Người dân Đắk Nông và ý thức lái xe không độ cồn
Nhiều người dân ở Đắk Nông tạo cho mình thói quen không lái xe sau khi uống rượu bia, góp phần bảo đảm an toàn giao thông cho mình và mọi người.
Thay đổi nhận thức
Anh Nguyễn Văn Toàn làm phụ hồ cho một chủ thầu ở phường Nghĩa Phú, TP. Gia Nghĩa. Khu vực anh Toàn ở thuộc phường Quảng Thành, cách trung tâm thành phố khoảng 10km. Tùy vào công việc, anh thường phải di chuyển xe máy từ 10 - 20km từ nhà tới công trình và ngược lại.
Năm 2023, anh Toàn thi công một công trình ở phường Nghĩa Tân. Khi làm móng công trình xong, chủ nhà mời đội thợ bữa cơm rượu. Anh Toàn giao lưu nhiệt tình với đội thợ và chủ nhà. Trên đường về, anh Toàn bị lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn và bị xác định vi phạm.
Anh bị phạt hành chính số tiền 2,5 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe 11 tháng. “Số tiền phạt tương đương gần 10 ngày công lao động của tôi. Chưa kể tôi bị tước giấy phép lái xe, cả năm trời phải đi nhờ xe”, anh Toàn chia sẻ.
Trường hợp bị xử phạt của anh Toàn là bài học đắt giá cho cả đội thợ. Sau lần đó, những cuộc nhậu ở công trình vì thế mà ít lại. Chỉ những dịp quan trọng, nhóm thợ mới tham gia.
Theo anh Trần Hữu Công, một chủ thầu xây dựng ở TP. Gia Nghĩa, khi triển khai công trình, nhiều chủ nhà thường mời cơm rượu vào các dịp như: động thổ, lợp mái, hoàn công, tân gia… Nhóm thợ có thói quen đến những dịp đó là gợi ý để ăn nhậu. Nhưng khi lực lượng chức năng làm nghiêm nồng độ cồn, mọi thứ đã thay đổi.
Anh Công chia sẻ: "Anh em thợ giờ khác hẳn xưa rồi. Hôm nào có dịp nghỉ ngơi thì mới ngồi với nhau chứ không dám thường xuyên như trước. Khi nào nhậu cũng nhờ người thân chở đi hoặc đi xe dịch vụ chứ không dám chạy xe".
Cán bộ, công chức chấp hành nghiêm
Hai năm nay, gia đình anh T.V.M, một công chức cấp sở ở Đắk Nông hình thành được thói quen đã sử dụng rượu, bia thì không lái xe. Khi tham gia các cuộc vui cùng cơ quan, gia đình, bạn bè, anh M đều có nguyên tắc và cách ứng xử phù hợp để không vi phạm thói quen.
Gia đình anh M có xe ô tô. Bản thân anh xác định, đã lái xe thì không uống rượu bia, dù chỉ một giọt. Theo anh, đã uống rượu bia, nếu điều khiển phương tiện tham giao thông là rất nguy hiểm, rất dễ gây tai nạn nghiêm trọng.
Mỗi cuộc vui của người thân, bạn bè và xác định uống, anh M thường đi cả gia đình tới. Sau khi uống với bạn bè, vợ anh sẽ là người cầm lái vì không sử dụng rượu, bia.
“Có vợ hoặc người thân biết chạy xe đi cùng thì mình mới dám uống. Còn những cuộc đi xa và phải lái xe, bản thân tôi tuyệt đối nói không với rượu bia”, anh M tâm sự.
Từng là người thường xuyên ham vui trong các cuộc nhậu, anh Lương Văn Hùng, một cán bộ ở huyện Krông Nô từng cảm thấy rất khó chịu khi lực lượng chức năng làm nghiêm về nồng độ cồn.
Nhưng hiện tại, anh là người ủng hộ nhiệt tình việc xử lý vi phạm nồng độ cồn của cơ quan chức năng. Bản thân anh còn thường xuyên nhắc nhở người trong gia đình, cơ quan phải chấp hành nghiêm các quy định.
