Văn hóa

Khởi sắc văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số ở Đắk Nông

Quốc Sỹ-Hồ Mai 16/03/2024 19:42

Đắk Nông luôn nhất quán phương châm “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng". Sau 20 năm tái lập, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số (DTTS) được quan tâm và có nhiều khởi sắc.

Đắk Nông có 40 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó, đồng bào DTTS chiếm khoảng 32% dân số toàn tỉnh. Dân tộc M’nông, Mạ và Ê đê là 3 dân tộc sinh sống lâu đời ở địa phương, chiếm trên 30% tổng số DTTS toàn tỉnh.

Vùng đất Đắk Nông có nền văn hoá đa dạng, mang truyền thống và bản sắc riêng của nhiều dân tộc cùng chung sống. Trong đó, thể hiện đậm nét là nền văn hóa của các dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê. Các bon làng đồng bào dân tộc M'nông, Mạ, Ê đê… là những vùng đất ẩn chứa nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể quý báu. Trong đó, nổi bật hơn cả là cồng chiêng, các bộ sử thi, âm nhạc, lễ hội, ẩm thực… là những tiềm năng, lợi thế cho phát triển du lịch, văn hóa dân tộc.

Chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống

Nghị quyết các kỳ đại hội, chương trình hành động, kế hoạch phát triển của tỉnh luôn dành một phần nội dung và nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn văn hóa.

dsc_8846(1).jpg
UBND TP. Gia Nghĩa phục dựng Lễ cúng bến nước của đồng bào Mạ, xã Đắk Nia

Các đề án, chương trình được triển khai như Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lễ hội - hoa văn - cồng chiêng và nhạc cụ của các dân tộc tại chỗ tỉnh Đắk Nông; Đề án tổ chức lễ hội hoa văn thổ cẩm các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Đắk Nông; Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các DTTS đến năm 2030; Đề án bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Đề án bảo tồn, phát huy thổ cẩm truyền thống của đồng bào các DTTS M’nông, Mạ, Ê đê, Thái, Dao gắn với phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông; Chương trình số 27-Ctr/TU về sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ thất truyền của đồng bào các DTTS tại chỗ, giai đoạn 2021-2025; Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030…

Đắk Nông cũng chú trọng thực hiện Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Ngành Văn hóa xây dựng các đề án cấp tỉnh và xây dựng hồ sơ khoa học một số di sản văn hóa phi vật thể; khảo sát, kiểm kê, sưu tầm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các DTTS tại chỗ; bảo tồn lễ hội truyền thống của các DTTS tại chỗ…

z5292281969988_a05a483ebbe9cbb16e15a91510734fb8-1-.jpg
Hơn 40 lễ hội truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được khôi phục, phục dựng

Sau nhiều năm triển khai thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS đạt nhiều kết quả. 100% bon, buôn đồng bảo các DTTS tại chỗ được kiểm kê, sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể.

Theo đó, toàn tỉnh Đắk Nông còn hơn 180 bộ chiêng; hơn 190 nghệ nhân biết chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc; gần 700 nghệ nhân biết dệt thổ cẩm truyền thống (cả dân tộc phía Bắc); hơn 300 nghệ nhân biết và hát những làn điệu dân ca; hơn 360 nghệ nhân biết đan lát truyền thống; hơn 50 nghệ nhân biết làm cây nêu truyền thống; hơn 100 nghệ nhân biết và kể được truyện cổ; gần 30 lễ hội truyền thống của 3 DTTS tại chỗ trên cơ sở nguyên gốc, nguyên bản…

Cùng với Không gian văn hóa cồng - chiêng Tây Nguyên, Sử thi Ót N’drông thì nghề dệt truyền thống của người M’nông và dân ca M’nông tỉnh Đắk Nông đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với hồ sơ khoa học về lễ cúng thần rừng của dân tộc Mạ (Đắk Glong).

h20-dieu-nhieng(1).jpg
Người có uy tín, nghệ nhân Điểu Nhiêng, bon Bu Ja Ráh, xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp tích cực truyền dạy các cháu nhỏ cách đánh chiêng

Toàn tỉnh có 6 huyện, thành phố thành lập 32 câu lạc bộ thường xuyên hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian, phục vụ khách tại các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh. Các địa phương, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể tại 41 điểm đến trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Các lớp tập huấn, truyền dạy văn hóa phi vật thể thường xuyên được tổ chức…

Các hoạt động giao lưu, văn hóa văn nghệ, hội thi, hội diễn thường xuyên được tổ chức cũng là tiền đề, môi trường giúp cho các nghệ nhân và các loại hình văn hóa dân tộc được phát huy…

