Cải tạo chung cư cũ: Khó khăn vướng mắc đã được tháo gỡ nhưng thực hiện vẫn chậm
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 16:24, 16/04/2024
Sáng 16/4, ngay sau khi kiểm tra Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đi kiểm tra tình hình triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Bí thư Thành ủy và đoàn đã trực tiếp thị sát Nhà chung cư A, khu chung cư cũ Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình. Đây là nhà chung cư thuộc diện nguy hiểm cấp độ D, hàng chục hộ thuộc đơn nguyên 1 đã được di dời tới nơi tạm cư để bảo đảm an toàn.
Tiếp đó, đồng chí Đinh Tiến Dũng và đoàn làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan tại Quận ủy Ba Đình.
Xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố rất chậm
Báo cáo tại cuộc làm việc, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy tại cuộc kiểm tra công tác cải tạo chung cư cũ tại hai quận Ba Đình, Đống Đa ngày 3/2/2023 (Thông báo kết luận số 1041-TB/TU ngày 14/2/2023), Sở Xây dựng đã tổ chức 5 cuộc họp và có các văn bản đôn đốc, hướng dẫn các quận, huyện nơi có nhà chung cư tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai cải tạo, xây dựng lại đối với 10 khu chung cư cũ lựa chọn triển khai ban đầu, giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, Sở đã đề nghị các quận Ba Đình, Đống Đa đẩy nhanh tiến độ triển khai đối với các nhà chung cư thuộc 3 khu tập thể: Khương Thượng, Trung Tự, Giảng Võ.
Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 5289/QĐ-UBND ngày 18/12/2021. Đề án xác định 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: Tổng rà soát, khảo sát, kiểm định chung cư cũ; lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết chung cư cũ; tổ chức lựa chọn nhà đầu tư...
UBND thành phố cũng đã ban hành 6 kế hoạch triển khai đề án. Tuy nhiên, việc triển khai các công tác liên quan cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố rất chậm, không bảo đảm tiến độ đã đề ra, như: Chưa phê duyệt quy hoạch 1/500 trong thời hạn hết quý IV-2023; chưa hoàn thành di dời hộ dân ra khỏi nhà chung cư nguy hiểm; chưa xác định phạm vi, ranh giới dự án và kiểm định nhà, khu chung cư theo nguyên tắc toàn khu (hiện tại mới kiểm định các nhà chung cư, chưa kiểm định, đánh giá các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy định tại các điều 5, 7, 8 Nghị định số 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ).
Sau khi nghe ý kiến trao đổi, thảo luận của lãnh đạo HĐND, UBND thành phố, các sở, ngành và quận Ba Đình làm rõ khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất các giải pháp thời gian tới, kết luận buổi kiểm tra và làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Trong một số việc cấp thiết, cấp bách mà thành phố lựa chọn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ còn nhiệm vụ cải tạo chung cư cũ là chậm.
Nguyên nhân chủ yếu là khâu tổ chức thực hiện, trong khi cơ bản những khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ, nhất là sau khi sửa đổi Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Năm 2025, Hà Nội phải khởi công cải tạo, xây dựng lại 1-2 khu chung cư cũ
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo, chọn quận Ba Đình và 3 khu chung cư cũ ưu tiên triển khai đợt 1 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tạo bước đột phá trong triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
Trước mắt, Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nhiệm vụ này, phân công cụ thể đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương, bảo đảm rõ cá nhân phụ trách, rõ tiến độ từng ngày theo 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề án đã đề ra, như: Quy hoạch chi tiết, lựa chọn nhà đầu tư, họp bàn lấy ý kiến nhân dân, xác định hệ số k...
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu, trước hết phải tạo bước đột phá về công tác quy hoạch chi tiết từng khu, cụm nhà chung cư, làm quy hoạch với tư duy rộng mở gắn với giải quyết các khó khăn, vướng mắc và bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, nhà đầu tư và nhà nước... Mục tiêu là cuối năm 2024, phải chọn được nhà đầu tư, để năm 2025, Hà Nội phải khởi công cải tạo, xây dựng lại 1-2 khu chung cư cũ.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng lưu ý, điều quan trọng là phải chọn đúng nhà đầu tư đủ năng lực và có thể thực hiện dự án trong thời gian khoảng 3 năm để người dân không phải tạm cư quá dài, tạo sự lan tỏa, thống nhất, tin tưởng để làm tiếp ở các khu chung cư khác.
Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, kế hoạch này có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để tổ chức thực hiện, đồng thời để kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo tinh thần Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, cải tạo chung cư cũ là nhiệm vụ cấp thiết, một trong những nhiệm vụ đầu tiên để tái thiết đô thị, xây dựng Thủ đô ngày càng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
"Trước những việc khó khăn như vậy, nếu cán bộ được giao nhiệm vụ tâm huyết, quyết tâm cao và có tình yêu đối với Hà Nội thì chắc chắn sẽ tìm ra giải pháp vượt qua, ngược lại, còn hời hợt, vô tâm, vô cảm với công việc thì 5-10 năm nữa vẫn sẽ không có kết quả". Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, mỗi đồng chí liên quan đến nhiệm vụ này cùng xác định đây là trách nhiệm với sự an toàn của người dân, để từ đó cố gắng thêm, tận tâm vì hiệu quả công việc, vì mục tiêu thành phố đã đề ra.