Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2024 - 2025 huyện Vĩnh Bảo - Hải Phòng
Tổng hợp đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2024 - 2025 của huyện Vĩnh Bảo - Hải Phòng hay nhất với gợi ý trả lời chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để làm bài thi vào lớp 10 năm 2024 tốt hơn.
Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2024 - 2025 của huyện Vĩnh Bảo - Hải Phòng
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Với vẻ ngoài nhỏ nhắn, gương mặt lúc nào cũng nở nụ cười, ít ai biết Bảo Trân chính là Quán quân cuộc thi Hùng biện Tiếng Anh toàn quốc năm 2023. Sau 3 vòng thi, bạn đã xuất sắc vượt qua các thí sinh đến từ 50 tỉnh, thành trên cả nước.
Để có thể giành chiến thắng trước hàng trăm “cao thủ” khác, Bảo Trân đã phải trang bị cho mình một tư duy đa chiều và vốn hiểu biết sâu rộng về mọi mặt cuộc sống như: Xã hội học, khoa học và công nghệ, văn học và truyền thông… Cô bạn chia sẻ: “Cuộc thi Hùng biện Tiếng Anh toàn quốc là một sân chơi hào hứng và chuyên nghiệp. Ở đây, mình được giao lưu cùng các bạn ở khắp mọi miền đất nước. Đặc biệt, là cơ hội để mình chia sẻ cùng bè bạn khắp nơi thông điệp, rằng việc học Tiếng Anh không có khoảng cách”.
Không chỉ giỏi Tiếng Anh, ở trường, nhiều năm liền Bảo Trân cũng là Học sinh giỏi, Học sinh xuất sắc. Bạn tham gia nhiều hoạt động, cuộc thi và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ trong năm học vừa qua như: Giải Ba cấp thành phố cuộc thi “Kể chuyện theo sách”; Giải Ba cuộc thi Sáng tạo đồ dùng thiết bị, triển lãm dự án STEM thành phố; Giải Nhất cuộc thi MC “Teen nói, teen hành động” TP. Tam Kỳ…
Thầy Nguyễn Anh Vũ - giáo viên Tổng phụ trách Đội trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, bật mí thêm: “Bảo Trân là một học sinh đa tài, không chỉ học giỏi mà còn là trụ cột không thể thiếu trong các phong trào, hoạt động Đội của nhà trường. Bạn là một tấm gương sáng để học sinh trong trường học hỏi, làm theo”.
(Thành Trần, Báo Thiếu niên Tiền phong, số 170, ra ngày 25/10/2023, tr.9)
Câu 1. (0,5 điểm). Theo đoạn trích, để có thể giành chiến thắng trước hàng trăm “cao thủ” khác, Bảo Trân đã phải trang bị cho mình những gì?
Câu 2. (0,5 điểm). Nội dung chính của đoạn trích trên là gì?
Câu 3. (1,0 điểm)
Nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật nổi bật được sử dụng trong câu văn: Bạn tham gia nhiều hoạt động, cuộc thi và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ trong năm học vừa qua như: Giải Ba cấp thành phố cuộc thi “Kể chuyện theo sách”; Giải Ba cuộc thi Sáng tạo đồ dùng thiết bị, triển lãm dự án STEM thành phố; Giải Nhất cuộc thi MC “Teen nói, teen hành động” TP. Tam Kỳ…
Câu 4. (1,0 điểm). Những bài học cuộc sống mà đoạn trích gợi ra cho em?
PHẦN II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm). Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về những điều học sinh cần làm để có một tương lai tươi sáng.
Câu 2. (5,0 điểm). Viết bài văn trình bày cảm nhận của em về đoạn thơ sau:
Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.
Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay !
( Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục, 2018, tr.143)
Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2024 - 2025 của huyện Vĩnh Bảo - Hải Phòng
PHẦN I. ĐỌC HIỂU
Câu 1.
Theo đoạn trích, để có thể giành chiến thắng trước hàng trăm “cao thủ” khác, Bảo Trân đã phải trang bị cho mình một tư duy đa chiều và vốn hiểu biết sâu rộng về mọi mặt cuộc sống như: Xã hội học, khoa học và công nghệ, văn học và truyền thông…
Câu 2.
