Học và làm theo Bác Hồ

Thị Ai - Người “giữ lửa” văn hóa M’nông

Linh Thư 08/04/2024 6:34

Nghệ nhân ưu tú Thị Ai, bon Bu Koh, xã Đắk R’tíh, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) luôn "cháy" hết mình để "giữ lửa" văn hóa truyền thống của dân tộc M’nông.

Trao truyền văn hóa truyền thống

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất giàu truyền thống văn hóa, khi còn là thiếu nữ, nghệ nhân Thị Ai đã đam mê tiếng chiêng, yêu sắc màu thổ cẩm và những lời tự sự của dân ca M'nông. Nghệ nhân Thị Ai đã chịu khó học hỏi từ những người bà, người mẹ, thế hệ đi trước để thêm am hiểu về văn hóa dân tộc.

ba-thi-ai.jpg
Nghệ nhân Thị Ai, ở bon Bu Koh, xã Đắk R’tíh, huyện Tuy Đức nhiệt tình chỉ dạy các bạn trẻ về nguồn gốc, ý nghĩa của tiếng cồng chiêng trong đời sống tâm linh của người dân tộc M'nông

Từ năm 20 tuổi, nghệ nhân Thị Ai đã biết diễn tấu cồng chiêng, hát dân ca, dệt thổ cẩm và múa dân gian. Dần dần, nghệ nhân trở thành người được bà con, địa phương tin tưởng giao tham gia nhiều hoạt động văn hóa lớn nhỏ tại địa phương, trong và ngoài ngoài tỉnh.

Để con cháu, thế hệ trẻ giữ được truyền thống văn hóa, nghệ nhân Thị Ai luôn khuyên nhủ và nhiệt tình chỉ dạy các bạn trẻ cách sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống, tham gia truyền dạy nghề dệt thổ cẩm. Cuối năm 2023, Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng thanh niên xã Đắk R’tíh được Huyện đoàn Tuy Đức thành lập, nghệ nhân Thị Ai đã tích cực tham gia truyền dạy cồng chiêng cho các bạn trẻ của CLB.

Từ sự chỉ dạy của nghệ nhân, các thành viên trong CLB Cồng chiêng thanh niên xã Đắk R’tíh đã biết đến nguồn gốc, ý nghĩa của tiếng cồng chiêng trong đời sống tâm linh; cách điều chỉnh âm thanh, hòa điệu nên những bài chiêng truyền thống. Với sự nhiệt tình của nghệ nhân Thị Ai, nhiều bạn trẻ của địa phương đã biết, thêm yêu quý và giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc.

Nghệ nhân Thị Ai tâm sự, thấy các bạn trẻ trong CLB chịu học đánh cồng chiêng tôi rất vui mừng. Hơn 10 năm qua, tôi đã tham gia các lớp dạy thổ cẩm cho thanh niên trong huyện. Riêng năm nay, tôi tham gia dạy 1 lớp ở xã Đắk Ngo, 2 lớp ở xã Đắk R'tíh. Tôi còn sức khỏe là sẽ còn cố gắng dạy các bạn trẻ học để lưu giữ văn hóa, không mất truyền thống ngày xưa.

congchieng.jpg
Nghệ nhân Thị Ai (bên phải) cùng các nghệ nhân trên địa bàn truyền dạy cồng chiêng cho các bạn trẻ của CLB Cồng chiêng thanh niên xã Đắk R’tíh

Anh Võ Đình Chung, Phó Bí thư Huyện đoàn Tuy Đức chia sẻ, nghệ nhân Thị Ai là một trong những nghệ nhân đã truyền lửa văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Nghệ nhân đã không ngại khó khăn, vất vả dù đêm hay ngày để chỉ dạy đến các bạn trẻ địa phương từ học cồng chiêng đến dệt truyền thống.

Cầu nối đoàn kết trong bon

Năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông ban hành Đề án số 05 về xây dựng lực lượng cốt cán trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong số những cốt cán được công nhận để thực hiện công tác vận động quần chúng ở cơ sở, nghệ nhân Thị Ai là một trong số ít nữ nghệ nhân được bầu chọn. Suốt hành trình gần 11 năm, nghệ nhân Thị Ai là một cốt cán năng động, nhiệt huyết, là cầu nối truyền tải thông tin, chính sách của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp đến bà con Nhân dân. Nghệ nhân còn là tấm gương sáng trong xây dựng đời sống văn hóa, lan tỏa trách nhiệm bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống.

Bà Thị Byoih, ở bon Bu Koh, xã Đắk R’tíh cho biết, nghệ nhân Thị Ai nhiệt tình lắm. Nghệ nhân sống rất gần gũi, hòa đồng với bà con, khuyên nhủ mọi người chăm lo làm ăn, giữ gìn văn hóa truyền thống, nhất là truyền dạy cho người trẻ về văn hóa dân tộc.

co.jpg
Từ sự chỉ dạy của nghệ nhân Thị Ai, nhiều bạn trẻ ở xã Đắk R'tíh, huyện Tuy Đức đã biết đánh cồng chiêng, thêm yêu và giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc M'nông

Năm 2019, nghệ nhân Thị Ai được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Nghệ nhân cũng nhiều lần được UBND tỉnh Đắk Nông tặng bằng khen vì những đóng góp vào lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa truyền thống và xây dựng, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những thành tích đạt được là nguồn động lực để người phụ nữ M'nông tiếp tục hành trình "truyền lửa" văn hóa bản địa.

Linh Thư