Nghị quyết và cuộc sống

Đắk Nông thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững

Lê Tuấn 30/03/2024 20:17

Trong 20 năm qua kể từ ngày tái lập tỉnh, Đắk Nông đã thực hiện nhiều chương trình, chính sách, các dự án sinh kế để hỗ trợ người dân, nhất là các hộ nghèo phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Người dân được hưởng lợi từ nhiều chương trình, chính sách

Sau 20 năm tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền các cấp, đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Nông đã ra sức thi đua lao động, sản xuất, đẩy lùi lạc hậu, đói nghèo, đưa địa phương phát triển.

Thực hiện Chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135), từ năm 2004 - 2020, Đắk Nông đầu tư hơn 485 tỷ đồng xây dựng 150 công trình đường giao thông; 84 công trình trường học; 5 chợ lồng; 29 đập thuỷ lợi; 25 công trình kênh mương;, 20 nhà văn hóa cộng đồng; 13 công trình nước sinh hoạt tập trung… Chương trình hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng, phân bón vật tư nông nghiệp, máy nông cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp và tập huấn hỗ trợ khuyến nông với kinh phí trên 37 tỷ đồng.

b8e520a0a07d75232c6c.jpg
Nhiều công trình thủy lợi được triển khai xây dựng để hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất

Gia đoạn 2006 - 2010, Chương trình xây dựng trung tâm cụm xã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các trung tâm cụm xã với 13 công trình. Từ năm 2010 đến nay, thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo (Quyết định 102/2009/QĐ-TTg) tại 62 xã, thị trấn với số tiền hơn 66 tỷ đồng. Các hộ nghèo vùng khó khăn được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, giống vật nuôi, cây trồng; xoá nhà tạm, nhà tranh tre dột nát; góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của đồng bào DTTS nghèo trên địa bàn tỉnh.

Các hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn được tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất. Theo đó, từ năm 2007 - 2010, thực hiện Quyết định 32/2007/QĐ-TTg, toàn tỉnh có 1.409 hộ dân được vay 9,68 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất. Giai đoạn 2012-2015, thực hiện Quyết định 54/2012/QĐ-TTg, UBND các huyện đã phê duyệt danh sách và thực hiện cho vay được 160 hộ với tổng kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, các chính sách tín dụng đối với hộ đồng bào DTTS đến nay đã cho vay với tổng dự nợ trên 340 tỷ đồng. Các đối tượng cho vay là hộ nghèo, hộ cận nghèo, thương nhân ở vùng khó khăn, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, sản xuất vùng khó khăn… Các chính sách trên tác động tích cực đến hộ nghèo làm nông nghiệp. Đồng bào DTTS được sử dụng các loại giống cây trồng mới năng suất cao với giá ưu đãi. Việc tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi giải quyết nhu cầu về vốn phục vụ sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS.

Giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài chương trình 30a và chương trình 135. Trong đó, riêng Dự án 2 “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”, nguồn vốn được phân bổ năm 2021 là 260 triệu đồng; năm 2022 là 14, 317 tỷ đồng; năm 2023 là 36,066 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn này, cùng với đầu tư hạ tầng cơ sở, các địa phương đã hỗ trợ người dân, đồng bào DTTS phát triển nhiều mô hình sản xuất, làm ăn kinh tế mang lại hiệu quả cao như: nuôi bò, nuôi dê, nuôi gà, trồng dâu nuôi tằm. Một số tổ hợp tác về dệt thổ cẩm, làm rượu cần, đan lát của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh cũng được hỗ trợ vốn để phát triển, hoạt động hiệu quả và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống… Qua đó, góp phần hiệu quả về công tác giảm nghèo.

20210916_092803-1-.jpg
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, đồng bào DTTS ở bon Jăng Play 3, xã Trường Xuân (Đắk Song) phát triển mô hình nuôi dê sinh sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao

Kết quả cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 giảm 12,28% so với năm 2016; giảm 19,82% so với năm 2011 và giảm 26,75% so với năm 2006. Trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS là 17,18%, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ là 22,8%.