Nhớ lại ngày trước, anh Hùng thường xuyên tụ tập với nhóm bạn để ăn nhậu. Mỗi cuộc nhậu thường có nhiều "tăng", di chuyển từ điểm này sang điểm khác. Nhiều hôm nhiệt tình, anh Hùng không nhớ được mình về nhà thế nào và vào lúc nào. Nghĩ lại, bản thân cũng có cảm giác sợ.
“Lắm lúc nhậu vào chạy xe bốc lắm, ra đường rất dễ tai nạn. Chưa kể là uống rượu vào phát sinh những việc không hay. Từ ngày công an làm nghiêm, bản thân tôi và bạn bè ít tụ tập hẳn. Tiền bạc tiết kiệm được mà sức khỏe cũng khác hơn”, anh Hùng tâm sự.
Vận tải nghiêm chỉnh chấp hành
Anh Thể là một tài xế dịch vụ taxi hoạt động trên địa bàn TP. Gia Nghĩa. Từ khi lực lượng chức năng làm nghiêm về nồng độ cồn, anh gần như bỏ hẳn các cuộc ăn nhậu xã giao. Chỉ những trường hợp quan trọng, anh Thể mới xin nghỉ làm và sử dụng rượu bia.
Bản thân anh Thể tự nhận thấy mức xử phạt về vi phạm nồng độ cồn hiện tại là rất nặng. Không chỉ chịu phạt tiền, những người vi phạm nồng độ cồn còn bị tước giấy phép lái xe có thời hạn từ 10 tháng đến 24 tháng.
“Gia đình phụ thuộc phần nhiều vào thu nhập của tôi. Bản thân luôn dặn mình phải nghiêm túc chấp hành quy định sử dụng nồng độ cồn. Bởi nếu chẳng may vi phạm thì gia đình có thể mất đi “bát cơm” đang có”, anh Thể chia sẻ.
Ngoài việc tài xế tự thay đổi nhận thức, các đơn vị kinh doanh vận tải cũng đặc biệt quan tâm tới việc tuyên truyền, vận động tài xế chấp hành nghiêm quy định về nồng độ cồn.
Tại Công ty TNHH Mai Linh Đắk Nông, hiện có 42 tài xế. Công ty thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở tài xế chấp hành quy định về nồng độ cồn thông qua các cuộc họp lái xe định kỳ, hệ thống phần mềm lái xe, các nhóm zalo nội bộ…
Trong các buổi sinh hoạt nội bộ, công ty đặc biệt lưu ý các tài xế tìm hiểu, nắm bắt các mức phạt nặng về nồng độ cồn và những ảnh hưởng tới thu nhập gia đình khi vi phạm. Nhờ đó, ý thức chấp hành của các tài xế ngày càng tăng cao. Thời gian qua, không có lái xe nào của công ty bị lực lượng chức năng xử lý vi phạm về nồng độ cồn.
“Chúng tôi rất ủng hộ việc cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn. Việc lái xe chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, trong đó có nồng độ cồn sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn, tạo sự yên tâm cho người dân tham gia giao thông”, lãnh đạo Công ty TNHH Mai Linh Đắk Nông chia sẻ.
Dịch vụ linh hoạt thích ứng
Nhiều tháng liên tục, khu vực đường Hai Bà Trưng, phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa thưa người qua lại về đêm. Một trong những tuyến đường nhiều quán ăn nhậu, nhộn nhịp bậc nhất của thành phố về đêm bỗng dưng thưa khách. Vào nhiều buổi tối, có một số quán vắng teo. Nguyên nhân chính là do lực lượng chức năng xử lý nghiêm vấn đề nồng độ cồn.
Lượng khách giảm kéo theo doanh thu giảm. Một số hàng quán lâm vào tình cảnh khó khăn. “Tiền thuê mặt bằng, đầu bếp, nhân công… ít nhất khoảng 20 - 30 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể tiền điện, nước, nguyên vật liệu đầu vào. Lượng khách giảm sâu trong nhiều tháng khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn”, một chủ quán trên đường Hai Bà Trưng bày tỏ.
Theo một chủ quán nhậu đầu đường Tôn Đức Thắng, phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa, từ đầu năm 2023 tới nay, kinh tế lâm vào cảnh khó khăn. Nhiều gia đình cắt giảm chi tiêu để tiết kiệm. Trong khi đó, cơ quan chức năng tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn khiến nhiều người dân thay đổi thói quen sinh hoạt, sử dụng rượu bia.
