Lâm Đồng chủ động ứng phó hạn hán

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 22:10, 03/04/2024

Khu vực Tây Nguyên nói chung và tại Lâm Đồng nói riêng hầu như năm nào cũng diễn ra tình trạng hạn hán, gây thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt, nước tưới tiêu cục bộ vào mùa khô. Để chủ động trong công tác phòng, chống hạn hán, vào đầu mùa khô, tỉnh Lâm Đồng ban hành kế hoạch, đưa ra các nhận định, dự báo và phân công cụ thể trách nhiệm thực hiện của các địa phương, đơn vị liên quan trong triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán mang tính đồng bộ và đạt hiệu quả.

Căn cứ tình hình thực tế từng địa phương, tỉnh Lâm Đồng có những yêu cầu và biện pháp cụ thể, đưa ra phương án tối ưu nhất để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân, cấp nước cho gia súc và cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao.

Đi giữa mùa khô nam Tây Nguyên

Cao điểm mùa khô tháng 3, tháng 4, đi dọc vùng đất nam Tây Nguyên - Lâm Đồng, nhất là những vùng đất xa hệ thống thủy lợi, sông suối, chúng tôi cảm nhận rõ cảnh vật và con người nơi đây như đang ủ rũ dưới nắng hạn. Nhiều gia đình thiếu nước sinh hoạt, nhiều vườn cà-phê, cây ăn quả héo rũ vì thiếu nước. Ông K’Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Gia Bắc, huyện Di Linh cho biết: “Đây là đợt nắng hạn khắc nghiệt trong khoảng 10 năm trở lại đây. Gần như các hồ chứa, khe suối và ao hồ tự đào đều đang ở mực nước chết”.

Tương tự, tại xã Lộc Bắc và Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm) nắng nóng kéo dài khiến hạn hán xảy ra trên diện rộng, nhiều diện tích cà-phê, chè, cây ăn quả của người dân khan nguồn nước tưới. Hầu hết những diện tích cây trồng bị khô héo đều nằm ở những khu vực không có nguồn nước tưới, hoặc nguồn nước tại các công trình thủy lợi đang cạn kiệt. “Nhìn vườn cây đang khát cháy xót lắm, giờ chỉ trông chờ trận mưa để cứu cây”, ông K’Hưng, xã Lộc Bắc, xót xa.

Tuy hạn hán hằng năm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra cục bộ, nhưng nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh đang có nguy cơ thiếu nước cao. Cùng với khan nguồn nước tưới tiêu, tình trạng khô hạn kéo dài cũng khiến nguồn nước sinh hoạt trở thành vấn đề nan giải. Nhiều vùng người dân chủ yếu dựa vào giếng đào, giếng khoan và công trình nước sinh hoạt tự chảy. Tại xã Gia Bắc, huyện Di Linh, hầu hết giếng đào, giếng khoan ở các thôn trong xã cạn kiệt nước, khiến hơn 350 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; đến giữa tháng 3, tại xã Đại Lào, thành phố Bảo Lộc có khoảng 300 hộ dân thiếu nước sinh hoạt…

Ngược với khung cảnh khô hạn, ủ rũ ở nhiều nơi trong tỉnh, tại vựa lúa Đạ Tẻh, Cát Tiên, dù đang giữa thời tiết nắng nóng, nhưng những cánh đồng lớn nơi đây vẫn luôn đủ nước, trải thảm xanh dưới nắng vàng. “Giờ chỉ tháo bờ là nước sẽ tự chảy vào ruộng mà không cần phải bơm như trước đây. Từ khi kênh, mương được xây dựng bê-tông, việc dẫn nước tưới từ hồ Đạ Hàm về các cánh đồng rất thuận lợi”, vừa lấy nước vào ruộng, ông Nguyễn Văn Hải, xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh, chia sẻ.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh, mực nước ở tất cả chín hồ chứa thủy lợi cấp nước cho các cánh đồng lúa trên địa bàn đang cao hơn cùng kỳ năm trước, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất. Tại Cát Tiên, những năm qua, huyện đã tranh thủ lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư 35 hạng mục công trình thủy lợi nhỏ, cùng với hệ thống kênh, mương được kiên cố hóa hơn 161 km, chú trọng triển khai đề án hỗ trợ phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ phục vụ sản xuất cho nên đáp ứng được nguồn nước sản xuất trong mùa khô.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, trong tháng 3, lượng mưa trung bình trên địa bàn chỉ bằng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước; số ngày nắng nóng tăng; mực nước sông, suối và các hồ chứa thủy lợi giảm mạnh. Toàn tỉnh ghi nhận khoảng 2.110 ha cây trồng bị ảnh hưởng do khô hạn, tập trung tại các huyện, như Lâm Hà, Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Di Linh… Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng Hoàng Văn Thanh cho biết, phần lớn diện tích cây trồng thiếu nước là do khu vườn ở xa công trình thủy lợi, không có công trình thủy lợi, địa hình cao, canh tác dựa vào nguồn nước tự nhiên.

