Giải trí

6 Bài văn mẫu phân tích tác phẩm Sa hành đoản ca (Bài ca ngắn đi trên bãi cát) - Cao Bá Quát - Ngữ văn 11

Hùng Cường 29/05/2024 11:45

Phân tích tác phẩm Sa hành đoản ca (Bài ca ngắn đi trên bãi cát - Cao Bá Quát bao gồm tóm tắt nội dung chính, lập dàn ý phân tích, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật cùng hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm và tiểu sử, quan điểm cùng sự nghiệp sáng tác phong cách nghệ thuật giúp các em học tốt môn ngữ văn 11.

I. Tìm hiểu chung tác phẩm Sa hành đoản ca - Cao Bá Quát

1. Tác giả Cao Bá Quát

- Cao Bá Quát (1809 – 1855) tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường, Mẫn Hiên, người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc quận Long Biên, Hà Nội).

- Thuở nhỏ, Cao Bá Quát sống trong cảnh nghèo khó, nhưng nổi tiếng là trẻ thông minh, chăm chỉ và văn hay chữ tốt.

- Khoảng tháng 6, tháng 7 âm lịch năm Giáp Dần 1854, nhiều tỉnh ở miền Bắc gặp đại hạn, lại bị nạn châu chấu làm cho mùa màng mất sạch, đời sống người nhân dân hết sức cực khổ; Cao Bá Quát bèn vận động một số sĩ phu yêu nước, các thổ hào ở các vùng Quốc Oai, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Lạng Sơn... cùng nhau tôn Lê Duy Cự làm minh chủ chống lại nhà Nguyễn.

- Cao Bá Quát làm quốc sư, họp với thổ mục Sơn Tây là Đinh Công Mỹ và Bạch Công Trân dựng cờ nổi dậy tại Mỹ Lương, thuộc vùng Sơn Tây chống lại triều đình đương thời.

- Đang trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa, do có người tố giác nên kế hoạch bị bại lộ. Trước tình thế cấp bách, Cao Bá Quát buộc phải phát lệnh tấn công vào cuối năm 1854. Tuy giành được một số thắng lợi, nhưng sau khi quan quân triều đình tập trung phản công thì quân khởi nghĩa liên tiếp bị thất bại.

- Ông đã mất trong cuộc khởi nghĩa chống lại chế độ phong kiến nhà Nguyễn.

- Cao Bá Quát là một nhà thơ có tài năng và bản lĩnh, được người đương thời tôn là Thánh Quát (Thần Siêu, Thánh Quát).

- Thơ văn ông bộc lộ thái độ phê phán mạnh mẽ chế độ phong kiến trì trệ, bảo thủ và chứa đựng tư tưởng khai sáng có tính chất tự phát, phản ảnh nhu cầu đổi mới của xã hội Việt Nam trong giai đoạn giữa thế kỉ XIX.

- Ngay sau khi cuộc nổi dậy ở Mỹ Lương (tỉnh Sơn Tây) bị thất bại (1855-1856), các tác phẩm của Cao Bá Quát đã bị triều đình nhà Nguyễn cho thu đốt, cấm tàng trữ và lưu hành, nên đã bị thất lạc không ít.

- Hiện còn 1353 bài thơ và 21 bài văn xuôi, gồm 11 bài viết theo thể ký hoặc luận văn và 10 truyện ngắn viết theo thể truyền kỳ.

- Về chữ Nôm, có một số bài hát nói, thơ Đường luật và bài phú Tài tử đa cùng (Bậc tài tử lắm cảnh khốn cùng). Về chữ Hán, khối lượng thơ nhiều hơn, được tập hợp trong các tập: Cao Bá Quát thi tập, Cao Chu Thần di thảo, Cao Chu Thần thi tập, Mẫn Hiên thi tập.

2. Tác phẩm Sa hành đoản ca

a. Hoàn cảnh sáng tác

- Cao Bá Quát đỗ cử nhân năm 1831 tại trường thi Hà Nội. Sau đó, ông nhiều lần vào kinh đô Huế thi Hội nhưng không đỗ.

- Bài ca ngắn đi trên bãi cát có thể được hình thành trong những lần Cao Bá Quát đi thi Hội, qua các tỉnh miền Trung đầy cát trắng như Quảng Bình, Quảng Trị.

b. Thể loại

- Bài thơ viết theo thể hành (còn gọi là ca hành).

- Đây là một thể thơ cổ, có tính chất tự do phóng khoáng, không bị gò bó về số câu, độ dài của câu, niêm luật, bằng trắc, vần điệu.

c. Phương thức biểu đạt

Tự sự, biểu cảm

d. Bố cục

- Phần 1 (4 câu đầu): Hình ảnh đi trên bãi cát và người đi trên bãi cát.

- Phần 2(6 câu tiếp): Tâm trạng suy tư của người đi đường.

- Phần 3 (còn lại): Sự bế tắt của người đi đường.

e. Giá trị nội dung

- Bài thơ là sự chán ghét đối với con đường mưu cầu danh lợi tầm thường.

- Tâm trạng bi phẫn của kẻ sĩ chưa tìm thấy lỗi thoát trên đường đời. Phê phán lối học thuật, sự bảo thủ trì trệ của triều Nguyễn.

f. Giá trị nghệ thuật

- Bài thơ giàu hình ảnh tượng trưng (bãi cát, quán rượu, người đi đường, mặt trời).

- Âm điệu bi tráng (vừa buồn, vừa có sự phản kháng, âm thầm, quyết liệt đối với xã hội lúc bấy giờ).

sa-hanh-doan-ca-1-.png
Phân tích Sa hành đoản ca (Bài ca ngắn đi trên bãi cát) của Cao Bá Quát

II. Dàn ý phân tích tác phẩm Sa hành đoản ca (Bài ca ngắn đi trên bãi cát)

A. Mở bài

- Những nét chính về tác giả Cao Bá Quát: Một tác giả trung đại có cuộc đời bất hạnh nhưng hào hùng. Ông mang đến thơ văn sự độc đáo mới mẻ theo hướng bám sát hiện thực.

- Giới thiệu Bài ca ngắn đi trên bãi cát: được sáng tác trên đường tác giả đi thi Hội. Bài thơ thể thiện tâm tư của một sĩ tử trên đường danh lợi.

B. Thân bài

* Luận điểm 1: Hình ảnh người đi đường trên bãi cát – cuộc đời (4 câu đầu)

- Tiếng khóc cho cuộc đời dâu bể:

+ “Bãi cát dài lại bãi cát dài”: Điệp từ gợi lên hình ảnh những bãi cát nối tiếp nhau đến vô tận. ⇒ Hình ảnh bãi cát dài mênh mông, nối tiếp nhau tượng trưng cho môi trường xã hội, con đường đời đầy chông gai, gian khổ, nhọc nhằn

+ “Đi một bước lùi một bước”: sự vất vả, khó nhọc của người đi đường, đây vừa là cảnh thực vừa là tượng trưng cho con đường công danh gập ghềnh của tác giả

+ “Mặt trời đã lặn chưa dừng được”: Mặt trời lặn mà vẫn còn đi, nước mắt rơi lã chã, tâm trạng đau khổ.

