Giáo dục - Đào tạo

Học và hành trong trường nghề

Nhóm PV 06/04/2024 13:40

Khác với học văn hóa, học viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có khoảng 70% thời lượng dành cho thực hành. Điều này cũng đòi hỏi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đầu tư trang thiết bị, đổi mới phương pháp thực hành, giúp người học hình thành kỹ năng, tay nghề ngay trong thời gian học tập.

Kỹ năng, tay nghề là yếu tố quyết định

Đối với các đơn vị sử dụng lao động, kỹ năng, tay nghề của người lao động là yếu tố quyết định trong công tác tuyển dụng. Điều này cũng trở thành yếu tố quyết định cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Xác định tầm quan trọng của kỹ năng, tay nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã tập trung đổi mới cách thức đào tạo, thực hành, tăng các tiết học trực quan để học viên có những hình dung chính xác về công việc, môi trường làm việc, giúp các sinh viên có cơ hội tham gia thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp.

Anh Trương Ngọc Sơn, cựu sinh viên của Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông cho biết, 2 năm học tại trường, phần lớn thời gian anh được thực hành trên máy móc. Trước khi tốt nghiệp, anh đã có cơ hội thực tập thực tế tại một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Đây cũng là thời gian anh được trực tiếp thực hành trên các sản phẩm thực tế, giúp anh nâng cao tay nghề và hiểu rõ hơn về công việc trong tương lai của mình.

hinh-1(2).jpg
Anh Trương Ngọc Sơn, cựu sinh viên của Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông

Sau khi tốt nghiệp, anh Sơn đã nộp đơn vào làm việc tại chính nơi anh đã thực tập. Không mất nhiều thời gian tập sự, anh Sơn bắt tay vào công việc của một thợ sơn ngay tháng đầu tiên. Trải qua hơn 1 năm làm việc, trình độ, tay nghề của nam công nhân sơn ngày càng nâng cao khi liên tục được làm việc trên những máy móc hiện đại, tiên tiến.

Ông Nguyễn Bá Hoàng, đại diện một đơn vị sử dụng lao động đánh giá, người lao động tỉnh Đắk Nông những năm qua được đào tạo bài bản, có kiến thức và kỹ năng tốt. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bởi khi tuyển dụng vào làm việc, người lao động có thể bắt tay ngay vào làm việc mà không cần trải qua thời gian thử việc, đào tạo, tập huấn. Trong quá trình làm việc, cũng nhờ kiến thức nền đã được trang bị ở trường học nên người lao động rất dễ dàng tiếp cận với những máy móc, thiết bị mới.

Học ở trường, thực tập ở doanh nghiệp

Để học viên có kỹ năng tay nghề cao khi tốt nghiệp, việc nâng cao chất lượng hoạt động thực hành trong các cơ sở dạy nghề đóng vai trò rất quan trọng. Cùng với chú trọng nâng cao chất lượng dạy lý thuyết, các cơ sở dạy nghề có những cách làm phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động thực hành.

Theo ông Nguyễn Hữu Lành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông, trước đây việc dạy lý thuyết và thực hành được phân bổ thời lượng tương đối ngang nhau. Những năm gần đây, nhà trường đã phân bổ thời gian học thực hành chiếm khoảng 70% thời lượng mỗi môn học. Việc học lý thuyết được triển khai ngay tại các xưởng để học viên vừa có thể nắm lý thuyết, vừa trải nghiệm trực tiếp trên các thiết bị một cách trực quan.

img_8646.jpg
Việc học lý thuyết của Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông được triển khai ngay tại các xưởng để học viên vừa có thể nắm lý thuyết, vừa trải nghiệm trực tiếp

Trong các tiết thực hành, giảng viên chủ yếu cung cấp cho học viên các kỹ năng là chính, đáp ứng chuẩn đầu ra cơ bản theo yêu cầu của các doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Ngoài ra, học viên được chú trọng trang bị kỹ năng giao tiếp, đàm phán, ý thức, tác phong làm việc để đáp ứng yêu cầu của phần lớn các doanh nghiệp hiện nay.

Ông Lành thông tin thêm, hiện nay nhà trường đã cơ bản được đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy học ở các mã ngành hiện có. Mới đây, trường được đầu tư xây mới một xưởng ô tô và một vườn thực nghiệm bảo vệ thực vật, với tổng kinh phí trên 70 tỷ đồng.

Ngoài thực hành tại cơ sở, trường tổ chức cho học viên được đi thực tập trực tiếp tại các doanh nghiệp ít nhất 2 lần/khóa học. Trường liên kết với một số doanh nghiệp có lượng sinh viên đăng ký xin việc về đào tạo theo modul chuyên sâu cho học viên các lớp hệ cao đẳng. “Hiện nay chất lượng thực hành của trường không thể đáp ứng hết tất cả yêu cầu nhưng cơ bản bảo đảm được chuẩn đầu ra theo yêu cầu của các doanh nghiệp. Vì các doanh nghiệp sử dụng khối lượng máy móc lớn, đa dạng và hiện đại nên khi học sinh được tuyển dụng sẽ được các doanh nghiệp đào tạo chuyên sâu hơn, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Thời gian tới, trường sẽ đón đầu chuyển đổi số bằng cách mua phần mềm mô phỏng phục vụ cho yêu cầu ngày càng cao trong thực hành cho học viên tại trường”, ông Nguyễn Hữu Lành cho biết.

hinh-2(1).jpg
Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Phương Nam, TP. Gia Nghĩa dành khoảng 70% thời lượng cho chương trình thực hành, 30% là học lý thuyết

Trường Trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật Phương Nam, TP. Gia Nghĩa dành khoảng 70% thời lượng cho chương trình thực hành. Việc tổ chức các thiết bị thực hành cho học viên dựa trên từng nhóm ngành để tổ chức.

