Chung tay xây dựng tương lai Đắk Nông
20 năm qua, để định hình hướng phát triển, Đắk Nông đã quan tâm đến công tác quy hoạch và đạt một số kết quả, tạo tiền đề để tỉnh kiến tạo tương lai.
20 năm qua, để định hình hướng phát triển, Đắk Nông đã quan tâm đến công tác quy hoạch và đạt một số kết quả, tạo tiền đề để tỉnh kiến tạo tương lai.
ĐỘNG LỰC CHO TĂNG TRƯỞNG
Ngày 23/3, Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được tổ chức tại TP. Gia Nghĩa, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh Đắk Nông hết sức phấn khởi. Bởi quy hoạch đã định hình rõ không gian phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Đắk Nông kiến tạo tương lai.
Không phải đến bây giờ, công tác quy hoạch mới được thực hiện. Nhìn lại chặng đường 20 năm tái lập tỉnh, Đắk Nông đã quan tâm đến công tác quy hoạch từ rất sớm.
Tỉnh xác định quy hoạch là một trong những động lực cho tăng trưởng. Chính vì vậy, ngay từ ngày đầu tái lập tỉnh, Đắk Nông đã quan tâm đến công tác quy hoạch. Năm 2006, chỉ sau 2 năm tái lập tỉnh, Đắk Nông đã lập quy hoạch và được phê duyệt.
Trong đó, tỉnh xác định, quy hoạch đô thị là khâu rất quan trọng trong phát triển. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân cùng chung tay thực hiện và đạt được một số kết quả.
Ngày tái lập tỉnh, Đắk Nông chỉ có 6 đơn vị cấp huyện, chưa có đô thị loại IV, 3 trung tâm huyện chưa có đô thị loại V. Đến nay, tỉnh Đắk Nông đã có 9 đô thị. Trong đó, có 1 đô thị loại III; 3 đô thị loại IV; 5 đô thị loại V.
Trung tâm đô thị của các huyện và TP. Gia Nghĩa đều được đầu tư xây dựng khu dân cư để giải quyết về đất ở, đất tái định cư cho người dân bị giải tỏa. TP. Gia Nghĩa có nhiều khu dân cư được hình thành từ năm 2005 đến nay cơ bản đã đáp ứng an sinh, ổn định cuộc sống cho các hộ dân thuộc vùng giải tỏa.
Một số khu dân cư đã hoàn thành như: khu đô thị mới Đắk Nia; khu đất ở cán bộ ngành Ngân hàng; 2 khu đất ở của Công an tỉnh Đắk Nông; khu tái định cư đồi Đắk Nur; khu dân cư số 3, 4 Sùng Đức; khu 23ha; khu làng quân nhân; khu dân cư An Phương; khu dân cư bờ Đông…
Nếu như năm 2004, tỷ lệ đô thị hóa của Đắk Nông chỉ đạt 7%, thì đến năm 2014 đạt 15,22% và năm 2023 đạt 28%. Đến nay, hệ thống đô thị tỉnh Đắk Nông đã cơ bản hoàn thiện, quy hoạch đô thị đạt được kết quả khả quan, có định hướng phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu cao và đáp ứng xu hướng phát triển đô thị xanh, thân thiện môi trường.
Đắk Nông đã có bước phát triển đáng kể về hạ tầng kỹ thuật đô thị. Các tuyến giao thông nội thị trên các huyện, thành phố, các tuyến đường qua trung tâm các đô thị được đầu tư xây dựng giúp bộ mặt của các đô thị thêm khang trang như: tuyến quốc lộ 14 đoạn qua địa bàn TP. Gia Nghĩa và các huyện Đắk R’lấp, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song; mở rộng tuyến quốc lộ 28 đoạn qua địa bàn huyện Đắk Glong và TP. Gia Nghĩa. Tỉnh đầu tư xây dựng nâng cấp tỉnh lộ 4, tỉnh lộ 6, quốc lộ 14C và các tuyến đường liên huyện, liên xã…
Sau 20 năm, quy mô nền kinh tế và các lĩnh vực của Đắk Nông đều tăng. Tỉnh đã thoát khỏi một tỉnh nghèo và có sự bứt phá về chỉ số cải cách hành chính. Với thành tựu đó, Đảng, Nhà nước đã tặng phần thưởng cao quý cho Đắk Nông là Huân chương Độc lập hạng Nhất.
VẼ "HÌNH HÀI" ĐẮK NÔNG
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757, ngày 31/12/2023. Đây là thành quả sau nhiều tháng ngày nghiên cứu của biết bao cán bộ, chuyên viên, chuyên gia, tư vấn, nhà khoa học…
Phó Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông Lưu Văn Trung nhấn mạnh tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là ngay từ đầu, Đắk Nông đã xác định quy hoạch là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu.