+ “Lữ khách trên đường nước mắt rơi”: Cảnh tượng một người đi trong không gian mù mịt, mênh mông, khó xác định được phương hướng.

⇒ Hình ảnh bãi cát dài mênh mông, nối tiếp nhau, hình ảnh con đường như bất tận, mờ mịt, tình cảnh của người đi đường khó khăn, bất lợi

⇒ Nhà thơ nhìn thấy con đường danh lợi đáng buồn, đầy chông gai

* Luận điểm 2: Thực tế cuộc đời đầy cay đắng, vô vị (8 câu tiếp)

- “Không học …lội suối, giận khôn vơi!”: sử dụng điển tích, tác giả giận mình vì không có khả năng như Hạ Hầu Ấn có thể nhắm mắt mà vẫn bước đều khi leo suối, lội nước ⇒ oán giận con đường công danh

- “Xưa nay… đường đời”: sự cám dỗ của cái bả công danh đối với người đời, danh lợi khiến con người “tất tả”

⇒ Sự chán ghét, khinh bỉ của Cao Bá Quát đối với danh lợi, ông không muốn sa vào con đường ấy, nhưng vẫn chưa tìm ra hướng đi khác cho mình

- “Đầu gió… tỉnh bao người”: chuyện mưu cầu danh lợi cũng hấp dẫn như thưởng thức rượu ngon, làm say người, ít ai có thể tránh được sự cám dỗ. ⇒ ông nhận ra sự cám dỗ của danh lợi đối với con người

- “Bãi cát dài… nhiều, đâu ít?”: Nhận ra sự cám dỗ công danh, nhà thơ như trách móc, giận dữ nhưng cũng chính là đang tự hỏi bản thân. Ông nhận ra tính chất vô nghĩa của lối khoa cử đương thời nhưng cũng vẫn đang bước trên con đường ấy.

⇒ Tâm trạng băn khoăn, day dứt, bế tắc, bước trên con đường công danh thì mù mịt mà “đường ghê sợ” thì nhiều không ít

- “Khúc đường cùng”: nghĩa biểu tượng, đây là bài ca về con đường cùng của chính tác giả, về sự bế tắc, tuyệt vọng của mình trước cuộc đời.

* Luận điểm 3: Sự bế tắc và nỗi tuyệt vọng của người đi đường

“Phía Bắc núi Bắc núi muôn trùng

Phía Nam núi Nam sóng dào dạt”

+ Tả thực: khung cảnh gợi cảm giác ngột ngạt, bó buộc

=> Thiên nhiên phía Bắc, phía Nam đều đẹp hùng vĩ nhưng cũng đầy khó khăn hiểm trở, đi mà chỉ thấy phía trước là núi là biển mênh mông mịt mờ

+ Biểu tượng cho ý niệm: cuộc đời bế tắc, ngột ngạt

=> Nghĩa ẩn dụ, tượng trưng: con đường đời đầy chông gai mà kẻ sĩ như Cao Bá Quát phải dấn thân để mưu cầu công danh.

- “Anh còn đứng làm chi trên bãi cát”: tiếng kêu bi phẫn, bế tắc, tuyệt vọng

=> Tư thế dừng lại nhìn bốn phía mà hỏi vọng lên trời cao, lại hỏi chính lòng mình thể hiện khối mâu thuẫn lớn đang đè nặng trong tâm trí nhà thơ.

* Đặc sắc nghệ thuật

- Sử dụng thơ cổ thể

- Hình ảnh có tính biểu tượng

- Thủ pháp đối lập, sáng tạo trong dùng điển tích

- Cách xưng hô linh hoạt, câu hỏi cảm thán mang âm hưởng bi tráng

C. Kết bài

- Khẳng định lại những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật

- Cảm nhận của em về bài thơ

III. Danh sách đề thi phân tích tác phẩm Sa hành đoản ca (Bài ca đi trên bãi cát) của Cao Bá Quát

1. Phân tích bài thơ Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát.

Cao Bá Quát là một trong những nhà thơ nối tiếng sống trong một xã hội coi trọng người Nam hơn người Bắc. Chính điều này đã gây nên nhiều điều bất bình xảy ra trong nhà Nguyễn. Ông là người có bản lĩnh, có cá tính trong cuộc sống thời ấy. Bài thơ “Bài ca ngắn đi trên bãi cát có thể được tác giả làm trong khi đi thi Hội, là thời điểm ông rất muốn thi thố tài năng, thực hiện ý chí của mình. Nó biểu lộ sự chán ghét của một người trí thức đối với con đường danh lợi tầm thường đương thời và niềm khao khát thay đổi cuộc sống.

Mới vào bài thơ ta thấy cụm từ “bãi cát” được lặp lại hai lần: “Bãi cát lại bãi cát dài". Bãi cát ớ đây là hình ảnh được tác giả tả thực gợi lên một không gian khó khăn, dài thăm thẳm. Thông thường chúng ta đi trên cát rất khó, không giống như đi trên đường đất bình thường, chân bước tới cứ bị trượt về sau. Trên bãi cát ấy là một con đường rộng lớn, mờ mịt, rất khó mà xác định phương hướng như đứng ớ bên này nhìn qua bên kia chân trời. Đó không chỉ là ruột con đường thực, mà là con đường hiểu theo nghĩa tượng trưng cho một con đường xa xôi, mờ mịt. Để tìm được chân lí, tìm được cái đích thực sự có ý nghĩa cho cuộc đời thì con người phải vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ đầy thử thách.

Trên bãi cát ấy có hình ảnh một con người (tác giả), người đi trên bãi cát. Một con người nhỏ bé, lẻ loi, cô độc đi trên một bãi cát rộng, dài bao la, quanh quanh hình ảnh con người ấy. Bước chân của người đi cát rất khó khăn, như giậm chân tại chỗ “Đi một bước như lùi một bước”. Ta thấy được nỗi chán nản, bất mãn của tác giả khi thấy mình hành hạ thân xác để theo đuổi con đường công danh.

“Bãi cát lại bãi cát dài,

Đi một bước như lùi một bước

Mặt trời đã lặn, chưa dừng được,

Lữ khách trên đường nước mắt rơi."

Người đi trên bài cát ở đây lòng ai oán vì con đường công danh của mình mãi chưa tới đích, không đành lòng làm một kẻ “ngủ quên” để có cớ mà rời bỏ đường đi.

Không học được tiên ông phép ngủ

Trèo non, lội suối, giận khôn vơi!

Xưa nay, phường danh lợi,

Tất cả trên dường đời.

Đầu gió hơi men thơm quán rượu,

Người say vô số, tỉnh bao người?

