Đồng bào vui mừng trước sự phát triển của tỉnh Đắk Nông
Sau 20 năm tái lập, Đắk Nông đã có sự phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Có được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, tinh thần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm vượt khó khăn của cả hệ thống chính trị; sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Đắk Nông phát triển vượt bậc sau 20 năm
Đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song với tinh thần đoàn kết, vượt khó, đổi mới, sáng tạo, Đảng bộ tỉnh Đắk Nông qua các nhiệm kỳ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra quyết sách đúng đắn, huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, khơi dậy khát vọng vươn lên của Nhân dân các dân tộc, tạo đà đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững.
Sau 20 năm tái lập tỉnh, Đắk Nông đã thoát khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo chưa phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức cao, quy mô tổng sản phẩm gấp 12 lần; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội gấp 20 lần; thu nhập bình quân đầu người gấp 13 lần so với năm 2004. Tiềm lực, vị thế của Đắk Nông được khẳng định, đời sống Nhân dân các dân tộc không ngừng được cải thiện. Đặc biệt, Công viên địa chất Đắk Nông 2 lần được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu, mở ra cơ hội lớn để phát triển du lịch, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Cùng với phát triển kinh tế, Đắk Nông luôn quan tâm chăm lo phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân các dân tộc. Đến nay, trên 50% số xã của Đắk Nông đã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm trên 2%; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ giảm trên 4%, đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và Nhân dân tỉnh nhà, góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo Đắk Nông giảm từ 33,7% năm 2005 xuống còn 5,18% năm 2023. Đây là một trong những kết quả lớn nhất của tỉnh 20 năm qua.
Trong sự nghiệp trồng người, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú không ngừng được mở rộng. Tại mỗi huyện, thành phố đều có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú, tăng 5 trường so với năm học 2003-2004. Chất lượng giáo dục đại trà được nâng cao, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các vùng đã được rút ngắn rất nhiều…
Học sinh Sùng Thị Minh Giang, lớp 12A3, Trường THPT DTNT N’Trang Lơng, TP. Gia Nghĩa cho biết, trong suốt 3 năm học THPT, em cảm nhận môi trường giáo dục rất thân thiện, an toàn và tiến bộ. Học sinh người đồng bào DTTS được hỗ trợ hoàn toàn về sách vở, đồ dùng học tập, ăn ở nội trú. "Em rất vui khi được học tập trong ngôi trường khang trang, tiện nghi và chất lượng dạy, học cao", học sinh Sùng Thị Minh Giang cho hay.
Xác định công tác xây dựng Đảng là then chốt, Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nếu như năm 2004, khi mới tái lập, toàn Đảng bộ tỉnh chỉ có khoảng 7000 đảng viên thì đến đại hội IX, (sau 1 năm kể từ ngày tái lập), đảng viên trong toàn đảng bộ tăng lên 7.991 đảng viên. Đến Đại hội lần thứ X (năm 2010), toàn Đảng bộ tỉnh tăng lên 15.000 đảng viên và Đại hội XI (2015) tăng lên 21.300 đảng viên trong toàn Đảng bộ; Đại hội lần thứ XII (2020) tăng lên hơn 26.500 đảng viên toàn Đảng bộ. Tính đến hết năm 2023, toàn Đảng bộ tỉnh có 27.775 đảng viên, trong đó đảng viên người dân tộc thiểu số 4.429 người...
Quốc phòng an ninh, chủ quyền biên giới luôn được củng cố và giữ vững, khu vực phòng thủ tỉnh được xây dựng vững chắc. Quan hệ hữu nghị với tỉnh bạn Mondulkiri (Campuchia) được vun đắp. Tỉnh Đắk Nông mở rộng các quan hệ đối ngoại, hợp tác, liên kết, đầu tư với một số tỉnh, thành trong nước và một số nước góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của Đắk Nông để thu hút thêm nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển.
Đắk Nông luôn nhất quán phương châm “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng". Từ những ngày đầu tái lập tỉnh Đắk Nông, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa DTTS luôn được quan tâm. Sau nhiều năm triển khai thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS đạt nhiều kết quả. 100% bon, buôn đồng bảo các DTTS tại chỗ được kiểm kê, sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể.
