Lan tỏa hình ảnh Đắk Nông
Đắk Nông được hình thành trên một vùng đất rất lâu đời, đã có con người quần cư từ thời nguyên thủy. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều cảnh quan có giá trị. Chính những di sản văn hóa đó đã và đang góp phần đưa vùng đất, con người Đắk Nông đến với bạn bè quốc tế.
Đắk Nông được hình thành trên một vùng đất rất lâu đời, đã có con người quần cư từ thời nguyên thủy. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều cảnh quan có giá trị. Chính những di sản văn hóa đó đã và đang góp phần đưa vùng đất, con người Đắk Nông đến với bạn bè quốc tế.
Năm 2005, Di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đến năm 2008 được chuyển sang danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đến nay, sau gần 20 năm được UNESCO vinh danh, nhiều hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng đã được các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền và cộng đồng thực hiện.
Về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Đắk Nông đã quan tâm thực hiện suốt chặng đường 20 năm qua. Đắk Nông hiện vẫn còn lưu giữ 186 bộ chiêng, trong đó 157 bộ chiêng M’nông, 12 chiêng Mạ và 17 chiêng Ê đê.
Tỉnh chỉ đạo, quán triệt các đơn vị, địa phương đầu tư xây dựng các mô hình hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian phục vụ khách tại các điểm du lịch nhằm giới thiệu quảng bá, xúc tiến đầu tư lĩnh vực du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.
Hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có câu lạc bộ cồng chiêng. Cụ thể, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa thành lập các tổ chiêng. Huyện Đắk Glong có 2 câu lạc bộ cồng chiêng thường xuyên hoạt động phục vụ khách tại các điểm du lịch.
Huyện Tuy Đức có 4 câu lạc bộ cồng chiêng. Huyện Đắk Song có 2 câu lạc bộ cồng chiêng. Huyện Krông Nô có 1 câu lạc bộ cồng chiêng ở xã Nâm Nung thường xuyên tổ chức hoạt động phục vụ du lịch tại điểm đến du lịch. Hoạt động của các câu lạc bộ đã góp phần giới thiệu, quảng bá các giá trị, di sản, văn hóa, du lịch, con người Đắk Nông đến với du khách trong nước và quốc tế…
Không chỉ quảng bá, giới thiệu trong tỉnh, 20 năm qua, Ðắk Nông đã quan tâm đưa di sản văn hóa phi vật thể cồng chiêng đến với bạn bè quốc tế. Năm 2013, lần đầu tiên, Đoàn nghệ nhân dân tộc M’nông ở bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp tham gia biểu diễn tại Liên hoan âm nhạc bộ gõ toàn cầu tổ chức tại Đan Mạch.
Liên hoan có sự tham gia của đoàn nghệ nhân đến từ nhiều quốc gia như: Ấn Độ, Myanmar, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Việt Nam, Zimbabwe và sinh viên các nước châu Âu đang học tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Đan Mạch...
Nhạc sĩ Võ Đức Tuấn là người đã dẫn đoàn sang Đan Mạch biểu diễn và tham gia hội thảo về âm nhạc bộ gõ toàn cầu theo lời mời của Học viện âm nhạc Hoàng gia Đan Mạch và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam. Các nghệ nhân tỉnh Đắk Nông đã thể hiện diễn tấu tới 20 bài chiêng cổ của người M’nông.
Truyền thông thời điểm ấy cho biết, các chương trình biểu diễn của đoàn nghệ nhân tỉnh Đắk Nông luôn nhận được sự hoan nghênh và đánh giá cao của Hoàng gia Đan Mạch cũng như các đoàn tham gia liên hoan và bạn bè quốc tế, nhất là chương trình diễn tấu cồng chiêng, một loại hình văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Tây Nguyên ở Việt Nam.
Tiếp nối thành công, những năm gần đây, Đắk Nông đã tích cực tổ chức đoàn nghệ nhân tỉnh Đắk Nông tham gia biểu diễn chương trình nghệ thuật tại các triển lãm quốc tế… Gần đây nhất là biểu diễn tại Triển lãm thế giới EXPO 2020 Dubai tổ chức ở Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất-UAE. Các nghệ nhân mỗi lần nhắc lại các chuyến biểu diễn ở quốc tế đều rất xúc động xen lẫn tự hào, bởi không nghĩ có ngày tiếng chiêng M'nông được vang xa đến thế.
Năm 2020, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông được Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO công nhận. Với sự công nhận của UNESCO, CVĐCTC Đắk Nông trở thành di sản địa chất thứ ba ở Việt Nam được tôn vinh (sau CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn và CVĐCTC Non nước Cao Bằng).
Đắk Nông đã chính thức ghi tên mình trên bản đồ du lịch của Mạng lưới CVĐCTC và của UNESCO, gồm 195 điểm đến là các công viên địa chất thuộc 48 quốc gia ở khu vực: Châu Á – Thái Bình Dương, Châu Âu, Châu Phi, Mỹ La tinh – Vùng Caribê và khu vực Bắc Mỹ.
