Những lợi thế đặc biệt trong quy hoạch tỉnh Đắk Nông
Nghiên cứu quy hoạch tỉnh Đắk Nông, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng, nguyên Chủ tịch UBND Đắk Lắk, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-CN đánh giá Đắk Nông có lợi thế rất đặc biệt so với các tỉnh Tây Nguyên.
Ngày 31/12/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1757/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng chia sẻ, quy hoạch là một chiến lược phát triển, định hướng lâu dài và tạo ra định hình kinh tế, văn hóa, xã hội, kết cấu hạ tầng, kỹ thuật cho mỗi địa phương. “Tôi nghĩ, đến năm 2050, có thể Việt Nam sẽ là một trong những nước đạt đến trình độ đứng thứ 20 của thế giới!”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng kỳ vọng.
Về Đắk Nông, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng đánh giá, quy hoạch mới của tỉnh đã dựa trên các căn cứ quan trọng về tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, lịch sử phát triển và xu thế phát triển thời đại chung của Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, quy hoạch này sẽ tạo ra tỉnh Đắk Nông có cơ cấu kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, phục vụ công nghiệp và dịch vụ.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng đánh giá, lợi thế lớn nhất của Đắk Nông đó là vị trí địa lý của tỉnh rất đặc biệt so với 5 tỉnh Tây Nguyên. Đắk Nông gần TP. Hồ Chí Minh nhất. Nghĩa là Đắk Nông gần thị trường, gần trung tâm kinh tế, khoa học, kỹ thuật hàng đầu của đất nước và khu vực châu Á.
Đắk Nông gần các cảng và tương lai đến năm 2050 thì cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), cảng Cần Giờ sẽ lớn hàng đầu của Đông Nam Á. “Các cảng này có khả năng sẽ vượt lên cả Singapore và trở thành cảng lớn nhất của khu vực châu Á, trở thành nơi trung chuyển hàng hóa rất lớn. Đây không chỉ là lợi thế chỉ cho Đắk Nông, cho miền Nam của Việt Nam mà cả cho đất nước chúng ta phát triển dịch vụ cảng cũng như phát triển cho hướng mở rộng ra nước ngoài”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng phân tích.
Vì thế, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng đánh giá vị trí là lợi thế quan trọng nhất của Đắk Nông. So với Đắk Nông thì các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Kom Tum, Gia Lai xa TP. Hồ Chí Minh, kể cả Lâm Đồng cũng xa. Đắk Nông là tỉnh duy nhất ở Tây Nguyên có đường biên giới giáp với tỉnh Mondulkiri (Campuchia) yếu tố quốc tế này sẽ giúp phát triển giao thương hàng hóa, văn hóa…
Trên thế giới, Việt Nam đứng thứ 3 về trữ lượng bôxít. Trong đó, Đắk Nông chiếm khoảng 70% trữ lượng bô xít của cả nước. “Tôi đánh giá đây là lợi thế rất lớn của Đắk Nông. Cho nên về lâu dài, Đắk Nông chắc chắn là một trong những vùng sản xuất bô xít, alumin nung, nhôm lớn hàng đầu của châu Á và là một trong những điểm lớn hàng đầu của thế giới”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng đánh giá.
Thứ 3, Đắk Nông có lợi thế phát triển khai thác năng lượng. Ngoài năng lượng như các nơi ra thì Đắk Nông có lợi thế là về điện gió. “Thời làm Chủ tịch UBND Đắk Lắk, tôi đã thuê các đơn vị tư vấn vào đánh giá năng lượng gió của toàn tỉnh, trong đó có vùng đất Đắk Nông”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng tâm sự. “Đắk Nông có thể thu hút đầu tư khai thác điện mặt trời, nhất là ở những vùng đất đai cằn cỗi, xấu và thấp mà không sản xuất nông nghiệp. Hoặc, Đắk Nông khai thác điện mặt trời bằng cách lắp trên các hồ thủy điện cũng là một cách giải được bài toán giảm bức xạ, giảm thoát hơi nước cũng như khai thác được điện tích”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng gợi mở.
Thứ 4, Đắk Nông có lợi thế về công nghiệp trong chế biến nông, lâm sản. Đắk Nông có ưu thế chế biến nông sản như các sản phẩm từ cà phê, hồ tiêu, điều, mắc ca, mủ cao su, các loại gỗ, các loại ván nhân tạo.