Cụ thể, đối với nhóm ngành sức khỏa, trường có đầy đủ trang thiết bị thực hành cơ bản tại nơi học tập như 6 phòng thực hành/thí nghiệm theo quy chuẩn của Bộ Y tế, các mô hình giải phẫu, phòng thí nghiệm hóa dược, dược lí với đầy đủ dụng cụ thực hành… Kết thúc quá trình thực hành cơ bản, học viên sẽ được gửi đến các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh để thực hành lâm sàng, củng cố tay nghề.

Đối với nhóm ngành kinh tế- kỹ thuật, nhóm ngành dịch vụ, trường có bộ phận thực hành mô phỏng trên các dữ liệu chứng từ thực tế và các dụng cụ thực hành cơ bản. Với các nhóm ngành này, trường đều phối hợp với các doanh nghiệp, các tổ chức kinh doanh cá thể để đưa học viên đến thực hành/thực tập, tận dụng trang thiết bị thực hành dồi dào và giúp học viên tham gia thực tập vẫn có lương.

Ông Chung Văn Phong, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Phương Nam cho hay: “Xác định nhân lực đội ngũ nhà giáo là nòng cốt trong thực hiện nâng giáo chất lượng các tiết thực hành, nhà trường đã chú trọng mời những người đã và đang trực tiếp thực hiện công việc tại các doanh nghiệp, bệnh viện, tổ chức nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh trực tiếp làm giáo viên dạy thực hành. Ngoài ra, đơn vị mời giảng viên thực hành tại các trường bạn để hướng dẫn, bổ túc thêm các kỹ năng cho chính giáo viên nhà trường. Trong quá trình đưa học sinh đến các cơ sở thực hành/thực tập, giáo viên cùng đi và thực hành cùng học viên tại các đơn vị thực tế, từ đó giáo viên được củng cố thêm kỹ năng giảng dạy thực hành cho các khóa tiếp theo”.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Thực hành, thực tập là cách rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, giúp sinh viên cập nhật kiến thức thực tế, có cái nhìn chính xác về môi trường làm việc trong tương lai. Trong quá trình thực hành, thực tập, sinh viên có cơ hội lắng nghe chia sẻ về các kỹ năng; kinh nghiệm làm việc; các tiêu chí tuyển dụng doanh nghiệp cần ở ứng viên..

Đặc biệt, quá trình thực tập thực tế tại doanh nghiệp, học sinh, sinh viên sẽ tự đánh giá được khả năng của bản thân, những tồn tại, hạn chế của bản thân để chủ động cải thiện năng lực, từ đó giúp các em có định hướng nghề nghiệp phù hợp sau khi ra trường.

bai-1-hinh-2(1).jpg
Thực hành, thực tập là cách rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, giúp sinh viên cập nhật kiến thức thực tế, có cái nhìn chính xác về môi trường làm việc trong tương lai

Thực tế cho thấy, các nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng và tác phong, thái độ làm việc. Tức năng lực thực sự mới là yếu tố quyết định đến việc ứng viên đó có được lựa chọn hay không. Việc thực hành, thực tập có vai trò rất quan trọng đối với học viên.

Tuy nhiên, hiện nay một số trung tâm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang gặp khó khăn trong việc tổ chức cho học sinh, sinh viên khi trang thiết bị vừa thiếu, vừa lạc hậu.

Một lãnh đạo cơ sở giáo dục nghề nghiệp chia sẻ, hiện đơn vị hầu như không có đủ máy móc, thiết bị đáp ứng. Đó là chưa kể, đội ngũ giảng viên thiếu, chưa đủ chuẩn, ảnh hưởng tới quá trình thực hành của học viên. “Máy móc thực hành nếu không hư hỏng thì cũng là loại cũ, lạc hậu. Đặc thù của học nghề là cần những thiết bị hiện đại để giúp các em làm quen trong quá trình học, khi ra ngoài làm việc không lóng ngóng, bỡ ngỡ. Có một số nghề chúng tôi hoàn toàn không có đồ thực hành, các em phải thực hành bằng cách… xem video, clip. Học như vậy các em rất khó hình dung, đặc biệt là không tự tin khi đối diện với máy móc thực tế”, vị lãnh đạo này nêu ra khó khăn.

Một số lãnh đạo cơ sở giáo dục nghề nghiệp chung nhận định, đầu tư về cơ sở vật chất hiện nay chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ và nhu cầu của doanh nghiệp. Dù đã cố gắng nhưng do không có kinh phí nên việc mua sắm trang thiết bị đều “cầm chừng”, thậm chí có đơn vị không thể mua sắm được vì vướng mắc các quy định hiện hành.

"Trong đào tạo nghề, thiết bị dạy học rất quan trọng, tác động rất lớn đến công tác đào tạo và chất lượng học viên sau khi tốt nghiệp. Một số ngành nghề cần thiết bị nhưng chi phí mua sắm rất lớn nên chúng tôi rất muốn có chính sách để đầu tư. Một số thiết bị thì phải liên tục thay đổi, đổi mới để phù hợp với thời đại, nên không cách nào khác cần có sự hỗ trợ của doanh nghiệp. Chỉ khi nào có đầy đủ trang thiết bị, máy móc hiện đại, công tác đào tạo nghề mới đạt hiệu quả cao nhất ”, một cán bộ quản lý cho hay.

Nhóm PV