Khi có danh hiệu cao quý này, tỉnh Đắk Nông đã chính thức ghi tên mình trên bản đồ du lịch của Mạng lưới CVĐCTC và của UNESCO, gồm 195 điểm đến là các công viên địa chất thuộc 48 quốc gia ở khu vực: Châu Á – Thái Bình Dương, Châu Âu, Châu Phi, Mỹ La tinh – Vùng Caribê và khu vực Bắc Mỹ.
Danh hiệu CVĐCTC UNESCO mở ra cơ hội được truyền thông rộng rãi trên các phương tiện thông tin báo đài quốc tế uy tín như website của UNESCO, website của các thành viên Mạng lưới CVĐCTC, hội chợ thương mại quốc tế thường niên ở Berlin,...
Là một phần của cao nguyên M'nông nên thơ, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực. Điểm đặc biệt nhất trong khu vực di sản là hệ thống hang động trong đá bazan. Trong khu vực CVĐC còn có các di sản như các hóa thạch, các hồ nước tự nhiên đầy thơ mộng và hệ thống các thác nước đẹp, hùng vĩ.
CVĐCTC Đắk Nông còn là khu vực có bề dày văn hóa, lịch sử, với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; di tích cấp quốc gia đặc biệt đường mòn Hồ Chí Minh và các di tích cấp quốc gia khác như Ngục Đắk Mil; căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV; địa điểm Chiến thắng Đồi 722 - Đắk Sắk; địa điểm bắt liên lạc khai thông đường Hồ Chí Minh đoạn Nam Tây Nguyên đến Đông Nam bộ…
Theo đánh giá, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông là cánh cửa đưa du lịch Đắk Nông đến bạn bè quốc tế và ngược lại. Việc gắn kết các các giá trị di sản địa phương với danh hiệu UNESCO không chỉ góp phần nâng tầm các giá trị di sản của địa phương sánh ngang với các giá trị di sản chung của nhân loại, mà còn là đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo nên thương hiệu để thế giới nhận diện Đắk Nông trên trường quốc tế.
Trong chuyến công tác tại tỉnh Đắk Nông mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã đến thăm và khảo sát các hang động dung nham tại CVĐCTC ở Đắk Nông. Bộ trưởng đánh giá, đây là nơi hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất, địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học mang tầm quốc tế và khu vực. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh giao Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ Đắk Nông để các hoạt động bảo tồn tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Việt Nam hiện nay đang tích cực thông qua các công cụ văn hóa trong ngoại giao góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Hòa cùng dòng chảy của đất nước, tỉnh đang nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động nhằm nâng tầm giá trị văn hóa Đắk Nông, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế.
Đắk Nông được đánh giá là vùng đất có nền văn hóa đa dạng, mang truyền thống và bản sắc riêng của nhiều dân tộc cùng chung sống. Trong đó, thể hiện đậm nét là nền văn hóa của các dân tộc M'nông, Mạ, Ê đê... họ là những chủ nhân của nhiều hiện vật văn hóa độc đáo.
Tiêu biểu là Đàn đá Đắk Kar có niên đại hàng ngàn năm tuổi; là hệ thống các nghi lễ - lễ hội đặc sắc, là những đặc trưng văn hóa cồng chiêng đã góp phần làm nên "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Đặc biệt là kho tàng Ot N'drông (một dạng sử thi) với tầm vóc và số lượng đồ sộ hạng vạn câu văn vần...
Tỉnh Đắk Nông có 3 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục quốc gia (sử thi M’nông, dân ca M’nông và nghề truyền thống, nghề dệt thổ cẩm của người M’nông).
Đắk Nông hiện có 17 di tích được xếp hạng, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 9 di tích, danh thắng cấp quốc gia, 7 di tích cấp tỉnh. Tỉnh có 2 di sản cấp quốc tế (Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông). Toàn tỉnh có 3 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục quốc gia (sử thi M’nông, dân ca M’nông và nghề truyền thống, nghề dệt thổ cẩm của người M’nông).
Sự công nhận đối với giá trị di sản, văn hóa của Đắk Nông làm đa dạng và phong phú bản đồ di sản văn hóa, thiên nhiên, tư liệu của Việt Nam, đưa Đắk Nông trở thành điểm đến văn hóa hấp dẫn.
Việc tiếp cận với các quy định, cam kết mà UNESCO đặt ra đã giúp Đắk Nông nâng cao tiêu chuẩn của công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, gắn kết việc bảo vệ di sản trong xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển địa phương, cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, hướng tới phát triển bền vững.
Theo ông Lê Ngọc Quang, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh, hình ảnh một Đắk Nông tươi đẹp, con người thân thiện, hiếu khách, nghĩa tình với nền văn hóa đặc sắc và đa dạng được bảo tồn và gìn giữ, phát huy giá trị sẽ đưa đến gần hơn và được biết đến rộng rãi hơn tới bạn bè thế giới.
Nội dung: Thùy Dương, ảnh: Ngô Minh Phương
Trình bày: Thế Huy - Nguyễn Hiền