Đời sống

Đắk Glong và mục tiêu đào tạo nghề cho 350 lao động năm 2024

Thanh Hằng 28/03/2024 05:30

Huyện Đắk Glong (Đắk Nông) đang triển khai hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn và xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa học nghề với phát triển sản xuất, tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo.

Theo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GGNN-GDTX) huyện Đắk Glong, hàng năm, đơn vị cùng các địa phương tổ chức rà soát, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động. Kết quả rà soát là cơ sở để xây dựng kế hoạch đào tạo sát tình hình thực tế và nhu cầu của các địa phương, tránh tình trạng đào tạo tràn lan không có định hướng.

Chỉ tính riêng trong năm 2023, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đắk Glong đã tổ chức khai giảng, đào tạo nghề cho 12 lớp với 377 học viên. Phần lớn người dân đăng ký tham gia các lớp nghề sơ cấp thuộc nhóm ngành nghề Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (97 học viên); Chăn nuôi - Thú y (86 học viên); Tin học văn phòng (137 học viên)...

hinh-1(1).jpg
Các học viên là người lao động nông thôn huyện Đắk Glong tham gia lớp học nghề Tin học văn phòng

Lựa chọn tham gia vào các lớp học nghề mỗi buổi tối cuối tuần, sau 3 tháng học, anh Đỗ Đức Mạnh, thôn 7, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong đã được trang bị nhiều kiến thức để chăm sóc vườn cây ăn trái của gia đình. Bên cạnh kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, anh Mạnh được tiếp cận với phương pháp sản xuất nông nghiệp hữu cơ, từ đó áp dụng ngay vào vườn của gia đình, giúp cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Mạnh cho biết: “Thông qua các buổi học trên lớp, kết hợp với học thực tế tại vườn, chúng tôi đã nắm rõ quy trình sinh trưởng của cây trồng để từ đó có biện pháp cải tạo đất và bón phân hợp lý. Nhờ chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh tốt, kiểm soát số lượng trái trên cây nên năm vừa rồi hiệu quả của vườn cây tăng nên rõ rệt”.

Theo đánh giá, chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Đắk Glong được nâng cao. Chương trình đào tạo nghề đã đáp ứng được yêu cầu của người lao động. Công tác đào tạo nghề được triển khai sâu rộng xuống các xã, nhất là xã vùng sâu, vùng xa. Qua đó, tạo điều kiện cho lao động nông thôn, lao động là người dân tộc thiểu số nâng cao kiến thức, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi mô hình sản xuất hiệu quả.

Đặc biệt, nhờ liên kết giữa đào tạo nghề và tạo việc làm nên sau khi hoàn thành các lớp sơ cấp, nhiều học viên đã có điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp, góp phần cải thiện kinh tế gia đình.Điển hình, Hợp tác xã Danofarm, thôn Quảng Hợp, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, đang này triển khai cung cấp nguyên liệu tơ tằm cho học viên thuộc lớp dệt thổ cẩm được Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đắk Glong đào tạo nghề. Sau khi được học nghề, các học viên lớp dệt thổ cẩm đã có cơ hội tiếp tục được làm việc, dệt ra các sản phẩm thổ cẩm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng và góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm tơ tằm của chính địa phương này.

Ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết: “Từ kết quả đạt được, trong năm 2024, từ nguồn kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện tiếp tục chỉ đạo đơn vị liên quan tổ chức, vận động sâu rộng người lao động tham gia các lớp đào tạo nghề. Dự kiến hàng năm, Đắk Glong tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 350 lao động để giúp bà con phát triển kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và xây dựng nông thôn mới”.

Thanh Hằng