Bước sang giai đoạn mới, năm 2021, hộ nghèo toàn tỉnh chiếm tỷ lệ 11,19%, trong đó đồng bào DTTS tại chỗ chiếm tỷ lệ 32,81%. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh giảm còn 7,97% (giảm 3,22); trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ là 24,56% (giảm 8,25%). Năm 2023, Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ giảm 8,1% (kế hoạch là 5%), vượt chỉ tiêu đề ra và đứng đầu trong khu vực Tây Nguyên.

Kết quả trên đã đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 16/12/2021 về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đề ra (phấn đấu hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025).

Tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

Đắk Glong là 1 trong 22 huyện nghèo của cả nước. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 55%. Đây là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo nhiều nhất tỉnh. Hưởng lợi từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng thực hiện các hạng mục. Ngoài ra, hàng trăm hộ được hưởng lợi từ Chương trình giảm nghèo bền vững ở tất cả các lĩnh vực khác như đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ về y tế, giáo dục...

Thời gian qua, Đắk Glong luôn đặt mục tiêu giảm nghèo thiên về chất lượng, hạn chế tình trạng tái nghèo. Để làm được việc này, địa phương triển khai các dự án, phương án sản xuất cộng đồng để tạo sinh kế tại 7/7 xã của địa bàn. Các dự án, phương án sinh kế chủ yếu là nuôi bò sinh sản, nuôi heo, nuôi dê, nuôi gà… giúp đồng bào có điều kiện phát triển và giảm nghèo bền vững… Do đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm hàng năm, đạt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh và huyện đề ra. Theo thống kê của UBND huyện, năm 2016, toàn huyện có 9.229 hộ nghèo, chiếm trên 62% tổng số hộ của huyện. Đến cuối năm 2019, Đắk Glong còn 6.846 hộ, chiếm 40,9%. Như vậy, giai đoạn này huyện giảm được 2.383 hộ nghèo, bình quân hàng năm giảm 5,32%.

dsc_0080(1).jpg
Nhờ thay đổi tư duy, tập quán sản xuất, đồng bào dân tộc Mạ, bon Ka La Yu, xã Quảng Khê (Đắk Glong) có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao

Đến năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 12,24%, vượt kế hoạch (giảm từ 5-7%) đề ra. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm 21,16%, vượt xa so với kế hoạch (giảm tối thiểu 6%). Hiện toàn huyện có 2.531 hộ nghèo (tỷ lệ 13,44% dân số toàn huyện) với 14.293 nhân khẩu. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của huyện đạt trên 43 triệu đồng.

Nhiều hộ đồng bào vươn lên thoát nghèo

Hưởng lợi từ chương trình giảm nghèo, nhiều hộ dân trong tỉnh đã có điều kiện để đầu tư vào lao động sản xuất. Không còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã chủ động khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức. Nhiều hộ thoát nghèo bền vững, từng bước ổn định cuộc sống. Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm mạnh qua từng năm, từng giai đoạn.

Từ nguồn vốn của chương trình khuyến nông, năm 2010, gia đình ông Điểu Drây, bon P'răng I, xã Quảng Trực (Tuy Đức) nhận trồng gần 1ha cây mắc ca. Ông được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp. Nhờ loại cây mắc ca này mà gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định. Cây mắc ca lại thích hợp với khí hậu, đất đai địa phương.

Theo ông Điểu Drây, trồng cây mắc ca từ khi xuống giống đến năm thứ 5, cây bắt đầu cho thu bói. Mỗi năm, cây mắc ca có thể cho thu hoạch 2 vụ/năm. Hơn 5 năm qua, hàng năm vườn mắc ca mang về cho gia đình hàng trăm triệu đồng. Đầu ra của mắc ca cũng rất thuận lợi, thu hoạch đến đâu các công ty thu mua đến đó. So với cây trồng khác thì cây mắc ca mang lại hiệu quả tinh tế cao hơn. Từ đó, cuộc sống gia đình ông dần ổn định, có tích luỹ để nuôi con cái ăn học, xây dựng nhà cửa khang trang. Cũng theo ông Điểu Drây, cây mắc ca còn giúp cho hàng trăm hộ đồng bào DTTS xã Quảng Trực thoát nghèo. Khi cuộc sống ổn định, bà con đã tự nguyện đóng góp công sức, tiền của để xây dựng bon làng ngày một giàu đẹp, văn minh…