Phấn khởi, tự hào và mong muốn phát huy văn hóa truyền thống

Tất cả các nghệ nhân, đồng bào DTTS đều mong muốn là văn hóa truyền thống của dân tộc mình luôn được chính quyền các cấp, ngành chức năng quan tâm bảo tồn, lưu giữ và truyền lại mãi cho thế hệ sau. Qua kết quả công tác bảo tồn văn hóa trong suốt 20 năm qua, các nghệ nhân và đồng bào rất phấn khởi và tự hào với những giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Nghệ nhân ưu tú Y Sim Ê ban là một trong những nghệ nhân lớn tuổi và am hiểu nhạc cụ của đồng bào Ê đê. Ông có thể chế tác và sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ truyền thống như cồng chiêng, đinh năm, sáo môi… Với tâm trạng phấn khởi, ông Y Sim Êban khẳng định, thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước về mọi mặt, đời sống của người dân đã được nâng lên. Đồng bào đã có điều kiện chăm lo đời sống tinh thần, đặc biệt là giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống thường xuyên được giữ gìn, bảo tồn và phát huy.

baodaknong.org.vn-database-image-2019-03-19-_3003-tt-11(2).jpg
Nghệ nhân ưu tú H Đá Êya, buôn Nui, xã Tâm Thắng rất tâm huyết giữ gìn và mong muốn truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho người dân

Tương tự, nghệ nhân ưu tú H Đá Êya, buôn Nui, xã Tâm Thắng là người tâm huyết giữ gìn và mong muốn truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào Ê đê huyện Cư Jút. Mong muốn của bà dần thành hiện thực vì hiện ngành Văn hóa, UBND huyện Cư Jút và xã Tâm Thắng thường xuyên tổ chức các lớp dạy đánh cồng chiêng, truyền dạy thổ cẩm cho đồng bào, nhất là các cháu thanh thiếu nhi.

Bà tâm sự: “Trước dây, tôi thường xuyên dạy cho con cháu trong nhà và các cháu trong buôn Nui cách dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, những năm gần đây, tôi rất vui mừng khi ngành Văn hóa, UBND huyện và xã tổ chức được nhiều lớp truyền dạy, hướng dẫn nhiều chị em, thanh thiếu niên ở địa phương những kỹ năng cơ bản của nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Ê đê. Qua đó, góp phần gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào chúng tôi”.

Nghệ nhân ưu tú K'Ngul ở bon Ting Wel Đơm, xã Đắk Nia (TP. Gia Nghĩa) là người luôn nặng lòng với văn hóa dân tộc Mạ. Ông bày tỏ, đồng bào dân tộc Mạ có nhiều nghi lễ, lễ hội đặc sắc. Ngành Văn hóa Đắk Nông đã có nhiều nỗ lực, giúp đồng bào bảo tồn những nghi thức, lễ hội đặc sắc của người Mạ như lễ hội mừng lúa sinh trưởng, lễ cúng bến nước, lễ gắn kết tình thân, lễ cúng thần rừng, lễ cúng mừng sức khỏe…

"Tôi và các nghệ nhân khác cũng như đồng bào dân tộc Mạ vô cùng vui mừng vì văn hóa truyền thống của chúng tôi không những không bị mai một mà còn được bảo tồn, gìn giữ và lưu truyền", Nghệ nhân ưu tú K'Ngul vui vẻ nói.

z5312570541113_51c0c076152315a7ed67305814eb7ce4(1).jpg
Nghệ nhân ưu tú K'Ngul thực hiện nghi thức lên nhà mới của dân tộc Mạ

Không những các nghệ nhân vui mừng mà nhiều thanh thiếu niên ở bon, buôn đồng bào DTTS cũng rất háo hức khi tham gia các lớp truyền dạy thực hành văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Thị Qoen, sinh năm 1994, bon Bu Prăng 1A, xã Quảng Trực (Tuy Đức) bộc bạch, lúc nhỏ em thường xem các chị, dì và mẹ mình biểu diễn văn nghệ trong các đội múa, đội cồng chiêng. Khi em 20 tuổi, em mới thật sự thấy yêu thích và muốn tham gia biểu diễn văn nghệ. Em cho biết, thời gian tới sẽ đăng ký học các lớp dạy đánh chiêng và quyết tâm học được cách dệt để giữ được truyền thống của dân tộc M’nông mình.

Tuyên truyền bà con giữ gìn văn hóa truyền thống là một trong những nội dung quan trọng trong công tác dân vận. Mỗi khi xuống cơ sở, tôi luôn động viên đồng bào giữ văn hoá của mình, vì văn hóa là cốt lõi, nền tảng tinh thần và “soi đường”. Văn hóa truyền thống tạo sự đoàn kết, gắn bó, gần gũi, giáo dục, thể hiện nét đẹp riêng của từng dân tộc…

Đồng chí Hà Thị Hạnh, UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Nông

Bà Lê Thị Trúc Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Nông khẳng định, tỉnh cũng như ngành Văn hóa luôn chú trong thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đội ngũ nghệ nhân có vai trò hết sức quan trọng. Bởi họ chính là những người “giữ lửa” và “tiếp lửa”, hiểu được tâm tư, ước vọng, truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Thời gian tới, ngành Văn hóa, chính quyền các cấp tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông (Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch).

Nhiệm vụ trước hết là tiếp tục mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm để lớp trẻ ngày càng trân quý, phát huy vai trò của mình trong bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc...

Quốc Sỹ-Hồ Mai