An sinh - Cuộc sống

Việt Nam ghi nhận 13 lần nắng nóng vượt lịch sử chỉ trong 1 tháng

Chí Nhân 02/04/2024 13:45

Trong tháng 3, nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1,5 độ C. Đáng chú ý, có 13 lần trong tháng ghi nhận mức nhiệt độ cao kỷ lục vượt lịch sử, tập trung nhiều nhất ở Nam bộ.

Ngày 26/3, nhiều nơi nắng nóng kỷ lục

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Trong tháng 3, khu vực miền Đông Nam bộ liên tục xảy ra nhiều ngày nắng nóng diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35 - 38 độ C, có nơi trên 38 độ C. Trong đó, ngày 26 - 27/3 nắng nóng xuất hiện diện rộng và lan sang cả khu vực Tây Nam bộ.

Việt Nam ghi nhận 13 lần nắng nóng vượt lịch sử chỉ trong 1 tháng- Ảnh 1.
Có đến 13 trạm đo ghi nhận nhiệt độ cao vượt lịch sử trong tháng 3
CHỤP MÀN HÌNH

Từ ngày 31/3, khu vực Tây Bắc bộ và các tỉnh Nghệ An đến Quảng Ngãi xảy ra nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến từ 36 - 38 độ C, có nơi trên 39 độ C. Nhiều khả năng đợt nắng nóng này còn kéo dài sang những ngày đầu tháng 4/2024.

Đặc biệt, trong tháng 3 có đến 13 lần nhiệt độ cao nhất, vượt lịch sử. Chẳng hạn, ngày 5/3, tại Hà Tĩnh ghi nhận mức nhiệt tới 39,4 độ C trong khi vào tháng 3/2023 là 38,5 độ C.

Đáng kể nhất là ngày 26/3 cùng lúc có đến 4 địa phương ghi nhận mức nóng lịch sử mới. Cụ thể, tại Đắk Nông là 37,1 độ C trong khi lịch sử là 36,5 độ C ghi nhận được từ năm 2016. Tại Cát Tiên (Lâm Đồng) là 37,8 độ C, mức cũ 37,5 độ C cũng năm 2016. Tại Phước Long (Bình Phước) nhiệt độ 38,8 độ C trong khi lịch sử 38,3 độ C vào năm 1998. Thổ Chu 36,1 độ C còn lịch sử nơi này là 36 độ C năm 2022.

Ngày 31/3, nhiệt độ tại Mai Châu (Hòa Bình) là 39,2 độ C trong khi cao nhất lịch sử là 39 độ C năm 2015. Cùng ngày tại Đô Lương (Nghệ An) là 39,2 độ C trong khi mức cao nhất trước đây là 38,6 độ C hồi năm 2023.

Làm việc ở đường băng Tân Sơn Nhất: Hàng chục năm tập quen với cái nóng 50 độ C

Tháng 4 nắng nóng gia tăng, nhiệt độ cao hơn 2 độ C

Nhiệt độ trung bình tháng 4 phổ biến tiếp tục tăng và cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1 - 2 độ C.

Nguyên nhân trong tháng 4, không khí lạnh hoạt động với cường độ yếu và lệch về phía đông. Trong khi đó, áp thấp nóng phía tây có xu hướng hoạt động mạnh dần nên nắng nóng xuất hiện và gia tăng nhiều hơn tại khu vực Bắc bộ, Bắc và Trung Trung bộ. Nắng nóng gia tăng nhiều ngày tại các khu vực và nguy cơ cao kéo dài thêm tình trạng khô hạn, thiếu nước và tiềm ẩn các nguy cơ cháy nổ, đặc biệt khu vực Tây nguyên và Nam bộ.

Đáng chú ý, ngày 1/4, nhiệt độ cao nhất nhiều nơi trên 39 độ như: Hương Khê (Hà Tĩnh) 39,7 độ C, Đồng Hới (Quảng Bình) 39,2 độ C, Đông Hà (Quảng Trị) 39,2 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 40 - 45%… Khu vực Nam bộ có nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 - 36 độ C.

Dự báo trong ngày 2 - 3/4, khu vực Sơn La, Hòa Bình và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37 - 40 độ C, thậm chí có nơi trên 40 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 30 - 35%.

Cảnh báo, nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt ở khu vực Sơn La, Hòa Bình và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 5 - 6/4, sau đó nắng nóng suy giảm dần.

Nắng nóng ở khu vực Nam bộ có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới. Trong tháng 4, mùa mưa tại Tây nguyên và Nam bộ chưa có dấu hiệu bắt đầu và khu vực tiếp tục xuất hiện nhiều ngày nắng nóng diện rộng.

Các chuyên gia cũng cảnh báo, bên cạnh tình trạng nắng nóng cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét, mưa đá…

Theo các chuyên gia, năm 2024 ghi nhận tình trạng nắng nóng bất thường - đến sớm và gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Nguyên nhân là do tác động của hiện tượng El Nino và tình trạng ấm lên toàn cầu vì biến đổi khí hậu.

Chí Nhân