Đắk Nông siết chặt khâu cho ứng vốn đầu tư
Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo kiểm tra, rà soát khâu cho nhà thầu ứng vốn để tránh tình trạng "ứng tiền nhưng không có khối lượng thi công".
Tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quý I và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024 diễn ra vào ngày 16/4, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các ngành chức năng siết chặt khâu cho nhà thầu ứng vốn.
“Sở KH-ĐT, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Sở Tài chính siết chặt tình trạng cho nhà thầu ứng kinh phí. Các đơn vị kiểm tra, rà soát nhà thầu xem có ứng vốn đúng quy định và có thanh toán khối lượng hay không. Tránh tình trạng ứng kinh phí nhưng không hoàn thành khối lượng”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến chỉ đạo.
Tại hội nghị, các sở, ngành, địa phương tập trung thảo luận nhiều vấn đề trọng tâm. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư được nhiều địa phương đề cập. Đến ngày 4/4/2024, Đắk Nông giải ngân được 332 tỷ đồng vốn đầu tư, đạt 11,3% kế hoạch.
Về giải ngân vốn, Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil Lê Văn Hoàng cho biết, hết quý I/2024, địa phương giải ngân đạt 13% kế hoạch. Đây là tỷ lệ thấp so với yêu cầu.
Nguyên nhân là do nhiều công trình của huyện khó khăn về nguồn đất đắp. Một số dự án huyện đang phối hợp các đơn vị nghiệm thu khối lượng hoàn thành.
"Huyện có khoảng 13 tỷ đồng vốn chương trình mục tiêu quốc gia đang vướng cơ chế, chính sách chưa giải ngân được và đang tìm cách tháo gỡ", Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil Lê Văn Hoàng chia sẻ.
Tại huyện Đắk R’lấp, hết tháng 3/2024, huyện giải ngân được 30% kế hoạch vốn. “Chúng tôi đề xuất UBND tỉnh Đắk Nông bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng cho khu bãi rác của huyện. Đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, huyện xin chủ trương điều chỉnh dự án giải ngân thấp sang dự án hấp thụ tốt, với kinh phí hơn 9 tỷ đồng”, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp Nguyễn Quang Tứ cho biết.
Liên quan đến giải ngân vốn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên nhấn mạnh, các chủ đầu tư cần kịp thời báo cáo các vướng mắc lên UBND tỉnh. Các địa phương, chủ đầu tư linh hoạt trong phối hợp cùng thực hiện.
“Hầu hết chủ đầu tư, địa phương còn rất bị động trong nêu vướng mắc, khó khăn liên quan đến các dự án”, Phó Chủ tich UBND tỉnh Lê Trọng Yên khẳng định.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT Đắk Nông Phạm Tuấn Anh đã báo cáo về tình hình hạn hán hiện nay. Hạn hán ở Đắk Nông đang diễn ra khốc liệt.
Nhiều công trình thủy lợi, hồ đập đã cạn nước, khiến khoảng 9.960ha cây trồng của nông dân bị ảnh hưởng, đối diện nguy cơ mất mùa...
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung giải quyết tất cả những tồn đọng lâu nay.
Các chủ đầu tư, địa phương đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh giải ngân vốn. Trong quý II, cần ưu tiên cho kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng cho Dự án Quảng trường trung tâm Gia Nghĩa để đẩy mạnh tiến độ giai đoạn vốn.
Đối với nguồn thu sử dụng đất, các đơn vị làm kỹ khâu định giá đất để đẩy nhanh tiến độ. Thu được từng nào, chúng ta nhập vào hệ thống Tamis để kịp thời đáp ứng kinh phí cho các công trình, dự án. Các địa phương đẩy mạnh thu tiền từ cấp tái định cư….