Tác giả còn nói đến sự cám dỗ của công danh đối với người đời. Nhận định mang tính khái quát về những kẻ ham danh lợi đều phải chạy ngược chạy xuôi, hình ảnh đó được tác giả minh hoạ bằng những hình ảnh thực tế của cuộc sống là ở đâu có quán rượu ngon người nhậu đều đổ xô đến, có được máy ai tỉnh táo để thoát ra khỏi sự cám dỗ của rượu. Từ đó tác giả cũng muốn liên tường đến người đọc vấn đề danh lợi cũng là một thứ rượu dễ làm thay đổi lòng người. Ông khinh bỉ những phường danh lợi tầm thường kia, nhưng cũng nhận ra sự cô độc của mình. Phải chăng, con đường mà ông dấn thân vào, lí tưởng mà ông đeo đuổi, chỉ là điều vô ích, chẳng ai thèm để ý, quan tâm. Ông không có người ủng hộ, đồng hành. Niềm xúc động ấy đã đưa tác giả trở về với hiện thực. Điều này chuẩn bị cho kết luận của ông đó là cần phải thoát ra khỏi cơn say danh lợi vô nghĩa. Nếu đi tiếp thì rất có thể ông cũng chỉ là một trong phường danh lợi mà ông từng khinh miệt, phê phán. Nhưng nếu dừng lại, ông cũng không biết mình sẽ đi đâu. về đâu. Có cả một khối mâu thuẫn đang đè nặng lên tâm hồn của tác giả lúc này. Sự dằn vặt ấy là sự nuối tiếc vì đường đau khổ, mờ mịt nhưng lại quá đẹp đè, cao sang. Thôi thì đành đứng chôn chân trên bãi cát vậy.

Người đi trên cát bỗng nhiên dừng lại.

Bãi cát dài, bãi cát dài ơi!

Tính sao đây? Đường bằng mờ mịt,

Đường ghê sợ còn nhiều, đâu ít?

Hãy nghe ta hút khúc “đường cùng”,

Phía bắc núi Bắc, núi muốn trùng,

Phía nam núi Nam, sóng dào dạt.

Anh đứng làm chi trên bãi cát?

Nỗi băn khoăn choáng váng lấp đầy tâm hồn. Và lần đầu tiên, người đã phân vân tự hỏi, vậy là thế nào, có nên đi tiếp, hay từ bỏ nó “Tính sao đây? Đường bằng mờ mịt". Nếu đi tiếp, cũng không biết phải đi như thế nào. Bởi vì, “Đường bằng thì mờ mịt - Đường ghê sợ thì nhiều!” vì thế, có lẽ đã đến bước đường cùng? Nỗi bế tắc và tuyệt vọng phù trùm lên cả người đi, cả bãi cát dài. Người đi chỉ còn có thể cất lên tiếng hát về con đường cùng của mình, về sự tuyệt vọng của mình.

Tóm lại bài thơ “Bài ca ngắn đi trên cát" được thể hiện theo cách đa chiều. Khi thì được miêu tả như một khách thể, khi thì lại như một người đối thoại. Thậm chí tác giả còn cho ẩn chủ thể. Mục đích là nhằm có những tâm trạng khác nhau, thái độ khi đứng trước những hoàn cảnh khác nhau. Nó biểu lộ sự chán ghét của một người trí thức đối với con đường danh lợi và niềm khao khát thay đổi cuộc sống.

2. Phân tích đoạn thơ sau trong Sa hành đoản ca của Cao Bá Quát (từ câu: Không học được tiên ông phép ngủ... đến hết bài).

Đây là những câu thơ nói về hình ảnh khác, những con người khác, được đặt trên nền cảnh của bức tranh bãi cát dài và người đi trên cát dài, nhằm thể hiện một tâm sự, một tâm trạng khác của tác giả.

Đối lập với hình ảnh cô độc, trơ trọi của người đi tìm chân lí trên con đường mờ mịt, gian khổ là hình ảnh của đông đảo phường danh lợi đang tất tả ngược xuôi trong dường đời để mưu sinh, để tranh giành quyền lợi để hưởng thụ rượu ngon, thịt béo, để say sưa quên đi trách nhiệm cuộc đời. Tác giả chua xót nhận thấy người tỉnh thì ít, kẻ say thì nhiều và giống nhau, có ai cùng mình đi trên con đường cát bụi mờ mịt kia?

Trong lòng tác giả hiện lên một khối mâu thuẫn lớn. Ông rất khinh bỉ những phường danh lợi tầm thường kia, nhưng ông cũng chợt nhận ra sự cô độc của mình. Phải chăng con đường mà ông dấn thân vào, lí tưởng mà ông đang theo đuổi và tìm kiếm là điều vô ích, chẳng ai thèm để ý quan tâm? Ông không có người ủng hộ, đồng cảm, đồng hành. Nỗi niềm ấy làm xao xác lòng ông, bóp chặt trái tim ông, giục ông trở về với hiện tại vô vị, cay đắng.

Người đi trên cát dài bổng nhiên dừng lại. Nỗi băn khoăn choán đầy tâm hồn. Và lần đầu tiên, người ấy đã phân vân tự hỏi, vậy là thế nào có nên đi tiếp hay từ bỏ nó, biết tính với nó sao đây? Nếu đi tiếp cũng không biết phải đi thế nào. Bởi vì, đường phẳng lì mờ mịt - đường ghê sợ thì nhiều. Có lẽ đã đến bước đường cùng? Nỗi bế tắc và tuyệt vọng phủ trùm lên cả người đi, cả bải cát dài. Người đi chi còn có thể cất lên tiếng hát về con đường cùng của mình.

Trong cô độc, tuyệt vọng, người đi chỉ còn biết đứng lại trên bãi cát dài, vừa bất lực, vừa nuối tiếc. Bất lực vì không thể đi tiếp được, cũng chưa thể hay không thể quyết định sẽ làm gì dây. Trở thành phường danh lợi? Không được rồi. Đi hay ở ẩn ở núi phía Bắc, ờ biển phía Nam, độc thiện kì thân, giữ riêng mình trong sạch giữa cuộc đời ô trọc? Cũng không thể được. Nuối tiếc vì con đường gian khổ, mờ mịt nhưng đẹp đẽ quá, cao quý quá, đáng sống quá. Thì đành đứng chôn chân trên bãi cát. Đó là cả một khối mâu thuẫn lớn đè nặng lên tâm hồn tác giả.

Trong tác phẩm, chúng ta thấy Cao Bá Quát đã sử dụng các đại từ nhân xưng khác nhau như khách, quân, ngã. Tất cả đều để chỉ bản thân tác giả.

Tác giả muốn đặt mình vào các vị trí khác nhau để có cách khác nhau bộc lộ tâm trạng của chính mình trong tâm trạng mâu thuẫn.

Trong bài ca, hình tượng người đi trên bãi cát dài được tác giả thể hiện không đơn nhất mà đa chiều. Khi thi được miêu tả như một khách thể, khi lại như một người đối thoại, khi lại như một chú thể tự thể hiện. Thậm chí có khi tác giả cho ẩn chủ thể. Mục đích là nhằm có những trình bày khác nhau về tâm trạng, thái độ khi đứng trước các hoàn cảnh khác nhau. Hay để trình bày những suy nghĩ khác nhau của người đi trên bãi cát dài - tác giả trước những vấn đề bức bối đặt ra.

Tác phẩm đã thể hiện những mâu thuẫn tư tưởng hết sức sâu sắc và tiêu biểu của thời đại lúc bấy giờ một cách nghệ thuật. Đó là xung đột giữa khát vọng sống cao đẹp với hiện thực đen tối, mờ mịt; giữa tinh thần xông pha, hỉ xả và lí tưởng của kẻ sĩ với thói đời cầu an hưởng lạc của người đời và những khó khăn gian khổ trên con đường đi tìm chân lí.