Cùng với Không gian văn hóa cồng - chiêng Tây Nguyên, Sử thi Ót N’drông thì nghề dệt truyền thống của người M’nông và dân ca M’nông tỉnh Đắk Nông đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với hồ sơ khoa học về Lễ cúng thần rừng của dân tộc Mạ (Đắk Glong). Đến nay, toàn tỉnh có 6/8 huyện, thành phố thành lập 32 câu lạc bộ thường xuyên hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian, phục vụ khách tại các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh. Các địa phương, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể tại 41 điểm đến trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Phấn khởi, tự hào thành tựu của Đắk Nông
Qua khảo sát cho thấy, đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Nông đều bày tỏ sự phấn khởi, vui mừng trước những đổi thay, phát triển của tỉnh.
Đồng chí Hà Thị Hạnh, UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc, HĐND tỉnh Đắk Nông cho biết, qua các đợt khảo sát về công tác dân tộc, tôn giáo tại các xã có đông đồng bào DTTS, lãnh đạo địa phương, người dân đều bày tỏ sự hài lòng, phấn khởi trước những thành quả mà tỉnh đạt được sau 20 năm tái lập.
“Khi hỏi những người uy tín, già làng, lực lượng cốt cán và nhiều người dân về sự phát triển của tỉnh nhà, đại đa số đều đánh giá tích cực. Họ cho rằng, sự phát triển sau 20 năm tái lập của Đắk Nông là rất rõ rệt. Đặc biệt, sự thay đổi diện mạo của bon làng, sự ổn định và đi lên trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân là những minh chứng rõ nét nhất”.
Đồng chí Hà Thị Hạnh, UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Nông
Kể từ khi tái lập đến nay, cùng với việc thực hiện hiệu quả các chủ trương, chích sách của Đảng, Chính phủ và Nhà nước, Đắk Nông đã ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế, xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS.
Ông Đoàn Minh Thuận, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực cho biết, giai đoạn 2021-2025, xã Quảng Trực được bố trí 45 tỷ đồng vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Ngoài thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, xã ưu tiên đầu tư 22 dự án xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, chủ yếu là hạ tầng giao thông, giáo dục…
“Những năm gần đây, người dân Quảng Trực đã đưa cây mắc ca vào trồng và xem đây là cây giảm nghèo hiệu quả. Đến nay, toàn xã phát triển hơn 1.300ha mắc ca, chiếm gần 2/3 diện tích mắc ca của huyện Tuy Đức. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm trung bình 5 - 6%/năm, hộ nghèo DTTS giảm 4 - 5%/năm. Riêng năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm được 19,7%, xuống còn trên 46%”, ông Thuận thông tin thêm.
Già làng, người có uy tín Điểu Toi, bon Bu P'răng 1, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức khẳng định, thời gian gia, được sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, chính quyền, các ngành chức năng, diện mạo của bon Bu P'răng 1 đã thay đổi, đi lên rất nhiều. Người nghèo được hỗ trợ vốn vay ưu đãi, cây, con giống để phát triển kinh tế. Nhà văn hóa bon được sửa chữa nâng cấp. Đường giao thông được rải nhựa, đổ bê tông. Đặc biệt, người dân trong bon được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất; trong đó, chính quyền hỗ trợ cây giống mắc ca và kỹ thuật canh tác nên đời sống của bà con ngày càng phát triển. Những căn nhà xây mới, to hơn ngày càng nhiều. Bà con vui mừng lắm”.
Còn già làng Điểu MBRach, bon Bu Boong, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức phấn khởi, bên cạnh sự đi lên về kinh tế, đồng bào trong bon còn được hỗ trợ để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Các đội văn nghệ, đánh cồng chiêng, dệt thổ cẩm được thành lập và duy trì, truyền dạy cho thế hệ trẻ. Quan trọng hơn nữa, tình hình an toàn trật tự, an ninh chính trị được bảo đảm. Người dân có ý thức bảo vệ sự an toàn trong cuộc sống hàng ngày ở bon làng; bảo vệ cột mốc đường biên và chủ quyền biên giới quốc gia.
Tại xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa, với sự đầu tư mọi mặt của Chính phủ, địa phương bộ mặt nông thôn của xã có nhiều khởi sắc, nhất là các bon đồng bào dân tộc tại chỗ Mạ, M’nông.
Tại bon Phai Kol Pru Đăng, được sự đầu tư của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, năm 2021 bon đã được xây dựng tuyến đường nhựa rộng 18m, nối từ quốc lộ 28 đến hết cuối bon. Tuyến đường đã giúp đồng bào trong bon đi lại, vận chuyển hàng hóa rất thuận lợi. Ông Y Bông - người có uy tín của bon Phai Kol Pru Đăng cho biết, khi xây dựng tuyến đường này, bà con rất vui. Mọi người sẵn sàng hiến đất để mở rộng đường và xây dựng các công trình khác phục vụ dân sinh trong bon.