Thái Lan nỗ lực tìm lời giải cho bài toán già hóa dân số

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 05:15, 31/03/2024

Tỷ lệ sinh giảm, trong khi tỷ lệ người cao tuổi lại tăng luôn đặt ra các thách thức với sự phát triển kinh tế-xã hội của nhiều quốc gia. Không tránh khỏi xu hướng già hóa dân số, Thái Lan đang nỗ lực thúc đẩy nhiều biện pháp nhằm đối mặt những tác động tiêu cực của tình trạng này.

Theo Bộ trưởng Phát triển xã hội và An ninh con người Thái Lan Varawut Silpa-archa, thế hệ trẻ nước này ngại sinh con do những gánh nặng về tài chính, từ chi phí sinh hoạt đến phương tiện đi lại, nhà ở. Ông Varawut Silpa-archa nhận định, những tác động của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế Thái Lan, cũng như sinh kế của người dân, khiến nhiều người trẻ quyết định sống độc thân và không có con. Ðây chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng già hóa dân số tại Thái Lan.

Thái Lan đã trở thành một xã hội già hóa với số người từ 60 tuổi trở lên chiếm 20% dân số. Theo Bộ Y tế Thái Lan, những năm qua, tỷ lệ sinh tiếp tục giảm mạnh, trong khi tỷ lệ người cao tuổi có chiều hướng tăng.

Bộ trưởng Phát triển xã hội và An ninh con người dự báo, nếu xu hướng này tiếp diễn thì đến năm 2037, tỷ lệ trẻ em ở Thái Lan sẽ giảm xuống 14,3%, trong khi tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng lên 29,85%. Ông Varawut Silpa-archa cũng cảnh báo, với tốc độ già hóa dân số này, dân số Thái Lan sẽ giảm một nửa xuống còn khoảng 32 triệu người trong 60 năm tới.

Tình trạng dân số già đặt ra những thách thức không nhỏ với Thái Lan, gây thiếu hụt lực lượng lao động, ảnh hưởng hoạt động kinh tế, cũng như việc bảo đảm phúc lợi xã hội. Việc nhiều người lựa chọn không sinh con không chỉ làm giảm dân số, mà còn cản trở tiến trình Thái Lan chuyển sang nền kinh tế thu nhập cao. Theo Bộ trưởng Varawut Silpa-archa, lực lượng lao động giảm kéo theo năng suất giảm, các doanh nghiệp và thị trường bị thu hẹp, có thể khiến nước này mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình, với rất ít tiến bộ về kinh tế và xã hội.

Những năm qua, Chính phủ Thái Lan nỗ lực tìm giải pháp nhằm cải thiện tỷ lệ sinh, hạn chế tình trạng già hóa dân số và thiếu hụt lao động. Nhiều biện pháp đã được triển khai, như mở thêm nhiều nhà hộ sinh, cải thiện quyền nghỉ thai sản, các chính sách làm việc tại nhà và giờ làm việc linh hoạt. Thái Lan cũng đưa ra các chương trình hướng nghiệp và thúc đẩy tiết kiệm hưu trí. Một số chuyên gia nhận định, do cơ cấu dân số Thái Lan khó có thể thay đổi kịp để đáp ứng tình trạng thiếu hụt lao động, chính phủ nên thu hút lao động nước ngoài tay nghề cao.

Ðể khuyến khích các gia đình sinh thêm con, Thái Lan đang thúc đẩy chiến dịch mang tên “Give Birth, Great World” nhằm hỗ trợ sự phát triển của trẻ từ lúc mới sinh đến khi trở thành một phần của lực lượng lao động.

Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia (NESDC) của Thái Lan cho biết, các biện pháp đang được xem xét để áp dụng trong chiến dịch này là giảm mức thuế với những gia đình có từ hai con trở lên, nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, cung cấp các chương trình đào tạo kỹ năng cho người lao động... Theo NESDC, một số quốc gia châu Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, đã triển khai các chiến dịch tương tự.

Theo người đứng đầu Bộ Phát triển xã hội và An ninh con người, Chính phủ Thái Lan cần có những chính sách toàn diện để giải quyết những thách thức kinh tế và xã hội do cơ cấu dân số đang thay đổi. Ðể góp phần giải bài toán này, Thái Lan cần đưa ra các chính sách nhằm trang bị cho người dân những kiến thức và kỹ năng cần thiết, cho phép họ trở thành một phần của lực lượng lao động. Bên cạnh đó, ông Varawut Silpa-archa cũng kêu gọi người dân sinh thêm con để thúc đẩy sự gia tăng dân số.

Tháng 4 tới, Bộ Phát triển xã hội và An ninh con người sẽ ra mắt sách trắng mang tên “Phát triển gia đình Thái Lan để tăng cường an ninh con người” để trình lên chính phủ. Sách trắng cũng sẽ được trình bày tại phiên họp của Ủy ban Dân số và Phát triển của Liên hợp quốc dự kiến bắt đầu từ cuối tháng 4 tới, nhằm nêu bật những kết quả trong nỗ lực ứng phó tình trạng già hóa dân số của Thái Lan với cộng đồng quốc tế.

HIỂN MINH