Kinh tế

Nước mát từ thủy lợi Đắk Diêr

Trần Thị Thoan 30/03/2024 15:18

Nguồn nước từ công trình thủy lợi Đắk Diêr, huyện Cư Jút (Đắk Nông) giúp nhiều cánh đồng trở nên màu mỡ, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân.

"Giải khát" cho những cánh đồng

Các xã Cư K’nia, Đắk D’rông, huyện Cư Jút những năm 2010 về trước là vùng thường xảy ra khô hạn, thiếu nước. Nhiều diện tích đất canh tác nông nghiệp không đem lại hiệu quả vì nguồn nước không ổn định. Điều này đã làm cho cuộc sống của nhiều nông hộ thêm phần khó khăn.

Từ năm 2011 đến nay, công trình thủy lợi Đắk Diêr trên địa bàn xã Cư K’nia được xây dựng, vận hành hiệu quả. Nguồn nước ổn định từ công trình đã làm cho đời sống của người dân nơi đây dần ổn định, ấm no hơn.

dsc_1532.jpg
Cuối tháng 3/2024, mực nước tại công trình thủy lợi Đắk Diêr, huyện Cư Jút (Đắk Nông) vẫn khá dồi dào

Là người đã sinh sống tại xã K’nia gần 30 năm nay, anh Sầm Văn Khoan, thôn 2 có 5 sào đất trồng lúa. Anh vẫn còn nhớ rõ, khi chưa có công trình thủy lợi, việc sản xuất lúa khó khăn, nhất là thời điểm mùa khô.

Để có được nguồn nước, nhiều lúc anh phải thức trắng đêm canh con nước từ suối ra đồng. Nước thiếu thì lúa kém phát triển, năng suất cũng không cao nên có năm chịu cảnh thiếu ăn.

Thế nhưng khoảng 10 năm nay, chuyện sản xuất lúa của gia đình anh đã được "giải cơn khát" vì nguồn nước luôn bảo đảm. Nắm vững kỹ thuật nên năng suất, chất lượng lúa của gia đình không ngừng tăng lên, hiện đạt mức 7-8 tấn/ha.

Không những duy trì ổn định diện tích, anh Khoan còn đưa vào sản xuất các giống lúa mới, có chất lượng cao vào gieo cấy để nâng cao mức sống gia đình.

Vụ đông xuân 2024, anh Khoan mạnh dạn đưa vào trồng giống lúa lai chất lượng cao vào trồng thử nghiệm. Qua theo dõi, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt.

dsc_1528.jpg
Năng suất, chất lượng lúa của gia đình anh Sầm Văn Khoan, xã Cư K'nia không ngừng tăng lên, hiện đạt mức 7-8 tấn/ ha

Anh Khoan vui mừng khẳng định: “Nguồn nước ổn định từ công trình thủy lợi Đắk Diêr đã góp phần nâng cao đời sống gia đình tôi. Vụ lúa này, đến nay đã có thể khẳng định chắc thắng, vợ chồng tôi vui lắm”.

Không chỉ gia đình anh Khoan, có nước ổn định là điều kiện thuận lợi để người dân địa phương bảo đảm lương thực cho gia đình và tạo hàng hóa cho xã hội. Nhất là đối với cây lúa, hàng trăm ha đất trồng lúa đã tạo ra khối lượng lớn gạo cung ứng cho thị trường.

Bà Triệu Thị Làn, thôn 8, xã Cư K’nia vui mừng cho biết: Gia đình có 1ha ruộng lúa. Nhờ nguồn nước ổn định nên gia đình trồng 2 vụ/năm, mỗi vụ năng suất đạt 8-9 tấn. Gia đình không chỉ đủ lương thực, phục vụ chăn nuôi mà còn bán ra thị trường trên 10 tấn lúa mỗi năm.

Là người đã gắn bó với ngành Nông nghiệp địa phương 20 năm nay, ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư Jút cho rằng, hiệu quả từ công trình thủy lợi Đắk Diêr là rất lớn, nhất là đối với “vựa lúa” của huyện tại xã Cư K’nia với diện tích lớn trên 300ha.

