Rào cản với cuộc chiến chống khủng bố

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 06:26, 31/03/2024

Hàng loạt quốc gia đang cảnh giác cao độ trước nguy cơ khủng bố sau vụ tấn công mới đây ở Nga. Ðáng nói là, việc chia sẻ thông tin tình báo và phối hợp giữa các nước, vốn là yếu tố quan trọng quyết định thành công của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, lại bị cản trở do căng thẳng địa chính trị.

Vụ tấn công tồi tệ vừa qua tại thủ đô Moskva của Nga đặt hàng loạt quốc gia châu Âu vào trạng thái cảnh giác cao độ trước nguy cơ khủng bố. Tại Pháp, lực lượng cảnh sát quốc gia đã tiến hành các cuộc diễn tập chống khủng bố, trong bối cảnh thủ đô Paris sắp đăng cai Olympic 2024. Thêm 4.000 binh sĩ của quân đội được điều động tham gia Sentinelle (đơn vị phụ trách giải quyết mối đe dọa khủng bố).

Cơ quan chức năng của Bỉ cũng đưa mức độ đe dọa khủng bố ở nước này lên mức 3 trên thang 4 cấp độ, tương đương nguy cơ có thể xảy ra các vụ việc nghiêm trọng. Ðức áp dụng các biện pháp tạm thời kiểm soát biên giới nhằm tăng cường an ninh dịp đăng cai EURO 2024 sắp tới. Bộ trưởng Nội vụ Ðức Nancy Faeser tuyên bố, nhánh của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Afghanistan, có tên ISIS-K, là mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với Ðức.

Vụ tấn công tại Nga cho thấy mức độ nguy hiểm ngày càng gia tăng của các tổ chức khủng bố, cực đoan. Theo Liên hợp quốc, các nhánh của IS vẫn đang phát triển ở châu Phi, Trung Ðông, Trung Á - nơi chúng có thể lợi dụng tình hình bất ổn chính trị và những lỗ hổng trong an ninh để trú ẩn, mở rộng ảnh hưởng, chiêu mộ thành viên và thực hiện các âm mưu tấn công ở trong và ngoài khu vực. Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách phòng chống khủng bố, ông Vladimir Voronkov cảnh báo nguồn dự trữ tài chính của IS ngày càng eo hẹp song vẫn còn hàng chục triệu USD và nhóm này chưa từ bỏ ý định tiến hành các vụ tấn công.

Kể từ cuối năm 2023, IS gia tăng số vụ tấn công ở Iraq, Syria và nhất là ở khu vực Tây Phi và Sahel. Giám đốc điều hành Ủy ban chống khủng bố (CTED) Natalia Gherman nhận định, ngày càng có nhiều vụ các nhóm khủng bố sử dụng máy bay không người lái để thu thập thông tin tình báo và phát động tấn công. Sự tinh vi của các nhóm này trong việc sản xuất các thiết bị công nghệ ngày càng tăng.

Trong bối cảnh mối đe dọa khủng bố chưa được loại bỏ hoàn toàn, thì cơ chế hợp tác quốc tế chống khủng bố, trong đó có trao đổi thông tin tình báo, lại bộc lộ những hạn chế. Ngay sau khi xảy ra vụ việc ở Moskva, người phát ngôn Ðiện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, hợp tác quốc tế là điều cần thiết trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, tiến trình đối thoại về vấn đề này bị gián đoạn vì căng thẳng chính trị leo thang trên toàn cầu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây cho biết, Paris đã đề nghị tăng cường hợp tác chống khủng bố với các cơ quan an ninh Nga. Tuy nhiên, trong bối cảnh xung đột tại Ukraine khiến quan hệ giữa Nga và phương Tây căng thẳng, đề xuất trên được cho là khó có thể được triển khai trên thực tế.

Thông tin từ phương Tây nói rằng, IS thừa nhận đã lên kế hoạch và thực hiện vụ tấn công ở Moskva, song Nga không đưa ra bình luận chính thức. Nếu được xác thực, thông tin trên tiếp tục gióng hồi chuông cảnh báo về mối đe dọa nguy hiểm từ IS và các nhóm nhánh của tổ chức này.

Trong khi đó, cộng đồng quốc tế đang đối diện với tình thế “tiến thoái lưỡng nan” trong việc hợp tác với lực lượng Taliban để chống nhóm nhánh của IS tại Afghanistan. Lo ngại về các chính sách hà khắc của chính quyền do Taliban lãnh đạo, nhất là với phụ nữ và trẻ em gái, đã khiến nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế cắt giảm viện trợ cho Afghanistan.

Giới quan sát cho rằng, các nhóm khủng bố, cực đoan thường lợi dụng những kẽ hở trong khâu giám sát, tình báo để bất ngờ tấn công và gieo rắc sự hoài nghi, thù hận giữa các nước. Chủ nghĩa khủng bố lan truyền xuyên biên giới, trong khi bất đồng tạo ra rào cản giữa các nước. Bởi vậy, chìa khóa để giải quyết thách thức này là gác lại bất đồng, phát huy tinh thần hợp tác quốc tế và sức mạnh đa phương.

ÐỖ QUYÊN