đang sinh sống trên địa bàn xã lại tề tựu đông đủ để thắp nhang, cúng lễ tưởng nhớ công lao các Vua Hùng. Đối với những người xa quê như chúng tôi, đây là dịp để gặp gỡ, hàn huyên tâm sự, chia sẻ nhau những vui buồn trong cuộc sống cũng như những kỷ niệm của tuổi thơ ở quê nhà”.

img_3449.jpg
Ông Lê Hữu Nghệ, Hội trưởng Hội đồng hương Phú Thọ ở xã Quảng Tín dọn dẹp lại khu vực thờ tự để chuẩn bị cho Lễ Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3

Đặc biệt, tại lễ gặp mặt, Hội còn ôn lại truyền thống, lịch sử dựng nước của các Vua Hùng, cùng tưởng nhớ cội nguồn, tri ân công đức tổ tiên, các bậc tiền nhân đã có công khai quốc. Cuộc gặp không chỉ để bà con sum vầy, trò chuyện cho bớt nỗi nhớ quê hương mà còn có nhiều hoạt động có ý nghĩa như trao quà, thăm hỏi những gia đình khó khăn, tổ chức trao thưởng cho con em có thành tích xuất sắc…

Hoàng Hoài - Thanh Hằng