Chủ đề tác phẩm là ca ngợi, những con người hi sinh quên mình vì lí tưởng, đề cao phẩm chất và trách nhiệm cao quý của kẻ sĩ đối với cuộc sống; đồng thời bộc lộ sự hoang mang, tuyệt vọng của con người không tìm ra lối đi.

Bài ca khắc họa hình tượng cô độc, nhỏ nhoi nhưng lại hết sức kì vĩ của con người vừa quả quyết vừa tuyệt vọng trên con đường đi tìm chân lí đầy gian truân, mờ mịt. Lời ca vừa có âm thanh hết sức bi tráng, vừa mang những âm điệu hết sức u buồn. Nó chứa đựng sự phản kháng âm thầm đối với trật tự hiện hành, cảnh báo một sự thay đổi tất yếu trong tương lai.

3. Phân tích hình ảnh bãi cát và người đi trên bãi cát trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát để thấy được tâm trạng bi phẫn của Cao Bá Quát.

Cao Bá Quát nổi tiếng trong lịch sử không chỉ bởi tài văn hay chữ đẹp hơn người. Đương thời và sau này tôn vinh, ngưỡng mộ ông còn bởi nhân cách cao khiết, khí phách hiên ngang, đặc biệt là tư tưởng tự do, phóng khoáng, hoài bão vượt lên trên những tù túng của thời đại để sống có ích, có nghĩa. Tuy nhiên, sống trong thời kì chế độ phong kiến đang khủng hoảng trầm trọng, Cao Bá Quát sớm phải mang nỗi bi phẫn của người trí thức ôm ấp nhiều lí tưởng lớn cao đẹp nhưng cuối cùng thất vọng và bế tắc trên con đường mình đã lựa chọn. Bài ca ngắn đi trên bãi cát là khúc ca của nỗi niềm bi phẫn ấy.

Để thể hiện tâm trạng của mình, tác giả đã xây dựng trong tác phẩm hai hình ảnh giàu ý nghĩa: Hình ảnh bãi cát và hình ảnh người đi trên bãi cát. Hình ảnh bãi cát trong bài trước hết là hình ảnh có thực, nó gắn liền với hành trình vào kinh ứng thí của nhà thơ. Khi đi dọc dải đất miền Trung, Cao Bá Quát đã bao lần nhìn thấy khung cảnh những cồn cát mênh mông trải dài trong nắng và gió Lào khắc nghiệt, bao lần thấm thía nỗi nhọc nhằn, khổ ải khi bước đi trên cát. Cảnh đó trở thành một ấn tượng đậm nét trong tâm trí nhà thơ và khi đi vào tác phẩm đã mang một ý nghĩa tượng trưng đặc sắc. Những bãi cát dài mênh mông, bãi cát này nối tiếp bãi cát khác - "Bãi cát dài, lại bãi cát dài " đường công danh mờ mịt nhọc nhằn của tác giả và của bao trí thức đương thời. Con đường ấy kéo dài tưởng như vô tận với biết bao chông gai hiểm trở đang chờ đợi người lữ khách. Cùng với hình ảnh - bãi cát, hình ảnh đường ghê sợ: phía bắc núi Bắc, núi muôn trùng; phía nam núi Nam, sóng dạt dào là hình ảnh tượng trưng cho con đường đời không lối thoát đang mở ra trước mắt nhà thơ.

Gắn liền với hình ảnh bãi cát là hình ảnh người đi trên bãi cát. Bãi cát dài mênh mông, vô tận, người lữ hành mải miết, cặm cụi đi trong mệt mỏi đau khổ.

Đi một bước như lùi một bước

Mặt trời đã lặn, chưa dừng được

Lữ khách trên đường nước mắt rơi

Thấm thía cái nhọc nhằn, gian truân, khổ ải của hành trình đi tìm công danh, đặc biệt ý thức về cái vô nghĩa, phù phiếm của danh lợi, người lữ hành bắt đầu suy ngẫm về con đường mình đã lựa chọn.

Không học được tiên ông phép ngủ

Trèo non, lội suối, giận khôn vơi!

Xưa nay, phường danh lợi,

Tất tả trên đường đời.

Đầu gió hơi men thơm quán rượu,

Người say vô số, tỉnh bao người?

Nỗi băn khoăn càng lớn khi người đi đường nhận rõ thực tại trước mắt mình:

... Đường bằng mờ mịt

Đường ghê sợ còn nhiều đâu ít

...

Phía bắc núi Bắc, núi muôn trùng

Phía nam núi Nam, sóng dào dạt

Nên đi tiếp hành trình còn dang dở hay dừng lại, từ bỏ nó? Tính sao đây? Đi tiếp thì không đành mà dừng lại cũng không được. Nỗi trăn trở của nhà thơ đến đây rơi vào bế tắc. Khúc ca cùng đường đã cất lên trong nỗi bi phẫn của một con người đã không thể nào tìm thấy hướng đi như mong muốn giữa cuộc đời mờ mịt. Kết thúc bài thơ là một hình ảnh cũng là một câu hỏi chưa có lời giải đáp: Anh đứng làm chi trên bãi cát? Người lữ hành sau nhiều day dứt, trăn trở cuối cùng vẫn chưa thể có một bước đi dứt khoát nào, đành đứng chôn chân giữa sa mạc cuộc đời.

Hình ảnh bãi cát và người đi trên bãi cát chính là hình ảnh của nhà thơ cũng như bao trí thức đương thời trong những năm tháng đen tối, mờ mịt của chế độ phong kiến. Dẫu có bế tắc, vô vọng song qua nỗi niềm bi phẫn ấy đã cho thấy dấu hiệu rõ nét của một sự thức tỉnh đáng quý của những kẻ sĩ đương thời trước con đường công danh truyền thống và trước hiện thực xã hội.

Hình ảnh bãi cát và người đi trên bãi cát là những sáng tạo nghệ thuật đặc sắc, giàu ý nghĩa xuất phát từ hiện thực thiên nhiên, hiện thực xã hội và hiện thực tâm trạng của Cao Bá Quát. Những hình ảnh đó không chỉ góp phần thể hiện những nỗi niềm tâm sự riêng của nhà thơ mà còn phản ánh cảnh ngộ con người một thời, nhiều thời nếu cùng cảnh ngộ. Trong bối cảnh tư tưởng phong kiến bao trùm bóng đen hắc ám của nó xuống tư tưởng con người, bài thơ Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát thể hiện một sự vận động lớn lao trong tư tưởng nghệ thuật của thời đại

4. Phân tích hình ảnh bãi cát trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát

Cao Bá Quát (1808 — 1855) là nhà thơ lỗi lạc của nước ta trong thế kỉ 19. Ông để lại trên một nghìn bài thơ chữ Hán và chữ Nôm; bài phú "Tài tử đa cùng phú" và bài thơ chữ Hán "Sa hành đoản ca" được nhiều người ca ngợi.

Hình ảnh bãi cát là một sáng tạo độc đáo của Cao Bá Quát. Các nhà nho thường sử dụng các biểu tượng quen thuộc để nói về tâm trạng chán ghét quan trường và nỗi nhớ quê hương.