Cần giải pháp hiệu quả và bền vững

Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 444 công trình thủy lợi, trong đó có 230 hồ chứa, khoảng 1.300 km kênh mương… Dù ngay từ đầu năm, phương án ứng phó nắng hạn đã được tỉnh triển khai, nhưng tình trạng thiếu nguồn nước tưới, nước sinh hoạt vẫn diễn ra ở nhiều khu vực. Những trận “mưa vàng” thời điểm cuối tháng 3 đã phần nào giải nhiệt tại nhiều khu vực tỉnh Lâm Đồng trong mùa khô khát. Tuy nhiên, theo dự báo của ngành thủy văn, đến hết tháng 4/2024, ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa, mùa mưa có khả năng bắt đầu muộn hơn so với quy luật nhiều năm từ 10 đến 15 ngày. Nhận định trong thời gian tới, nếu không xuất hiện mưa trái mùa, nắng nóng tiếp tục tiếp diễn, diện tích sản xuất bị ảnh hưởng tăng thêm khoảng 2.153 ha. Trước tình hình đó, tỉnh Lâm Đồng thành lập hai tổ công tác do hai Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm tổ trưởng để chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng, chống hạn tại các địa phương trong tỉnh.

Cùng với những giải pháp kịp thời để ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho người dân, gia súc và cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai nhiều giải pháp lâu dài, bền vững trong đối phó với khô hạn, như theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, hiện trạng các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt nông thôn, kế hoạch sản xuất nông nghiệp để chủ động điều chỉnh cơ cấu cây trồng, thay đổi lịch thời vụ; hỗ trợ người dân thực hiện các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến; phối hợp các nhà máy thủy điện ở thượng lưu trong việc xác định lưu lượng, thời gian xả để lấy nước cho các trạm bơm trên sông hợp lý… “Giải pháp lâu dài là đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm trên địa bàn, nhằm tích trữ, điều hòa, phân phối hợp lý nguồn nước; đầu tư cải tạo, nâng cấp, nạo vét các hồ chứa để bảo đảm an toàn công trình, tăng dung tích trữ nước”, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng thông tin.

Cùng với những giải pháp nêu trên, công tác nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn đóng vai trò quan trọng, bởi đây là cơ sở để đưa ra những thông tin cảnh báo, biện pháp ứng phó với thiên tai của chính quyền, cơ quan chức năng và nhân dân. Theo Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Lâm Đồng Trần Xuân Hiền, việc đầu tư hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống quan trắc, cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai là rất cần thiết; đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan, các địa phương với cơ quan khí tượng thủy văn để chủ động cảnh báo, dự báo.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, để hạn chế thiệt hại của hạn hán, nhà nông cần thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp; đối với cây trồng cạn, cần áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, như tưới phun sương, tưới nhỏ giọt... Với cây lúa, cần áp dụng phương pháp điều tiết nước “ngập khô xen kẽ” theo giai đoạn sinh trưởng, phát triển; với cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày tưới thấm theo gốc, ủ gốc bằng rơm rạ, cỏ khô, trồng cây che bóng, cây chắn gió...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết, để hạn chế thấp nhất tình trạng thiếu nước vào mùa khô, tỉnh tiếp tục triển khai đề án hỗ trợ phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ theo chương trình xây dựng nông thôn mới; huy động nguồn lực, phát triển hệ thống ao, hồ trên địa bàn phục vụ sản xuất; đồng thời, tăng cường áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng và nhân rộng các mô hình này; phân phối nguồn nước tại các công trình thủy lợi hợp lý ■

Bài và ảnh: MAI VĂN BẢO