Cấm tuyệt đối nồng độ cồn: Cần số liệu thống kê cụ thể, thuyết phục
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 11:52, 28/03/2024
Quan tâm đến dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Minh Tâm cho rằng, việc quy định cấm tuyệt đối sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông sẽ làm giảm lượng lớn mức tiêu thụ rượu, bia và có tác động nhất định đến đời sống văn hóa, nguồn thu của ngân sách và thu nhập của người lao động. Do đó, đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đánh giá tác động sâu hơn, toàn diện hơn đối với chính sách này.
Góp ý vào dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cơ bản nhất trí với nội dung Báo cáo của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật.
Đại biểu tham gia góp ý đối với quy định “cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” (tại khoản 1 Điều 9) và quy định về đấu giá biển số xe.
Tán thành cấm tuyệt đối nồng độ cồn
Theo báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo , việc cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhằm mục đích phòng ngừa, làm giảm những rủi ro, thiệt hại tiềm tàng do việc sử dụng rượu, bia mà khi điều khiển phương tiện giao thông gây ra. Đồng thời, đã có nhiều số liệu minh chứng cụ thể thực trạng tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến rượu, bia.
Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm tán thành với phương án 1 “Quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (việc quy định này kế thừa theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, áp dụng đối với tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ)”.
Đại biểu nhận thấy, thực tiễn việc sử dụng rượu, bia ở nước ta được xem là một nét văn hóa truyền thống, là thói quen của một bộ phận người dân. Hơn nữa các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, cung ứng, tiêu thụ rượu, bia đã góp phần không nhỏ trong nguồn thu ngân sách của Nhà nước, tạo việc làm, thu nhập cho một bộ phận người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn,
Việc quy định cấm tuyệt đối sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông sẽ làm giảm lượng lớn mức tiêu thụ rượu, bia và có tác động nhất định đến đời sống văn hóa, nguồn thu của ngân sách và thu nhập của người lao động.
Do đó, để thuyết phục hơn, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đánh giá tác động sâu hơn, toàn diện hơn đối với chính sách này.
Cần số liệu cụ thể, thuyết phục để cấm tuyệt đối nồng độ cồn
Đồng thời, nghiên cứu để đưa ra các số liệu minh chứng việc đưa ra “ngưỡng giới hạn nồng độ cồn cho phép” để kiểm soát rượu, bia khi tham gia giao thông như trong thời gian qua là không khả thi, không làm giảm số vụ tai nạn giao thông và khó kiểm soát tình hình tai nạn giao thông. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị tiếp tục đánh giá chính sách này.
Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn, theo Báo cáo của Chính phủ về tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Báo cáo chỉ mới đưa ra những con số về số vụ tai nạn, số người bị chấn thương sọ não, số người chết... liên quan đến rượu, bia mà chưa thống kê cụ thể trong số các vụ tai nạn liên quan đến người tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng cồn thì có bao nhiêu trường hợp vi phạm vượt ngưỡng? Có bao nhiêu trường hợp ở ngưỡng quy định và bao nhiêu trường hợp dưới ngưỡng quy định?
Vì vậy, để có cơ sở và đảm bảo tính thuyết phục trong việc quy định “cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, đại biểu cho rằng, cần có thống kê số liệu cụ thể để tường minh hơn nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao khi chọn phương án 1.
Cần thiết luật hóa các quy định về đấu giá biển số xe
Về đấu giá biển số xe, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nhận thấy, việc thực hiện Nghị quyết số 73/2022/QH15 trong thời gian vừa qua đã đem lại kết quả tích cực, chứng minh được tính hiệu quả, tính khả thi của việc đấu giá biển số xe. Chính vì vậy, đại biểu nhấn mạnh, việc luật hóa các quy định về đấu giá biển số xe trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là cần thiết, kết hợp với việc cấp và quản lý biển số xe theo mã định danh của chủ xe nhằm góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm số lượng giấy tờ khi đăng ký, công tác đăng ký xe, đáp ứng mục tiêu công dân số, Chính phủ số theo Đề án 06 của Chính phủ và khai thác, quản lý hiệu quả tài sản công.
Vì vậy, đại biểu đồng tình với phương án 1 đó là đưa nội dung đấu giá biển số xe vào dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu và cân nhắc như sau:
Thứ nhất, biển số xe được xác định là một loại tài sản công (giống như đất đai; tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước, tài nguyên Internet, phổ tần số vô tuyến điện,..). Do đó việc quản lý biển số xe cũng tương tự như quản lý các loại tài sản công khác.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, Luật này chỉ nên quy định về nội dung (loại biển đưa ra đấu giá, giá khởi điểm, quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, đăng ký xe, biển số xe trúng đấu giá…), còn về hình thức (trình tự, thủ tục đấu giá) thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa các luật chuyên ngành và Luật Đấu giá tài sản mà không giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục như tại khoản 11 Điều 37 dự thảo Luật.
Thứ hai, đề nghị mở rộng việc đấu giá biển số đối với tất cả các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo hướng sửa lại quy định tại khoản 1 Điều 37 như sau: “1. Biển số xe đưa ra đấu giá là số biển số của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 36 Luật này”./.