Sáu câu thơ sau liên kết với nhau theo một lôgic chặt chẽ. Hai câu “Không học được tiên ông phép ngủ, Trèo non, Lội suối, giận không nguôi’’ thề hiện nỗi chán nản của tác giả vì phải tự mình hành hạ thân xác mình theo đuổi công danh vô nghĩa. Với tâm trạng đó, tác giả nhìn ra xung quanh thấy cả dòng đời chạy theo danh lợi, say danh lợi như ngửi thấy hơi men, ít ai có thể thoát khỏi cám dỗ. Nhận định khái quát về cái giá của bả danh lợi xuất phát từ chính kinh nghiệm của các giả. Sáu câu thơ này chuẩn bị cho kết luận: cần thoát ra khỏi cơn say danh lợi vô nghĩa.

Tâm trạng của tác giả khi đi trên bãi cát: là chán nản, mỏi mệt, thương thân phận, oán trách cuộc sống. Mặc dù chưa thể hình dung một người trí thức như ông phải làm gì trong hoàn cảnh xã hội khi đó, nhưng Cao Bá Quát đã không hào hứng trên con đường đi Huế. Lẽ ra lên kinh đô phải là dịp phấn chấn vì những hứa hẹn, chờ đợi phía trước về thành đạt, công danh, song ông lại thấy chán nản, miễn cường. Kết thúc bài thơ là một câu hỏi đầy ngụ ý: “Sao mình anh còn trơ trên bãi cát?”: Một câu hỏi sẽ dẫn tới hành động: Có tiếp tục đi trên bãi cát mãi như vậy hay thôi? Có tiếp tục sống như vậy hay tìm một lối khác?

Hình ảnh bãi cát là một sáng tạo độc đáo của Cao Bá Quát. Các nhà nho thường sử dụng các biểu tượng quen thuộc để nói về tâm trạng chán ghét quan trường (hình ảnh ngọn cỏ bồng lìa gốc, cánh bèo trôi dạt trên sóng nước) và nỗi nhớ quê hương (hình ảnh rau thuần, cá vược, canh cua, đồng lúa, nương dâu, phần mộ tổ tiên không có người chăm sóc,...) nhưng chưa có ai mang tâm trạng phủ định con đường mà người tri thức thời ấy vẫn đi nên chưa ai tìm một biểu tượng nghệ thuật mới.

5. Sa hành đoản ca - một cách cảm nhận về đường đời của nho sĩ Việt Nam thế kỉ XX

Có lẽ được sáng tác vào thời gian đi thi Hội (1), trong khoảng những năm 1832 đến 1841, Sa hành đoản ca (Bài hát ngắn đi trên bãi cát) vừa mang dấu ấn quang cảnh thực mà Cao Bá Quát (1809? - 1855) được chứng kiến trên đường bộ hành vào Nam lại vừa hiện diện như một biểu tượng nghệ thuật về con đường đời qua sự cảm nhận của một trí thức vốn lận đận với cử nghiệp. Sa hành đoản ca theo lối thơ cổ thể, không bị gò bó vào luật như thơ cận thể Đường luật, gồm 16 câu thơ tạp ngôn – xen kẽ các câu 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ, với bốn vần bằng trắc thay đổi, thật phù hợp cho sự thể hiện những tâm trạng và suy tư không đơn giản của tác giả.

Về bố cục, Sa hành đoản ca theo cách thông thường của thơ cổ thể, chia ba phần, hai phần đầu và kết hô ứng với nhau chặt chẽ từ hình tượng cho đến ý tưởng, tâm trạng, cảm xúc. Bốn câu đầu miêu tả hình ảnh người khách đi trên bãi cát dài, sáu câu tiếp theo mở rộng cảm thán về đường đời, sáu câu cuối quay lại với hình ảnh bãi cát dài cùng hành trình ngày càng đơn độc của người khách.

Từ nhan đề, bố cục cho đến toàn bộ hệ thống từ ngữ, vần thơ, nhạc điệu bằng trắc, độ dài ngắn của câu thơ… Sa hành đoản ca thực sự là một chỉnh thể nghệ thuật với hình tượng trung tâm là bãi cát dài mênh mông và một con người nhỏ bé như bị hút đi trên đó. Trước hết, phải nói tới ý nghĩa tả thực rất sinh động của bài thơ mà chúng ta có thể hình dung nhờ liên hệ với hoàn cảnh sáng tác và cuộc đời tác giả:

Trường sa phục trường sa

Nhất bộ nhất hồi khước

Nhật nhập hành vị dĩ

Khách tử lệ giao lạc

(Bãi cát dài, lại bãi cát dài

Đi một bước như lùi một bước

Mặt trời đã lặn mà vẫn còn đi

Khách (trên đường) nước mắt tuôn rơi)

Nghệ thuật điệp từ kết hợp với lối đối ngẫu - một đặc điểm thi pháp nổi bật của Sa hành đoản ca, được phát huy hiệu quả ngay từ những dòng thơ đầu tiên. “Trường sa/ trường sa” “nhất bộ/ nhất hồi”, mặt trời lặn/ nước mắt rơi, tác giả không miêu tả tỉ mỉ mà chỉ gợi nên bằng một vài hình ảnh trùng điệp và đối ngẫu, cũng đủ khiến người đọc hình dung cảnh tượng những cồn cát dài dằng dặc chang chang nắng trải dọc bờ biển miền Trung đất nước, đi trên cát khô bỏng, bước chân người vừa như bị trôi ngược về phía sau (do cát khô và bãi dốc) vừa như bị níu lại một chỗ (do cảm giác bỏng rát của đôi chân). Ý nghĩa tả thực này gắn liền với sự kiện có thật trong cuộc đời tác giả (nhiều năm lẽo đẽo từ Bắc vào Huế thi Hội) cho thấy mạch thơ văn phản ánh những điều “sở kiến, sở văn” xuất hiện từ thế kỷ XVIII vẫn đang tiếp nối trong thế kỷ XIX. Nhưng điều mà tác giả muốn nói chắc chắn không chỉ dừng ở ý nghĩa tả thực đơn thuần đó, đoạn thơ tiếp theo cho ta thấy rõ hơn ý nghĩa tượng trưng của hình ảnh bãi cát dài:

Quân bất học tiên gia mỹ thụy ông

Đăng sơn thiệp thuỷ oán hà cùng

Cổ lai danh lợi nhân

Bôn tẩu lộ đồ trung

Phong tiền tửu điếm hữu mỹ tửu

Tỉnh giả thường thiểu túy giả đồng

(Anh không học được ông tiên có phép ngủ giỏi

Trèo non lội nước mãi, oán bao giờ cho hết

Xưa nay phường danh lợi

Tất tả trong đường đời

Quán rượu ở đầu gió có rượu ngon

Người tỉnh thường ít, kẻ say giống nhau)