Đồng thời, nguồn nước ổn định từ công trình còn góp phần bảo đảm dòng chảy các suối nhỏ, ổn định mực nước ngầm cho giếng nước tưới, sinh hoạt của bà con khu vực 2 xã Cư K’nia và Đắk D’rông.

dsc_1516.jpg
Vựa lúa xã Cư K'nia trên 300ha luôn xanh tốt nhờ nguồn nước bảo đảm

Vận hành, bảo vệ tốt công trình

Công trình thủy lợi Đắk Diêr là một trong những điển hình cho hiệu quả công trình đối với sản xuất nông nghiệp, điều hòa không khí, tạo sinh thái ổn định tại địa phương.

Trong điều kiện nắng nóng, khô hạn ngày càng khốc liệt như hiện nay, công trình càng phát huy vai trò trong phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Ông Nguyễn Tường Duy, Phó Giám đốc Công ty TNHH MVT KTCT Thủy lợi tỉnh Đắk Nông thông tin, công trình thủy lợi Đắk Diêr xây dựng năm 1998. Sau đó công trình được sửa chữa, nâng cấp vào năm 2006 bằng vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ.

Tổng vốn đầu tư công trình trên 241 tỷ đồng, với dung tích toàn phần là 5,5 triệu m3 nước. Công trình được đưa vào vận hành năm 2010. Năm 2011, công ty tiếp nhận quản lý, khai thác và bảo vệ theo quyết định của UBND tỉnh Đắk Nông.

Để bảo vệ hạ tầng vốn có, phát huy tốt hơn hiệu quả công trình, công ty đã triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể như, năm 2016, công ty sửa chữa mái hạ lưu công trình bị xói lở.

Năm 2018, công ty tiếp tục kiên cố mặt đập bằng bê tông. Nhờ đó, công trình đã được bảo vệ khỏi các nguy cơ mất an toàn, xuống cấp, nâng cao khả năng dự trữ nước phục vụ sản xuất.

Theo anh Nguyễn Văn Ba, nhân viên quản lý, vận hành công trình thủy lợi Đắk Diêr, tùy vào thực tế, công ty triển khai sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng định kỳ và đột xuất các thiết bị vận hành. Anh thường xuyên phát dọn, nạo vét cống, kênh chính, bảo đảm mĩ quan, an toàn công trình.

Đặc biệt, để nâng cao mực nước cung ứng mùa khô, lực lượng lao động công ty luôn đắp nâng cao ngưỡng. Riêng năm 2024, công trình đã được nâng cao ngưỡng tràn 40cm. Với việc này, chi nhánh huyện đã tăng thêm mực nước tại hồ lên khoảng 400.000m3.

Nhân viên kỹ thuật thường xuyên kiểm tra hiện trạng công trình nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hư hỏng, sự cố, bảo đảm an toàn công trình; theo dõi tình hình nguồn nước để có phương án điều tiết nguồn nước cho từng giai đoạn, từng mùa vụ.

dsc_1542.jpg
Anh Nguyễn Văn Ba, nhân viên quản lý, vận hành công trình thủy lợi Đắk Diêr luôn chú trọng quản lý, bảo vệ công trình

Vụ đông xuân 2023-2024, công trình thủy lợi Đắk Diêr phục vụ tưới cho trên 1.025ha cây trồng các loại, gồm lúa gần 327ha, cây ngắn ngày gần 16ha, cây dài ngày 678ha; cấp nước cho nuôi trồng thủy sản 5,86ha. Diện tích này tăng gần 430ha so với vụ đông xuân 2011-2012.

Có thể khẳng định, công trình thủy lợi Đắk Diêr là một điển hình cho phục vụ sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt và cải thiện đời sống kinh tế cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Đây cũng là minh chứng cụ thể cho việc đầu tư, phát triển công trình thủy lợi đa mục đích về kinh tế, xã hội, môi trường trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Trần Thị Thoan