Kinh tế

Hạn hán – Thách thức lớn cho nông nghiệp

Trần Thị Thoan 29/03/2024 08:00

Biến đổi khí hậu đang gây ra tình trạng khô hạn, thiếu nước trên toàn cầu. Trong đó, có thể nói nông nghiệp là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Làm sao để ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán cho ngành Nông nghiệp là thách thức lớn trước mắt và lâu dài.

Khô hạn ngày càng khốc liệt

Những năm qua, tình trạng khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan đang gây ra nhiều ảnh hưởng, đe dọa đến sản xuất nông nghiệp cả nước nói chung và Đắk Nông nói riêng.

Theo báo cáo của Tổng Cục Thủy lợi, từ cuối năm 2014, hiện tượng El Nino đã ảnh hưởng đến nước ta. El Nino là một hiện tượng khí hậu xảy ra khi lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo Thái Bình Dương nóng lên dị thường, kéo dài từ 8 đến 12 tháng hoặc lâu hơn. Hiện tượng này thường xuất hiện 3 đến 4 năm một lần và có ảnh hưởng lớn đến thời tiết và khí hậu trên toàn thế giới.

dsc_1607_1.jpg
Khô hạn ảnh hưởng đến sản xuất lúa của người dân các địa phương dọc sông Krông Nô, huyện Krông Nô (Đắk Nông)

Điều này đã làm cho nền nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa, là nguyên nhân của tình trạng hạn hán, thiếu nước. Khô hạn, thiếu nước đã gây thiệt hại nặng nề và tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của Nhân dân trong cả nước cũng như ở Đắk Nông.

Những năm qua, Đắk Nông liên tục đối mặt với các đợt khô hạn ở các mức độ khác nhau, gây ra nhiều hậu quả, nhất là đối với trồng trọt. Trong đó, các năm 2014, 2015 và cao điểm là mùa khô năm 2016.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đắk Nông, xu hướng mùa khô diễn ra ngày càng khốc liệt trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, mùa mưa những năm gần đây thường kết thúc sớm hơn so với trung bình nhiều năm từ 10-15 ngày. Tổng lượng mưa đo được từ khoảng 1.400 - 2.900mm.

z4665168400129_882de6cf0c54b96d610fb1977a99b70b.jpg
Lượng mưa ở Đắk Nông ngày càng sụt giảm

Đặc biệt, khu vực thường bị khô hạn là phía bắc tỉnh như Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil lượng mưa chỉ đạt từ 72-89% so với trung bình nhiều năm. Lượng mưa ít, nền nhiệt độ trong các tháng cũng cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,3 - 2 độ C. Mưa ít, nền nhiệt độ cao, dẫn đến mùa khô trở nên gay gắt hơn...

Năm 2024 cũng là năm được cơ quan chuyên môn dự báo khô hạn ở mức lớn. Theo ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Đắk Nông, dự báo mùa khô năm 2024 khô hạn, thiếu nước cũng diễn ra khá khốc liệt trên địa bàn tỉnh.

Từ đầu tháng 1/2024 đến gần hết tháng 3/2024, hầu như trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Nông đều không có mưa, hiện tượng mưa trái mùa ít. Trong khi đó nhiệt độ không khí tăng dần, độ ẩm trong không khí và độ ẩm tại lớp gần bề mặt đất giảm, lượng bốc hơi tăng. Cụ thể, hiện tượng nắng nóng đã xảy ra cục bộ từ ngày 5-8/3/2024 trên khu vực các huyện Cư Jút, Krông Nô, với nhiệt độ cao nhất trong ngày đạt ở mức cao, hơn 35 độ C.

Tổng lượng mưa các khu vực tỉnh Đắk Nông từ tháng 12/2023 đến nửa đầu tháng 2/2024 ở mức xấp xỉ và thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Trên các sông, suối thuộc địa bàn tỉnh mực nước dao động theo xu thế giảm dần, xuất hiện tình trạng cạn kiệt, thiếu hụt nguồn nước cục bộ. Tổng lượng dòng chảy ở mức thấp hơn từ 5-15%.