Từ hình ảnh ông tiên Hạ Hầu Ấn có phép ngủ giỏi, vừa nhắm mắt ngủ ngon, ngáy đều vừa leo núi lội nước đến hình ảnh con đường đời ngược xuôi “bôn tẩu” của phường danh lợi, cho đến hình tượng “tỉnh giả/ tuý giả” thường gặp trong thơ ca cổ Trung Hoa và Việt Nam, ba nhóm hình ảnh này có liên quan gì với hình tượng bãi cát dài và người khách bộ hành đơn độc? Đáng chú ý nữa là một câu thơ về “khách tử” được xen giữa ba nhóm hình ảnh đó: “Đăng sơn thiệp thuỷ oán hà cùng” (Trèo non lội nước mãi, oán bao giờ cho hết). Sử dụng lại mô típ quen thuộc “đăng sơn” song Cao Bá Quát đã đưa đến cho nó một ý nghĩa hoàn toàn khác trước. Cổ nhân “đăng sơn” để thưởng thức, chiêm nghiệm sự hoà nhập với cái bao la khôn cùng, cái khoáng đạt kỳ vĩ của vũ trụ. Cao Bá Quát lôi sự “đăng sơn” (lên núi) xuống cho song hành với việc “thiệp thuỷ” (lội nước) để trần tục hoá hình tượng, cụ thể hoá cảm xúc, phô bày tâm trạng ai oán kéo dài, khó dứt của mình (oán hà cùng). Hình tượng “tỉnh giả/ tuý giả” vốn nổi tiếng với Khuất Nguyên và thiên Ly tao: “Chúng nhân giai trọc ngã độc thanh/ Chúng nhân giai túy ngã độc tỉnh” (Mọi người đều đục, mình ta trong/ Mọi người đều say, mình ta tỉnh), nổi danh với bài ca Tương tiến tửu của vị Thi Tiên Lý Thái Bạch: “Chung cổ soạn ngọc bất túc quý/ Đãn nguyện trường túy bất nguyện tỉnh” (Cỗ ngọc với trống to, chén lớn không đủ quý/ Chỉ mong say mãi không mong tỉnh), một người tự hào vì cả thiên hạ chỉ một mình là “tỉnh giả”, một người lại đề cao phẩm chất “tuý giả” của mình, cả hai đều từng là những nhân cách nho sĩ đáng trọng. Hiểu đúng chữ “tỉnh” mà các tác giả sử dụng, chúng ta sẽ hiểu hơn ý nghĩa của hình tượng thơ. “Tỉnh” là tỉnh cơn say, tỉnh cơn ngủ mê, tỉnh ngộ - mọi sự đang mê mà tỉnh ra. Từ chỗ oán hận con đường nhọc nhằn trên bãi cát dài mà không có phép màu ngủ giỏi (vẫn phải vừa đi vừa giương mắt nhìn đời!), Cao Bá Quát dường như đã “tỉnh ngộ” ra nguyên nhân sâu xa của nỗi oán hận trèo non lội nước đó là “bôn tẩu lộ đồ trung” và chua chát nhận thấy chính mình cũng không nằm ngoài những “cổ lai danh lợi nhân” đó. “Mỹ tửu” là lạc thú có thể giúp người ta lãng quên các sự bất như ý song “mỹ tửu” cũng lại là nguy cơ khiến mọi kẻ mê muội (túy giả) cùng lâm cảnh ngộ như nhau. Khác với Khuất Nguyên và Lý Bạch, tác giả Sa hành đoản ca dùng hình ảnh “tỉnh giả/ tuý giả” để thể hiện tâm trạng thất vọng trước thực tế phần lớn “chúng nhân” nếu không bị “danh lợi” thì cũng bị “mỹ tửu” làm cho mê muội. Mê vì “danh lợi” và mê vì “mỹ tửu” - đó là những cám dỗ danh vọng, vật chất, lạc thú khiến đời người như đi trên bãi cát dài mãi không tới đích. Hình tượng bãi cát dài tiếp tục quay trở lại, ám ảnh hơn trước:

Trường sa trường sa nại cừ hà!

Thản lộ mang mang uý lộ đa

Thính ngã nhất xướng cùng đồ ca

Bắc sơn chi bắc sơn vạn điệp

Nam sơn chi nam ba vạn cấp

Quân hồ vi hồ sa thượng lập?

(Bãi cát dài, bãi cát dài, biết tính với nó sao đây?

Đường bằng phẳng thì mờ mịt, đường ghê sợ thì nhiều

Hãy nghe ta hát khúc ca “đường cùng”

Phía bắc núi Bắc núi muôn lớp

Phía nam núi Nam sóng muôn đợt

Sao anh còn đứng làm chi trên bãi cát?)

Đoạn thơ cuối tập trung dày đặc hơn cả những trùng điệp và đối ngẫu: trường sa/ trường sa/ sa thượng lập, thản lộ/ uý lộ, bắc sơn chi bắc/ nam sơn chi nam, vạn điệp/ vạn cấp, quân hồ/ vi hồ, kể cả những trùng điệp - đối ngẫu với hai đoạn trên: cùng đồ ca/ oán hà cùng/ nại cừ hà…Thủ pháp trùng điệp và đối ngẫu kết hợp với những câu hỏi và câu cảm thán liên tiếp bật lên từ đầu tới cuối bài thơ (Quân bất học tiên gia mỹ thụy ông/ Đăng sơn thiệp thuỷ oán hà cùng/ Trường sa trường sa nại cừ hà/ Thính ngã nhất xướng cùng đồ ca/ Quân hồ vi hồ sa thượng lập) thể hiện thật rõ rệt sự bủa vây của không gian cũng như nỗi bối rối triền miên trong tâm trạng tác giả. Trong khúc ca “đường cùng” hiện lên cả một cảnh tượng hãi hùng, đầy đe dọa, với con đường phía trước mờ mịt, đáng sợ (thản lộ mang mang, uý lộ đa), với muôn trùng núi phía núi Bắc muôn trùng sóng phía núi Nam (Bắc sơn chi bắc sơn vạn điệp/ Nam sơn chi nam ba vạn cấp) dựng lên ngăn cản bước bộ hành. Hình ảnh thơ vẫn vừa là tả thực những quãng đường miền Trung đất nước chênh vênh hiểm trở nằm chẹt giữa núi cao phía bắc và biển lớn phía nam mà Cao Chu Thần từng đi qua, vừa là mượn điển tích (Hậu Hán thư), ngụ ý tượng trưng, gửi gắm tâm trạng. Bài thơ kết thúc bằng một câu hỏi kiêm tán thán rất đặc biệt (Quân hồ vi hồ sa thượng lập?), hai hư từ xuất hiện liên tiếp làm nổi bật hình ảnh một người đứng giữa bãi cát dài vô định không có hướng đi, đường đi bốn phía đầy chướng ngại vật (núi, sóng muôn trùng), văng vẳng bên tai một câu chất vấn đầy nghi hoặc về mục đích và hành động của chính mình (Sao anh còn đứng làm chi trên bãi cát?).