Trước cảnh kinh doanh khó khăn, một số quán nhậu đã chấp nhận cú sốc đóng cửa. Một số quán nhậu khác lại nhanh chóng thích ứng và đưa ra nhiều giải pháp để cầm cự, từng bước vượt qua.
Tại một nhà hàng ở phường Nghĩa Trung, trước đây chủ nhà hàng chỉ làm dịch vụ tiệc và ăn nhậu từ trưa tới tối. Từ khi doanh thu giảm sâu, nhà hàng đã tận dụng khoảng mặt bằng rộng để mở thêm dịch vụ ăn sáng và cà phê mang đi.
“Đây là một khoản thu đáng kể để chúng tôi có tiền trả cho nhân viên. Đây cũng là giải pháp để nhà hàng cầm cự, giữ chân nhân viên trong lúc khó khăn”, chủ nhà hàng tâm sự.
Tại TP. Gia Nghĩa, rất nhiều nhà hàng đã linh hoạt thích ứng bằng các dịch vụ cộng thêm. Khách đi xe đến quán nhậu có thể gửi xe qua đêm tại quán để đi xe dịch vụ về. Một số quán còn miễn phí hỗ trợ đưa khách và phương tiện miễn phí cùng về.
Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn nghiêm cũng khiến nhiều người dân có thói quen nhậu tại nhà. Một số quán cũng đẩy mạnh việc giao đồ ăn uống, đồ nhậu tại nhà. Điều này giúp nhiều cửa hàng có thêm nguồn thu, tìm ra hướng kinh doanh phù hợp trong tình hình mới.
Cơ hội cho những dịch vụ khác
Trong lúc các quán nhậu linh hoạt tìm cách thích ứng thì dịch vụ vận chuyển hành khách lại có cơ hội. Tại TP. Gia Nghĩa, dịch vụ shipper (vận chuyển hàng) đang có xu hướng nở rộ.
Anh Khanh là một shipper tự do tại TP. Gia Nghĩa. Công việc chính trước đây của anh là giao hàng hóa xung quanh thành phố. Từ khi lực lượng chức năng làm nghiêm nồng độ cồn, anh Khanh còn làm thêm dịch vụ đưa đón người.
Theo anh Khanh, tại TP. Gia Nghĩa không có các dịch vụ xe ôm công nghệ. Đội ngũ xe ôm truyền thống cũng rất thưa thớt, ít hoạt động ban đêm. Vậy nên ngoài taxi, người dân ít có lựa chọn khác khi di chuyển trong nội bộ thành phố. Việc đi lại bằng taxi nhiều lần rất tốn kém.
Nắm bắt nhu cầu đó, anh Khanh cùng nhóm shipper tự do đã thành lập một nhóm shipper người. Nhóm này hoạt động mạnh từ chiều tối cho đến đêm khuya với dịch vụ là vận chuyển người, vận chuyển phương tiện của khách từ điểm này tới điểm khác. So với giá của taxi, chi phí đi bằng xe ôm chỉ bằng 25 - 30%.
Nhóm shipper này liên kết với một số nhà hàng phục vụ ăn nhậu trên địa bàn. Khi khách có nhu cầu đưa đón người hoặc đưa phương tiện, nhà hàng sẽ gọi điện và nhóm lập tức có mặt để phục vụ. Chi phí có thể do nhà hàng hỗ trợ 1 phần hoặc miễn phí cho khách.
Mặc dù mới hoạt động chưa lâu nhưng nhóm được nhiều người biết đến và sử dụng dịch vụ. Nhờ làm việc thêm ban đêm, thu nhập của các thành viên trong nhóm cũng tăng lên đáng kể so với làm ban ngày.
“Chúng tôi luôn nhắc nhở nhau tuyệt đối chấp hành quy định về nồng độ cồn. Người nào trong nhóm đã sử dụng rượu bia thì để người khác đi thay. Chúng tôi hy vọng mọi người cùng chấp hành nghiêm quy định về nồng độ cồn để giảm thiểu tai nạn giao thông”, anh Khanh chia sẻ.