Trong quá trình thực hiện, Đắk Nông nhận được sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương. Tỉnh ủy, HĐND, UBND đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt với tinh thần hết sức khẩn trương, trách nhiệm và cầu thị. Các sở, ngành, địa phương của tỉnh hết sức nghiêm túc, trách nhiệm và quyết tâm cao độ…
Ngay khi có nhiệm vụ lập quy hoạch, tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể, tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, Bộ KHĐT cùng các chuyên gia tư vấn, các nhà nghiên cứu, các bộ, ngành… để có thể vẽ "hình hài” Đắk Nông.
Để đến bây giờ, “hình hài” ấy đã được định hình. Bộ khung chung và các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế được định hướng rõ nét nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng… Tỉnh xác định được các vùng động lực, các cực tăng trưởng quan trọng; phác thảo các hành lang kinh tế theo trục…
Theo đánh giá, quy hoạch mới của tỉnh Đắk Nông có nội dung thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển của quốc gia và vùng Tây Nguyên trong giai đoạn 2021-2030. Từ đó, mở ra những cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh Đắk Nông trong thời kỳ quy hoạch.
Quy hoạch đưa ra 6 quan điểm phát triển với những mục tiêu cụ thể, rõ ràng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây được xem là "kim chỉ nam" để Đắk Nông thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
CÙNG KIẾN TẠO TƯƠNG LAI
“Quy hoạch Đắk Nông đã được phê duyệt, nhưng còn đâu đó chưa thể giải quyết ngay được những khó khăn, vướng mắc của tỉnh. Tuy nhiên, đây là cơ sở để hoạch định đường lối phát triển cho tỉnh trong giai đoạn tới”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chia sẻ tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030.
Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Đắk Nông cần đoàn kết, gắn bó, nhất là trong đội ngũ người đứng đầu để nâng cao trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Đắk Nông cần quan tâm hơn nữa đến đồng bào dân tộc trên 3 yếu tố là về sinh kế, nguồn cán bộ làm công tác dân tộc và người dân tộc. Đắk Nông cần “tuân thủ - linh hoạt - đồng bộ - thấu hiểu". Đắk Nông phải tuân thủ định hướng, hoạch định trong quy hoạch. Tỉnh cần linh hoạt trong cách làm để phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương…
“Đắk Nông sẽ quyết liệt triển khai nhanh các kế hoạch, chương trình hành động, các đề án, nhằm cụ thể hóa quy hoạch tỉnh”, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười nhấn mạnh.
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Đắk Nông sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của quy hoạch tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân. Tỉnh sẽ cung cấp kịp thời những thông tin về quy hoạch, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, các dự án ưu tiên đến các nhà đầu tư doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh…
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông đã nêu rõ 3 đột phá phát triển liên quan đến 3 ngành, lĩnh vực quan trọng là công nghiệp; nông, lâm nghiệp và du lịch.
Để hiện thực hóa quy hoạch, các ngành, địa phương của tỉnh đã chia sẻ về nhiệm vụ. Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Bá Út cho biết, hiện ngành Công thương tập trung tham mưu các chính sách ưu đãi như miễn, giảm tiền thuê mặt bằng, tiền sử dụng đất, thuế, nguồn vốn hỗ trợ.
Bởi vì, đây là cơ sở để khuyến khích, thu hút các dự án phát triển công nghiệp bô xít-alumin-nhôm, năng lượng tái tạo và các dự án chế biến nông sản công nghệ cao từ nguồn nguyên liệu của tỉnh. Đơn vị tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy trình, thủ tục theo hướng dẫn thuận lợi hơn cho nhà đầu tư...
Còn Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông Phạm Tuấn Anh cho biết, Đắk Nông sẽ chuyển đổi cây trồng kém thích nghi, hiệu quả kinh tế thấp thay thế, ưu tiên các cây trồng có lợi thế, nhu cầu lớn.
“Chúng tôi tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, trọng tâm vẫn là hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất, tập trung để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản. Tất cả tập trung mở rộng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn chứng nhận để giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm”, ông Anh cho biết.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đắk Nông Lê Ngọc Quang, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có để đẩy mạnh xúc tiến đầu tư du lịch là nhiệm vụ ngành Văn hóa đặt lên hàng đầu.
Đắk Nông tập trung phát triển về khu vực Tà Đùng và hệ thống di sản, cảnh quan thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, liên kết tạo thành kết nối chuỗi du lịch từ vùng Đông Nam bộ - Đắk Nông – Tây Nguyên, từ vùng Duyên hải miền Trung – Lâm Đồng - Đắk Nông - Tây Nguyên.
“Chúng tôi ưu tiên chú trọng phát triển 4 loại hình sản phẩm, gồm: sản phẩm du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch dựa vào cộng đồng; du lịch nghỉ dưỡng. Trong đó, du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông giữ vai trò chủ đạo. Đây được xem là điểm nhấn khác biệt trong sản phẩm du lịch của Đắk Nông thời gian tới”, ông Quang nhấn mạnh.