Đắk Nông phát huy lợi thế so sánh trên lộ trình phát triển
Sau 20 năm kể từ ngày tái lập tỉnh (1/1/2004-1/1/2024), Đắk Nông đã định hình được các trục phát triển chủ lực, bước đầu khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế so sánh phục vụ cho mục tiêu phát triển theo hướng bền vững.
Linh hoạt khai thác lợi thế
Xét về vùng, liên vùng phát triển, Đắk Nông có khá nhiều đặc điểm tương đồng với một số tỉnh như Lâm Đồng, Bình Phước, Đắk Lắk… Xét về nội tỉnh, ngoài yếu tố đặc thù, các địa phương trên địa bàn Đắk Nông có những yếu tố tương đồng về điều kiện tự nhiên, xã hội. Chính vì vậy, nếu không xác định rõ lợi thế so sánh của tỉnh so với khu vực và các địa phương trong tỉnh, tình trạng “dẫm lên chân nhau” trong phát huy lợi thế sẽ diễn ra.
Nhận thức rõ vấn đề này, từ khi tái lập tỉnh đến nay, Đắk Nông luôn quan tâm đến các yếu tố liên kết vùng trên cơ sở những yếu tố tương đồng và phát huy lợi thế so sánh riêng biệt để đưa ra chiến lược, triển khai các hành động cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Nhìn lại quá trình 20 năm qua cho thấy, các giai đoạn phát triển của Đắk Nông khá rõ nét với những dấu mốc qua các kỳ đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh.
Nếu như nhiệm kỳ đầu (2005-2010), mục tiêu của Đắk Nông là phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có để định hình nền móng cho các trục phát triển chủ lực. Trong giai đoạn này, nông nghiệp vẫn là bệ đỡ của nền kinh tế dựa trên lợi thế về một số cây công nghiệp truyền thống như cà phê, hồ tiêu, cao su… Đây cũng là giải phát căn cơ để ổn định cuộc sống người dân, xóa đói giảm nghèo, cải thiện an sinh xã hội trong điều kiện tỉnh mới tái lập với bộn bề khó khăn.
Từ giai đoạn 2010 đến nay, Đắk Nông tập trung khai thác lợi thế về nông nghiệp công nghệ kỹ thuật cao, công nghiệp và du lịch.
Trong quá trình phát triển, xác định những lợi thế so sánh mang tính đặc thù về điều kiện tự nhiên, lịch sử truyền thống, văn hóa, vùng đất con người Đắk Nông để có những hướng đầu tư phát triển hợp lý.
Xét về tổng quan, một mặt, Đắk Nông tận dụng lợi thế về vị trí địa lý nằm trên trục quốc lộ 14, tuyến giao thông huyết mạch nối vùng Tây Nguyên với vùng kinh tế động lực phía Nam và Duyên hải miền Trung. Đây là yếu tố quan trọng để Đắk Nông xác lập quy hoạch vùng nguyên liệu, hệ thống chế biến dựa trên các lợi thế về thị trường tiêu thụ, vận chuyển hàng hóa. Trên cơ sở nguồn lực ban đầu, Đắk Nông đang phát huy khá tốt lợi thế về vai trò vệ tinh của các vùng kinh tế động lực trong sản xuất, cung cấp nguyên liệu đầu vào của một số ngành hàng nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Trong quá trình phát triển, từ các cây trồng chủ lực truyền thống, Đắk Nông đã khai thác lợi thế về các tiểu vùng để đa dạng hóa các loại cây trồng, trong đó phát triển mạnh nhất, dễ thấy nhất là các loại rau, củ, quả. Từ một tỉnh có nền nông nghiệp lạc hậu, đến nay, Đắk Nông được biết đến với nhiều ngành hàng nông nghiệp đạt các tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhiều nước.