Về nghệ thuật diễn tả tâm trạng, cảm xúc cũng như nghệ thuật kết hợp ý nghĩa tả thực và ý nghĩa tượng trưng, bài thơ có thể được coi như một mẫu mực của lối thơ cổ thể chữ Hán thời trung đại. Sự hô ứng giữa các hình ảnh, từ ngữ, vần điệu, bằng trắc, độ dài ngắn của câu thơ… đạt tới mức hoàn hảo với hiệu quả nghệ thuật cao. Hình ảnh trung tâm xuyên suốt từ nhan đề cho đến câu cuối cùng bài thơ là hình ảnh bãi cát dài cùng người khách bộ hành đơn độc. Bổ sung và tô đậm ý nghĩa tượng trưng cho hình ảnh trung tâm là các hình ảnh con đường (lộ đồ - ˜H “r) và hệ thống từ ngữ liên quan tới “đường” (lộ đồ trung, thản lộ, uý lộ, cùng đồ ca, nhất bộ nhất hồi, đăng sơn thiệp thuỷ, bôn tẩu…). Bài thơ mở với cước vận bằng (sa), tiếp với các cước vận trắc (khước, lạc), cước vận bằng (ông, cùng, trung, đồng, hà, ca) để kết với một loạt cước vận trắc thật trúc trắc nặng nhọc (điệp, cấp, lập). Sự thay đổi vần thơ theo hướng này khiến tâm trạng trăn trở, bức bối của tác giả ngày càng được tô đậm hơn. Độ dài ngắn của câu thơ cũng là một thủ pháp nghệ thuật hữu hiệu, mở đầu bằng bốn câu thơ ngũ ngôn (câu 1 - 4) sau đó xen giữa đoạn thứ hai hai câu ngũ ngôn nữa (câu 7 - 8) - đó là cách tác giả đang đếm từng bước chân “bôn tẩu”, các câu thơ còn lại chủ yếu kéo dài thành thất ngôn (có một câu 8 chữ) với từ ngữ trùng điệp và đối ngẫu dày đặc thể hiện thật rõ nét con đường dằng dặc, không gian bủa vây muôn trùng, cảm xúc oán hận ngày càng tăng cũng như tâm trạng triền miên bối rối hồ nghi của tác giả. Đại từ nhân xưng thay đổi nhiều lần (khách tử, quân, ngã, quân) tạo cho bài thơ một kết cấu mang đậm tính đối thoại, tranh luận, đồng thời cái nhìn khách thể hóa chủ thể có tác dụng mở rộng tối đa khả năng đồng cảm của đối tượng tiếp nhận đối với nhân vật trữ tình. Việc sử dụng điển cố và thi liệu cũng là yếu tố mang đến cho bài thơ những nét mới mẻ, thoát khuôn sáo ở chỗ tác giả đã thay đổi ý nghĩa của thi liệu (thay đổi ý nghĩa của thi liệu “đăng sơn”, của cặp hình tượng “tỉnh giả/ túy giả”, của điển cố rút từ Hậu Hán thư). Ngoài Sa hành đoản ca, hình ảnh con đường mịt mù đáng sợ với bao chướng ngại vật trải dài trước bước chân con người tuổi trẻ còn xuất hiện trong một số bài thơ khác sáng tác cùng thời gian vào Kinh thi Hội của Mẫn Hiên, như bài Lạc sơn lữ trung (Thiếu niên tật tẩu chung hà sự?/ Uý lộ man man trước lữ hoài – Tuổi trẻ chạy vạy cuối cùng có nên việc gì không/ Con đường ghê sợ còn dài cứ vướng vít lòng lữ khách), bài Hoành sơn vọng hải ca (Hải khí quyển sơn sơn như chỉ/ Sơn bắc sơn nam thiên vạn lý/ Công danh nhất lộ kỷ nhân nhàn?/ Quan cái phân phân ngã hành hỹ! – Hơi bể quyện vào núi, núi lởm chởm như ngón tay/ Phía bắc núi phía nam núi, suốt nghìn muôn dặm/ Trên đường công danh đã mấy ai nhàn/ Mũ lọng nhộn nhịp ta cũng đi đây)… Song Sa hành đoản ca mới thực sự là một hình tượng nghệ thuật hoàn chỉnh về tâm trạng hoang mang, chán nản của một trí thức nho học trước con đường cử nghiệp nói riêng cũng như thực trạng đường đời nói chung thời đó.

Được làm theo lối thơ cổ thể khá tự do không bị câu thúc bởi niêm luật, Sa hành đoản ca tuy vẫn sử dụng bút pháp trung đại (bút pháp tượng trưng, điển cố) nhưng không phải để nói chí mà chủ yếu là để tỏ bày tâm trạng, bộc lộ cảm xúc thực trước đường đời. Đó là nét mới của thơ ca nhà nho thế kỷ XIX, cho thấy sự vận động theo hướng gắn liền với cuộc sống hiện thực ngày càng đậm nét hơn trong văn chương trung đại. Bằng sự trải nghiệm bản thân, thông qua hình tượng thơ, Cao Bá Quát dường như đã bộc lộ những dự cảm về cung cách khoa cử phong kiến lỗi thời thiếu thực dụng, gián tiếp thể hiện cái nhìn tiên đoán khá chính xác về chung cục bế tắc của con đường cử nghiệp triều Nguyễn khi vận hội mới ùa đến. Và phải chăng ngay trong nỗi oán hận chán nản hồ nghi con đường đời mãi không tới đích đã ngầm ẩn chứa cả nỗi khát khao thay đổi, khát khao vươn tới một lý tưởng sống tốt đẹp hơn?

6. “Sa hành đoản ca” tiếng kêu bi phẫn của bậc trượng phu thất thế

Cao Bá Quát (1808-1855) hiệu Chu Thần, quê làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, Kinh Bắc xưa, Hà Nội ngày nay. Ông nổi tiếng học giỏi, thơ hay vào bậc nhất đương thời. Người đời tôn vinh Cao Bá Quát là Thánh Thơ (Thi thánh).

Tuy nhiên, thầy Cao không gặp thời. Ông nhanh chóng mắc vào lưới đời. Hai lần làm quan ở bộ Lễ. Hai lần ở viện Hàn Lâm, nhưng cuộc đời làm quan của Cao Chu Thần cộng lại cũng chỉ được mấy năm, hoàn toàn bất đắc chí. Xã hội đương thời không chứa nổi tâm hồn và khí phách họ Cao. Thơ Cao Bá Quát có cái cốt cách phóng túng, khoáng đạt, kỳ vĩ của thơ Lý Bạch; nhưng lại có cả màu sắc hiện thực gần gũi, rất giàu nhân bản và nhân văn của thơ Đỗ Phủ, hai nhà thơ lớn nhất đời Đường.

Cao Bá Quát đứng về phía nhân dân, chống lại triều đình phong kiến nhà Nguyễn đã đến lúc suy tàn. Ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương ở Sơn Tây. Theo sử nhà Nguyễn thì thầy Cao bị bắn chết ở trận tiền. Nhưng theo một số tài liệu mới thì Cao Bá Quát không chết trong chiến đấu. Khởi nghĩa thất bại, Cao Bá Quát trốn sang Trung Quốc dạy học và viết chữ thuê, sống đến tuổi thất thập. Thơ Cao Bá Quát hiện sưu tầm được khoảng hơn 1.500 bài. "SA HÀNH ĐOẢN CA" là một trong nhiều bài thơ hay của Thánh thơ Cao Bá Quát.