Mực nước trên các hồ thủy điện lớn trên sông Sêrêpốk như hồ Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp, Sêrêpốk 3 tới thời điểm hiện tại đều dưới mực nước dâng bình thường từ 0.20 - 7.55 mét.

Năng suất cây trồng, vật nuôi suy giảm

Tình trạng nắng nóng kéo dài đang làm đảo lộn cuộc sống của người dân ở nhiều địa phương, nhất là nông dân khi họ phải tìm mọi cách đối phó hạn hán, cứu cây trồng và vật nuôi.

Nhiều năm qua, cứ đến mùa khô, hàng ngàn nông dân trong tỉnh lại phải dốc lực để chống hạn cho cây trồng. Họ không chỉ vất vả trong việc tìm kiếm nguồn nước tưới mà còn phải bỏ ra số tiền lớn để mua xăng, dầu phục vụ việc chạy máy bơm, nhiều người phải vay mượn chờ đến cuối năm thu hoạch mới trả.

Thống kê của ngành chức năng những năm qua, vào mùa khô, nhiều diện tích cây trồng của tỉnh từ ngắn ngày đến dài ngày đều bị ảnh hưởng, giảm năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong đó, một số năm hạn hán gây hậu quả lớn, UBND tỉnh đã phải đề nghị Chính phủ hỗ trợ khắc phục hậu quả khô hạn.

Vụ đông xuân 2014-2015, Chính phủ đã trích 14,9 tỷ đồng chi hỗ trợ cho nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông bị thiệt hại do hạn hán. Vụ hè thu 2015, tỉnh Đắk Nông được Chính phủ hỗ trợ 17,6 tỷ đồng cũng do ảnh hưởng của hạn hán.

dsc_1226_1.jpg
Năm 2016, Đắk Nông có 20.891ha cà phê, hồ tiêu giảm năng suất từ 30-70% do hạn hán

Năm 2016, toàn tỉnh có 210ha đất lúa nước phải ngừng sản xuất ngay từ đầu vụ đông xuân do không có nước. 65ha lúa trên địa bàn xã Quảng Phú, huyện Krông Nô và xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong đang thời kỳ trổ bông nhưng gặp khô hạn, không có giải pháp khắc phục.

Đắk Nông 20.891ha cà phê, hồ tiêu giảm năng suất từ 30-70% và 1.767ha mất trên 70% năng suất, 274ha lúa nước giảm năng suất, mất trắng và 123ha rau màu bị ảnh hưởng. Ước tính thiệt hại do hạn hán gây ra trong năm 2016 khoảng 1.020 tỷ đồng.

Với quy mô sản xuất nông nghiệp của tỉnh ngày càng mở rộng thì thách thức về bảo đảm nguồn nước tưới càng cao. Thống kê cho thấy, đến đầu năm 2024, tổng diện tích gieo trồng nông nghiệp Đắk Nông đạt trên 309.397ha, tăng gấp 2 lần so với năm 2004. Trong đó, diện tích cây công nghiệp, cây lâu năm trên 235.200ha, cây hàng năm gần 74.000ha.

Theo Viện Khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), khô hạn đã làm cho các loại cây trồng như điều, cà phê gặp trở ngại trong quá trình thụ phấn, tỷ lệ đậu quả thấp, làm giảm năng suất. Nhiều loại cây trồng khác cũng ảnh hưởng, mất mùa. Đồng thời, sức đề kháng của vật nuôi kém, các tác nhân gây bệnh phát sinh, gây ra nhiều dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

dsc_1400.jpg
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến năng suất cây điều Đắk Nông

Ngoài ra, sự thay đổi của thời tiết với xu hướng nóng lên làm cho sâu bệnh hại phát triển nhanh và khó dự báo. Cụ thể, bệnh rệp sáp, nấm hồng tấn công cây cà phê; bệnh chết nhanh chết, chậm trên cây tiêu; rầy nâu hại lúa; bọ xít muỗi hại điều, ca cao… làm thiệt hại đến năng suất, chất lượng sản phẩm.

