Ban Tổ chức T.Ư thống nhất lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm 2024 dài 5 ngày
Ban Tổ chức T.Ư thống nhất với đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH về việc hoán đổi ngày làm việc bình thường (29/4), làm bù sang ngày khác để dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm 2024 dài 5 ngày; báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
- Ban Tổ chức T.Ư quyết định lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm 2024 dài 5 ngày
- Chi tiết lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm 2024 cho người lao động
- Lương cho người lao động đi làm vào lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 2024
- Ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5
- Ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương
- Ý nghĩa và nguồn gốc của ngày Thống nhất 30/4
- Ý nghĩa và nguồn gốc của ngày Quốc tế Lao động 1/5
Ban Tổ chức T.Ư quyết định lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm 2024 dài 5 ngày
Sáng 9/4, Ban Tổ chức Trung ương có văn bản nêu ý kiến về phương án Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất hoán đổi ngày làm việc bình thường và làm bù sang ngày khác trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm 2024.
Theo đó, Ban Tổ chức T.Ư thống nhất với đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH về việc hoán đổi ngày làm việc bình thường (29/4) và làm bù sang ngày khác, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo Ban Tổ chức Trung ương, đối chiếu với quy định về nghỉ lễ, Tết (điều 112, Bộ luật Lao động 2019), đề xuất của Bộ Lao động không làm thay đổi quỹ thời gian làm việc, đồng thời bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có các ngày nghỉ lễ hài hòa, trọn vẹn. Bên cạnh đó cũng góp phần giúp kích cầu du lịch, tiêu dùng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đến nay, ngoài Ban Tổ chức Trung ương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải đều tán thành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày từ ngày 27/4 đến hết 1/5, trong đó, hoán đổi ngày làm việc bình thường (ngày 29/4), chuyển sang làm bù ngày khác.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, sau khi có đầy đủ ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan soạn thảo mới tổng hợp, tham mưu lãnh đạo bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Nhiều bộ, ngành đã có ý kiến đồng tình với phương án đề xuất của Bộ LĐTB&XH.
Chi tiết lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm 2024 cho người lao động
Theo khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên như sau:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
Theo đó, lịch nghỉ lễ 30/4 và 1/5 người lao động như sau:
- Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch).
- Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch)
Năm 2024, dịp 30/4, 1/5 rơi vào thứ ba ngày 30/4/2024 và thứ tư ngày 1/5/2024. Đây cũng là các ngày làm việc trong tuần nên người lao động nghỉ đợt lễ này sẽ không được nghỉ bù.
Theo đó, lịch nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2024 sẽ kéo dài 2 ngày từ thứ ba ngày 30/4/2024 đến hết thứ tư ngày 1/5/2024.
Như vậy, theo như các nội dung nêu trên thì dịp lễ 30/4, 1/5 năm 2024 người lao động sẽ được nghỉ vào 3 ngày cụ thể như sau:
- 2 ngày từ Thứ ba ngày 30/4/2024 đến hết Thứ tư ngày 1/5/2024 (30/4 và 1/5)
Tuy nhiên, nếu các ngày nêu trên là ngày nghỉ hằng tuần của người lao động theo quy định của công ty thì người lao động được nghỉ bù vào ngày làm việc kế tiếp (khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động 2019).
Lương cho người lao động đi làm vào lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 2024
Căn cứ theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019, quy định về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm như sau:
Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo đó, trường hợp người lao động làm vào ngày nghỉ lễ, tết thì người lao động được hưởng lương, ít nhất 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết đối với người lao động hưởng lương ngày.
Ngoài ra, trường hợp người lao động làm việc vào ban đêm thì sẽ được trả thêm ít nhất 30% tiền lương của ngày làm việc bình thường và 20% tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết.
Như vậy, người lao động đi làm vào ngày lễ 30/4 và 1/5 năm 2024 được trả lương được tính lương như sau:
- Làm việc vào ban ngày: Nhận ít nhất 400% lương.
- Làm việc vào ban đêm: Nhận ít nhất 490% lương.
Ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5
Bạn đã biết được thông tin về lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm 2024. Sau đây, hãy cùng Báo Đắk Nông tìm hiểu ý nghĩa của các ngày lễ này.
Ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương
Ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là một trong những ngày lễ lớn và quan trọng tại Việt Nam, được tổ chức vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Ngày này được coi là dịp để người dân tưởng nhớ và tôn vinh các vị vua Hùng đã có công dựng nước và phát triển đất nước phồn thịnh suốt 18 đời vua kéo dài trong 2.622 năm.
Ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ thông qua các nghi lễ trang trọng, trong đó có việc thắp hương, cúng tế, diễu hành và các hoạt động văn hóa truyền thống khác. Đây là dịp để mọi người kỷ niệm và gìn giữ tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc.
Ngày 6/12/2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Ý nghĩa và nguồn gốc của ngày Thống nhất 30/4
Ngày 30/4 hàng năm được gọi là Ngày Thống nhất đất nước (hay còn gọi là Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngày Thống nhất). Ý nghĩa của ngày này liên quan đến sự kiện lịch sử quan trọng trong quá trình đấu tranh giành độc lập, thống nhất và giải phóng dân tộc Việt Nam - ngày 30 tháng 4 năm 1975.
10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, quân đội Nhân dân Việt Nam và lực lượng Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ Nội các của Sài Gòn, tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Ngày 30/4/1975 đã đánh dấu sự kết thúc của chiến tranh tại Việt Nam, quân dân ta đã hoàn thành công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sau nhiều thập kỷ bị chia cắt. Chính vì vậy, ngày này đã trở thành một ngày lễ lớn và quan trọng đối với nhân dân ta.
Ý nghĩa và nguồn gốc của ngày Quốc tế Lao động 1/5
Ngày Quốc tế Lao động bắt nguồn từ cuộc biểu tình của các công nhân tại thành phố Chicago, Mỹ vào năm 1886 khi họ yêu cầu giảm giờ làm việc hàng ngày xuống 8 tiếng. Sau sự kiện đó, ngày 1/5 đã được chọn là ngày để tôn vinh công nhân và người lao động trên khắp thế giới, đồng thời thể hiện sự đoàn kết và ý chí đấu tranh của họ cho quyền lợi và điều kiện lao động công bằng.