Cao Bá Quát viết hay ở nhiều thể loại thơ ca. Ở thơ luật Đường, ở Cổ phong… Tuy nhiên, có lẽ chỉ ở thể "ca", các bài ca, mới là nơi có thể ôm chứa đầy đủ tầm vóc tâm hồn và cốt cách thi nhân. "Sa hành đoản ca" là một bài ca tiêu biểu trong các bài "ca" của Thi thánh Cao Bá Quát.

Bốn câu đầu, miêu tả cuộc hành trình trên bãi cát dài. Không phải một bãi cát, mà liên tiếp những bãi cát dài, mênh mông bất tận: "Bãi cát dài, lại bãi cát dài". Còn người đi trên bãi cát thì sao? "Đi một bước, như lùi một bước". Đi, mà như không thể nào tiến lên được! Vài nét chấm phá, khiến ta hình dung thấy đầy đủ sự gian truân, vất vả như thế nào của kẻ lữ hành. Mà ngày đã cạn, mồ hôi dường đã kiệt, sức đã tàn, bến bờ chưa tới. Chưa tới, nên chưa thể dừng được, không thể nào dừng lại nghỉ ngơi được, nên chi: Lữ khách trên đường nước mắt rơi…

Chỉ với bốn câu thơ ngắn gọn, mà khái quát đầy đủ về một thiên nhiên khắc nghiệt và một con người cô đơn bất hạnh. Không gian rộng lớn, choáng ngợp, cùng với thời gian nghiệt ngã, như bủa vây, như bóp nghẹt con người nhỏ nhoi tội nghiệp, đáng thương.

Bốn câu tiếp theo, có vẻ như không dính dáng gì với bốn câu đầu. Đó là những suy tư trăn trở về lẽ đời và bộc bạch tâm trạng:

"Không học được tiên ông phép ngủ

Trèo non, lội suối, giận khôn vơi

Xưa nay phường danh lợi

Tất tả trên đường đời"

Tú Xương từng chán nản, phẫn uất kêu lên: "Ngủ quách sự đời, thây kẻ thức"! Cao Chu Thần tự trách mình "không học được Tiên Ông phép ngủ"…Ngủ để quên đi cái sự đời thật đáng giận, "giận khôn vơi"! Mà giận ai kia chứ? Có lẽ nhà thơ giận chính mình, trước hết. Chiếc mũ nhà Nho như chiếc vòng kim cô, buộc thắt một trí tuệ, trói chặt một tâm hồn khoáng đạt, khao khát tự do, không phải chỉ là tự do cho riêng mình. Nhà thơ lầm lỡ theo thiên hạ bước chân vào vòng danh lợi mà không thể nào, hoặc chưa có cách gì thoát ra được, phải "trèo non lội suối", phải tất tả lận đận trên đường đời, giận này biết bao giờ vơi! Cao Bá Quát giận đời, nhưng ở đây tác giả giận mình, tự giày vò mình là chính, vì những lầm lỡ, uổng phí cả một đời trai trẻ tài hoa. Đó chính là bi kịch xót xa của kẻ sĩ chân chính, không gặp thời.

Bài ca tiếp nối bằng một câu hiện thực, nhưng lại được khái quát như một triết lý về thói đời, về sự say sự tỉnh: (Hễ) "quán rượu ở đầu gió rượu ngon/ (Thì) người tỉnh thường ít mà người say vô số"! Không hẳn là một quán rượu có thật, bởi vì tác giả chỉ mượn mùi men thơm nồng quyến rũ, để luận về một cái "say" cái "tỉnh" vô hình vô ảnh ở đời. Thời cổ đại Trung Hoa, Khuất Nguyên cũng đã từng nói rằng thiên hạ "say" hết, chỉ mình ông "tỉnh". Thiên hạ "đục" hết, chỉ mình ông "trong". Nguyễn Trãi cũng đã nhiều lần than thở như thế… Đó là sự thật, một sự thật ở thời nào cũng thấy, như một căn bệnh xã hội trầm kha, chẳng phải đáng buồn lắm hay sao?…

Rồi thi nhân lại cất lên tiếng hỏi, như là một tiếng kêu chới với, thất vọng, hoang mang và bế tắc: "Bãi cát dài, bãi cát dài ơi!/ Tính sao đây?"… Biết tính sao đây, khi mà "Đường bằng mờ mịt/ Đường ghê sợ còn nhiều!". Hỏi trời đất và hỏi chính mình, day dứt, hoài nghi. Một câu hỏi lớn không lời đáp. Nhưng trước mắt vẫn là muôn trùng trở ngại, thì hãy cất lên tiếng ca bi phẫ

"Hãy nghe ta hát khúc "đường cùng"

Phía Bắc núi Bắc, núi muôn trùng

Phía Nam biển Nam, sóng dào dạt

Anh đứng làm chi trên bãi cát?"

Quả là tứ phía điệp trùng bủa vây, những núi Nam núi Bắc và mênh mông biển cả sóng cồn. Con người nhỏ bé bị kẹt giữa thiên nhiên trời đất vô cùng, mờ mịt, còn biết đứng làm chi trên bãi cát cuộc đời, mà không đau đớn ca lên khúc ca "đường cùng" ?

Một bài ca ngắn (đoản ca), trên bãi cát dài, mà tình điệu thì vô cùng vô tận. Đó chính là tiếng lòng chứa chất bao nỗi niềm bi phẫn, bế tắc của Cao Chu Thần trước "bãi cát cuộc đời" trớ trêu, mà "đường bằng mờ mịt, đường ghê sợ thì nhiều". Và một câu hỏi lớn, khắc khoải khôn vơi, như báo hiệu một cơn giông đang nhóm lên ở phía chân trời…

Nhìn tổng thể, "Sa hành đoản ca" là một ẩn dụ toàn bài. Những hình ảnh hiện thực, chỉ là những tiết điệu nhấn nhá cho một hàm ẩn đa tầng, đầy vơi giằng xé tâm trạng. Thể ca như tấm áo choàng, khoác lên hình hài một tâm hồn lộng gió bốn phương.

Có thể ước đoán Cao Bá Quát viết "Sa hành đoản ca" khi ông trở về sau chuyến "Dương trình hiệu lực", bốn năm sau (1847) thì lại bị phát phối, lưu đày đi làm lính thú ở thành Điện Hải (Đà Nẵng) và một số tỉnh miền Trung, như Quảng Nam, Quảng Ngãi. Ở đây, Cao Bá Quát viết những bài thơ nổi tiếng, như "Sa hành đoản ca", "Trà Giang thu nguyệt ca", "Cùng Bùi Nhị Minh Trọng", "đêm đậu thuyền bên sông Trà"… Từ khi bị mắc vào lưới đời, lâm vào cảnh tù ngục, Cao Bá Quát cảm thấy con đường chính trị của ông từ đây xem như chấm dứt, không còn cơ hội ngóc đầu lên được. Con đường công danh trở nên u ám, tối tăm và bế tắc. Mỗi bước đi trên bãi cát dài, chính là mỗi bước khổ ải trên "con đường danh" đầy chông gai, đầy ghê sợ! "Sa hành đoản ca", chính là tâm sự cay đắng của kẻ sĩ cùng đường, chứa chất muôn nghìn bi phẫn!

Hùng Cường