Có được kết quả này, ngoài mục tiêu phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, dựa vào tiềm năng, lợi thế, Đắk Nông đã lựa chọn các giải pháp phát triển như tăng cường liên kết với các địa phương có các yếu tố tương đồng để cùng hợp tác phát triển. Mặt khác, Đắk Nông cũng dựa vào những lợi thế so sánh mang tính đặc thù để phát triển các ngành hàng mang tính đặc trưng như mắc ca, bơ, xoài, sầu riêng….
Trong giai đoạn 2015 đến nay, thế mạnh về công nghiệp, trong đó chủ lực là công nghiệp khai khoáng đã được Đắk Nông tập trung khai thác. Với lợi thế là tỉnh có trữ lượng bô xít lớn nhất nước, từ những kết quả bước đầu, Đắk Nông đang đặt mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp bô xít -nhôm của cả nước và khu vực. Đây là một trong những lợi thế so sánh nổi bật để Đắk Nông từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành công nghiệp phụ trợ sau nhôm.
Trong phát triển du lịch, là tỉnh có những lợi thế khá tương đồng với tỉnh Lâm đồng. Đắk Nông xác định không thể cạnh tranh với một địa phương có bề dày phát triển du lịch hàng trăm năm. Vì thế, một mặt Đắk Nông xúc tiến các hoạt động hợp tác liên kết một số tua, tuyến du lịch với tỉnh bạn, một mặt khai thác các lợi thế đặc thù như du lịch khám phá, trải nghiệm gắn với khai thác các giá trị của Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông.
Hiện thực hóa các lợi thế
Sau 20 năm kể từ ngày tái lập, mặc dù một số lĩnh vực vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn; vấn đề khai thác tiềm năng, lợi thế phục vụ mục tiêu phát triển vẫn chưa đáp ứng được quan điểm “đi sau, về trước”, phát triển nhanh và bền vững nhưng Đắk Nông đã xác định rõ các hướng phát triển phù hợp.
Đến nay, Đắk Nông đã xác lập được 3 trục kinh tế động lực để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển gồm công nghiệp khai khoáng, năng lượng tái tạo; nông nghiệp công nghệ cao và du lịch.
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 là cơ sở rõ nét nhất minh chứng cho kết quả này. Việc xác định lộ trình, đưa ra kịch bản về phương án nhu cầu đầu tư nguồn lực cho từng ngành, lĩnh vực trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 theo quy hoạch là cơ sở quan trọng để tỉnh từng bước hiện thực hóa các tiềm năng, lợi thế cho mục tiêu tăng trưởng.
Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế so sánh, Đắk Nông cũng đã quy hoạch được các tiểu vùng với phân khu chức năng rõ ràng. Trong đó, tỉnh xác định tiểu vùng phía Nam là động lực tăng trưởng chủ đạo. Quy hoạch tỉnh xác định rõ, đây là vùng trọng điểm có vai trò động lực thúc đẩy toàn tỉnh phát triển. Từ đó hình thành chuỗi đô thị gắn trung tâm dịch vụ (TP. Gia Nghĩa) với khu công nghiệp (Nhân Cơ, Nhân Cơ 2, Đắk Ru, Đắk Song I và II), các khu du lịch và sân bay chuyên dùng Nhân Cơ. Trong khi đó, Tiểu vùng phía Đông sẽ được tập trung khai thác lợi thế về du lịch. Tiểu vùng phía Tây phát triển kinh tế mậu biên và tiểu vùng phía Bắc có vai trò kết nối chuỗi đô thị…
Trên cơ sở xác định rõ các thế mạnh nổi bật các tiểu vùng, Đắk Nông sẽ từng bước cụ thể hóa chiến lược phát triển bằng việc ban hành cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực phù hợp để khai thác tốt lợi thế so sánh.
Là một tỉnh trẻ, Đắk Nông đang phát huy lợi thế về dư địa thu hút đầu tư lớn trên các lĩnh vực. Từ đây, tỉnh đã có những chính sách, hành động thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư.