Đời sống

Đắk P’lao trợ lực để người dân thoát nghèo bền vững

Thanh Hằng - Quang Vũ 10/04/2024 6:17

Sau khi hỗ trợ con giống, xã Đắk P’lao, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) thành lập các tổ hội nghề nghiệp, trong đó có một hộ làm kinh tế giỏi để sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật cho các thành viên trong tổ.

Từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tháng 8/2023, xã Đắk P'lao hỗ trợ 8 hộ dân ở bon B’Tong thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản, mỗi hộ 2 con. Trong số 8 hộ được hỗ trợ, có 7 hộ nghèo, cận nghèo và 1 hộ sản xuất kinh doanh giỏi.

hinh-nuoi-bo-1.jpg
Bà Lê Thị Mơ được hỗ trợ 2 con bò giống từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi và được bầu làm Tổ trưởng Tổ nuôi bò của bon, bà Lê Thị Mơ có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các thành viên cùng thực hiện mô hình chăn nuôi hiệu quả. Qua quá trình triển khai, đàn bò của tổ đã phát triển tốt, nhiều con chuẩn bị sinh sản lứa đầu tiên.

Bà Lê Thị Mơ cho biết, trước đây gia đình bà chưa từng nuôi bò nên bước đầu nuôi có chút bỡ ngỡ. Tuy nhiên, nhờ tuân thủ các hướng dẫn chăm sóc của cán bộ khuyến nông, đồng thời tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi trên sách báo, 2 con bò của gia đình bà phát triển đồng đều.

Tận dụng nguồn thức ăn và chuồng nuôi kiên cố, bà Mơ mua thêm một con bò để nâng cao hiệu quả kinh tế. “Được cấp bò giống bảo đảm chất lượng nên 16 con bò trong tổ đều khỏe mạnh. Trong quá trình chăn nuôi, tôi và các thành viên đều sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau chăm sóc bò. Hàng ngày, ngoài nguồn thức ăn trong tự nhiên, chúng tôi cho bò ăn thêm cám bắp để bổ sung dinh dưỡng nên có nhiều con đã mang thai và chuẩn bị sinh sản”, bà Mơ cho hay.

Trong quá trình chăn nuôi, các thành viên trong Tổ nuôi bò bon B’Tong được hướng dẫn, hỗ trợ của cán bộ thú y địa phương. Nuôi bò không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập mà còn có phân chuồng bón cho cây trồng, tiết kiệm chi phí sản xuất.

hinh-nuoi-de.jpg
Ngoài nuôi bò, cuối năm 2023, xã Đắk P'lao đã hỗ trợ 8 hộ dân ở bon B’Tong thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản

Ngoài nuôi bò, cuối năm 2023, xã Đắk P'lao đã hỗ trợ 8 hộ dân ở bon B’Tong thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản, mỗi hộ 4 con. Sau khi được hỗ trợ, các hộ đã tập hợp thành Tổ nuôi dê với hình thức nuôi tập trung tại một địa điểm. Hàng ngày, tổ phân công 2 gia đình đảm nhận việc cho dê ăn và vệ sinh chuồng trại. Không chỉ tiết kiệm được thời gian, công sức, việc duy trì mô hình nuôi dê tập trung còn góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm và thắt chặt tình đoàn kết giữa các thành viên trong tổ.

Chị H’Jớt, thành viên Tổ nuôi dê cho biết: “Với cách nuôi tập trung này, chúng tôi tiết kiệm được thời gian và công sức rất nhiều. Ngày nào được phân công chăm sóc đàn dê thì vợ chồng tôi sẽ đi cắt lá về cho dê ăn, những ngày còn lại thì đi làm rẫy hoặc làm thuê. Sau hơn 3 tháng nuôi, đến nay đã có một số con dê sinh sản, mang lại nguồn thu cho các thành viên trong tổ”.

Với phương châm “cho cần câu, không cho con cá”, việc hỗ trợ bò giống, dê giống, tạo sinh kế cho người dân là hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Từ hiệu quả của mô hình, xã Đắk P'lao sẽ nhân rộng tại một số thôn, bon khác trên địa bàn, giúp các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập, tiến tới giảm nghèo bền vững.

Ông K’Tam, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk P'lao

Từ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và với sự tham gia tích cực của người dân, xã Đắk P'lao kỳ vọng trong năm 2024 sẽ có nhiều hộ thoát nghèo. Để hoàn thành được mục tiêu này, chính quyền địa phương phân công nhiệm vụ cụ thể, giao trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên phụ trách từng thôn, bon. Đặc biệt, trong quá trình hỗ trợ sinh kế, cán bộ, đảng viên tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, qua đó khơi gợi ý thức thoát nghèo.

Thanh Hằng - Quang Vũ