Đời sống

Bạo lực gia đình ở Đắk Nông giảm rõ rệt

Mỹ Hằng 09/04/2024 6:15

Công tác gia đình luôn được tỉnh Đắk Nông quan tâm, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các tầng lớp Nhân dân.

Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức

Để xây dựng một xã hội hạnh phúc, những năm qua, các cấp, ngành đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó tăng cường truyền thông về công tác gia đình, nhân rộng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Hàng năm, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT-DL) tham mưu Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh ban hành kế hoạch về thực hiện công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình.

dsc08872(1).jpg
Các hội thi "Gia đình hạnh phúc" được thường xuyên tổ chức góp phần lan tỏa các giá trị cốt lõi của gia đình

Ngành Văn hóa ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn. Hoạt động tuyên truyền về công tác gia đình được tiến hành với nhiều hình thức, nội dung phong phú như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, lưu động, cổ động trực quan, treo băng rôn, khẩu hiệu tại các khu tập trung dân cư, biên soạn, in cấp phát các tài liệu... Các băng rôn tuyên truyền với các thông điệp như: “Hạnh phúc sẽ tỏa sáng trong gia đình không có bạo lực”, “Hành vi bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật”...

Cùng với công tác tuyên truyền, Sở VHTT&DL còn tổ chức hướng dẫn các địa phương thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện 4 nhóm tiêu chí của bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

bo-tieu-chi-gia-dinh.jpg-dien-tuw.jpg
Đồ họa: N.H

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các cấp hội phụ nữ tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, hướng dẫn thành lập các mô hình câu lạc bộ (CLB) bảo vệ phụ nữ và trẻ em…

Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho hàng trăm cán bộ lãnh đạo cấp huyện, xã.

Sở Tư pháp tổ chức 6 hội nghị về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ và Nhân dân ở cơ sở, trong đó lồng ghép các nội dung về chính sách, pháp luật về hôn nhân - gia đình, bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình… Hoạt động góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bình đẳng giới cũng như tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác bình đẳng giới…

Nhân rộng mô hình câu lạc bộ gia đình

Đi đôi với tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ, ban chỉ đạo công tác gia đình tỉnh, các huyện, thành phố quan tâm duy trì tốt và nhân rộng các mô hình gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn.

Toàn tỉnh Đắk Nông đã xây dựng được 57 mô hình phòng chống bạo lực gia đình; 151 CLB gia đình phát triển bền vững; 37 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 162 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng và 106 đường dây nóng về phòng chống bạo lực gia đình...

Mỗi CLB gia đình và nhóm phòng, chống bạo lực gia đình có từ 25 đến 30 thành viên. Hầu hết các gia đình và thành viên tham gia mô hình CLB đều tự nguyện đóng góp kinh phí sinh hoạt.

CLB có trách nhiệm tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng, người dân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, ngăn ngừa tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực. Tham gia CLB, các thành viên còn có thêm cơ hội trao đổi kinh nghiệm giữ gìn hạnh phúc gia đình, cách ứng xử giữa các thành viên gia đình, kinh nghiệm trong lao động, vay vốn tăng gia sản xuất cải thiện kinh tế, không để xảy ra tình trạng bạo lực gia đình, góp phần giảm thiểu bạo lực gia đình.

hinh1-2-.jpg
Thành lập và ra mắt "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng" ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong

Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2010 toàn tỉnh xảy ra 156 vụ bạo lực gia đình, đến năm 2023 số vụ bạo lực gia đình giảm xuống còn 71 vụ (trong đó 50 vụ bạo lực thân thể và 21 vụ bạo lực tinh thần). Tuy nhiên theo đánh giá, số vụ bạo lực gia đình có giảm nhưng tính chất, mức độ còn phức tạp. Người bị bạo lực còn tâm lý e dè, không dám tố giác người gây bạo lực nên việc phát hiện và xử lý của ngành chức năng còn gặp khó khăn.

Theo bà Lê Thị Trúc Linh, Phó Giám đốc Sở VHTT-DL tỉnh cho biết: “Để nâng cao hiệu quả công tác gia đình và giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, thời gian tới, ngành VHTT-DL tham mưu UBND tỉnh phối hợp các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và địa phương tiếp tục đổi mới hình thức, nội dung công tác tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình. Ngành thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các huyện, thành phố nâng cao chất lượng hoạt động mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, nhất là mô hình CLB gia đình phát triển bền vững; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình cấp cơ sở góp phần thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình đạt hiệu quả cao hơn”.

Mỹ Hằng