Hơn thế nữa, sự nóng lên do bức xạ nhiệt làm cho nhu cầu nước của cây trồng cũng tăng lên. Do đó, yêu cầu về lượng nước tưới sẽ tăng lên trong khi nguồn nước ngày càng cạn kiệt. Đây là thách thức cho sản xuất nông nghiệp hiện nay và trong tương lai.

Áp lực cho hạ tầng thủy lợi

Khô hạn ngày càng khốc liệt đã và đang làm gia tăng áp lực tưới cho các công trình thủy lợi. Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đắk Nông, khô hạn, nguồn nước dự trữ nhanh cạn kiệt đang là một thách lớn cho đơn vị trong công tác điều tiết.

z5286918653173_6473f57a0a165683c6a5e0c61e284d9b.jpg
Hồ đội 1, xã Thuân An, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) hiện đã trơ đáy (Ảnh: Lê Phước)

Về nội dung này, ông Nguyễn Thừa Anh, Chủ tịch, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đắk Nông phân tích thêm: Khô hạn có xu hướng ngày càng lớn, trong khi đó, nhiều công trình hồ chứa của đơn vị có quy mô nhỏ, xuống cấp. Nhiều công trình bị các bè mảng cỏ xâm lấn cản trở đến khả năng dự trữ nước.

Chính vì thế, song song với việc có kế hoạch cụ thể tích trữ nước ngay từ mùa mưa thì cứ đến mùa khô là đơn vị lại huy động tổng lực triển khai các giải pháp nâng cao ngưỡng tràn công trình, cùng người dân đắp các đập dâng, đập bổi.

Việc sụt giảm mực nước tại các dòng sông, nhất là sông Krông Nô đã làm cho việc điều tiết nước của đơn vị thêm phần khó khăn. Hệ thống các trạm bơm dọc sông đều phải đối diện với việc thiếu hụt nước tưới. Đơn vị phải bỏ ra hàng tỷ đồng để thực hiện các giải pháp như nạo vét tạo dòng dẫn, nối dài ống hút. Chi phí tưới vào mùa khô cũng là một khoản chi ngày càng “đội lên” mà công ty bắt buộc phải chấp nhận.

dsc_1570_1.jpg
Các trạm bơm dọc sông Krông Nô hàng năm đều phải nối thêm ống hút nước, nạo vét tạo dòng dẫn lấy nước phục vụ tưới tiêu

“Cao điểm khô hạn như hiện nay từ lãnh đạo công ty đến anh chị em vận hành công trình như đang vào “cuộc chiến” thật sự. Nhiều lúc, chúng tôi mất ăn, mất ngủ bám nắm, túc trực từng địa điểm, từng khu vực, xem xét từng khả năng để có thể bảo đảm nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với cây trồng chủ lực cà phê, hồ tiêu”, ông Nguyễn Thừa Anh, Giám đốc, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh nhấn mạnh thêm.

Hiện nay, công ty đã phối hợp với các cơ quan chức năng, làm việc với các địa phương, nhất là các huyện có nguy cơ hạn hán cao như Krông Nô, Đắk Mil, Cư Jút tiến hành điều tiết để giúp dân cứu cây trồng. Cụ thể, công ty đã điều tiết 2 đợt, mỗi đợt từ 12-15 ngày từ công trình Đắk Sắk, huyện Đắk Mil về suối Đắk Sôr phục vụ cứu cây trồng huyện Krông Nô; điều tiết nước từ công trình hồ Tây về các hồ Đắk Ken, hồ 35 tại xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil.

Tuy nhiên, việc điều tiết chỉ có thể giúp người dân có nước tưới cho cây trồng đến đợt tưới nước đến tháng 4. Còn sang tháng 5, nếu tình hình khô hạn vẫn xảy ra khốc liệt, hàng nghìn ha cây trồng sẽ đối mặt với khô hạn.

Tỉnh Đắk Nông hiện có 120 sông, suối lớn nhỏ kết hợp với khoảng 1.000 đập tạm, đập bổi dọc các suối do người dân và đơn vị chuyên môn đắp phục vụ tưới cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả.