45080981-cf6f-4eec-be5c-44d2e0974da6(2).jpg
Cán bộ khuyến nông (bên phải) thăm vườn mắc ca của gia đình ông Điểu Drây

Ông Điểu Nanh, bon N’Jang Bơ, xã Trường Xuân (Đắk Song) luôn tâm niệm rằng, trong lao động sản xuất cần phải chăm chỉ và học tập để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì mới thành công được. Do vậy, ông tìm hiểu, sáng tạo, để áp dụng vào trong sản xuất cà phê, tiêu, điều. Năm 2008, nhờ được vay vốn hỗ trợ sản xuất gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi 7 ha đất trồng mì, lúa sang trồng 3 ha cà phê, 2 ha hồ tiêu và 2 ha điều.

Nhờ áp dứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên vườn cà phê, hồ tiêu, điều của ông đạt năng suất cao. Có nguồn thu tốt, kinh tế ngày càng ổn định; có điều kiện nuôi dạy 4 người con ăn học đến nơi đến chốn, xây được nhà cửa khang trang, mua xe ô tô phục vụ gia đình và chạy dịch vụ. Sau khi trừ hết chi phí mỗi năm gia đình ông có thu nhập hơn 500 triệu đồng.

00.jpg
Nhờ áp dựng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên vườn cà phê của gia đình ông Điểu Nanh luôn xanh tốt

Ông Điểu Nanh cho biết: “Những năm trước đây, đời sống của người dân trong bon còn nhiều khó khăn. Do đó, tôi luôn trăn trở làm sao để giúp đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo". Theo ông, để giúp bà con làm ăn hiệu quả, khi trồng cây gì, nuôi con gì, ông cũng phải đi trước, làm trước, làm thật hiệu quả để bà con làm theo. Ông còn hỗ trợ giúp đỡ bà con trong bon về vốn, giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… Ông Điểu Nanh nói: “Muốn hướng dẫn họ trước hết mình phải nắm chắc kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để lúc bà con hỏi thì phải hướng dẫn nhiệt tình, vì đồng bào dân tộc thiểu số nên tôi vừa nói lại vừa làm vào việc thực tế thì họ mới nhanh hiểu hơn”.

Đến nay, bà con trong bon đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cây cho cây cà phê, hồ tiêu; ủ các phế phẩm nông nghiệp làm phân bón cho các loại cây trồng; kỹ thuật về chăn nuôi gia súc, gia cầm… Do vậy người dân trong bon ngày càng có cuộc sống no đủ hơn. Ngoài ra, ông còn phối hợp với tổ vay vốn, giúp đỡ người dân vay để có điều kiện kinh doanh, đầu tư chăm sóc cây trồng…

c7b5974bb0f765a93ce6(1).jpg
Ông Điểu Nanh (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn người dân cách ủ phân vi sinh từ vỏ cà phê

Ngoài làm kinh tế giỏi, giúp đỡ, hỗ trợ cho người dân trong bon nên ông Điểu Nanh được bà con tin tưởng bầu làm người uy tín. Ông luôn tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông là một trong những người có nhiều đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết dân tộc. Có cuộc sống chan hòa, chịu thương, chịu khó, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Đắk Nông phấn đấu trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025

Ngày 31/8/2021, Tỉnh ủy Đắk Nông có Chương trình số 26 -CTr/TU về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII về nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS giai đoạn 2021 -2025 và Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 16/12/2021 của Tỉnh ủy Đắk Nông về công tác giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025.

Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị- xã hội và Nhân dân tỉnh Đắk Nông tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó chú trọng mục tiêu giảm dần khoảng cách giàu, nghèo giữa các địa phương; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu… Tỉnh Đắk Nông phấn đấu, bình quân hằng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3% trở lên, riêng đồng bào DTTS tại chỗ giảm từ 5% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025. Từ đó hướng đến mục tiêu đưa Đắk Nông trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên.

Để đạt được những mục tiêu này, trong thời gian tới cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương. chính sách về giảm nghèo. Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn và chức năng, nhiệm vụ để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.

Lê Tuấn