Nội dung: Viết về Bảo Trân - Quán quân cuộc thi Hùng biện Tiếng Anh toàn quốc năm 2023. Bạn không chỉ học giỏi mà còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào với nhiều thành tích đáng khích lệ; trở thành tấm gương sáng cho các bạn học sinh học tập và noi theo.
Câu 3.
* Biện pháp tu từ: Liệt kê: Giải Ba cấp thành phố cuộc thi “Kể chuyện theo sách”; Giải Ba cuộc thi Sáng tạo đồ dùng thiết bị, triển lãm dự án STEM thành phố; Giải Nhất cuộc thi MC “Teen nói, teen hành động” TP. Tam Kỳ
* Tác dụng:
+ Tạo nhịp điệu cho câu văn, làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt, câu văn trở nên sinh động, gây ấn tượng, lôi cuốn người đọc..
+ Diễn tả một cách cụ thể, toàn diện, sâu sắc những kết quả (thành tích) mà Bảo Trân đã đạt được trong các cuộc thi. Qua đó khẳng định Bảo Trân là một người rất tài năng.
+ Thể hiện thái độ trân trọng, ngợi ca, ngưỡng mộ của tác giả dành cho Bảo Trân; mong muốn các bạn học sinh cần học hỏi để đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện.
Câu 4.
Học sinh có thể đưa ra những bài học khác nhau, cách diễn đạt khác nhau và đảm bảo sự hợp lý, có thể là:
-Nhận thức được để đạt thành tích cao trong các cuộc thi, ta phải trang bị cho mình một tư duy đa chiều và vốn hiểu biết sâu rộng về mọi mặt cuộc sống.
- Hiểu được việc tham gia các cuộc thi là cơ hội để chúng ta giao lưu, chia sẻ, học hỏi những kiến thức, kinh nghiệm từ bạn bè.
- Cần trân trọng, ngợi ca những bạn học sinh có tài năng, tích cực học tập rèn luyện.
-Cần học hỏi và noi theo những tấm gương sáng về học tập và rèn luyện.
- Là học sinh bên cạnh việc trau dồi tri thức; chúng ta cần tích cực, hăng hái tham gia các hoạt động do nhà trường và các tổ chức khác phát động…
- Ý khác hợp lí…
PHẦN II. LÀM VĂN
Câu 1.
A. Hình thức
- Viết đúng hình thức một đoạn văn nghị luận theo cách diễn dịch, đảm bảo dung lượng khoảng 200 chữ.
- Diễn đặt rõ ràng, mạch lạc, lời văn trong sáng, không mắc lỗi về câu, không sai chính tả.
B. Nội dung
Học sinh có thể có các cách trình bày khác nhau, song phải đảm bảo các ý cơ bản sau:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận: những điều học sinh cần làm để có một tương lai tươi sáng.
* Giải thích: Những điều học sinh cần làm để có một tương lai tươi sáng: những suy nghĩ, hành động, việc làm tích cực, thiết thực mà học sinh cần làm để tạo ra cuộc sống thành công, hạnh phúc, tốt đẹp trong tương lai.
* Những điều học sinh cần làm:
- Trước hết, mỗi học sinh cần có những ước mơ, lý tưởng cao đẹp, có mục tiêu đúng đắn cho cuộc sống của mình.
- Nhận thức đúng giá trị của bản thân để phát huy những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu.
- Tích cực học tập, trau dồi tri thức, mở mang hiểu biết của bản thân về mọi lĩnh vực của đời sống.
- Rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức tốt đẹp như yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm…
- Trang bị những kỹ năng sống cần thiết như kỹ năng ứng xử, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, kỹ năng ra quyết định…
- Rèn luyện ý chí nghị lực, suy nghĩ tích cực, lạc quan trong mọi hoàn cảnh.
- Rèn luyện sức khoẻ …
-Ý khác hợp lý…
Cách cho điểm:
Học sinh nêu được 2 ý cho 0,25 điểm, 3 ý cho 0,5 điểm
* Phản đề:
Phê phán những học sinh vô trách nhiệm với bản thân, sống mờ nhạt, vô nghĩa, không có ý chí để vượt qua khó khăn.
* Bài học nhận thức và hành động:
+Nhận thức được trách nhiệm của bản thân với cuộc sống của chính mình, gia đình, xã hội.