Đến thời điểm cuối tháng 3, đa số các sông suối nhỏ đã và đang cạn dần. Hệ thống suối chính vùng phía bắc tỉnh như suối chính Đắk Sôr, Ea Diêr, các suối nhỏ lưu lượng nước ngày càng suy kiệt, dòng chảy trên suối phụ thuộc vào điều tiết từ hồ Đắk Diêr và hồ Đắk Rông, hồ Tây, hồ Đắk Sắk, Đắk Môl, hồ E29.

Hệ thống suối vùng phía nam tỉnh các suối chính Đắk Rung, Đắk Búk Sô, Đắk R'lấp, Đắk Ru, Đắk Nông, Đắk Glong dòng chảy còn nhưng không dồi dào, phụ thuộc vào xả nước phát điện ở các nhà máy Thủy điện Đắk Rung 1, Đắk Rung 2, Đắk Nông 1, Đắk R'tíh, các suối thượng nguồn dần khô cạn. Hàng chục ngàn ao chứa nước, giếng khoan của các hộ dân bị cạn kiệt, thiếu hụt nguồn nước.

Tìm cách thích ứng đồng bộ

Theo ông Lê Trọng Yên, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, thiếu nước và khô hạn là một trong những thách thức lớn của nông nghiệp tỉnh hiện nay, nhất là trong quá trình Đắk Nông đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn. Thực trạng thiếu nước, khô hạn đặt ra cho tỉnh nhiều thách thức về các giải pháp từ quy hoạch ngành nông nghiệp, bảo vệ, sử dụng nguồn nước hợp lý, gia tăng nguồn nước.

dsc_1614.jpg
Hồ Đắk Ken, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil hiện đã hết nước hoàn toàn

Năm 2021, Đắk Nông ban hành Quyết định số 835/QĐ-UBND, ngày 15/6/2021 về triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, tỉnh Đắk Nông với mục tiêu là giảm thiểu những tác động của BĐKH thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái. Tỉnh thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

dsc_0552.jpg
Người dân chú trọng nhiều hơn đến tưới tiên tiến trong phòng chống thiếu nước

Tỉnh Đắk Nông đã xây dựng nhiều mô hình tích cực để nhằm phòng bị, cải thiện những hậu quả có hại của BĐKH gây ra khô hạn. Các cấp, ngành, chủ rừng siết chặt công tác quản lý, bảo vệ rừng, đẩy mạnh trồng rừng, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi… được tỉnh chú trọng. Trong đó, nông dân đã áp dụng các biện pháp tưới nước tiên tiến, tiết kiệm; áp dụng mô hình trồng xen canh, trồng cây che bóng, nông lâm kết hợp mang lại kết quả tích cực, cần được nhân rộng.

Đắk Nông chủ động, tích cực thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại các hội nghị quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh các biện pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở chủ động đánh giá và dự báo tác động của biến đổi khí hậu, để kịp thời có những giải pháp ứng phó, phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp và bền vững. Cụ thể như đẩy mạnh áp dụng kinh tế nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái.

dsc_1191(1).jpg
Đắk Nông khuyến khích phát triển các mô hình nông lâm kết hợp

Về lâu dài, tỉnh xây dựng thêm các hồ chứa nước, tối ưu hóa việc sử dụng nước bằng các hệ thống tưới tiêu thông minh và chuyển đổi giống cây trồng sang các loại cây ít sử dụng nước. Tuy nhiên, những biện pháp này đòi hỏi nguồn vốn lớn và thời gian đầu tư dài hạn.

Các nhà khoa học cho rằng, nắng nóng kéo dài gây hạn hán nghiêm trọng tại Đắk Nông thời gian qua là hậu quả của biến đổi khí hậu và việc thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Đó là việc nhiều diện tích cây trồng cần nước lớn vào mùa khô nhưng được trồng xa nguồn nước tưới, vùng khó khăn về nước.

Để giải quyết những hạn chế, khắc phục những thách thức cả trước mắt và lâu dài cần sự chung tay, cộng đồng trách nhiệm, cùng hành động của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, người dân.

Trần Thị Thoan