Pháp luật

Báo động tình trạng trẻ em đuối nước ở Đắk Nông

Hoàng Thanh 10/04/2024 6:06

Theo thông tin từ lực lượng chức năng, từ đầu năm 2024 đến nay, Đắk Nông đã xảy ra 10 vụ đuối nước làm 14 trẻ em tử vong.

Vào khoảng 14h ngày 1/3/2024, tại hồ thủy lợi bon Đắk R'la, xã Đắk N’Drót, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) người dân phát hiện một vụ đuối nước làm 2 nữ sinh tử vong. Danh tính 2 nạn nhân là L. T. T. T và N. T. H. N (cùng 13 tuổi), trú tại xã Đắk N’Drót và đều là học sinh lớp 7A3 của một trường THCS trên địa bàn.

Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc trẻ em đuối nước ở Đắk Nông diễn ra trong thời gian qua. Theo ngành chức năng, Đắk Nông là tỉnh có nhiều ao, hồ, sông, suối tự nhiên. Ngoài ra, tỉnh còn có các hồ thủy lợi, thủy điện, các ao hồ do người dân dùng để tích nước tưới tiêu cho cây trồng, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước ở trẻ em rất cao.

duoi-nuoc(1).jpg
Lực lượng cứu hộ Đắk Nông tìm kiếm nạn nhân trong một vụ tai nạn đuối nước

Những năm qua, UBND tỉnh Đắk Nông đã có nhiều giải pháp chỉ đạo tập trung đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức phòng, chống đuối nước trẻ em. Tỉnh yêu cầu rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để triển khai biện pháp cảnh báo. Tuy nhiên, số vụ đuối nước ở trẻ em vẫn liên tục xảy ra, năm sau cao hơn năm trước.

Nguyên nhân chủ yếu của các vụ đuối nước là do nhận thức về nguy cơ tai nạn đuối nước của trẻ em còn hạn chế, thiếu sự quản lý, quan tâm của gia đình, nhà trường...

duoi-nuoc.jpg
Đồ họa: Nguyễn Hiền

Để chủ động phòng ngừa, hạn chế tối đa tai nạn đuối nước cho người dân, đặc biệt là trẻ em, lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp về công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em, giai đoạn 2023-2030.

a2-dua-thi-the.jpg
Hiện trường một vụ đuối nước ở TP. Gia Nghĩa hồi tháng 10/2023 làm một thiếu niên tử vong

Theo đó, công an các đơn vị, địa phương tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia vào công tác phòng, chống đuối nước, đặc biệt là đuối nước ở trẻ em; tham mưu các giải pháp phòng ngừa như (đặt biển báo, biển cấm, biển cảnh giới, rào chắn...); phối hợp tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm hoặc không làm hết trách nhiệm trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.

Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh và công an các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền cho học sinh về phòng, chống đuối nước, nhất là đối với trẻ em; phối hợp với các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan truyền thông, báo chí cung cấp thông tin, hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em những kiến thức về công tác phòng, chống đuối nước, tổ chức các lớp kỹ năng về bơi an toàn cho trẻ em.

Ngành chức năng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, đối tượng; sử dụng công nghệ số, đẩy mạnh tuyên truyền qua các trang mạng xã hội về phòng, chống đuối nước. Các đơn vị tổ chức điều tra, khảo sát các khu vực, địa điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cắm biển cấm, biển cảnh báo nguy hiểm, rào chắn nhằm hạn chế tối đa tai nạn cho người dân và trẻ em.

Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH và Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện nâng cao và chuyên sâu về công tác cứu nạn, cứu hộ, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho lực lượng thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người mất tích, đuối nước trên địa bàn tỉnh, nhất là lực lượng công an xã, phường, thị trấn.

Hoàng Thanh