Đắk Nông cơ bản đạt mục tiêu tạo việc làm cho trên 90.000 người
Đắk Nông đặt kế hoạch giai đoạn 2021-2025 đào tạo nghề cho 20.000 người, giải quyết việc làm cho 90.000 người và đến nay cơ bản hoàn thành mục tiêu này.
Thích ứng và linh hoạt trong giải quyết việc làm
Những năm qua, mặc dù Đắk Nông đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 nhưng đến nay các mục tiêu về đào tạo nghề, giải quyết việc làm đều đạt kết quả khả quan.
Đầu năm 2022, cả nước đang “căng mình” chống dịch, UBND Đắk Nông đã xác định phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Kết quả của sự thích ứng và linh hoạt cho thấy, giai đoạn 2021-2023, số lao động của Đắk Nông được tạo việc làm là 57.583 lượt người, đạt gần 64% mục tiêu giai đoạn 2021-2025. Trong đó, lao động được tạo việc làm trong nước 56.336 lượt người. Đắk Nông phấn đấu đến năm 2025 có 1.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng đến nay đã đạt 1.247 người, vượt 247 người so với kế hoạch 5 năm.
Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đắk Nông nhớ lại: Những tháng đầu năm 2021, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh gặp nhiều khó khăn do thời tiết, giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, tiêu, cao su tiếp tục giảm. Lúc bấy giờ, hạn hán, dịch bệnh trên cây trồng kéo dài dẫn đến thu nhập của người lao động sụt giảm. Tình trạng lao động không có giao kết hợp đồng di chuyển từ lĩnh vực nông nghiệp đến làm việc tại các khu công nghiệp ở Đông Nam bộ tăng cao sau Tết Nguyên đán.
Ông Hoàng Viết Nam phân tích: Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là từ quý II/2021 trở đi, số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bị tạm ngừng, đóng cửa. Số lao động bị ngừng việc làm, bị chấm dứt hợp đồng lao động trở về địa phương tăng cao. Thị trường lao động ngoài nước lúc bấy giờ tiếp nhận ít. Các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, phiên giao dịch việc làm bị tạm hoãn... Đây là thời điểm khó khăn nhất của người lao động Đắk Nông.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo xây dựng và ban hành các phương án, kế hoạch nhằm bảo đảm về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Vì vậy, đa số các hoạt động sản xuất, kinh doanh đều đã nhanh chóng hoạt động trở lại và chuyển sang trạng thái bình thường mới.
“Điểm sáng” giáo dục nghề nghiệp
Đắk Nông hiện có 15 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông là đơn vị chủ chốt.
Đến nay, Đắk Nông có 19.167 lao động được đào tạo nghề, đây là con số ấn tượng. Bởi, mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 20.000 người nhưng sau 3 năm triển khai Đắk Nông đã thực hiện đạt gần 96% so với kế hoạch của cả 5 năm.
Hàng năm, Đắk Nông thực hiện đào tạo nghề đều vượt kế hoạch. Cụ thể, năm 2021, Đắk Nông đào tạo nghề cho 4.900 người, vượt 22,5%. Năm 2022, Đắk Nông đào tạo nghề cho 5.776 người, vượt 44%. Năm 2023, số lao động được đào tạo nghề tiếp tục tăng cao ấn tượng với 8.491 người, đạt trên 212% kế hoạch năm, bằng 147% so với năm 2022.
Ông Hoàng Viết Nam chia sẻ: “Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chú trọng đào tạo nghề mà tỉnh có thể gắn với việc làm tại chỗ như chăn nuôi, trồng trọt, cơ khí… Bên cạnh đó, các nghề phi nông nghiệp cũng được chú trọng đào tạo để đáp ứng việc làm cho lao động hiện tại và tương lai”.
Tiếp tục nâng cao chất lượng lao động
Mặc dù đào tạo nghề và giải quyết việc làm của Đắk Nông đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội hàng năm. Tuy nhiên, tỉnh nhận định công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Hoàng Viết Nam chia sẻ: “Công việc và thu nhập của người lao động Đắk Nông chưa thực sự ổn định. Tình trạng lao động của Đắk Nông ra các tỉnh khác tìm việc làm còn cao. Công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực của Đắk Nông còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Người lao động có nhu cầu về việc làm nhiều nhưng thực trạng, khả năng giải quyết việc làm tại tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu giải quyết việc làm cho người lao động”.
Giai đoạn 2024-2025, trong bối cảnh chung của cả nước và thế giới, kinh tế - xã hội của Đắk Nông tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu và hậu quả của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Đắk Nông lạc quan về khả năng hoàn thành các mục tiêu đào tạo nghề, giải quyết việc làm của giai đoạn 2021-2025.
“Đắk Nông tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hút đầu tư để tạo việc làm. Tỉnh tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực của địa phương, các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài vào các ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế, tạo ra giá trị gia tăng cao, thu hút nhiều lao động”, ông Hoàng Viết Nam cho biết.
Đắk Nông tăng cường hỗ trợ phát triển doanh nghiệp để tạo việc làm mới, đồng thời ổn định việc làm thông qua xây dựng mối quan hệ hài hòa trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, tỉnh tập trung phát triển hệ thống dịch vụ việc làm tạo cơ sở vững chắc cung cấp dịch vụ lao động trên địa bàn, nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp. Đắk Nông thực hiện tốt chính sách tín dụng việc làm, nhất là từ Quỹ quốc gia về việc làm, các tổ chức tín dụng. Tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hỗ trợ phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh công tác dự báo và thông tin thị trường lao động.
Cũng theo ông Nam, Đắk Nông đang đẩy mạnh tuyên truyền và các hoạt động kết nối đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỉnh hướng đến các thị trường đem lại thu nhập cao cho lao động. Trong đó, tỉnh đang đàm phán để kết nối phấn đấu mỗi năm đưa khoảng 1.000 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc.
Đắk Nông tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội, gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.