+Cần nỗ lực hết mình, lao động cần cù, chăm chỉ, phát huy tối đa năng lực của bản thân, đóng góp vào sự phát triển của xã hội.
+Bản thân cần học tập, tu dưỡng đạo đức để sau này có tương lai tươi sáng…
Câu 2.
A. Hình thức
- Đúng kiểu bài nghị luận về một đoạn trích thơ; kết hợp hài hòa nhiều thao tác lập luận; luận điểm rõ ràng; lập luận chặt chẽ; bố cục đủ 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài.
- Trình bày rõ ràng, mạch lạc.
- Không mắc lỗi về diễn đạt, câu chữ, lỗi chính tả…
B. Nội dung
Học sinh có thể có các cách trình bày khác nhau song phải đảm bảo các ý cơ bản sau:
I. Mở bài
- Giới thiệu tác giả Bằng Việt và bài thơ Bếp lửa.
- Nêu vấn đề nghị luận: Đoạn thơ khắc hoạ hình ảnh bếp lửa khơi gợi dòng kỉ niệm và những kí ức tuổi thơ đói nghèo cơ cực nhưng ấm áp tình bà cháu.
- Trích dẫn đoạn thơ.
( Lưu ý: HS có thể mở bài theo cách gián tiếp, Gv vẫn chấp nhận).
II. Thân bài
1.Khái quát :
- Hoàn cảnh ra đời: Bài thơ “Bếp lửa” được sáng tác năm 1963 khi Bằng Việt đang là sinh viên ngành luật ở nước ngoài.
- Xuất xứ: Bài thơ được in trong tập Hương cây-Bếp lửa, tập thơ đầu tay của Lưu Quang Vũ và Bằng Việt.
- Mạch cảm xúc bài thơ: Bếp lửa là hình ảnh xuyên suốt toàn bài thơ, là hình ảnh khơi nguồn cho dòng hồi tưởng, cảm xúc về bà. Dòng cảm xúc ấy chính là những kỷ niệm về những năm tháng tuổi thơ sống bên bà. Từ đó nhà thơ suy nghĩ về bà, về cuộc đời bà và thể hiện lòng kính yêu, tự hào, biết ơn bà. Mở rộng ra là tình yêu quê hương đất nước.
- Vị trí đoạn: Đây là đoạn thơ mở đầu của thi phẩm viết về cảm xúc và hồi tưởng của nhà thơ khi lên 4 tuổi sống cùng bà.
2. Cảm nhận
a. Luận điểm 1: Bếp lửa khơi dòng cảm xúc và kỉ niệm về bà
* Bài thơ được bắt đầu bằng hình ảnh bếp lửa thực:
- Hình ảnh bếp lửa: nhỏ bé, bình dị, gần gũi, thân thuộc trong mỗi gia đình Việt, một bếp lửa được đốt lên bằng rơm rạ, củi đóm…
- Từ láy ”chờn vờn”: tả ngọn lửa bập bùng, vừa gợi sự mờ tỏ của kí ức tuổi thơ bên bà.
- Hình ảnh: Bếp lửa “ chờn vờn sương sớm”: gợi không gian bình yên, huyền ảo, thân thuộc của làng quê vào những buổi sớm.
* Từ hình ảnh bếp lửa cụ thể mở ra một bếp lửa trừu tượng:
+ Các tính từ: “Ấp iu, nồng đượm”: vừa gợi tả sự cháy sáng của ngọn lửa vừa gợi bàn tay kiên nhẫn, khéo léo và tấm lòng chi chút của bà. Đó là bếp lửa của tình yêu thương.
-> Hình ảnh bếp lửa thực đã được nâng lên thành bếp lửa tượng trưng giàu sức biểu cảm.
-> Hình ảnh “Một bếp lửa” được điệp lại hai lần: Ấn tượng sâu đậm của bếp lửa trong kí ức tuổi thơ người cháu và sức toả sáng của bếp lửa theo thời gian.
* Cảm xúc của người cháu: “thương bà’. Người cháu bộc lộ trực tiếp tình yêu thương, thấu hiểu tấm lòng của bà và những gian khó, tần tảo, lam lũ trong cuộc đời bà. Hình ảnh ẩn dụ “nắng mưa” đầy sức gợi. Đó không chỉ là hiện tượng của đất trời mà còn diễn tả những khó khăn gian khổ mà bà đã trải qua.
