Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó sự cố chất thải
Chính sách - Ngày đăng : 06:02, 09/04/2024
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế ứng phó sự cố chất thải.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sự cố chất thải đã xảy ra tại Việt Nam trong thời gian qua cho thấy nếu không được kiểm soát, phòng ngừa hiệu quả và ứng phó sự cố kịp thời đã và đang làm ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng và gây thiệt hại lớn đến kinh tế, xã hội và sức khỏe con người.
Ngày 18/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế ứng phó sự cố chất thải tại Quyết định số 09/2020/QĐ-TTg. Tuy nhiên Quyết định này căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đã hết hiệu lực thi hành.
Thực hiện khoản 3 Điều 127 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất dự thảo Quy chế ứng phó sự cố chất thải.
Dự thảo nêu rõ, sự cố chất thải là sự cố môi trường do rò rỉ, tràn đổ, phát tán chất thải trong quá trình quản lý chất thải (bao gồm các quá trình phát sinh, thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy).
Phân cấp sự cố chất thải
Sự cố chất thải được phân cấp tương ứng với việc phân cấp sự cố môi trường quy định tại Điều 123 Luật Bảo vệ môi trường, bao gồm:
1- Sự cố chất thải cấp cơ sở.
2- Sự cố chất thải cấp huyện.
3- Sự cố chất thải cấp tỉnh.
4- Sự cố chất thải cấp quốc gia.
Nguyên tắc ứng phó sự cố chất thải
Theo dự thảo, việc ứng phó sự cố chất thải phải đảm bảo nguyên tắc sau:
1- Tích cực phòng ngừa, chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các nguồn lực, các phương án hiệp đồng để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố môi trường.
2- Tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin sự cố môi trường kịp thời, ưu tiên bảo đảm thông tin cho hoạt động ứng phó, báo cáo kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền khi vượt khả năng ứng phó.
3- Ứng phó sự cố môi trường được thực hiện theo phương châm "bốn tại chỗ" và "ba sẵn sàng" theo quy định của pháp luật phòng, chống thiên tai. Phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động chuẩn bị và ứng phó sự cố môi trường.
4- Chỉ huy thống nhất, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động ứng phó sự cố môi trường.
5- Tổ chức, cá nhân gây sự cố môi trường phải chịu trách nhiệm chi trả chi phí ứng phó sự cố môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và các chi phí khác do sự cố môi trường gây ra theo quy định của pháp luật.
Ứng phó sự cố chất thải tại cơ sở
Theo dự thảo, người đại diện theo pháp luật của cơ sở hoặc người được ủy quyền là người chỉ huy ứng phó sự cố tại cơ sở.
Người chỉ huy ứng phó sự cố chất thải tại cơ sở phải tổ chức ứng phó sự cố, đánh giá phạm vi ảnh hưởng và khả năng tự ứng phó của cơ sở để thực hiện các hoạt động sau đây:
Trường hợp sự cố trong khả năng tự ứng phó của cơ sở, người chỉ huy có trách nhiệm thực hiện các biện pháp ứng phó sự cố theo kế hoạch, kịch bản đã được phê duyệt; đồng thời có trách nhiệm báo cáo Ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã về việc ứng phó sự cố trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm phát hiện sự cố;
Trường hợp sự cố vượt ngoài khả năng tự ứng phó của cơ sở, người chỉ huy phải thông báo ngay đến Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cấp xã nơi xảy ra sự cố hoặc Ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp huyện để được tổ chức ứng phó; bàn giao quyền chỉ huy cho Ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp huyện và chỉ đạo lực lượng ứng phó sự cố của cơ sở thực hiện theo yêu cầu của Ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp huyện.
Tham gia của cộng đồng trong ứng phó sự cố chất thải
Dự thảo nêu rõ, cơ sở có trách nhiệm công khai thông tin cho cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan về khối lượng, tính chất của chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đồng thời công khai kế hoạch và kịch bản ứng phó sự cố thông qua hình thức niêm yết tại cơ sở và trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và các hình thức thuận lợi khác.
Cộng đồng dân cư có khả năng bị ảnh hưởng từ sự cố chất thải phải được thông báo về các nguy cơ sự cố và các biện pháp ứng phó sự cố chất thải do cơ sở thực hiện; được biết và giám sát các hoạt động ứng phó sự cố chất thải và cải tạo, phục hồi môi trường do cơ sở hoặc cơ quan nhà nước thực hiện.
Đại diện cộng đồng dân cư, hộ gia đình có khả năng bị ảnh hưởng phải được tham gia các hoạt động diễn tập ứng phó sự cố chất thải của cơ sở và cơ quan nhà nước. Đại diện cộng đồng dân cư có trách nhiệm thông tin cho cộng đồng và làm đầu mối thông tin liên lạc trong quá trình chuẩn bị, thực hiện ứng phó sự cố chất thải và cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố. Trường hợp cần thiết, đại diện cộng đồng dân cư có quyền yêu cầu cơ sở, cơ quan, đơn vị có liên quan cung cấp, giải trình các thông tin về sự cố chất thải, ứng phó sự cố chất thải và cải tạo, phục hồi môi trường.
Khuyến khích tham gia hoạt động ứng phó sự cố chất thải
Dự thảo nêu rõ, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia cung cấp dịch vụ ứng phó sự cố chất thải, bao gồm: chuẩn bị ứng phó sự cố chất thải, tổ chức ứng phó sự cố chất thải và cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố chất thải.
Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp công sức, tài chính cho các hoạt động ứng phó sự cố chất thải.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.