-Hình ảnh bếp lửa đã gợi cho cháu nỗi nhớ bà, nhớ gia đình, nhớ quê hương, đất nước. Kỉ niệm về bếp lửa, về bà rất giản dị nhưng cũng rất sâu sắc gần gũi trong đời sống tình cảm con người. Tình yêu thương bà chính là biểu hiện cụ thể của tình yêu thương gia đình, quê hương và đó là khơi nguồn của tình người, tình yêu đất nước.
b. Luận điểm 2: Dấu ấn sâu đậm về tuổi thơ năm 4 tuổi bên bà và bếp lửa:
* Dấu ấn về cái đói nghèo:
+ Cái đói nghèo của cả dân tộc: “đói mòn đói mỏi”: cái đói năm Ất Dậu 1945 - kí ức đau buồn của dân tộc ta.
+ Cái đói nghèo của gia đình: “Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy”.
-> Chất thơ đậm chất hiện thực, thành ngữ giàu sức biểu cảm đã tái hiện cuộc sống đói nghèo, lam lũ, khổ cực của đất nước ta những năm tháng đó.
-> Hình ảnh người cha xơ xác gầy gò, với công việc đánh xe cực nhọc…càng làm rõ hơn hoàn cảnh nghèo khổ và một tuổi thơ nhọc nhằn thiếu thốn của nhà thơ.
* Dấu ấn về mùi khói :
- Cụm từ “ quen mùi khói” và “nhớ khói hun nhèm mắt” rất chân thực và giàu sức gợi: đó là sự khốn khó trong cuộc sống sinh nhai và nỗi nhớ khôn xiết của nhà thơ về mùi khói quen thuộc.
- Qua cách nói ấy-> gián tiếp nói về bà. Bà tần tảo, chịu khó ngày nào cũng thức dậy nhóm bếp nên cháu đã thành quen. Từ đó thấy được sự hy sinh và tình yêu thương sâu sắc của bả dành cho cháu.
* Cảm xúc của cháu khi nhớ về kỉ niệm: “Nghĩ lại….còn cay”
-Câu thơ đã thể hiện rất chân thực và xúc động niềm thương về tuổi thơ gian khó, niềm thổn thức của người cháu khi nghĩ về những năm tháng tuổi nhỏ bên người bà kính yêu, cồn cào nỗi nhớ thương bà.
-Hình ảnh bếp lửa và kí ức tuổi thơ gợi nhớ bằng trí tưởng tượng, bằng nhiều giác quan để quay về sống lại kỉ niệm. Dường như không có khoảng cách của thời gian, mọi hình ảnh gắn với bếp lửa với tình bà được tái hiện chân thật, rõ ràng từ một kí ức xa xôi.
-> Cả đoạn thơ không nhắc đến hình ảnh bà nhưng người đọc vẫn hình dung ra hình bóng của bà. Tuổi thơ của cháu tuy dữ dội nhưng sâu nặng ân tình vì cháu được sống trong vòng tay yêu thương của bà, bà đã dắt cháu bước qua những tháng ngày cơ cực.
3. Đánh giá
Về nghệ thuật:
- Lời thơ nhẹ nhàng, tha thiết, bâng khuâng xúc động. Ngôn ngữ dạt dào cảm xúc; Miêu tả kết hợp tự sự, biểu cảm; Hình ảnh thơ vừa chân thực vừa giàu ý nghĩa biểu tượng; Các biện pháp tu từ linh hoạt…
Nội dung :
- Khẳng định kí ức tuổi thơ bao giờ cũng in sâu trong tâm hồn con người. Nó là cội nguồn của bao tình cảm đẹp đẽ.
- Trân trọng, ngợi ca tình cảm bà cháu bình dị, gần gũi mà thiêng liêng.
III. Kết bài
- Khẳng định lại vẻ đẹp và sự thành công của đoạn thơ, giá trị và sức sống của bài thơ.
- Liên hệ….
C. Sáng tạo:
- Sáng tạo về nội dung: học sinh có ý tưởng mới mẻ, liên hệ với các sáng tác cùng đề tài, liên hệ thực tiễn đời sống ...
- Sáng tạo về hình thức: cách mở bài, kết bài, tổ chức bài viết hay, diễn đạt ấn tượng ...